Những từ ngữ hợp thời
Những từ ngữ thời thượng đặc biệt có xu hướng khiến người ta lạm dụng khoa học. Tôi hiểu rằng phần lớn mọi người có thể thấy điều này không quan trọng nhưng là một nhà khoa học, tôi cảm thấy đó là điều xúc phạm nhất.
Hơn năm mươi năm trước, một xuất bản phẩm có tên “Giới hạn cho sự Phát triển”1, báo cáo đầu tiên của Câu lạc bộ Rome – một think tank toàn cầu do nhà từ thiện Aurelio Pecci sáng lập, đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng: lần đầu tiên, chúng ta cùng đồng thuận rằng sự tăng trưởng kinh tế không thể kéo dài mãi mãi vì tài nguyên đang giảm sút. Các báo cáo tiếp theo, Nhân loại ở Điểm bước ngoặt2 và Cuộc Cách mạng Toàn cầu Lần thứ Nhất3 hy vọng loài người có khả năng để vượt qua những thách thức đó, nhưng sự lạc quan này cũng dần phai nhạt theo thời gian và đến năm 2008, nhà vật lý Graham Turner4 chỉ ra rằng dữ liệu lịch sử 30 năm đã khớp với những sự kiện chính trong kịch bản bi kịch nhất mà báo cáo “Giới hạn cho sự Phát triển” đưa ra, có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội toàn cầu vào giữa thế kỉ 21.
Ngay sau sự ra đời của báo cáo “Giới hạn cho sự Phát triển”, người ta bắt đầu sính dùng từ “bền vững” (Hình 1) để mô tả sự phát triển mang màu sắc hy vọng của hành tinh này, dẫu phải đối mặt với những khó khăn mà những giới hạn của sự phát triển đem lại. Khái niệm kiểu này chỉ thực sự có ý nghĩa ở quy mô toàn cầu, trên khắp hành tinh – quy mô mà những giới hạn của sự phát triển nói đến. Còn ở quy mô từng quốc gia riêng lẻ, nó hoàn toàn vô dụng. Chi phí mua năng lượng trung bình mỗi người hằng năm ở 10 quốc gia giàu có nhất trên thế giới là hơn 110,000 USD và ở 10 nước nghèo nhất, con số đó chỉ là 1500 USD. Tức là con số đó ở Singapore và Quatar gấp 250 lần so với ở Nam Sudan. Hiển nhiên, các ưu tiên của Nam Sudan không phải là quan tâm đến sự phát triển bền vững toàn cầu, họ còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề sống còn khác.
Rất tiếc, những phương tiện truyền thông hiện đại, bao gồm internet và mạng xã hội, đã bóp méo và lạm dụng cách dùng các từ đang thịnh hành, mà từ “bền vững” là một ví dụ. Giờ người ta dùng chúng để quyến rũ công chúng cũng như những nhà quản lý và chính trị gia, mà không hề quan tâm tới ý nghĩa thực sự của chúng. Mục tiêu của họ là kiếm tiền, thu hút vốn, phiếu bầu cử và những biểu tượng “likes” (lại một từ ngữ thịnh hành khác). Những gì xảy ra hết sức tinh vi, nó nằm ở sự lẫn lộn giữa những khái niệm mà những từ ngữ này gợi ra. Hãy tiếp tục với ví dụ về từ “bền vững”, đó thực sự là một khái niệm đáng coi trọng nếu dùng để kêu gọi một tầm nhìn dài hạn thay vì ngắn hạn cho tương lai. Đó là một yêu cầu của quản trị tốt mà người ta vẫn nói hàng thế kỉ nay, không cần đến Câu lạc bộ Rome người ta mới tiết lộ; yêu cầu này áp dụng cho cả Nam Sudan lẫn cho cả Liên Hợp Quốc. Miễn là người ta sử dụng từ ngữ này khi nói về phạm vi toàn cầu, thì nó thực sự đáng coi trọng và là một khái niệm quan trọng mà người ta phải nhớ đến khi thảo luận những vấn đề và ưu tiên cấp bách trên thế giới.
