Nói chuyện với dân

Nói chuyện với dân là việc người cầm quyền xuất hiện trên một diễn đàn công cộng bày tỏ trực tiếp với người dân ý kiến chính thức của mình về vấn đề nào đó đang nổi cộm trong khuôn khổ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân chúng.


Trong hình thức cổ xưa của loại giao tiếp này, người cầm quyền đứng giữa quảng trường phát biểu trước đám đông các công dân tự do. Xã hội hiện đại có các thiết bị, phương tiện trợ giúp cho phép thực hiện các cuộc nói chuyện chính thức với dân trên quy mô toàn lãnh thổ quốc gia. Phổ biến nhất là nói chuyện thông qua báo viết, đài phát thanh, đài truyền hình; người nói chuyện thường là nguyên thủ quốc gia hoặc một người chịu trách nhiệm cao nhất trong bộ máy điều hành hoặc, thậm chí, trong một lĩnh vực đặc thù nào đó của hệ thống hành pháp.
Vấn đề nêu ra có thể có tính chất, tầm quan trọng rất khác biệt, từ chuyện gia nhập một liên minh giữa các quốc gia, cho đến kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng đang tăng nhanh hoặc thả nổi đồng nội tệ. Các vấn đề có điểm chung là mang ý nghĩa thời sự,  gây bức xúc và nhất là đang được bàn cãi sôi nổi, thậm chí gay gắt trong dư luận xã hội. Vả lại, đó phải là vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết trọn vẹn của người nói chuyện với dân. 
Thông qua cuộc nói chuyện, người cầm quyền bộc bạch về quá trình đấu tranh nội tâm, cân nhắc giữa các phương án giải quyết vấn đề, giải thích và biện minh cho sự lựa chọn của mình. Được giới thiệu qua kênh giao tiếp chính thức, quan điểm riêng của người cầm quyền trở thành quan điểm chính thức của Nhà nước; được trình bày rõ ràng và được lý giải một cách thấu tình, đạt lý, quan điểm ấy có thể được người nghe đồng thuận và lấy làm quan điểm của mình. Nếu được đa số người dân chấp nhận, quan điếm của người cầm quyền sẽ trở thành quan điểm chung của dân tộc, quốc gia.  Bởi vậy, người ta nói rằng bằng cách nói chuyện với dân, người cầm quyền định hướng suy nghĩ, ứng xử của toàn dân, từ đó tạo ra một lực lượng vật chất cho phép thực hiện thành công những dự án, kế hoạch to lớn, cần có sự hợp tác hành động nhất quán của nhà nước và nhân dân. 
Ở Việt Nam, nói chuyện với dân đã từng được sử dụng. Một trong những ví dụ sinh động, điển hình, là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đưa ra vào cuối năm 1946. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhân dân Việt Nam đã cầm súng chiến đấu và đã chiến thắng. Nhưng từ sau khi đất nước thống nhất, loại hình giao tiếp này chỉ mang tính nghi thức xã giao.
Đáng chú ý là hầu hết những điều người cầm quyền nói với nhau đều tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân; thế mà người dân chỉ có quyền theo dõi diễn tiến các cuộc sinh hoạt và lắng nghe các phát biểu ấy, với tư cách “chủ thể ngôi thứ ba” của quan hệ giao tiếp và theo cung cách của một người cam phận, trong nhờ đục chịu. Không ít chủ trương, chính sách, biện pháp của người cầm quyền, được quyết định trong các cuộc sinh hoạt ấy, đã không bao giờ đi vào cuộc sống, hoặc đã đi vào như những nhân tố lạ lẫm, gây xáo trộn, rối ren, chứ không có tác dụng thúc đẩy sự phát triển.     
Thời gian gần đây, các cuộc đối thoại, nhất là đối thoại trực tuyến, cho thấy cung cách giao tiếp giữa người cầm quyền và người dân đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực dưới tác động của các tiến trình dân chủ hóa và hội nhập. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện (đúng ra là chưa thấy xuất hiện trở lại) các hoạt động nói chuyện với dân theo đúng nghĩa, có mang các yếu tố đặc trưng về chủ thể, về nội dung của quan hệ, cũng như về thể thức giao tiếp.      
Trong hoạt động nói chuyện với dân, các chủ thể giao tiếp bao gồm, một bên, là người cầm quyền và, bên kia, là toàn dân, tức là tập thể các công dân của một nước; người cầm quyền xưng hô với người cùng giao tiếp bằng các đại từ đặc biệt: đồng bào, quốc dân, công dân… Trong khi đó, các cuộc đối thoại hiện nay giữa những người lãnh đạo và người dân chỉ là những cuộc giao tiếp giữa người lãnh đạo và những người dân cụ thể, những cá thể trong cộng đồng dân tộc.  
Về nội dung, việc giao tiếp chính thức giữa người cầm quyền và người dân phải xoay quanh các vấn đề do chính người cầm quyền chủ động đặt ra. Tất nhiên, đó cũng là vấn đề đang làm bận tâm toàn xã hội; nhưng việc người cầm quyền tự mình khơi dậy câu chuyện khiến người nghe hiểu rằng người cầm quyền cũng coi vấn đề đó là của mình. Điều này có tác dụng đặc biệt tích cực một khi vấn đề được đặt ra trong khung cảnh nhạy cảm do chiến tranh, thiên tai hoặc khủng hoảng kinh tế-xã hội: người nghe sẽ cảm thấy nhân dân và Nhà nước đều là người trong cuộc, đồng cảm, cùng đứng về một phía, để đương đầu với thách thức chung.   
Trong các cuộc đối thoại diễn ra gần đây, người cầm quyền chỉ xác định các chủ đề chính, ví dụ, cải cách hành chính, chống tham nhũng, chính sách đất đai…; trong khuôn khổ các chủ đề đó, người dân, khi tham gia đối thoại, đặt ra những vấn đề cụ thể để người cầm quyền giải quyết. Người cầm quyền nói về những vấn đề của người dân trong mối quan hệ với nhà chức trách, chứ không phải về những vấn đề chung của chính người cầm quyền và của dân, liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Về thể thức, trong các cuộc giao tiếp chính thức với toàn dân, người cầm quyền lên tiếng và người dân chỉ lắng nghe. Người cầm quyền giãi bày những trăn trở, suy tư của riêng mình xoay quanh vấn đề được đặt ra; giới thiệu, lý giải, bảo vệ phương án ứng xử được lựa chọn và kêu gọi người dân ủng hộ quyết định của mình. Về phần mình, người dân phản ứng bằng các hành động cụ thể, tuỳ trường hợp, thuận hoặc không thuận theo lời kêu gọi trong thông điệp của người cầm quyền 
Trong các cuộc đối thoại hiện nay, người dân hỏi và người cầm quyền trả lời. Hoạt động đối thoại trực tuyến được hình dung giống như một cuộc tiếp dân quy mô lớn nhằm giải quyết những trăn trở, bức xúc của người dân trước chính sách của nhà nước và cung cách, thái độ lãnh đạo, phục vụ nhân dân của người cầm quyền. Trong chừng mực đó, việc đối thoại có thể được coi như một công tác hành chính mang ý nghĩa chính trị chứ không phải là một sinh hoạt chính trị đích thực.


 
Nguyễn Ngọc Điện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)