Nữ quyền loại trừ chuyển giới: Một phong trào nguy hiểm

Trong bối cảnh toàn cầu ngày nay, sự kỳ thị chuyển giới không chỉ đến từ các cá nhân bảo thủ, dễ buông lời khinh miệt mà còn cả từ một số người thường được gọi là nhà nữ quyền cấp tiến loại trừ chuyển giới (trans-exclusionary radical feminist, viết tắt là TERF). Trong những năm gần đây, lực lượng của họ đang lớn mạnh ở một số nước như Anh, Mỹ, v.v., đe dọa đến chính những bước tiến vẫn còn mới chớm của cộng đồng chuyển giới nói chung.

Người biểu tình ở thành phố New York giơ biểu ngữ: “Quyền chuyển giới là quyền con người”. Ảnh: Yana Paskova/The New York Times/Redux]

Nền tảng là ngộ nhận và định kiến

Về cơ bản, chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến loại trừ chuyển giới (từ đây gọi là “nữ quyền loại trừ chuyển giới”, hay NQLTCG) cho rằng chuyển giới là một khái niệm ngụy tạo của những cá nhân mà theo lời tác giả J.K. Rowling thì đang “phủ nhận rằng giới tính là có thật”. Khác với đa số các cơ quan y tế và các nhà khoa học xã hội ngày nay, NQLTCG đánh đồng giới tính sinh học với bản dạng giới, cho rằng khi một người sinh ra, bản dạng giới mà họ cảm nhận được về mặt tâm lý nghiễm nhiên sẽ trùng khớp với giới tính dựa trên nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục, v.v. Trên nền tảng này, NQLTCG cho rằng những phụ nữ chuyển giới thực chất chỉ là “đàn ông chầu chực thời cơ lạm dụng phụ nữ”, đàn ông chuyển giới chỉ là “những người đồng tính nữ bị bối rối”, còn phi nhị nguyên giới (non-binary) – khi các cá nhân không quan niệm bản thân là nam hay nữ – thì bị coi là một sự ảo tưởng, một xu thế vô căn cứ.

Ngay từ những định nghĩa cơ bản này, có thể thấy một số ngộ nhận nghiêm trọng của NQLTCG. Thứ nhất, người chuyển giới không hề cố “phủ nhận rằng giới tính là có thật.” Trên thực tế, giới tính sinh học là một chủ đề thường trực trong tâm trí người chuyển giới, nhiều khi thúc đẩy họ trải qua các cuộc phẫu thuật để cơ thể ăn khớp hơn với nhận thức giới. Khi một người phụ nữ chuyển giới mặc váy, để tóc dài hay đi giày cao gót, người này không hề tin rằng cái váy, cái tóc hay cái giày sẽ “biến” mình thành phụ nữ; bản thân họ đã là phụ nữ rồi, và những thứ trang phục kia thường có ý nghĩa như các dấu hiệu hướng ngoại để người khác biết bản dạng giới của họ là phụ nữ, chứ không nhìn vào các đặc điểm sinh học để rồi dẫn đến sự nhầm lẫn.

Nữ quyền loại trừ chuyển giới (NQLTCG) là một tư tưởng vẫn còn gây tranh cãi, được xây dựng dựa trên định kiến và các nỗi hoang mang ngụy tạo. Các phát ngôn, các hành động và các khối đồng minh được nhiều nhà NQLTCG tạo lập đã buộc những người trong và ngoài cuộc phải tự chất vấn lẫn nhau về tính “nữ quyền” trong phong trào này.