Nhưng buồn thay, đánh tráo những khái niệm quan trọng với những tuyên bố sai lầm và thiếu trung thực để hòng dắt mũi người khác đã trở thành một kỹ thuật phổ biến. Ví dụ, nếu bạn tìm kiếm từ khóa “Việt Nam bền vững” (sustainable Vietnam)5 trên Google, bạn sẽ nhận được 156 triệu kết quả trong vòng 0.3 giây; chủ yếu trong những kết quả đó, bạn sẽ thấy những nội dung kiểu “Việt Nam cần một lực lượng lao động ổn định hơn, được đào tạo tốt hơn, năng suất hơn và điều đó chỉ có thể đạt được nếu nâng cao năng lực quản trị”, – nghe có vẻ đúng; nhưng không may thay là nó lại viết tiếp thế này “Ai đó dù chỉ có một chút hiểu biết về Việt Nam cũng phải đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng tới quốc gia này, với mực nước biển ngày càng dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và sự ổn định của nền kinh tế nói chung.” Như tôi tranh luận trong nhiều bài báo trước trên Tia Sáng, điều này không đúng. Không phải biến đổi khí hậu khiến Việt Nam dễ bị tổn thương, mà chỉ đơn giản là do các hiện tượng khí hậu cực đoan mà Việt Nam vẫn phải đối mặt hàng thế kỉ nay. Các trận lụt là một hiểm họa ngày càng lớn không phải là do nước biển dâng mà bởi sự tàn phá rừng ngập mặn và sự lún của đồng bằng phần lớn gây ra bởi sự khai thác nước ngầm quá mức. Tác động của biến đổi khí hậu tới những hiện tượng thời tiết cực đoan là không đáng kể khi so sánh với sự biến thiên của những sự kiện này cùng với tác động của các chu kì el Niño/la Niña. Chúng ta cần sự thích ứng, chứ không phải là giảm thiểu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không quan tâm tới các vấn đề ô nhiễm: ô nhiễm không khí, đất, nước là những vấn đề lớn ở Việt Nam, cần phải được chú trọng; tuy nhiên, mặc dù ô nhiễm không khí phần lớn là do đốt các nhiên liệu hóa thạch, đừng lẫn lộn nó với việc xả khí thải nhà kính; đó là hai thứ khác nhau. Tác động của cái thứ nhất mang tính cục bộ và quy mô thời gian ngắn, còn cái sau là vấn đề toàn cầu ở quy mô kéo dài hàng thập kỉ. Điều đó cũng không có nghĩa chúng ta không nên quan tâm tới sự cạn kiệt của nguyên liệu hóa thạch, phần lớn là than cũng là vấn đề lớn ở Việt Nam, khiến chúng ta càng ngày phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguồn nhiên liệu từ nước ngoài, và cần phải được ưu tiên quan tâm; nhưng việc phải chuyển dịch sang năng lượng xanh thì lại không liên quan gì đến nhiệt độ toàn cầu tăng lên; thay vào đó, điều này được quản trị dựa trên hiểu biết về điện hạt nhân, thủy điện và điện tái tạo lần lượt nên đóng vai trò thế nào trong cơ cấu năng lượng quốc gia và tính đến những vấn đề địa chính trị chẳng hạn như tốc độ chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc, Ấn Độ và tầm quan trọng phải giữ mối quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia nói chung, và đặc biệt với các quốc gia tài trợ ODA cho chúng ta.
Nếu muốn được người khác lắng nghe mình, biết dùng những từ hợp thời như “bền vững”, “khử carbon”, “xanh”, “đổi mới sáng tạo”, “AI”, “số”, “nano”, “sạch”, “thông minh” là yêu cầu bắt buộc. Rất thường xuyên, nó khiến người ta cảm thấy hài lòng hơn là bị kích động. Cuối cùng thì, có gì sai trái đâu nếu một công ty sản xuất giấy vệ sinh bán cho chúng ta “giấy nano” với mục đích tạo ra “nguồn lực con người, nguyên vật liệu, tài chính bền vững và toàn diện”? Chúng ta nên mỉm cười và tán thưởng, phải không? Kiểu như, chúng ta còn biết làm gì khác khi công ty đó bán cho chúng ta “giấy vệ sinh thân thiện với môi trường siêu tốt cho bạn và hành tinh này”, đúng không? Nhưng chúng ta bắt đầu ngờ rằng những từ ngữ thịnh hành đó có thể đã bị lạm dụng để thổi phồng quá mức những giá trị ảo của các sản phẩm mà họ quảng cáo, khi chúng ta đọc những dòng này “Vật liệu nano và siêu nhỏ cho một thế giới bền vững và xanh”, hay “Các startup xanh của Việt Nam đã phá vỡ những kỉ lục gọi vốn, thu hút sự chú ý toàn thế giới, và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nền công nghiệp trong việc thúc đẩy những thực hành bền vững”, hay “Giảm dấu chân carbon nhờ vào hệ thống phát điện và lưu trữ điện thân thiện với môi trường, đáng tin cậy và hiệu quả”.
