Nước Mỹ trong mắt người Trung Quốc

Người Trung Quốc nhìn nước Mỹ với con mắt như thế nào? Đây quả là một câu hỏi không dễ trả lời. Không chỉ giới lãnh đạo Trung Quốc, để có được chính sách đối với Mỹ hợp lòng dân, rất muốn biết 1,3 tỷ đồng bào mình nghĩ gì về nước Mỹ, mà rất nhiều người trên thế giới cũng muốn biết người Trung Quốc nghĩ gì về nước Mỹ.

Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến về vấn đề đó, kết quả cho thấy có nhiều ý kiến trái ngược.

Là nước duy nhất trên thế giới gọi quốc gia Bắc châu Mỹ này là “Mỹ Quốc”, tức “Quốc gia tốt đẹp” nhưng người Trung Quốc vẫn hết lời chê nước Mỹ có lắm cái xấu. Chê bai đấy, nhưng lại say sưa hướng ánh mắt sang bên kia Thái Bình Dương, mong có ngày được đặt chân lên đất nước kỳ diệu ấy: Ngày 8/5/1995, sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị trúng tên lửa Mỹ, hai cán bộ Trung Quốc chết. Lập tức học sinh sinh viên Trung Quốc xông tới các cửa hiệu McDonald’s, Kentuky biểu tình phản đối. Nhưng hôm sau họ lại kéo nhau đến sứ quán Mỹ xếp hàng rồng rắn xin visa đi Mỹ du học. Năm 2011 có gần 158 nghìn học sinh Trung Quốc đang học ở Mỹ, đông hơn bất cứ nước nào và tăng 23% so năm trước.

Trung Quốc rất mong nước mình được giàu mạnh giỏi giang như Mỹ – siêu cường bá chủ toàn cầu, mạnh nhất trong lịch sử loài người sau đế quốc La Mã, là “đại ca” của tất cả các nước khác. Chả thế mà Hollywood từng làm một bộ phim giả tưởng Trái đất bị người ngoài hành tinh xâm lăng, một mình đại ca Mỹ đứng ra cứu cả nhân loại. Bởi vậy không có gì lạ khi thấy người Trung Quốc nghĩ về nước Mỹ nhiều hơn về bất kỳ nước nào khác, kể cả về anh hàng xóm Ấn Độ mấy nghìn năm trước Đường Tăng từng đến thỉnh kinh và ở lại 15 năm.

Gần đây, Nhật báo Trung Quốc kết hợp một tập đoàn Tư vấn lần đầu tiến hành cuộc điều tra “Nước Mỹ trong mắt người Trung Quốc” với quy mô lớn chưa từng thấy. Sau đây là tóm tắt kết quả cuộc điều tra ấy.

Hầu hết người Trung Quốc (90,9%) cho rằng mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ vô cùng quan trọng cho việc phát triển ổn định. Trong khi coi Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh chiến lược của Trung Quốc, nhưng đa số vẫn nói nên giữ quan hệ tốt với Mỹ (54,3%) và cho rằng có ba vấn đề lớn nhất hai nước nên bàn bạc giải quyết là tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và mất cân đối thương mại Trung Quốc – Mỹ. Hơn 80% cho rằng Mỹ có lỗi trong việc làm quan hệ hai nước xấu đi, chỉ 16,2% nói cả hai bên đều có trách nhiệm. Nhìn chung giới trẻ Trung Quốc lạc quan về tương lai mối quan hệ với Mỹ. Họ quan tâm nhất vấn đề hợp tác kinh tế và giáo dục thanh niên. Gần 70% người nhận định 20 năm tới Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP.

Gần 53% công chúng Trung Quốc cho rằng nên khuyến khích doanh nghiệp hoặc cá nhân nước này sang Mỹ đầu tư, trong khi 34% nói nên tìm cách giảm đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc.

Nhìn tổng thể về mức độ tình cảm tốt của người Trung Quốc đối với Mỹ tăng ổn định trong thập niên đầu tiên thế kỷ XXI và đạt đỉnh cao vào năm 2009, khi Tổng thống Obama mới nhậm chức. Sau các cọ xát căng thẳng trong năm 2010, mức độ này giảm dần nhưng vẫn cao hơn thời gian 2001-2005. So với giới trung niên và cao tuổi, lớp trẻ Trung Quốc có tình cảm tốt hơn với Mỹ.

Trả lời câu hỏi nhân tố nào ảnh hưởng tới tình cảm đối với nước Mỹ, 53% người Trung Quốc nói đó là những hành động về chính trị (đối với Trung Quốc) của Mỹ ; 47% nói đó là những hành động về kinh tế; 30% – những hành động đối với các quốc gia hoặc tổ chức khác; 22% – văn hóa đại chúng Mỹ; 8,5% – ảnh hưởng của giới nhà giàu Mỹ; 7,4% – ảnh hưởng của các ngôi sao văn hóa Mỹ.