Một sai lầm cơ bản khác của NQLTCG là việc nó ngộ nhận về tính dục của người khác. Khi chủ nghĩa này coi phụ nữ chuyển giới là “đàn ông đóng giả làm phụ nữ để lợi dụng phụ nữ”, nó không những giới hạn rằng đã là phụ nữ chuyển giới thì chỉ ham muốn phụ nữ, mà còn vay mướn các định kiến từ văn hóa đại chúng của thế kỷ XX, nơi đầy rẫy những tội phạm cưỡng hiếp, những kẻ sát nhân hàng loạt được miêu tả là “đàn ông đóng giả làm phụ nữ”, tiêu biểu là nhân vật Buffalo Bill trong Sự im lặng của bầy cừu (Silence of the Lambs), hoặc là Norman Bates trong phim Psycho của Alfred Hitchcock. Chính những khuôn mẫu tiêu cực như vậy đã bóp méo hiểu biết của đại chúng về phụ nữ chuyển giới, dẫn đến sự tồn tại của các diễn ngôn không đáng có. Một ví dụ tiêu biểu là vấn đề nhà vệ sinh công cộng, nơi các nhà NQLTCG cho rằng nếu để phụ nữ chuyển giới sử dụng chung nhà vệ sinh với phụ nữ hợp giới (cisgender) thì sẽ dẫn đến xâm hại tình dục phụ nữ trên diện rộng. Dù nhiều nghiên cứu như Hasenbush và cộng sự (2018) đã chỉ ra rằng các báo cáo về tội phạm xảy ra trong nhà vệ sinh công cộng vốn dĩ “vô cùng hiếm”, các nhà NQLTCG vẫn quả quyết rằng đây là một mối nguy hại có thật, và đề xuất rằng nhà vệ sinh công cộng phải được chia theo cơ quan sinh dục của người sử dụng, thậm chí có cả nhân viên an ninh kiểm tra giới tính ghi trên giấy tờ tùy thân của mỗi ai bước vào. Đây là một ý tưởng gây nguy hại, thứ nhất là bởi theo các khảo sát của Jones và Slater (2020), các yêu cầu thắt chặt an ninh như vậy khiến người chuyển giới cảm thấy bị cô lập, bị đàn áp và mất quyền riêng tư. Thứ hai, như một số đàn ông chuyển giới đã chỉ ra, việc chia nhà vệ sinh công cộng theo cơ quan sinh dục thậm chí có thể tác động ngược đến chính những phụ nữ hợp giới mà NQLTCG có ý bảo vệ. Cụ thể hơn, phụ nữ hợp giới sẽ phải dùng chung nhà vệ sinh công cộng với những người đàn ông chuyển giới đã trải qua các cuộc phẫu thuật và tiêm testosterone để có cơ thể nam tính, tức là cả hai bên sẽ đều không thoải mái khi bước vào cùng nhà vệ sinh với nhau.

Nước Anh: một “ổ dịch” TERF

Ngày nay, nữ quyền loại trừ chuyển giới (NQLTCG) đang lớn mạnh ở một số nước Âu-Mỹ, trong đó nổi trội nhất là Anh. Một nhân vật tiêu biểu trong NQLTCG ở Anh là bà J.K. Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter, người không những đã phát ngôn trên mạng xã hội Twitter về hiểm họa từ phụ nữ chuyển giới, mà còn xuất bản một tiểu thuyết trinh thám trong đó vai phản diện là một kẻ giết người hàng loạt vốn là “đàn ông đóng giả phụ nữ” – một minh chứng rõ ràng cho nguồn gốc phim ảnh của các định kiến trong phong trào này. Năm 2020, khi Rowling viết một tiểu luận thể hiện sự quan ngại rằng mở cửa nhà vệ sinh nữ cho phụ nữ chuyển giới cũng sẽ là “mở cửa cho bất kỳ gã đàn ông nào muốn vào trong”, bà đã bị chỉ trích là thiếu kiến thức và cố tình tạo dựng sự hoang mang, song thay vì lắng nghe người khác chỉ ra các thiếu sót của mình, J.K. Rowling và những nhà NQLTCG khác lại phô diễn chính mình như những người dám nói sự thật. Phải thừa nhận, tương tự như bất kỳ trường hợp tranh cãi nào khác trên mạng xã hội, một bộ phận rất nhỏ trong số những người chỉ trích J.K. Rowling đã gửi các lời đe dọa đến tài khoản Twitter của tác giả này, song trong mắt Rowling và đồng minh, bất cứ ai không đồng tình với họ thì đều là những kẻ bạo hành, những cá nhân độc hại với âm mưu riêng.

