Niềm tin và nhu cầu sống với cái thật

Có mấy trường hợp liên quan đến đạo văn khiến cho tôi phải suy nghĩ.


Trường hợp thứ nhất là một nhà nghiên cứu nghệ thuật. Ông là người có năng lực chuyên môn. Và năng lực đó được giới nghiên cứu công nhận. Ông cũng là người có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của khoa học. Điều đó cũng đã được khẳng định. Thế nhưng trong hơn một công trình nghiên cứu của mình, ông vẫn đạo văn. Và điều đáng tiếc là hiện tượng này tiếp tục tái diễn ngay cả khi hành vi của ông đã bị phát giác.
Trường hợp thứ hai là một vị chức sắc của một Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, người ta đã phát giác ra rằng trong nhiều công trình nghiên cứu, ông có đạo và đạo một cách có hệ thống.
Trường hợp thứ ba liên quan đến lĩnh vực đào tạo. Một sinh viên viết khóa luận tốt nghiệp của mình bằng cách sử dụng lại cấu trúc luận điểm của một khóa luận khác được thực hiện trước đó vài năm, thay đổi hệ thống dẫn chứng và thay tên gọi của một số khái niệm. Điều đáng chú ý là cả hai khóa luận này đều được hướng dẫn bởi cùng một giảng viên và giảng viên này vẫn chấp nhận cho khóa luận viết sau được đem trình trước hội đồng. Ở một khóa luận khác, sinh viên sử dụng lại toàn bộ hệ thống luận điểm, giả thuyết khoa học và cách lí giải trong một bài viết của giáo viên hướng dẫn chỉ thay thế và mở rộng thêm hệ thống dẫn chứng. Hiện tượng này là rất phổ biến trong những chuyên ngành nghiên cứu nghệ thuật  và giáo viên hướng dẫn thường là các chức sắc tại các phân khoa, bộ môn. 
Những trường hợp liên quan đến đạo văn nói trên đặt ra một số vấn đề.
Trước hết, đâu là động cơ của hành vi đạo văn?
Vì thiếu trí tuệ và thừa tham vọng. Đây là cách lí giải đơn giản nhất. Nó đúng với trường hợp thứ hai. Dẫu không đủ năng lực, người ta vẫn đạo văn để được thăng tiến và trong cái vòng luẩn quẩn của nó, vị trí công tác đảm bảo sự an toàn cho hành vi đạo văn và điều đó hình thành nên một vòng luẩn quẩn: đạo văn để thăng tiến và sau khi thăng tiến lại tiếp tục đạo văn để thăng tiến hơn nữa. Tuy vậy, nó lại chưa chắc đã đúng với trường hợp thứ nhất. Nhà nghiên cứu nọ đạo văn khi có thừa năng lực và nếu bỏ đi tất cả những phần “cầm nhầm”, công trình của ông vẫn có giá trị. Vậy, phải chăng ở đây câu trả lời khó có thể quy về phạm trù đạo đức mà thuộc về phạm trù bệnh lí. Điều này có thể có người không tán thành nhưng chắc chắn đứng về mặt bệnh lí học, lôgích này là hoàn toàn có thể. Ngay cả với trường hợp cuối cùng thì những sinh viên nói trên chưa chắc đã ý thức được đầy đủ về hành vi của mình như những nhà nghiên cứu đã trưởng thành và họ đạo văn chưa chắc là vì tham vọng, mà đôi khi, đơn giản chỉ là để “xong một việc” để “có cái mà đưa ra bảo vệ” và cuối cùng lấy một tấm bằng.
Những phân tích nói trên cho thấy sự không đơn giản về động cơ của hành vi đạo văn. Dẫu đạo văn là một cái gì “xưa như trái đất” và sẽ còn tồn tại “như trái đất” nhưng cũng không thể không đặt ra vấn đề về việc ngăn chặn hành vi này. Cổ nhân nói: “Dân không ở yên trong chỗ nhân nghĩa không phải là lỗi ở họ. Vì thiên hạ không có một nền đại chính”. Có người hỏi Khổng Tử về trị nước và luật hình, ông trả lời đại ý đối với kẻ có tội ông cũng dùng luật hình như những ông quan khác, cái khác của ông là làm thế nào để dân không phạm tội. Nhân trị là thế. Trong trường hợp đạo văn, không thể chỉ quy trách nhiệm cho một cá nhân. Ở đây, có cái lỗi của một hệ thống bao gồm mấy khâu:
– Khâu kiểm soát đánh giá. Khi khâu này có vấn đề hoặc bị thao túng, hoặc vận hành lệch lạc, chuyện đạo văn là đương nhiên.
– Tính mục đích của sự vận hành của hệ thống. Khi một hệ thống nghiên cứu mà tính mục đích không rõ ràng, hệ chuẩn mực đánh giá mơ hồ, khi đó, việc đạo văn cũng là đương nhiên. Khi đó, nghiên cứu chỉ là cái cớ, là hình thức, “lệ bộ” để đạt được một mục đích khác ngoài khoa học, và thế thì, “tội gì không đạo”.
– Khả năng tự ý thức của hệ thống. Khi nào khả năng đó yếu, khi đó có “đạo”.
– Cấu trúc của hệ thống. Khi những cá nhân có trách nhiệm dẫn dắt sự vận hành của hệ thống hoặc cũng “đạo”, hoặc chấp nhận cho hành vi “đạo”, khi đó, không cần nói cũng biết hệ quả ra sao. Khi một giáo viên hướng dẫn không nghiên cứu khoa học, không có những tìm tòi về đối tượng và phương pháp nghiên cứu khi đó anh ta khó có thể tìm ra những đề tài mới để sinh viên thực hiện và tất yếu sẽ là…
Chỉ ra cội rễ, âu cũng là một cách trị căn bệnh đã làm tổn thương một thứ vô hình nhưng lại quyết định ý nghĩa của tất cả những thứ hữu hình khác niềm tin vào những giá trị thật, khả năng và nhu cầu sống với cái thật.


Lương Xuân Hà

Tác giả