Nói không với bệnh thành tích của chính mình

Cỗ xe giáo dục thay người cầm lái đúng vào lúc những tiêu cực trong nhà trường lên đến đỉnh điểm. Phải chăng đây là một thời cơ, hay tình hình mới để chấn hưng giáo dục? (Tia Sáng số 15, 2006). Thời cơ thì có thể. Còn chấn hưng lại là câu chuyện khác.


Những tiêu cực gần đây trong giáo dục chẳng phải mới lạ và cá biệt. Chúng chỉ là phần nhô lên khỏi mặt nước của tảng băng chìm. Hôm nay, một thí sinh chép nguyên xi bài văn mẫu được điểm mười, hôm trước thầy giáo gạ nữ sinh đổi tình lấy điểm, vài hôm nữa là chuyện phân ban, sách giáo khoa. Là hệ thống con trong hệ thống lớn, giáo dục không nằm ngoài những quy luật chi phối chiều hướng suy thoái dường như đang gia tăng về đạo đức, văn hóa cho đến khoa học, nghệ thuật. Bởi vậy “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” là bước đột phá rất đáng hoan nghênh của ngành giáo dục, nhưng thành công hay không còn do sự đồng lòng chuyển mình của cả guồng máy xã hội. Có lý do để hy vọng. Vì nếu không chuyển mình, đất nước sẽ luẩn quẩn trong tình trạng kém phát triển.  
Điều được công luận mong đợi – mà lại nằm trong tay vị tân Bộ trưởng – chính là những bất cập về tác nghiệp trong ngành giáo dục. Nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông quá ôm đồm, càng cải cách càng nhồi nhét mà vẫn không theo kịp cuộc sống. Không thể đòi hỏi học sinh bỏ lối học vẹt để tư duy sáng tạo khi sách hướng dẫn giáo viên lại được yêu cầu phải viết tỷ mỷ từng chi tiết. Đại học và trên đại học đang mở rộng, trong khi chất lượng tụt hậu quá xa do thiếu đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Trách nhiệm ở bộ máy hành chính nắm giữ 20% ngân sách nhà nước và hàng trăm triệu đô la vay nước ngoài, nhưng chỉ riêng việc thay đổi liên hồi sách giáo khoa phổ thông đã gây ra quá nhiều lãng phí cho công quỹ và các gia đình. Còn có cả vai trò của những giáo lý về giáo dục học và giáo học pháp, phần hồn của mọi cải cách bất thành bấy lâu nay.
Khốn nỗi, những bất cập về tác nghiệp nói trên luôn là dề tài tranh cãi bất phân thắng bại ngay trong giới chuyên môn, bởi nó không ngộ nghĩnh như Xuân Diệu là “bà”, Xuân Quỳnh là “ông” trong bài thi văn mới đây (Tuổi trẻ, 26/07/2006). Chính vì thế, tiếng nói khẩn thiết “chấn hưng giáo dục là mệnh lệnh từ cuộc sống” không át được những con số thành tích do Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng ra trong những phiên điều trần trước Quốc Hội. Thành ra cứ phải đối phó với công luận, luôn vá víu một tấm áo đã sờn, việc giảng dạy, thi cử cứ đổi  liên tục mà chưa bao giờ mới.   
Thiết nghĩ, trước hết những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy nói không với bệnh thành tích của chính mình để chịu khó lắng nghe và dũng cảm nhìn thẳng vào những bất cập trong tác nghiệp, xác định mẫu số chung của chúng, từ đó tìm ra những điểm nhấn, đánh dấu một thời cơ chấn hưng giáo dục đích thực mà cả nước đang mong đợi.
Thời cơ không có nghĩa là xóa bàn cờ đánh lại. Điểm nhấn không phải là thần dược chữa khỏi bệnh qua đêm, hoặc mỳ ăn liền. Chính lúc này lại rất cần tầm nhìn để còn nhận rõ giáo dục sẽ đưa đất nước này về đâu trong cuộc hội nhập với thế giới hôm nay và ngày mai. Lại rất cần những “nhạc trưởng” thật sự am hiểu giáo dục và khoa học có khả năng hướng các véc-tơ chụm vào nhau, làm cho nội dung và phương pháp đào tạo sớm thoát khỏi vòng luẩn quẩn bấy lâu nay và nâng lên trình độ tiên tiến ở mọi cấp học. Có tầm nhìn, “nhạc trưởng” và quyết tâm, ắt sẽ tìm ra điểm nhấn và lộ trình chấn hưng giáo dục.

Có lẽ phải “hy sinh” một thế hệ nữa để đưa cỗ xe giáo dục về đúng quỹ đạo. Bởi chỉ riêng tân trang đội ngũ thầy giáo cũng phải mất ít nhất vài thập kỷ. Mà việc này lại phải khởi động bằng đột phá trong chất lượng đại học và trên đại học.

Chú thích ảnh: Ảnh Phạm Bá Thịnh

Phạm Duy Hiển

Tác giả