Những vấn đề nóng của hành tinh: Thách thức cho cả khoa học và chính trị

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, ngày càng trở nên trầm trọng hơn do toàn cầu hóa và sự tăng tốc của nhiều quá trình khiến nhân loại tiến đến giới hạn của sự phát triển bền vững. Để đối mặt với những thách thức như vậy, khoa học và chính trị phải cùng chung lưng đấu sức. Nhưng thực tế lại chưa được như vậy. Năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu là những thí dụ điển hình minh chứng cho thực tế đó.

Năng lượng hạt nhân đòi hỏi sự quản lý nhịp nhàng và chặt chẽ với tầm nhìn dài hạn để luôn cải thiện hiệu quả hoạt động và mức độ an toàn của các nhà máy. Nó đòi hỏi phải liên tục đào tạo ra các nhà khoa học và kỹ sư chuyên về thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì và ngừng hoạt động nhà máy có trình độ cao. Nó đòi hỏi một chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mạnh để giải quyết những vấn đề lớn còn chưa có lời giải thỏa đáng, chẳng hạn như vấn đề lưu trữ rác thải, vấn đề phát triển các lò phản ứng tái sinh, và vấn đề khai thác quặng uranium từ nước biển. Nó đòi hỏi thái độ trách nhiệm cao đối với vấn đề an toàn. Thế nhưng, những quyết định nhất thời lại đang chiếm ưu thế, như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, chỉ vài ngày sau sự cố Fukushima, rằng Đức sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trước năm 2022. Hơn nữa, lợi ích tài chính thường được đặt lên trước đòi hỏi về an toàn.

Trong trường hợp biến đổi khí hậu, chính quyền Bush đã không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, từ chối thừa nhận đòi hỏi chính đáng của các nước đang phát triển rằng các quốc gia phát triển nên gánh phần hơn trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính. Được thành lập vào năm 1988, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan khoa học được Liên hợp quốc bảo trợ, đã đưa ra năm báo cáo quan trọng nhằm cung cấp những thông tin khoa học khách quan và thận trọng tới các nhà hoạch định chính sách. Thật không may, bản thân Ủy ban cũng không tránh khỏi các ảnh hưởng của chính trị và môi trường làm việc của nó ngày càng xấu đi, tiến đến trạng thái căng thẳng chưa từng có. Nhân cơ hội tình trạng nóng lên toàn cầu đang chững lại, người ta lẽ ra có thể bình tĩnh tìm sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ, nhưng thay vào đó, hàng tỉ USD lại đang được đầu tư vào các sáng kiến mạo hiểm.

[Trong lĩnh vực năng lương hạt nhân,] những quyết định nhất thời lại đang chiếm ưu thế, như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, chỉ vài ngày sau sự cố Fukushima, rằng Đức sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trước năm 2022.

Trong cả hai ví dụ nêu trên, các nhà khoa học đã thất bại trong việc truyền tải một thông điệp khoa học đúng mực tới công chúng. Đứng trước những tuyên bố thiếu căn cứ và gây hoang mang từ các nhà hoạt động môi trường, họ đã không thể đưa ra đánh giá khách quan về những vấn đề đang gây tranh cãi. Đồng thời, nhận thức được trách nhiệm của mình với tư cách nhà khoa học trước cộng đồng, họ nép mình đằng sau nguyên tắc cẩn trọng. Trong hoàn cảnh mà chỉ các ý kiến cực đoan mới có cơ hội được lắng nghe, họ thà đứng ngoài cuộc tranh luận mà họ cảm thấy không có chỗ cho mình ở đó.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, chủ nghĩa thực dụng đang chiếm ưu thế. Họ đã được bầu hoặc bổ nhiệm để phục vụ lợi ích của người dân. Rất ít người dám hành động ngược với những gì mà người dân xem là lợi ích trước mắt của họ; rất ít người dám áp đặt tầm nhìn dài hạn cho quốc gia khi nó không được sự đồng tình của người dân.

Kết quả là các quyết định thường được đưa ra một cách vội vàng, thiếu những phân tích chính xác về hậu quả, và một lượng tiền khổng lồ đang bị lãng phí. Giải quyết các vấn đề đầy thách thức như năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu lại đòi hỏi tư duy chặt chẽ của một cái đầu lạnh. Một cách lý tưởng, những vấn đề này cần được giải quyết ở quy mô hành tinh để có khả năng được xử lý thỏa đáng. Thật không may, hy vọng này trở nên hoàn toàn không tưởng do tình hình địa chính trị hiện nay, sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa các nước giàu và nghèo, sự thiếu kiểm soát về tài chính toàn cầu và xung đột vũ trang liên miên. Các lợi ích tài chính và lợi ích riêng thường không vì lợi ích chung. Do đó mỗi quốc gia phải đối mặt với những vấn đề thách thức này một cách đơn độc.

