Những bãi đá nam châm: Đánh giá các chiến lược pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông Nam Á* (Tiếp theo và hết)

Nhà cầm quyền TQ đã cố tình áp dụng chính sách luật pháp mơ hồ có chủ ý về phạm vi tuyên bố của mình. Sự "mơ hồ chiến lược" chỉ là một khía cạnh của chiến lược lớn hơn – chiến lược trì hoãn. Chiến lược trì hoãn của TQ cũng ảnh hưởng đến cách thức TQ thương lượng các yêu sách về pháp lý.

Trước hết, TQ đã cố gắng hết sức mình để tránh không chịu giải quyết xung đột. Trong khi đã chính thức cam kết tiến trình giải quyết một cách hòa bình, trên thực tế Bắc Kinh lại không ngừng cổ vũ cho chính sách “cùng phát triển”, theo đó các bên tranh chấp nên trì hoãn việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền cho đến khi các điều kiện “chín muồi”. Trong khi chờ đến lúc đó, tất cả các bên nên làm việc cùng nhau để phát triển các nguồn tài nguyên trên Biển Đông Nam Á. Mặc dù phương pháp này hầu như chẳng dụ dỗ được ai, nó vẫn cho phép TQ tránh được tình trạng lưỡng nan của mình khi được áp dụng: Bắc Kinh có thể thúc đẩy hòa bình trong khu vực trong khi không ngừng khai thác nguồn tài nguyên biển và duy trì tuyên bố chủ quyền của mình.

Một chiến thuật đàm phán khác là việc Bắc Kinh luôn đòi hỏi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông Nam Á bằng con đường song phương. Theo sự khôn ngoan thông thường, TQ muốn thương lượng tay đôi chứ không muốn đàm phán đa phương bởi vì TQ có thể dễ dàng dùng sức mạnh của mình để chiếm ưu thế khi chỉ có một đối tác đàm phán duy nhất. Nhưng đàm phán song phương cũng đem lại một lợi ích khác mà có lẽ còn quan trọng hơn: chúng cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốc độ đàm phán. Ngược lại, các cuộc đàm phán đa phương khiến các bên tranh chấp khác dễ thỏa thuận với nhau để buộc TQ phải hành động. Ngay cả khi đã không thể ngăn chặn các bên khác có thỏa thuận riêng, thì TQ cũng đã cản trở tiến trình thương lượng bằng cách thu phục từng quốc gia riêng lẻ và lợi dụng sự chia rẽ nội bộ.

Chiến lược pháp lý của TQ ngày càng tỏ ra không còn phù hợp

Trong nhiều năm, cách phản ứng của TQ tỏ ra rất hiệu quả. Từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000, TQ và các bên tranh chấp khác ưu tiên tôn trọng luật pháp quốc tế và ngoại giao trong cả lời nói và hành động. Tuy nhiên, vào giữa những năm 2000, các bên tranh chấp khác – đặc biệt là Việt Nam và Philippines – đã nhận ra rằng họ đang thua cuộc trong chiến lược trì hoãn của TQ. Nếu họ chơi theo các điều kiện của TQ, họ sẽ tiếp tục thua. Vì vậy, họ đã thay đổi các quy tắc của trò chơi.

Các bên đã tiếp tục sử dụng những lời lẽ như trước đây, nhưng những hành vi bên dưới những lời lẽ này đã bắt đầu thay đổi. Thay vì nhấn mạnh nội dung của luật, các bên tranh chấp nhỏ hơn – đặc biệt là Philippines và Việt Nam – đã hoàn thiện một chiến lược mới nhưng vô cùng nguy hiểm: Buộc TQ phải đối đầu với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính mình. Manila và Hà Nội đều biết rằng họ không thể hy vọng buộc được phía TQ phải từ bỏ các yêu sách của mình, nhưng họ tính toán rằng họ có thể ép TQ có những nhượng bộ đáng kể, miễn là Bắc Kinh vẫn tiếp tục dao động giữa hai chủ trương xâm lược và thỏa hiệp. Vì thế, trong thập kỷ vừa qua, Philippines và Việt Nam đã cố gắng gây áp lực lên phía TQ bằng cách thay đổi thực tế tại hiện trường và quốc tế hóa cuộc xung đột. Bằng cách áp dụng một tư thế chủ động hơn, hai nước này hy vọng rằng TQ sẽ bị buộc phải đưa ra một quyết định rõ ràng – hoặc phản ứng cứng rắn – và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược tăng trưởng về dài hạn của nước này – hoặc chấp nhận nhượng bộ một số điểm trong tranh chấp. Philippines và Việt Nam đang hy vọng TQ sẽ thực hiện lựa chọn sau.

