Nỗi niềm tâm sự

Qua bài viết “Sao để họ đứng ngoài cuộc?” của GS. Phạm Duy Hiển trên Tia Sáng (số 7 ngày 5.4), tôi hoàn toàn thông cảm với niềm trăn trở của một người đã có tích lũy kinh nghiệm nhiều năm về năng lượng nguyên tử, nhưng đến dịp có điều kiện có thể cống hiến cho đất nước thì không ai hỏi đến! Một khi đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được giao vào tay EVN thì họ có đủ quyền, đủ điều kiện và đủ phương tiện để tiếp xúc với các chuyên gia giỏi trên thế giới. Dưới con mắt của họ và nhiều người khác, cái lò phản ứng hạt nhân tý hon ở Đà Lạt chỉ là một vật trang trí. Họ không cần biết nó cũng là một nhà máy điện hạt nhân nhỏ theo đúng nghĩa của nó. Và họ cũng không cần biết rằng hơn ai hết chỉ những chuyên gia Việt Nam mới am hiểu xã hội Việt Nam và đất nước Việt Nam.

Tâm trạng của GS. Phạm Duy Hiển khiến tôi có cảm giác rằng một số chương trình khoa học khá tốn kém của Nhà nước rốt cuộc biến thành những vật trang trí! Cụ thể như chương trình điều tra tổng hợp lãnh thổ Tây Nguyên do bản thân tôi làm chủ nhiệm. Trong thời gian 4 năm từ 1977 đến 1981, chương trình đó huy động lực lượng của 18 tiến sĩ và phó giáo sư thuộc đủ các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội trong đó kể cả nhân chủng học, dân tộc học. Hơn nữa, chương trình đã xây dựng một trạm nghiên cứu xói mòn trên đất dốc. Thế nhưng, chỉ sau vài năm tiến hành, những người có trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách phát triển Tây Nguyên đã thông qua một văn bản trái với nhận định ban đầu của chúng tôi như: Tây Nguyên có thể mạnh về lương thực, đi tới bắt Tây Nguyên tự túc về lương thực (điều mà chúng tôi đã không đồng tình ở Hội nghị phát triển nông nghiệp tại Đắk Lắk năm 1981); nhất là chính sách đối với cư dân bản địa, chúng tôi kiến nghị chỉ đưa lên Tây Nguyên những nông dân có ý thức chính trị tốt với số lượng dăm trăm nghìn thì chúng ta lại đã đưa lên Tây Nguyên vài triệu người… Hầu như trong việc triển khai những dự án phát triển Tây Nguyên, các nhà quản lý không hề quan tâm đến những kiến nghị trong công trình khoa học về Tây Nguyên dày tới 500 trang của chúng tôi. Bản báo cáo tóm tắt với các kiến nghị của chúng tôi chỉ dày có 50 trang cũng không được công khai phổ biến. Cũng rất may là năm 1985 nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật còn kịp in 5.100 bản cuốn “Các điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Tây Nguyên”, an ủi phần nào công lao động của các tác giả!
Khác với chương trình khoa học Tây Nguyên, chương trình xây dựng Tập bản đồ Quốc gia (còn gọi là chương trình 48-03) được ghi vào Nghị quyết 37NQ của Bộ Chính trị hẳn hoi, thế mà sau khi xuất bản vào năm 1996, nó không được sử dụng để bố trí các dự án sản xuất một cách hợp lý nhất. Thậm chí Viện Nghiên cứu Địa chính đề nghị điện tử hóa Tập Bản đồ Quốc gia để bố trí các dự án sản xuất công nông nghiệp và giao thông vận tải hợp lý nhất cũng không được xét duyệt. Tập Bản đồ Quốc gia được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 hiện nay chỉ là một vật trang trí nằm trong các thư viện. Các nhà hoạch định chính sách, nhất là quyết định phân bố lực lượng sản xuất một cách hợp lý nhất trên lãnh thổ, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến tập Atlat quốc gia! Hiển nhiên nó lại biến thành một vật trang trí tương tự cái lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Hy vọng trong thời gian tới, các dự án phát triển, nhất là các dự án trọng điểm của đất nước, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không còn bị trở thành vật trang trí.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)