J.K. Rowling chụp ảnh năm 2011 cùng ba diễn viên chính của chuỗi phim Harry Potter. Cả ba diễn viên này đều đã lên tiếng phản đối Rowling và các phát ngôn kỳ thị người chuyển giới của bà. Ảnh: AP/Joel Ryan

Nữ quyền loại trừ chuyển giới ở Anh không chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân. Ngày 26/10/2021, BBC đã đăng tải một bài báo có tựa đề “Chúng tôi đang bị một số phụ nữ chuyển giới ép phải quan hệ tình dục”, trong đó tác giả Caroline Lowbridge viết là đã phỏng vấn một số người đồng tính nữ giấu tên và được họ kể rằng “một số” phụ nữ chuyển giới đã “ép buộc” họ phải quan hệ với mình, bởi nếu không thì những người đồng tính nữ này sẽ bị coi là kỳ thị chuyển giới. Sau khi bài báo này được xuất bản, công chúng không thể kiểm chứng lời khai của những người trong cuộc bởi họ đều đã đề nghị được giấu tên, song một lời khẳng định của tác giả trong bài báo đã bị chỉ trích là sai sự thật. Cụ thể hơn, Lowbridge nói rằng khi được tiếp cận về chủ đề bài báo, tất cả các “phụ nữ chuyển giới trứ danh đã viết hoặc nói về tình dục và các mối quan hệ” đều đã từ chối phỏng vấn, song bằng chứng trao đổi trên Twitter cho thấy rằng vào ngày 2/9/2020, Lowbridge có phỏng vấn nhà hoạt động Chelsea Poe, một người phụ nữ chuyển giới đã trả lời phỏng vấn về chủ đề các mối quan hệ trên nhiều tạp chí như Slate, Cosmopolitan, v.v. Không những thế, trong bài báo của mình, Lowbridge trích dẫn bình luận của một nữ diễn viên vừa đã phải xin lỗi vì xâm hại tình dục phụ nữ, vừa gây tranh cãi do viết một bản tuyên ngôn kêu gọi xử tử người chuyển giới. Tận từ tháng 9/2020, khi Lowbridge cho biết sẽ lấy ý kiến của nữ diễn viên này, chính Chelsea Poe đã tỏ ra quan ngại về việc Lowbridge chọn một kẻ quấy rối có tư tưởng bạo lực như vậy để hỏi về chủ đề quan hệ cá nhân. Tháng 11/2021, khi được tạp chí PinkNews tiếp cận, BBC thừa nhận rằng đúng là Poe đã cảnh báo Lowbridge về nữ diễn viên kia, và đúng là Lowbridge đã phỏng vấn Poe mà không trích lời nhưng lại nói dối rằng không một người phụ nữ chuyển giới nào chịu trả lời phỏng vấn. Bất chấp các sự vi phạm liêm chính báo chí như vậy, BBC chỉ đổi tên chứ quyết không gỡ bài báo của Lowbridge bởi họ muốn tôn trọng “quyền tự do ngôn luận.” Theo Poe và nhiều người chuyển giới khác, quyết định này là bởi BBC đang cố gắng thúc đẩy tư tưởng kỳ thị chuyển giới của riêng họ – một kết luận vốn dĩ cũng không đáng ngạc nhiên, bởi chính BBC cũng đã đề cử trao giải cho tiểu luận đầy định kiến và thông tin sai lệch của J.K. Rowling.

Có thể nói, nữ quyền loại trừ chuyển giới đã trở thành một tư tưởng vừa phổ biến, vừa được truyền thông ủng hộ ở Anh, khiến cho cộng đồng LGBTQ+ ở nhiều nước khác gọi nơi này là “đảo NQLTCG” (TERF island). Trong báo cáo vào tháng 1/2022 của Ủy hội châu Âu, Anh là nước Tây Âu duy nhất bị xếp vào hàng “quốc gia đáng quan ngại” (country of concern) về vấn đề quyền LGBTQ+, với lý do là các luận điệu NQLTCG của truyền thông và chính phủ nước này “phủ nhận bản dạng của người chuyển giới”, và “đang bị sử dụng để đảo ngược quyền lợi của người chuyển giới”. Tuy nhiên, một sự thật cần phải nhắc đến là NQLTCG cũng đang bắt đầu nổi lên ở các quốc gia khác như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, và thậm chí là đã lan truyền sang Việt Nam – một quốc gia vốn dĩ còn thiếu các kênh thông tin truyền tải nhận thức chính xác về người chuyển giới.

