Nhân sự kiện xuất bản sách của Plato và Aristotle ở Việt Nam

Thật là một tin mừng đối với những người như tôi khi nghe được tin này. Hai tác phẩm lớn nhất của nền chính trị học phương tây đã được xuất bản tại Việt Nam. Đó là Cộng hòa1 của Plato và Chính trị luận2 của Aristotle.

Lý do khiến tôi vui mừng đến vậy là vì những cuốn sách cũ này không chỉ là những tác phẩm cổ điển từ ngày xa xưa (thế kỷ V và IV trước CN) mà một giáo viên như tôi muốn sinh viên của mình đọc. Mà đó còn là những cuốn sách đòi hỏi mọi người suy nghĩ về tương lai. Thời điểm này, công luận Việt Nam đang bàn thảo về Hiến pháp, cũng như tìm kiếm các cách thức để bảo đảm một Việt Nam có thể tồn tại, phát triển và hạnh phúc trong thế kỷ XXI này, những tranh luận của thế giới cổ xưa là con đường đúng đắn để nhìn nhận thế giới của chúng ta rõ ràng hơn. Cả Plato và Aristotle đều đưa ra những câu hỏi mà thế kỷ XXI cần đặt ra, cho dù chúng ta có thể trả lời chúng theo những cách thức khác biệt hoàn toàn với họ. Tôi muốn đưa ra một vài lý giải đang chiếm ưu thế trong tranh luận này một cách chung nhất.

Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi về hiến pháp. Trong khía cạnh này có vẻ như đây là một câu hỏi về pháp luật đơn thuần, đưa ra ý nghĩa gì đó cho những chuyên gia ở các trường luật và những chuyên viên khác. Tuy nhiên, vì khái niệm về hiến pháp khởi nguồn từ Hy Lạp cổ đại thời kỳ mà Plato và Aristotle sinh sống, nó được nhìn nhận tương xứng với cách mà họ hiểu về khái niệm này. Nó cũng tương xứng với điều mà họ cho là quan trọng nhất trong một bản hiến pháp, và tạo sao những hiến pháp trong thế kỷ XXI lại có vài khía cạnh khác biệt hoàn toàn.

Ngày nay, khi chúng ta nói tới hiến pháp, hầu hết chúng ta đều muốn nói tới khung pháp lý cơ bản; đó là luật pháp cơ bản làm nền tảng cho các bộ luật khác. Theo lý thuyết chung ngày nay – ở các quốc gia khác nhau – nếu có gì đó bị đánh giá là mâu thuẫn với hiến pháp thì sẽ bị hủy bỏ hoặc sửa đổi, cho dù đó có là một bộ luật khác do chính phủ ban hành, hoặc là một thông lệ lâu đời được sự chấp thuận của phần đa trong xã hội đi nữa.
Có một cách giải thích khác là coi những chức năng của hiến pháp như những đường biên của một sân bóng, nhưng tinh vi và phức tạp hơn nhiều. Nếu như không có giao kèo về trận đấu trên sân bắt đầu và kết thúc thì sẽ chẳng ai biết khi nào họ cần hoặc không cần lắng nghe trọng tài. Do vậy, cũng không có giao kèo về các luật lệ chơi bóng, và cũng không có cách thức thống nhất để tổ chức các đội bóng.

Điều làm cho ví dụ này bị giới hạn là đã có một thỏa thuận mang tính toàn cầu về sân bóng, và chẳng có nhiều lắm tranh cãi về các luật chơi đã được chấp nhận. Tuy nhiên, không có hiến pháp có thể chấp nhận được – hoặc những bộ luật thực hiện chức năng như hiến pháp – sẽ thật là khó khăn để đạt tới một thỏa thuận về các quy định cơ bản trong xã hội. Thật khó khăn để biết bộ luật nào cụ thể hơn để thực hiện và tuân thủ, và nói chung người dân sẽ không biết họ có thể trông đợi được điều gì từ chính quyền. Nói một cách ngắn gọn, những nội dung và tư tưởng về hiến pháp cũng chính là mục đích của các nội dung của pháp luật.

Plato và Aristotle hiểu điều này theo cách của họ. Họ sống trong thời kỳ mà bản chất của nhà nước và pháp luật dễ đổ vỡ hơn bây giờ nhiều. Kết quả của sự bất an toàn này là khi họ nghĩ về thứ mà chúng ta gọi là một bản hiến pháp thì họ không hạn chế bản thân trong những câu hỏi thiên về pháp luật và theo nghĩa hẹp. Họ hỏi về mục đích bao quát toàn bộ của pháp luật và những sự dàn xếp về chính trị nói chung. Bởi vì họ đặt ra những câu hỏi cơ bản này khi đã nhận thức được rằng họ không thể chỉ đơn thuần dựa trên mỗi truyền thống. Đó là họ đã nhận ra rằng họ không thể nói rằng “chúng ta nên làm mọi việc theo cách này vì đó là cách chúng ta vẫn thường làm.” Đúng ra là họ đã phải đưa ra những lý do để thuyết phục bất cứ ai lắng nghe, và họ đã phải lôi cuốn cảm xúc rộng mở hơn của chủ nghĩa yêu nước và công lý cho chính dân tộc mình.

Vậy thì điều gì đã khiến những nhà tư tưởng cổ đại nói rằng điều đó vô cùng lý thú? Trong tiểu luận tiếp theo của loạt bài này tôi sẽ giải thích cách thức phản ánh của pháp luật và đạo đức đã dẫn dắt Plato tới tranh luận rằng chỉ có một bản hiến pháp là không đủ, đúng hơn là hiến pháp là một bản kế hoạch cho một xã hội hoàn hảo, và rằng chính bản thân ông đã biết xã hội không tưởng đó như thế nào. Trong tiểu luận sau đó tôi sẽ lý giải cách thức Aristotle tranh luận rằng pháp luật và hiến pháp sẽ vô nghĩa trừ khi chúng ta tìm được cách thức nào đó để đối phó với sức mạnh đen tối của đồng tiền.

Đến giờ, chúng ta có thể nhắc nhở bản thân về điểm mấu chốt: một vài nhà tư tưởng cổ đại đặt câu hỏi về mục đích cơ bản của pháp luật, chính trị và xã hội. Xem xét những câu trả lời của họ là cách thức kích thích bản thân chúng ta đưa ra những câu trả lời tốt hơn của chính mình.

Đặng Ly dịch

* Trường ưu tú Barrett, thuộc Đại học Bang Arizona

1 Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan; NXB Thế giới và AlphaBooks ấn hành; Giá bìa: 169.000 VND

2 Dịch giả: Nông Duy Trường; NXB Thế giới và Alphabooks ấn hành; Giá bìa: 119.000 VND

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)