Nội bộ

Bao năm rồi chúng ta vẫn thường quen với những lời dặn dò và tuân thủ những chỉ huấn thành văn hay bất thành văn: đây là thông tin nội bộ nhé, tài liệu nội bộ nhé, không được phổ biến ra ngoài... nội bộ. Nội bộ có nghĩa là không công khai, và không công khai nhiều khi dẫn đến không minh bạch.

Tài liệu nội bộ, thông tin nội bộ không còn chỉ là câu chuyện của “nội bộ” một doanh nghiệp, một cơ quan hay một tổ chức mà rộng hơn thì đây là câu chuyện của cả một nền quản trị quốc gia. Đành rằng, việc quy định một số loại văn bản, tài liệu là mật là cần thiết, nhất là khi những thông tin chứa đựng trong đó có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích của đa số cộng đồng, đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục… Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng chúng ta còn có quá nhiều văn bản mang tính “nội bộ.” Dù mức độ “nội bộ” có thể khác nhau: từ việc giới hạn chỉ phổ biến trong nội bộ, cho đến việc coi là tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật… nhưng chúng đều có chung một bản chất là các văn bản loại đó không được công khai với công chúng.
Nhìn từ góc độ làm chính sách và pháp luật, công khai và minh bạch cần phải được thực hiện ngay từ khi manh nha ý tưởng lớn cho một chính sách hoặc một đạo luật tương lai. Người dân và công chúng cần được biết và phản biện về những ý tưởng đó ngay từ đầu để bảo đảm một chính sách hoặc luật pháp sẽ được xây dựng hợp với lòng dân. Để pháp luật mang tính khả thi và thể hiện ý nguyện của dân chứ không phải là công cụ cai trị thì tất cả các dự thảo các văn bản pháp luật cần được công khai để dân chúng có thể tiếp cận được chứ không phải vẫn được coi là tài liệu nội bộ trong rất nhiều trường hợp hiện nay.
Minh bạch và công khai cũng là điều cần thiết đối với nền hành pháp. Đề án 112 liệu có phải chịu hậu quả như giờ nếu như bức thư của một vị Giáo sư, Nhà Khoa học đầu ngành gửi Thủ tướng thời đó được công khai để giới khoa học và những người có trách nhiệm bàn thảo kỹ lưỡng hơn đề án đó trước khi quyết định? Việc thực thi quyền chấp pháp của từng cơ quan, bộ máy của công quyền sẽ đỡ tham nhũng, hiệu quả và vì dân hơn khi người dân có cơ hội tiếp cận thông tin về hoạt động của họ để có thể giám sát kịp thời. Yêu cầu kê khai tài sản của một bộ phận quan chức mà được kèm theo yêu cầu về công khai và minh bạch những thông tin đó cho công chúng chắc sẽ góp phần cho công cuộc phòng ngừa quan tham.
 Công khai và minh bạch cho công chúng về việc thực thi pháp luật của hệ thống tư pháp sẽ làm cho việc áp dụng luật pháp được thống nhất và công bằng. Những bản báo cáo tổng kết công tác xét xử hằng năm của Tòa án vẫn còn đóng dấu “lưu hành nội bộ” thì báo chí, giới luật sư và công chúng khó có thể góp tiếng nói xây dựng ngành tòa án. Những phán quyết của Tòa án còn chưa được công bố rộng rãi thì làm sao dân chúng có thể tiên lượng được việc hành xử sẽ ra sao, để điều chỉnh hành vi ứng xử của mình, cũng như việc thực hiện quyền giám sát của dân để góp phần làm cho Tòa án thực sự xứng đáng với tên gọi “nhân dân” và là người bảo vệ công lý.
Công khai minh bạch hơn nữa nền quản trị doanh nghiệp, nhất là về tài chính, kế toán và kiểm toán, chắc chắc sẽ làm cho môi trường kinh doanh lành mạnh và có sức cạnh tranh hơn. Và khi đó, người dân sẽ cảm thấy yên tâm và sáng suốt hơn khi ra quyết định đầu tư những đồng tiền tích lũy bằng mồ hôi nước mắt của mình để không phải lo âu rằng một ngày nào đó cơ quan pháp luật mới công khai thông báo việc phát hiện ra sự làm ăn gian dối ở đâu đó khi mà sự đã rồi.
Công khai, minh bạch là một trong những thước đo của nền quản trị quốc gia và của một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

 
Tiến Lưu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)