Thoạt đầu, TQ hơi mất cảnh giác trước chiến lược mới của Manila và Hà Nội, nhưng sau đó nước này nhanh chóng phục hồi và đưa ra một chiến lược hai gọng kìm mới. Như Peter Dutton đã chỉ ra, gọng đầu tiên của TQ là nhấn mạnh sự cưỡng ép phi quân sự. Một phần của chiến lược này là việc TQ đã tràn ngập Biển Đông Nam Á với một loạt các chiếc tàu “vỏ trắng”, tức các tàu thuộc sở hữu của các cơ quan hàng hải dân sự của TQ. Những tàu này sau đó được sử dụng để đẩy lùi đối với các bên tranh chấp khác, ví dụ, bắt giữ ngư dân nước ngoài hoặc cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã kéo một giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam, tất nhiên là cũng có sự che chở của một hạm đội tàu màu trắng. Một khía cạnh khác của chiến lược này là việc TQ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để “gây trở ngại” khiến các nhà đầu tư quốc tế không dám mạo hiểm vào vào vùng biển đang bị tranh chấp này của khu vực.

Để triển khai gọng kìm thứ hai, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng và tăng cường trang bị cho hải quân của mình. Sự trang bị này sau đó được sử dụng hầu hết với mục đích răn đe; TQ không muốn tham gia vào cuộc xung đột trực tiếp, mà tìm cách đặt ra một giới hạn cho việc cưỡng chế phi quân sự của gọng kìm thứ nhất và ngăn chặn để nó không vượt khỏi tầm kiểm soát. Kết quả là, khi tàu Philippines gặp tàu hàng hải dân sự TQ thì họ luôn biết rằng chắc chắn Hải quân của Quân đội nhân dân TQ (PLAN) cũng đang ẩn nấp đâu đó.

Kết hợp lại, hai gọng kìm này cho phép TQ phản ứng mạnh mẽ với các hành động khiêu khích của các bên tranh chấp khác trong khi vẫn kiềm chế khả năng leo thang chiến tranh. Một lần nữa, mục tiêu là để dung hòa lợi ích của các chiến lược đầy mâu thuẫn của TQ: Bắc Kinh bảo vệ các yêu sách của mình thông qua các biện pháp dân sự mà đôi khi khá hung hăng, nhưng lại ngăn chặn không cho phép cuộc tranh chấp làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của mình bằng cách đảm bảo rằng các vũ khí vẫn nằm yên ở trong bao.

Trong việc thực hiện chiến lược mới này, TQ đôi khi phản ứng với hành động của các bên tranh chấp khác với chỉ đơn thuần bằng một hành động tương ứng theo chiều ngược lại; tuy nhiên, gần đây hơn, TQ đã bắt đầu không chỉ đáp lại mà còn leo thang, đặt thêm áp lực lên các bên tranh chấp khác để buộc họ lùi bước. Ví dụ, sau khi một tàu hải quân Philippines bắt giữ ngư dân TQ gần bãi cạn Scarborough vào tháng Tư năm 2012, TQ đã đưa vào vùng biển nhiều tàu biển dân sự của mình. Bế tắc kéo dài trong hai tháng cho đến khi Hoa Kỳ làm trung gian cho việc rút quân của hai bên. Trong khi Philippines nghiêm chỉnh rút lui, TQ không giữ lời hứa về thỏa thuận này và vẫn để lại tàu của mình. Một tháng sau, Quân đội nhân dân TQ đã chặn lối vào bãi cạn này, và các con tàu của TQ đã liên tục tuần tra ở vùng biển này từ đó đến nay.

Sự bế tắc tại bãi cạn Scarborough là kết quả của sự leo thang rất hiếm thấy trong lịch sử về phía TQ: Trên thực tế, Bắc Kinh đã phải giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough như một phản ứng với việc Philippines xua đuổi ngư dân TQ. Nhưng ở khía cạnh khác, phản ứng của TQ không có gì là bất ngờ. Trong việc phản ứng với các hành động khiêu khích của các bên tranh chấp khác, Bắc Kinh phải đi dây giữa ứng xử không đủ mạnh mẽ (khiến các quốc gia khác trở nên mạnh dạn hơn) và ứng xử quá mạnh (và tạo ra bộ mặt của một kẻ côn đồ trong khu vực). Xét về tổng thể, TQ đã không thể duy trì sự cân bằng này, hẳn là vì một phản ứng được hiệu chỉnh một cách hoàn hảo là điều không thể có được. Kết quả là, dư luận trong khu vực đã lên án TQ một cách mạnh mẽ.