Bạn có thể đọc tiếp trên mạng, người ta tuyên bố rằng “88% người dùng sẽ trung thành với những sản phẩm ủng hộ các vấn đề xã hội và môi trường”. Họ chỉ ra rằng “thiên hướng của người dùng là thích những nhãn hiệu thân thiện với môi trường” và còn “hướng đến những quy định bắt buộc của chính phủ yêu cầu báo cáo về những thực hành bền vững”, cùng với “những tổ chức cùng chí hướng đi trên hành trình hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0”. Họ mời chúng ta đọc một cuốn ebook với các đề mục về “các khuyến nghị khả thi cho những lãnh đạo công nghệ hành động theo chiến lược bền vững của mình”, “khám phá một loạt các động lực thị trường đã đưa sự bền vững thành ưu tiên trong kinh doanh” và giúp chúng ta “giảm thiểu tác động carbon của công nghệ: tuân thủ các nguyên tắc, thực hành và quy trình công việc xanh để giảm tối đa tác động môi trường của những hệ thống và ứng dụng kĩ thuật”.
Một đặc điểm phổ biến của những từ ngữ thời thượng này đó là chúng mang dáng vẻ trịnh trọng khi trở nên thời thượng, chúng có mục đích mô tả một xu hướng mới trong thói quen của chúng ta. Lấy ví dụ như từ “nano”. Nó trở nên thời thượng khi công nghệ nano bắt đầu phát triển nhanh chóng. Một nano mét bằng một phần nghìn micro mét, khoảng gấp 10 lần kích cỡ của đường kính một nguyên tử thông thường nhưng nhỏ hơn rất nhiều đại phân tử (chẳng hạn như protein, axit nucleic) sinh ra tự nhiên bởi các quá trình sinh học. Bởi vậy nó có kích thước ngang với tập hợp vài nguyên tử đặc biệt đơn giản, mà điển hình nhất có lẽ là các ống carbon. Chúng được biết đến với những tính chất vật lý đáng kinh ngạc, khiến chúng nghiễm nhiên là ứng cử viên đặc quyền giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện tử, quang học, y dược và nhiều nhánh của khoa học vật liệu. Nhưng chỉ đến năm 1993, người ta mới có thể tổng hợp được chúng, khởi động cho một sự bùng nổ ứng dụng của chúng trong lĩnh vực công nghệ nano. Ngày nay, chúng ta đọc được ở trên internet rằng Việt Nam đang “tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nano, hạt nhân, lượng tử và chùm tia điện tử để nghiên cứu và sản xuất các vật liệu có cấu trúc nano để phục vụ nhiều lĩnh vực của đời sống […] và có khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu nano trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần Thứ tư, theo Quyết định số 2117/QD-TTg của Thủ tướng”. Thực sự, những gì họ bán là một loạt các sản phẩm với mục đích cho nông nghiệp nói chung và cho các cánh đồng nuôi tôm nói riêng, thường là các dung dịch hỗn hợp của một loạt các phân tử được sản xuất trong các điều kiện sạch và kiểm soát tốt. Như tôi nói phía trên, điều đó chẳng có gì là xấu, miễn là chất lượng sản phẩm của họ tốt. Ai quan tâm đến việc họ có tô điểm sản phẩm của mình với những từ ngữ thời thượng như “nano”, “lượng tử”, “hạt nhân” và “chùm tia điện tử” hay không?