Trong bài phát biểu chào mừng tại phiên họp lần thứ 46 của Hội thảo Quốc tế về Các vấn đề cấp bách của Hành tinh, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ý Pietro Grasso kêu gọi cho cái ông gọi là “liên minh lớn giữa chính trị và khoa học”. Ông nói, đạo đức phải là điểm khởi đầu để từ đó khoa học và chính trị hoạch định con đường đi tới tương lai…

Tháng tám năm nay tôi đã tham dự phiên họp lần thứ 46 của Hội thảo Quốc tế về Các vấn đề cấp bách của Hành tinh, ở đó các vấn đề như đã nêu trên được thảo luận. Trong bài phát biểu chào mừng của mình, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ý Pietro Grasso kêu gọi cho cái ông gọi là “liên minh lớn giữa chính trị và khoa học”. Ông nói, đạo đức phải là điểm khởi đầu để từ đó khoa học và chính trị hoạch định con đường đi tới tương lai – khoa học được dẫn dắt bởi công cuộc tìm kiếm tri thức, trong khi chính trị là con đường đầy biến động, nơi người ta liên tục phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, nhưng cả hai đều hướng tới hạnh phúc, trong sự tôn trọng quyền cơ bản của các công dân trên hành tinh. Là đồng minh tốt không có nghĩa là nhập nhằng vai trò mà đúng hơn là chia sẻ các nguồn lực và kỹ năng để theo đuổi các dự án chung với sức mạnh và lòng quyết tâm. Các chính trị gia, ông nói thêm, cần nhìn xa trông rộng tới tương lai để có kế hoạch cải cách thể chế và tạo ra nền tảng cấu trúc mà sự phát triển đòi hỏi. Những vấn đề cấp bách của hành tinh phải trở thành một cấu phần thiết yếu và hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của liên minh này. “Cả chính trị và khoa học đều phục vụ nhu cầu xã hội và nhằm mục đích bảo vệ chất lượng cuộc sống. Để giải quyết các vấn đề cấp bách đe dọa hành tinh, các chính trị gia phải tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có với sự chính xác của phương pháp khoa học, không chịu ảnh hưởng bởi các định kiến và xung đột lợi ích. Chúng ta cần sự hỗ trợ của một nền khoa học minh bạch để có thể tự do ra quyết định khi đối mặt với những mối nguy hiểm mới tăng theo cấp số nhân, và chống lại xu hướng bè phái trong quản lý, chống lại điều mà các xã hội dân chủ hiện nay vẫn chưa thể đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả. Các chính trị gia có nhiệm vụ đưa cộng đồng khoa học tới gần thực tế của chính quyền dân sự để cùng nhau xây dựng chính sách cho tương lai. Một khi giải pháp của vấn đề đã được xác định, khoa học và chính trị phải phối hợp để vận động người dân tham gia vào quá trình ra quyết định và thực thi các hành động đã được quyết định cũng như việc áp dụng các công nghệ đã lựa chọn. Đối phó với những vấn đề cấp bách của hành tinh và lựa chọn các vấn đề ưu tiên đòi hỏi phải có đầu óc thực tế, tránh ý thức hệ và mị dân, và phải đặt cảm xúc tình cảm cùng những tín điều vô căn cứ sang một bên. Đã đến lúc phải chuyển từ những tuyên bố chính thức về việc chia gánh nặng hậu quả của những vấn đề cấp bách của hành tinh sang phân bổ nguồn nhân lực và vật lực để ứng phó với chúng thì mới hy vọng giải quyết được chúng. Nhưng không được lãng phí những nguồn lực chỉ bởi vì chạy theo tâm trạng, cảm xúc nhất thời hoặc bởi phải đầu hàng trước các lợi ích kinh tế hoặc cá nhân.”

Cuối cùng, sau khi nhận xét rằng thành công trước thách thức này đòi hỏi sự chú trọng khoa học và tri thức như những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ, ông kêu gọi sự tham gia vào một mặt trận văn hóa, bao gồm các trường học, cơ sở đào tạo và các phương tiện truyền thông, bao gồm Internet, để ủng hộ cho văn hóa khoa học với mục đích tạo ra trong thế hệ trẻ một “cảm thức chung dựa trên các giá trị khoa học cần có để đối mặt với các vấn đề hiện tại và kiểm soát các mối đe dọa hành tinh trong tương lai một cách quyết tâm và kịp thời.”