Rõ ràng đa số người Trung Quốc không ưa thái độ chính trị của Mỹ: 86,7% và 81,7% phản đối Mỹ có hành động quân sự đối với bán đảo Triều Tiên và đóng quân ở Đông Nam Á, bán vũ khí cho Đài Loan, can thiệp vào tình hình Biển Đông.

Nhưng họ ngày càng tỏ ra có lý trí hơn trước khi nhận định về các xung đột với Mỹ trên mặt kinh tế: trong khi 50,8% phản đối chế độ thuế có tính trừng phạt Trung Quốc của Mỹ thì 39,8% nói có thể chấp nhận chế độ đó.

Kết quả điều tra cho thấy phần lớn người Trung Quốc có ấn tượng tốt về người Mỹ. Thí dụ 20% đánh giá người Mỹ “có tinh thần độc lập tự chủ” ; 13,4% đánh giá “có khả năng sáng tạo”; 6,9% đánh giá người Mỹ “tự tin”; 15% đánh giá “có chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng trong số những người đã thăm Mỹ về, có tới 21,8% đánh giá người Mỹ “tự tin”, cao hơn hẳn con số 6,9%.

Nhưng cũng có 22,7% người cho rằng người Mỹ “tự cao tự đại”; “chủ nghĩa cường quyền” (21%); “hiếu chiến” (8,6%).

Điều tra cho thấy chính khách Mỹ được người Trung Quốc có ấn tượng sâu sắc nhất là ông Clinton (20,3%), thứ nhì là Lincoln (17,3%). Tổng thống Nixon đứng thứ ba (11,4%), đương kim Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary xếp thứ 7 và 10 trong số những chính khách Mỹ được nhiều người Trung Quốc có ấn tượng sâu sắc.

Qua cuộc điều tra cho thấy, phần lớn những người có học, dân thành thị, giới nhà giàu, giới trí thức và quan chức nhìn nước Mỹ với ánh mắt khâm phục một cách kín đáo. Điều đó thể hiện ở số lượng người xin sang Mỹ định cư ngày một tăng, nhất là giới nhà giàu. Hội các tổ chức môi giới xuất cảnh vì việc riêng ở Bắc Kinh cho biết: năm 2009 số người Bắc Kinh khai báo có visa loại EB-5[1] sang Mỹ làm dân di cư đầu tư từ 500 người năm 2008 tăng lên tới hơn 1000 người. Số chuyên gia kỹ thuật xin sang Mỹ nhiều gấp 20 lần số dân di cư đầu tư. Chính phủ Mỹ cho biết trong năm 2010 lượng người Trung Quốc được duyệt cấp visa EB-5 tăng mạnh, chiếm khoảng 70% tổng số visa loại này đã cấp. Hiện nay giới nhà giàu Trung Quốc vẫn tiếp tục mua bất động sản ở Mỹ rồi đưa cả gia đình sang định cư. Thời gian 2005-2010, tỷ lệ giới đầu tư nước này nhập cư Mỹ tăng 73%.

Bài viết Tại sao người giàu Trung Quốc muốn di cư tới Mỹ đăng trên tạp chí Forbes số ra ngày 11/9/2011 đã liệt kê các ưu thế làm cho nước Mỹ trở thành cục nam châm thu hút giới nhà giàu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ đều biết cái có sức hút mạnh nhất là tự do dân chủ và không quên câu nói tại Australia của Tổng thống Obama nhưng dường như nhằm vào Trung Quốc: Thịnh vượng mà không có tự do thì chỉ là một hình thức khác của nghèo khó (Prosperity without freedom is just another of poverty).

Trung tướng-giáo sư Lưu Á Châu Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng phát biểu một nhận xét tổng quát như sau, có thể đại diện cho quan điểm chung của những người có hiểu biết ở Trung Quốc: Nước Mỹ có một sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức, là quốc gia do nhiều triệu con người không yêu tổ quốc mình họp thành nhưng đều rất yêu nước Mỹ.[2].

Ghi chú

[1] Là loại visa do Chính phủ Mỹ đặt ra nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi năm Mỹ chỉ nhận 10.000 người nhập cư theo diện visa EB-5. Muốn có visa này, người nhập cư phải đầu tư vào Mỹ ít nhất 1 triệu USD (hoặc 0,5 triệu nếu đầu tư vào khu vực tạo việc làm); phải lập công ty mới; phải tạo ra việc làm cho ít nhất 10 người Mỹ trong ít nhất 2 năm.

[2] Xem: http://tuanvietnam.net/2010-08-15-niem-tin-va-dao-duc.       

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)