Những từ ngữ thời thượng đặc biệt có xu hướng khiến người ta lạm dụng khoa học. Tôi hiểu rằng phần lớn mọi người có thể thấy điều này không quan trọng nhưng là một nhà khoa học, tôi cảm thấy đó là điều xúc phạm nhất. Đặc biệt là kiểu nội dung sáo rỗng mà chúng tôi được mời đọc dưới đây: “Sự ra đi của Higgs khiến chúng ta nhìn lại những cống hiến của ông trong lĩnh vực vật lý hạt và tác động to lớn của ngành này tới khoa học lượng tử. Công trình của ông không chỉ làm nền tảng cho những khám phá sâu hơn vào thế giới lượng tử mà còn đặt nền móng cho những sáng kiến như Mạng lưới Kinh tế Lượng tử của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Dự án này nhằm mục đích kéo gần khoảng cách giữa những công nghệ lượng tử tiên tiến nhất và các ứng dụng thực tế, dùng những đột phá khoa học để giải quyết những thách thức của thế giới thực. Nó được xây dựng trên những hiểu biết nền tảng do Higgs thiết lập, liên tục khai phá những gì mà khoa học lượng tử có thể đạt được trong đời sống hằng ngày. Mạng lưới Kinh tế Lượng tử thúc đẩy sự hợp tác giữa khối học thuật, khối công nghiệp và chính phủ, được truyền cảm hứng từ sự cộng hưởng xuyên ngành mang tính then chốt trong việc phát hiện ra hạt Higgs. Những sự cộng tác này là thiết yếu để thúc đẩy phát triển các công nghệ lượng tử, tiến tới cách mạng hóa công nghệ tính toán, viễn thông và giải quyết vấn đề ở nhiều lĩnh vực. Di sản của Peter Higgs vượt xa khỏi các thành tựu khoa học, truyền cảm hứng cho các sáng kiến để ứng dụng các nguyên tắc lượng tử cho những ứng dụng thực tế”. Tôi không có lí do gì để nghi ngờ những người này đang làm tốt việc của họ, nhưng tại sao họ cần phải viết sáo rỗng như thế? Việc gì phải cố tìm cách để đưa chữ Higgs và lượng tử vào hoạt động chẳng mấy liên quan thế này?
Vấn đề của những từ ngữ thời thượng này nằm ở việc người ta sử dụng chúng để truyền bá những thông tin sai lệch và đánh lạc hướng công chúng khỏi góc nhìn toàn cầu và khách quan về thế giới trong khủng hoảng mà chúng ta đang sống, một thế giới vẫn tiếp tục thay đổi quá nhanh để chúng ta kịp vượt qua những thách thức mà mình phải đối mặt. Sử dụng từ ngữ kiểu như vậy là một cách trục lợi dựa trên sự thiếu hiểu biết của mọi người và khiến tâm trí họ phủ đầy những điều nhầm lẫn và sai lệch. Chúng ta cần tự hiểu rằng đâu là ưu tiên của mình, chúng ta đừng để các nước giàu bảo mình phải làm gì. Chẳng có gì sai đối với việc đánh giá nguy cơ của biến đổi khí hậu gây ra ở quy mô toàn cầu miễn là đồng thời ta cũng hiểu về những nguy cơ gây ra bởi sự bất công đang chi phối việc phân bổ nguồn lực và sự thịnh vượng trên khắp hành tinh này. Chẳng có gì sai, miễn là đồng thời ta cũng đánh giá đích xác những nguy cơ gây ra bởi sự gia tăng dân số và đô thị hóa chóng mặt, bởi sự ô nhiễm không khí, đất và nước và bởi những xung đột vũ trang không có hồi kết. Chẳng có gì sai nếu đồng thời, chúng ta nhận ra quyền lực áp đảo và không ngừng tăng lên của đồng tiền, của những tỉ phú toàn cầu, vốn chỉ hơn 2000 người nhưng sở hữu tài sản nhiều hơn 4.6 tỉ người – chiếm 60% tổng dân số thế giới. Chẳng có gì sai nếu đồng thời, chúng ta nhận thức được sự mong manh của những nền dân chủ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.
