Nói về môt cái thói đọc văn ở xứ ta
Nhân việc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh nghiêm khắc kiểm điểm Nguyễn Ngọc Tư, tác giả truyện Cánh đồng bất tận, rồi ông Dương Việt Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về vụ việc này, và các ngày tiếp theo sau đó, một loạt ý kiến phản hồi của bạn đọc đã được báo Tuổi Trẻ trích đăng, cần phải ngẫm lại cái thói đọc văn của người xứ ta.
1. “Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”
Cuối thế kỷ 17 (1663), Trịnh Tạc đã ban “47 điều giáo hóa” khuyến cáo dân chúng không nên phổ biến loại truyện thơ hoa tình rằng: “Chớ cho in bán hại nay thói thuần”. Rồi đến đời nhà Nguyễn cũng khuyến cáo cấm đọc Phan Trần và Truyện Kiều.
Mấy trăm năm sau, nay chuyện Cánh đồng bất tận cũng được soi xét cứ y như lịch sử là cái “cục bất di bất dịch”! Người thì bảo nó làm mất niềm tin lạc quan vào cuộc sống, kẻ thì bảo hổng có chức năng giáo dục và định hướng: “Không nên cho học sinh coi”; lại có ngài mạnh mẽ hơn, đòi trục xuất nhà văn ra khỏi địa bàn; và rồi có ngài cho rằng đây là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống Cộng, tục tĩu, dâm ô, chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước…
Nhắm mắt lại một giây mà nghĩ thì truyện Kiều dù bị chê, bị cấm thì cứ y như rằng nó vẫn được thế nhân đón đọc và rồi được coi là kiệt tác văn chương của dân tộc. Phật dạy rằng: Chúng sinh hiểu kinh Phật tùy theo căn duyên của từng người, thì quả đúng lắm vậy. Nói cách khác, cái nỗi lo của chúng ta chính là ở những cái căn duyên ấy.
Đối với tôi, đọc Cánh đồng bất tận, tôi thấy rằng mình không nên như lão chăn vịt nọ, cứ chấp vào một mối thù hận tự mình dựng đứng lên để rồi dìm cuộc sống của mình trong mỗi một việc là phục thù… đàn bà. Bài học rút ra là sống phải biết khoan dung và chia sẻ, hay nói theo nhà Phật là hỉ xả. Cũng cần nói thêm là người vợ của lão chăn vịt ấy, khi lầm lỗi đã biết “từ chức”, tức từ bỏ cái chức năng làm vợ chung thủy, để ra đi biền biệt vào cõi ngoài. Đó là một con người biết phải trái, có nhân cách – đáng thương đáng quý hơn là căm thù. Ấy thế mà lão chăn vịt cố chấp nên đã tự mình đánh đắm vào vô minh.
2. Cái thói đọc văn xứ ta tệ hại là ở chỗ chăm bẵm vào cây mà chẳng cần thấy rừng; do vậy mà cái thông điệp xã hội hay triết lý của tác phẩm bị cây cỏ khuất lấp. Đọc Truyện Kiều thì thấy đó là truyện của một con điếm, thấy thanh lâu/ hồng lâu, thấy tú bà, thấy “7 chữ tám nghề”… mà chẳng cần thấy cái đại ý của tác phẩm và la toáng lên rằng phải cấm, phải khuyến cáo chúng dân không nên đọc. Như kẻ bị bệnh “tự kỷ ám thị” khi đọc tác phẩm đề cập loại nhân vật này, sự việc kia thì cứ vận lấy vào mình và la toáng lên rằng tác giả nói việc đó, người đó là ám chỉ việc này của ta, của chúng ta. Thế là tác giả ấy đương nhiên là “có vấn đề”.
Cứ thử xem, ở xứ ta có một tác giả nào đó viết cuốn Tây Du Ký thì ắt không ít người đại diện cho Phật tử phê phán là nói xấu đạo Phật, bôi bác tăng già. Họ sẽ đem các dữ liệu lịch sử của Đại Đường Tây vực ký của Trần Huyền Trang ra làm cơ sở để so sánh, đối chiếu và rằng thì là làm gì có lão tăng Trư Bát Giới, làm gì có chuyện Đường Tam Tạng lọt vào ổ Bạch Cốt Tinh… Lại nữa, nếu xứ ta có tác giả nào viết truyện như tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai thì ắt sẽ bị coi là có ý nói xấu đạo, các linh mục… Do không coi văn chương là loại thể khác với lịch sử nên có khi tiểu thuyết/ truyện ngắn nói về Quang Trung là cứ y như rằng ối người đọc nhao nhao lên là viết như thế là sai lịch sử, là bôi bác người anh hùng áo vải kiệt hiệt! Truyện ngắn, tiểu thuyết mà cứ bị đánh đồng với “diễn ca lịch sử”, nên khi đọc thì nhất nhất đều lấy dữ liệu lịch sử ra mà đối chiếu để xét đúng sai, trong khi cái cần xét là sự hay dở của cách thể hiện, là cái cảm xúc, cái chủ ý của tác giả thì lại không cần bàn đến. Quả là “ẩm thực bất tri kỳ vị”.
3. Hệ quả dây dưa từ cái thói đọc văn vụ vào lịch sử là sau này một số người đọc tiểu thuyết viết về đề tài đương đại thì cũng luôn đem qui chiếu cái hiện thực của tác phẩm với thực tế cụ thể ở xóm ta, làng ta, tỉnh ta, đất nước ta. So sánh xong thì bảo chuyện A, chuyện B trong tác phẩm đó làm gì có; hoặc có thì cũng không đến nỗi như tác giả viết. Nói cách khác, từ cách “tiếp cận” như vậy, họ cho là tác giả đã đơm đặt chuyện không nói có, chuyện ít xít ra nhiều và qui kết là có động cơ xấu, là bôi bác xã hội! Thói đọc văn rất chướng này, như trên đã nói, di truyền lâu đời và nhiều thời đoạn lịch sử trở thành kiểu thức quan phương.
Cơ khổ là, hồi nào thì không nói, chứ bây giờ mà phê bình theo cách so sánh những gì viết trong sách với những gì ở ngoài đời thì rõ là khó quá. Bởi lẽ, cứ theo những gì “báo chí đã ghi, ti vi đã chiếu” thì có nhiều “hiện thực vượt quá hư cấu”. Nói cách khác, cái thói đọc văn theo cách “truyền thống” thì: một là, chẳng biết văn chương là gì; và hai là, các nỗ lực đối chiếu hiện thực trong văn và thực tế là “sứ mệnh bất khả thi”. Bó tay!