Nước Mỹ từng chia rẽ vì nữ quyền

Những nhà hoạt động vì nữ quyền rất lo lắng cho tương lai của phong trào này khi tổng thống Donald Trump phát ngôn gây sốc, tỏ ra khinh miệt phụ nữ và không ủng hộ phong trào nữ quyền. Sự lo lắng ấy rõ ràng là có cơ sở, bởi vì trong lịch sử, đã có những chính trị gia kéo lùi phong trào nữ quyền. Việc Tu chính án về Quyền bình đẳng ở Mỹ bị bác bỏ gắn liền với sự phản đối nữ quyền của chính trị gia bảo thủ Phyllis Schlafly là một ví dụ điển hình.

Schlafly cùng những người phản đối Tu chính án về Quyền bình đẳng với khẩu hiệu “stop era”. Nguồn: bloomberg.

Vào những năm 1970, phong trào phụ nữ đang dâng lên thành một làn sóng. Đại hội lần thứ 92 của ngành lập pháp Mỹ, diễn ra trong 2 năm 1971 – 1972, thông qua một dự luật trao nhiều quyền cho nữ giới hơn so với tất cả các phiên đại hội của ngành lập pháp trước đó, trong đó có điều 9 của Tu chính án giáo dục (cấm phân biệt, kỳ thị giới trên mọi khía cạnh trong các chương trình giáo dục nhận hỗ trợ của liên bang). Vào năm 1972, tòa án tối cao đưa ra phán quyết “Eisenstadt v. Baird” đã trao quyền hợp pháp cho những phụ nữ chưa kết hôn có thể sinh con, và vào năm 1973, phán quyết “Roe chống lại Wade” đã cho phép phá thai hợp pháp trong toàn nước Mỹ. Mặc dù trào lưu chống nữ quyền luôn hiện hữu, nhưng tổng thống Nixon đã ủng hộ cho chương trình của Đảng cộng hòa vào năm 1972, trong đó có những mục tiêu về nữ quyền và các chương trình chăm sóc trẻ trên toàn liên bang.

Chủ nghĩa nữ quyền cơ sở đã đạt được bước tiến quan trọng. Phụ nữ trên toàn nước Mỹ đã tập hợp lại để xây dựng các trung tâm hỗ trợ nạn nhân gặp khủng hoảng khi bị hiếp dâm và những nơi trú ẩn cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong cả nước. Cuốn sách Cơ thể chúng ta, bản thân chúng ta được in. Các dự án nhằm xóa bỏ phân biệt giới tính bắt đầu lan tỏa trên truyền thông đại chúng.

Tâm điểm được dư luận chú ý là Tu chính án về quyền bình đẳng (ERA), có mục đích nhằm đem đến cho nam giới và nữ giới quyền bình đẳng trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Dường như phong trào đòi nữ quyền đã thành công nhanh chóng sau khi cả Hạ viện và Thượng viện ủng hộ tu chính án này trong năm 1972 (sau đó còn cần khoảng ¾ cơ quan lập pháp ở các bang trong toàn nước Mỹ phê chuẩn để được thông qua).

“Cho đến giữa năm 1970, cả hai đảng ở Mỹ đều nhận thấy rằng họ nên hỗ trợ cho phong trào đòi nữ quyền”, Marjorie Spruill, người đã viết về chủ đề này trong cuốn sách mới Divided We Stand: The Battle Over Women’s Rights and Family Values That Polarized American Politics [Chia rẽ lập trường: Cuộc chiến chống lại nữ quyền và các giá trị gia đình đã làm phân cực chính trị Mỹ].

Nhưng sự ủng hộ của hai đảng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi. Vào năm 1972, Phyllis Schlafly, nữ lãnh đạo phe bảo thủ đã vận động một phong trào với mục tiêu duy trì vai trò nội trợ của người phụ nữ, chống phá thai, hạn chế phúc lợi của chính phủ và xã hội – đã đưa đến các cuộc tranh luận về các quyền của phụ nữ và vai trò của chính phủ trong việc thực thi chúng. Chiến dịch đầy nỗ lực của Schlafly để hủy ERA (và đã thành công, khi cuối cùng ERA không nhận được sự ủng hộ cần thiết của cơ quan lập pháp ở ¾ tổng số bang ở Mỹ) và những người ủng hộ bà cũng đã thành công trong việc làm suy yếu phong trào nữ quyền bằng việc biến nó trở thành những vấn đề mang tính đảng phái.

Sự khác biệt giữa hai nhóm nữ quyền và bảo thủ lên đến đỉnh điểm vào năm 1977, tại Houston. Nhân sự kiện do Liên hợp quốc bảo trợ từ hai năm trước, tổng thống Gerald Ford đã thành lập một ủy ban điều tra các vấn đề của phụ nữ, sau đó Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua năm triệu USD để tài trợ cho việc tổ chức các hội nghị khu vực và một hội nghị toàn quốc. Kết quả của những hoạt động này là một Hội nghị Phụ nữ toàn quốc. Đáng lẽ hội nghị là nơi để đoàn kết tất cả phụ nữ và mang tới cho họ cơ hội để cất lên tiếng nói hi vọng vào chính phủ trong tương lai. Thay vào đó, Hội nghị này đã trở thành một chiến trường, với một bên là Schlafly tuyên bố “tài chính liên bang dành cho một hội nghị ngớ ngẩn về phong trào nữ quyền đầy thất bại”. Schlafly đã dẫn đầu một đoàn 15000 người “ủng hộ gia đình”, những người tự hào tuyên bố rằng họ tự chi trả cho chính mình chứ không ỷ lại vào nguồn tài trợ của Quốc hội. Các cuộc biểu tình diễn ra ngay cách Hội nghị Phụ nữ toàn quốc chỉ năm dặm, đã tuyên bố chống lại việc phá thai, quyền của đồng tính nữ và ERA. Phong trào biểu tình của Schlafly và những người ủng hộ bà đã dẫn đến sự chia rẽ trong việc hỗ trợ chính trị cho phong trào đòi quyền của phụ nữ và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Bảo Như lược dịch.

Nguồn: http://www.smithsonianmag.com/history/1977-conference-womens-rights-split-america-two-180962174/

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)