Vấn đề của những từ ngữ thời thượng đó là các chính trị gia và những người ra quyết định không có lựa chọn nào khác ngoài việc lạm dụng nó nếu họ muốn được lắng nghe. Tôi có thể viết rằng biến đổi khí hậu không phải là ưu tiên của Việt Nam nhưng chính phủ họ không thể nói thế. Nếu họ nói như tôi, họ sẽ ngay lập tức bị coi là vô trách nhiệm, là coi thường cái gọi là những gì giới khoa học đã đồng thuận, là tham nhũng để đứng về phe các ông trùm của giới dầu khí. Thông điệp rõ ràng thế này: Nếu bạn muốn tiền bạc, quyền lực và danh tiếng, cứ truyền bá những thuyết âm mưu và những điều dối trá, các phương tiện truyền thông hiện đại sẽ nhanh chóng khiến chúng trở nên thịnh hành. Bước tiếp theo là giả bộ mình đúng và chống lại những kẻ bất đồng với điều đó. Trump đã chứng minh ông ta đặc biệt giỏi trò chơi này. Một quốc gia từng được phần còn lại của thế giới ngưỡng vọng gần đây lại chọn một tổng thống là tỉ phú, nhà sản xuất và dẫn chương trình truyền hình, người đã diễn thành công những vai trò đó trong suốt tám năm qua. Truyền thông cần ông ta để lấp đầy những bản tin thời sự, chẳng hạn như những bài báo vẫn cứ ra rả về những đồng tiền ông ta dùng để bịt miệng một cô ngôi sao khiêu dâm mà ông ta từng cặp bồ. Những thông tin như “khoảng 2000 người di cư tử vong trong nửa đầu năm nay khi vượt biển Địa Trung Hải” chỉ chiếm một tin bao diêm trên báo. Thật là một sự suy đồi! Thật là một điều đáng xấu hổ!
Kết quả là, những nước giàu đang vung tiền qua cửa sổ để phát triển các phương tiện không người lái hay gửi khách du lịch ra ngoài vũ trụ hơn là giúp những nước đang phát triển thoát nghèo. Gần đây, tôi đọc thấy Singapore, một nước có GDP trên đầu người gấp gần 40 lần so với hầu hết các quốc gia ở vùng Hạ Sahara châu Phi, cùng với một công ty Mỹ chuyên đi “khử carbon” ở Los Angeles, sẽ xây dựng “một nhà máy khử carbon dựa vào nước biển lớn nhất thế giới, nhằm mục tiêu loại trừ 10 tấn CO2 và tạo ra 300 kg Hydrogen carbon âm mỗi ngày”. “Hydrogen carbon âm” chẳng phải là một ý tưởng thiên tài sao? Bạn sẽ tự hỏi vậy thì Hydrogen carbon dương sẽ là cái quái gì nếu bạn có một chút hiểu biết về hóa học. Thôi đừng bận tâm, miễn nó hợp thời là được! Các tác giả giải thích rằng “Nhà máy này là bước vô cùng quan trọng tiếp theo trong việc khử CO2 ở quy mô toàn cầu và với một chi phí cạnh tranh”. Những gì họ làm đơn giản chỉ là “Đưa dòng điện qua nước biển (điện phân) và đưa không khí qua nước biển đã xử lý đó (thu giữ không khí trực tiếp); những bước này thu giữ CO2 trong các đá khoáng và như các hợp chất dễ hòa tan vốn có tự nhiên trong đại dương, bảo đảm rằng CO2 sẽ được chôn chặt trong 100,000+ năm. Cuối cùng, đá được dùng để trung hòa nước biển đã xử lý và bảo tồn tính chất hóa học của đại dương”. Điện phân thì cần dòng điện, nhưng đừng lo họ sẽ dùng “điện sạch và xanh”.
Thật thế, Singapore nhập khẩu phần lớn điện từ các quốc gia như Malaysia và Việt Nam, chủ yếu là dùng điện than, nhưng vẫn tuyên bố rằng họ chỉ nhập khẩu điện “carbon thấp”, bất kể họ nghĩ nó là gì.
Miễn là bạn kiếm được tiền, đừng nghĩ về việc bạn sẽ làm điều đó thế nào, cứ hợp thời là được! Marx và Engels từ thế giới bên kia hẳn sẽ thấy khổ tâm biết bao. □
Hảo Linh dịch
———
1 Meadows, Donella; Meadows, Dennis; Randers, Jørgen; Behrens III, William (1972). The Limits to Growth; A Report for the Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind. New York: Universe Books. ISBN 0876631650.
2 Mesarovic, Mihajlo; Pestel, Eduard (1975). Mankind at the Turning Point. Hutchinson. ISBN 0-09-123471-9.
3 Alexander King & Bertrand Schneider. The First Global Revolution (The Club of Rome), 1993.
4 Turner, Graham (2008), A comparison of The Limits to Growth with 30 years of reality, Global Environmental Change, 18/3,397.
5 Tôi sẽ không ghi nguồn cho những trích dẫn mà tôi sử dụng. Gọi tên họ sẽ tách biệt họ như những trường hợp cá biệt sai lầm, trong khi trên thực tế, những trường hợp như vậy rất phổ biến: Tôi có thể chỉ ra hàng chục trường hợp khác.