Dù trong trường hợp nào thì điều đã làm cho câu chuyện về Scarborough được bộ lộ rõ ràng nhất cũng chỉ đã xảy ra nhiều tháng sau khi TQ củng cố quyền kiểm soát ở bãi cạn này. Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines bắt đầu thực hiện hồ sơ đưa ra trọng tài quốc tế về yêu sách của TQ theo Công ước về luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Ở một khía cạnh nào đó, vụ kiện này có vẻ ít quan trọng. TQ đã từ chối tham gia vụ kiện, do đó, vụ kiện này có thể dễ dàng bị gạt qua một bên vì thiếu thẩm quyền. Nhưng ngay cả khi vụ kiện này thực hiện được, và thậm chí nếu kết quả là Manila thắng kiện, thì sau đó Bắc Kinh cũng chỉ cần lờ đi quyết định của tòa và chờ cho làn sóng chỉ trích của quốc tế qua đi. Bất kỳ kết quả nào của vụ kiện cũng sẽ không thể được thực hiện một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, mặc dù vụ kiện này không có ý nghĩa thực tế nào, nhưng TQ đã điên cuồng ngăn chặn không cho nó tiếp tục – dù không thành công. Vào tháng Giêng năm 2014, Bắc Kinh cho thấy mức độ tuyệt vọng cao hơn, và được cho là đã đề nghị cho rút lui các con tàu của mình từ bãi cạn Scarborough nếu Philippines đồng ý trì hoãn việc nộp chứng cứ của mình vào hồ sơ vụ kiện này. Mặc dù đề nghị đó cũng chỉ nên được xem với sự nghi ngờ, vì rõ ràng là Bắc Kinh đã không giữ lời hứa của mình trong những giao dịch liên quan đến bãi cạn này trước đó – thì đây vẫn là một đề nghị bất thường nếu quả thật thông tin này là đúng: TQ sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền chỉ để tránh một chút tiếng xấu. Vì vậy, mặc dù đã thắng trong việc chiếm bãi cạn Scarborough, TQ vẫn có thể bị xem là người bại trận vì Manila đã có được cái mà Bắc Kinh đánh giá cao hơn cả chủ quyền lãnh thổ: danh tiếng là một quốc gia biết tuân thủ luật pháp quốc tế. Đối với TQ, danh tiếng này có liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển dài hạn của nó, và quốc gia này không thể dám trưng ra cho thế giới biết tình trạng không tuân thủ luật pháp quốc tế của mình.

Biến cố mới nhất trong bế tắc tại bãi cạn Scarborough đã làm rõ những giới hạn trong chiến lược mới của TQ. Những chiến thuật thẳng thừng của TQ đã có một số thành công, và trong tương lai, Manila có thể sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu một cuộc thách trên một hòn đảo tranh chấp. Nhưng chiến lược của TQ đã không thể vĩnh viễn làm thay đổi các tính toán tổng thể của các bên tranh chấp khác. Mỗi khi thành công trong việc ngăn cản một hành động khiêu khích thì TQ cũng đồng thời kích thích sự leo thang của các bên khác. Kết quả là, cả hai lựa chọn trong tình thế lưỡng nan của TQ đều đang bị đe dọa: chiến lược phát triển lâu dài của TQ đang ngày càng bị hủy hoại trong khi quốc gia này ngày càng phải đối mặt với những mối đe dọa đối với các yêu sách lãnh thổ của mình.

Tồi tệ nhất là tình hình của TQ trong tương lai có vẻ sẽ không được cải thiện. Động lực mà TQ có được do chiến lược tương tác của nước này với các bên tranh chấp khác vốn không ổn định; việc chống lại một hành động khiêu khích chỉ dẫn đến một hành động khiêu khích lớn hơn ở một nơi khác. Sẽ đến lúc Bắc Kinh thấy rằng họ phải ngậm bồ hòn làm ngọt và đưa ra một lựa chọn cực kỳ khó khăn: hoặc leo thang tranh chấp thành một cuộc xung đột hải quân và xem xét những gì sẽ xảy ra trong khu vực, hoặc phải nhượng bộ những vùng lãnh thổ có giá trị chiến lược lãnh thổ – như Bắc Kinh có thể đã thực hiện cách đây bốn tháng trước, và sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn tiềm năng ở trong nước. TQ sẽ làm tất cả những gì có thể để trì hoãn sự lựa chọn này, nhưng sớm muộn gì, TQ cũng phải đi đến quyết định.

——

Sean Mirski là sinh viên năm thứ hai tại Trường Luật Harvard, nơi ông làm Trưởng nhóm phụ trách mục Tòa án tối cao của tờ Harvard Law Review. Ông cũng là đồng biên tập của cuốn sách: Trọng tâm của Châu Á : Trung Quốc, Ấn Độ và trật tự mới đang lên của thế giới.

Vũ Thị Phương Anh dịch

Nguồn: http://nationalinterest.org/feature/magnetic-rocks-assessing-chinas-legal-strategy-the-south-10481?page=2

* Bản gốc tiếng Anh sử dụng từ South China Sea, tiếng Việt dịch là Biển Đông, nhưng chúng tôi chọn cách dịch ra là Biển Đông Nam Á, một cách gọi đã từng được đề nghị bởi một số tổ chức, để cổ vũ cho sự hợp tác của Đông Nam Á chống lại một Trung Quốc hung hãn xâm lăng. Ví dụ về cách gọi này có thể tìm thấy ở các trang sau đây: http://www.nippon-foundation.or.jp/en/what/projects/protecting_the_asean_sea/; http://koreanewsonline.blogspot.com/2012/05/southeast-asian-sea-asean-sea-to.html#.U3r4A9J_t9U

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)