Cụ thể hơn, vào tháng 12/2021, cảnh sát Scotland thông báo rằng họ sẽ khai giới của mỗi tội phạm hoàn toàn dựa theo nhận thức giới của tội phạm đó, bất kể người này đã phạm tội gì. Ngay lập tức, tác giả J.K. Rowling tỏ sự phẫn nộ trên Twitter, cho rằng ý tưởng nêu trên của Scotland sẽ tạo điều kiện pháp lý cho những tội phạm hiếp dâm phụ nữ “tự gọi mình là phụ nữ.” Thái độ của Rowling được miêu tả trên tờ The Times – một tạp chí thiên hữu (right-leaning) ở Anh chuyên đưa tin theo hướng giật gân và kích thích sự tranh cãi. Đến ngày 19/12/2021, trang mạng vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam đã dịch lại bài viết này, trong đó dịch giả đặt lại tiêu đề cho bài viết là: “Nữ văn sỹ JK. Rowling: Đừng gọi những kẻ hiếp dâm bởi “cậu nhỏ” là phụ nữ!”. Ngoài ra, dịch giả còn chuyển ngữ cả các bình luận bên dưới bài viết gốc, đặc biệt là các bình luận ca ngợi Rowling là một “phụ nữ tỉnh táo” và chỉ trích quyết định của cảnh sát Scotland là “điên rồ”, “ác mộng”, “khủng khiếp”, và khiến cho “thế giới trở nên điên loạn”. Nếu việc giật tít bản dịch thể hiện rõ sự ủng hộ Rowling, thì việc dịch thêm các bình luận như trên còn cho thấy rõ một nỗ lực từ phía dịch giả nhằm tạo dựng cảm tưởng rằng đã là người sáng suốt thì sẽ quan ngại như Rowling, để rồi từ đó gợi đến tư tưởng rằng các nỗ lực tôn trọng người chuyển giới nói chung đều “điên rồ”, “khủng khiếp” và gây hại cho phụ nữ – một dấu chỉ của chủ nghĩa nữ quyền loại trừ chuyển giới.

Người biểu tình ở London vào ngày 6/7/2019 với biểu ngữ: “Người chuyển giới không cố nhìn bà đi tiểu đâu, Sharon!” Ảnh: Tristan Fewings/Getty Images for Pride in London]

Có phải nữ quyền hay không?

Trong bài nghiên cứu xuất bản năm 2020 trên tạp chí xã hội học The Sociological Review, nhóm tác giả Ruth Pearce, Sonja Erikainen và Ben Vincent đã chỉ ra rằng cho dù NQLTCG mới nổi lên những năm gần đây, cảm hứng của chủ nghĩa này thực chất đã tồn tại ít nhất là từ cuối thập kỷ 1970, khi một số nhà nữ quyền cấp tiến (radical feminist) miêu tả phụ nữ chuyển giới là những cá nhân “thâm nhập” vào các không gian của phụ nữ và “chiếm dụng” cơ thể phụ nữ. Theo phân tích của Pearce và đồng tác giả, các nhà nữ quyền cấp tiến nêu trên đã bỏ ngoài tai các đóng góp lớn ở thập niên 1990 của những nhà lý thuyết về giới như Judith Butler, để rồi tiếp tục một phong trào hoàn toàn dựa trên các khái niệm sinh học về “tính phụ nữ chung” (shared womanhood). Nếu như Judith Butler và các thế hệ nữ quyền sau này đồng ý rằng giới được tạo nên từ việc đánh dấu một người là “đàn ông” hoặc “đàn bà” dựa trên các hành vi, cách ăn mặc, v.v. có tính lặp lại, thì NQLTCG vẫn quả quyết rằng bản chất sinh học quyết định tất cả, nghĩa là một người sinh ra đã được cơ thể quyết định là “đàn ông” hoặc “đàn bà”, và lớn lên thì “đàn ông” nghiễm nhiên phải có các hành vi, cách ăn mặc thế này, trong khi “đàn bà” thì nghiễm nhiên phải có các hành vi, cách ăn mặc thế kia.