Tôi không thể nói thay các chính trị gia, nhưng với tôi cộng đồng khoa học nên lắng nghe một thông điệp như vậy. Đưa ra các quyết định đúng đắn không bao giờ dễ dàng, nhưng việc đó còn trở nên bất khả nếu chúng ta không nắm được thông tin đầy đủ. Là nhà khoa học, đồng thời là công dân của thế giới, chúng ta nên coi nhiệm vụ của mình là tìm hiểu đầy đủ về những vấn đề cấp bách của hành tinh, đặc biệt là các luận cứ khoa học đi kèm mà chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt.

Dân số thế giới vượt qua ngưỡng 7 tỉ và dự báo sẽ vượt ngưỡng 9 tỉ vào năm 2050. Tỉ lệ đô thị hóa trên thế giới tăng từ 13% năm 1900 lên hơn 50% như hiện nay và dự kiến sẽ lên tới 70% vào năm 2050. Sẽ có 27 thành phố trên 10 triệu dân vào năm 2020, và phần lớn các thành phố mới xuất hiện trong số đó đều ở châu Á.

* Hai tỉ người thiếu nước sạch để sinh hoạt hằng ngày, và đến năm 2025 sẽ lên ba tỉ người. Trong 20 năm tới, lượng nước sinh hoạt có thể cung cấp cho mọi người sẽ giảm 30%.

* Đến năm 2050, sản lượng ngũ cốc và thịt hằng năm phải tăng tương ứng từ 2.100 và 200 triệu tấn như hiện nay lên 3.000 và 470 triệu tấn mới đủ đáp ứng nhu cầu của con người. Tăng sản lượng chưa đủ mà còn phải có những chính sách chống nghèo đói ở nông thôn đi kèm, đồng nghĩa với việc đầu tư hằng năm cho sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển phải tăng 50%.

* Lượng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây trồng trên đất nông nghiệp đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2000−2008. Tiếp tục tăng mạnh việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây trồng trên đất nông nghiệp sẽ khiến thêm 5 triệu trẻ em ở châu Phi và Nam Á bị suy dinh dưỡng trước tuổi đến trường vào năm 2050.

* Hiện nay 80% năng lượng mà thế giới tiêu thụ dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhưng trữ lượng của nguồn tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy một thế kỷ nữa.

* Nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng đều khoảng 0,5% mỗi năm – cao hơn 40% so với thời điểm nổ ra cách mạng công nghiệp – hậu quả của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và phá rừng. Đây được cho là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất thêm 0.8o C so với đầu thế kỷ trước. Song hành với sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển trung bình gần đây cũng tăng mỗi năm khoảng 3 mm, đe dọa những cộng đồng sống ở miền duyên hải.

Ô nhiễm không khí, đất và nước vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng ngại trong nửa thế kỷ qua. Bao gồm các loại ô nhiễm hóa chất, vi khuẩn và phóng xạ, xảy ra trên một diện rộng các vụ việc khác nhau, từ thảm họa [rò rỉ ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở] Bhopal [Ấn Độ] năm 1984 khiến nửa triệu người có nguy cơ phơi nhiễm khí methyl isocyanate cực độc đến sự cố tàu Amoco Cadiz [bị đắm và] làm tràn 200.000 tấn dầu thô ra bờ biển Brittany [Pháp] năm 1978, hay mới đây, người ta phát hiện một đám rác khổng lồ các loại nhựa tổng hợp và bùn hóa chất được dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương gom lại. Ô nhiễm nước sinh hoạt không được qua xử lý, lấy đi sinh mạng của 14.000 người mỗi ngày. Ở Trung Quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí.

* Từ năm 1990 đến 2011, tuổi thọ trung bình trên thế giới đã tăng từ 64 lên 70. Nhưng, cứ hai phút, ở đâu đó trên thế giới, lại có một phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai hoặc sinh nở. Trong ba thập kỷ qua, HIV đã giết chết hơn 25 triệu người và hiện nay tại vùng Hạ Sahara của châu Phi, cứ 20 người trưởng thành thì có một người nhiễm HIV.

* Năm 2012, khoảng 100.000 người đã chết bởi chiến tranh và xung đột vũ trang. Việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt (hạt nhân, sinh học, hóa học hoặc thậm chí cả vũ khí thông thường) là mối đe dọa thường xuyên với sinh mạng của chúng ta. Thêm vào danh sách này mới đây còn có khủng bố tôn giáo và chiến tranh mạng.

Phạm Ngọc Điệp Nguyễn Thị Thảo dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)