Với một phân tích như vậy, thật dễ vạch ra được một hướng giải quyết vấn nạn NQLTCG: tích cực giáo dục về giới nhằm nâng cao nhận thức chung của mọi người. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nhà NQLTCG đã bắt đầu vay mượn cả từ vựng của phe bảo thủ mà bản thân nữ quyền đã chống lại từ bấy lâu nay; theo họ, quan niệm rằng giới không hoàn toàn phụ thuộc vào sinh học chính là một “ý thức hệ” (ideology) độc hại, “không tự nhiên” (unnatural). Trên mặt trận pháp lý ở Hoa Kỳ, để chống lại các dự thảo luật bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới nói chung, các nhà NQLTCG còn liên kết với các tổ chức cánh hữu Thiên Chúa giáo, vốn dĩ nổi tiếng với các luận điệu bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, thậm chí là kỳ thị phụ nữ. Chính vì lý do này, nhiều nhà hoạt động, bao gồm cả người chuyển giới, đã yêu cầu ngừng gọi nữ quyền loại trừ chuyển giới là “nữ quyền”, mà thay vào đó là một phong trào kỳ thị khác, một dạng kiến chấp (bigotry) góp phần đe dọa đến sự tồn tại và cuộc sống thường ngày của cộng đồng LGBTQ+ đã và đang ở ngoài lề của xã hội. Tuy nhiên, những học giả như nhóm của Ruth Pearce thì lại cho rằng chữ “nữ quyền” hoàn toàn phù hợp cho tên gọi của chủ nghĩa này, bởi xét cho cùng, chủ nghĩa này lấy cảm hứng từ các nhà nữ quyền cấp tiến ở nửa sau thế kỷ XX. Việc để lại chữ “nữ quyền” buộc những nhà nữ quyền ngày nay phải thừa nhận di sản phức tạp của một bộ phận những nhà nữ quyền đi trước, tương tự như việc một số nhà nữ quyền tiên phong ở Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX đã tham gia vào chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và giết hại người da đen. Sự thừa nhận như vậy không phải là để làm các nhà nữ quyền ăn năn hối lỗi, mà là để họ nắm được quá khứ và hướng tới một phong trào đấu tranh có tính bình đẳng hơn trong tương lai.

Nói tóm lại, nữ quyền loại trừ chuyển giới (NQLTCG) là một tư tưởng vẫn còn gây tranh cãi, được xây dựng dựa trên định kiến và các nỗi hoang mang ngụy tạo. Các phát ngôn, các hành động và các khối đồng minh được nhiều nhà NQLTCG tạo lập đã buộc những người trong và ngoài cuộc phải tự chất vấn lẫn nhau về tính “nữ quyền” trong phong trào này. Tuy nhiên, một sự thật không cần phải đặt câu hỏi chính là tác động của chủ nghĩa này đối với người chuyển giới nói riêng và cả cộng đồng LGBTQ+ nói chung. Trong bối cảnh sự trỗi dậy của các chính quyền cánh hữu kỳ thị người LGBTQ+ tại các nước Anh, Hoa Kỳ, Ba Lan, Hungary, v.v., các nhà nữ quyền loại trừ chuyển giới không những tiếp tay, mà còn trực tiếp vào cuộc cùng với những kẻ kỳ thị khác, đe dọa đến cuộc sống, thậm chí là mạng sống của những người chuyển giới trong xã hội hiện nay.□

—–

Committee on Equality and Non-Discrimination of the Parliamentary Assembly of the Council of Europe (2021), Combating rising hate against LGBTI people in Europe. assembly.coe.int/LifeRay/EGA/Pdf/TextesProvisoires/2021/20210921-RisingHateLGBTI-EN.pdf

Hasenbush, A., Flores, A., Herman, J. (2018), “Gender identity nondiscrimination laws in public accommodations: A review of evidence regarding safety and privacy in public restrooms, locker rooms, and changing rooms”, Sexuality Research and Social Policy 16(1), pp. 70–83.

Jones, C. & Slater, J. (2020), “The toilet debate: Stalling trans possibilities and defending ‘women’s protected spaces’”, The Sociological Review 68(4), pp. 834-851.

Pearce, R., Erikainen, S., & Vincent, B. (2020), “TERF wars: An introduction”, The Sociological Review 68(4), pp. 677-698.

Wakefield, L. (2021), “Trans sex worker went unpublished by BBC because she didn’t ‘fit their narrative’”, PinkNews. pinknews.co.uk/2021/11/04/bbc-trans-chelsea-poe-lily-cade/

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)