Ông Tân có phạm pháp?

Vụ việc nuôi hổ ở Bình Dương thực tế đã trở thành cuộc chiến pháp lý giữa 3 chủ thể là người dân nuôi hổ mà đại diện là ông Ngô Duy Tân, Bộ NN& PTNT đại diện cho Nhà nước và đại diện 6 Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Động vật hoang dã.


Hiện nay cuộc chiến pháp lý dường như đã lên đến cực điểm khi ông Ngô Duy Tân liên tục đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu Cục kiểm lâm phải chính thức xin lỗi công dân và rút lại lời buộc tội người nuôi hổ “vi phạm pháp luật”. Ngày 26/3 vừa qua ông Tân lại gửi thư chính thức cho đại diện 6 Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, phản bác những lời buộc tội của các tổ chức này trong thư gửi Thủ tướng chính phủ Việt Nam và cho biết có thể kiện lên Tòa án quốc tế nếu các tổ chức này không có những hành động thích hợp.

Về khái niệm và các phương pháp bảo tồn sinh học
Là một người đang nghiên cứu trong lĩnh vực đa dạng và bảo tồn sinh học, tôi thực sự ngạc nhiên về kiến thức bảo tồn và càng ngạc nhiên hơn về thái độ ứng xử một cách thái quá của những người đang nhân danh các Tổ chức quốc tế trong thư gửi Thủ tướng Việt Nam.
Trong lá thư gửi Thủ tướng và cả trong bài trả lời phỏng vấn trên đài BBC đại diện Tổ chức quốc tế đều nhiều lần khẳng định rằng: Nuôi hổ ở Bình Dương là không hề có giá trị bảo tồn. Đây rõ ràng là khẳng định sai.
Ai cũng biết rằng khái niệm Bảo tồn sinh học (Biological Conservation) là biện pháp đặc biệt để duy trì và bảo vệ động thực vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện có hai phương pháp bảo tồn sinh học đang được sử dụng là: Bảo tồn tại chỗ (in-situ conservation) là khoanh vùng bảo tồn động thực vật tại nơi gốc mà chúng sống. Đây được coi là phương pháp ưu tiên và tốt nhất để bảo tồn động thực vật quý hiếm; Bảo tồn chuyển vị (ex-situ conservation) là biện pháp di chuyển động thực vật từ nơi nguyên gốc mà chúng đã và đang sống đến nơi khác để gìn giữ bảo vệ, kể cả gìn giữ hay bảo quản toàn bộ hoặc một phần động thực vật trong điều kiện đông lạnh (cryo-reservation) ở trong phòng thí nghiệm. Biện pháp này được áp dụng khá phổ biến, đặc biệt, trong trường hợp nơi ở nguyên gốc của động thực vật bị thu hẹp hoặc bị đe dọa khác cần phải di chuyển động thực vật để bảo vệ, nhân nuôi và thả lại tự nhiên hoặc phục vụ nghiên cứu, đào tạo, du lịch…
Còn cứu hộ động vật là các biện pháp cần thiết tức thời để nuôi dưỡng và chăm sóc động vật khỏe mạnh bình thường trước khi thả chúng về với tự nhiên nơi chúng bị bắt. Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp động vật nào đó bị săn bắt, bị thương ngoài thiên nhiên hoặc đang bị nuôi nhốt buôn bán bất hợp pháp.
Bảo vệ động vật là khái niệm chung, rất rộng từ quy định pháp luật đến các biện pháp thực thi trong thực tiễn để duy trì và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Trong các biện pháp bảo vệ động thực vật quý hiếm có biện pháp bảo tồn động vật như trên.
Với quan niệm như trên, việc nuôi hổ của ông Tân ở Bình Dương đã làm được cả 3 việc là cứu hộ, bảo vệ và bảo tồn (ngoại vị) được những con hổ con yếu ốm đang bị rao bán ở chợ đen, trở thành đàn hổ khỏe mạnh. Về quy mô nuôi hổ của ông Tân có thể khẳng định đây là mô hình kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, nghĩa là vừa có chuồng nuôi vừa có không gian chăn thả bán tự nhiên. Chính vì điều kiện nuôi nhốt và chăn thả mà đàn hổ mới sinh sản được. Hiệu quả của phương pháp này không những đáp ứng được việc bảo vệ và duy trì đàn hổ và còn tăng số lượng đàn một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Việc làm của ông Tân có vi phạm pháp luật không?
Có lẽ đây là vấn đề gay cấn nhất khi xem xét việc nuôi hổ của ông Tân có vi phạm luật pháp hiện hành hay không. Để làm rõ điều này trước hết cần thấy rằng tất cả 3 văn bản pháp luật ở Việt Nam liên quan đến quản lý, buôn bán động, thực vật quý hiếm nói riêng và Tài nguyên rừng nói chung đều mới được xác lập sau việc nuôi hổ của ông Tân từ 5-6 năm. Cụ thể, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, ban hành ngày 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005; Nghị định 32 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006; Nghị định 82 của Chính phủ về Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu… động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 10/8/2006. Như vậy không thể dẫn những điều luật có hiệu lực từ năm 2005, 2006 để buộc tội việc làm xảy ra từ năm 2002. Càng không thể khẳng định ông Tân cố tình vi phạm pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự nếu biết rằng ngay từ đầu (năm 2000) khi mua những hổ con trên thị trường trôi nổi ông Tân đã báo cáo và xin phép Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, Cơ quan Kiểm lâm Bình Dương thực tế đã giám sát và cấp chứng sinh cho hổ; năm 2002 ông Tân đã gửi đơn cho Bộ NN&PTNT xin thành lập cơ sở nuôi hổ nhưng không nhận được phản hồi. Do vậy, cũng không thể đổ cho người dân thiếu ý thức pháp luật, nếu có khuyết điểm trong vụ việc này thì chính các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đã không làm đúng bổn phận, hoặc không theo kịp thực tiễn cuộc sống. Trong suốt thời gian chờ đợi ý kiến chính thức của Cơ quan có thẩm quyền, ông Tân vẫn đầu tư công sức và tiền bạc để làm phận sự của người yêu quý động vật hoang dã và đàn hổ vẫn không ngừng sinh sôi, phát triển. Chính giấy phép trao đổi hổ giữa ông Tân và Vườn thú Hà Nội của Cục Kiểm lâm cũng gián tiếp xác nhận tính hợp pháp của đàn hổ.
Ngay cả vào thời điểm hiện nay, khi mà các Nghị định 32 và 82 đã có hiệu lực thì việc nuôi hổ của ông Tân cũng không có vấn đề gì về mặt luật pháp, bởi lẽ: i) Luật cấm khai thác, nuôi nhốt, buôn bán động vật quý hiếm (Danh lục 1B): Không thể coi phương thức nuôi của ông Tân là nuôi nhốt mà là nuôi thả như trên đã phân tích. Mô hình nuôi hổ của ông Tân thuộc Trại nuôi sinh trưởng và đồng thời là Trại nuôi sinh sản trong môi trường được kiểm soát (Khoản 12, 13, 14 điều 2 và khoản 1 điều 10, NĐ82); ii) Về điều khoản người nuôi phải chứng minh nguồn gốc động vật quý hiếm: tuy nguồn gốc những con hổ đang nuôi không rõ nhưng có thể khẳng định đó là hổ Đông Dương có nguồn gốc từ Campuchia (cùng loài phụ với hổ Việt Nam- Panthera tigris corbetti) loài này phân bố rộng từ Miến Điện, Thái Lan, 3 nước Đông Dương và Nam Trung Quốc. Thực tế đã được nuôi và sinh trưởng tốt ở Việt Nam nên không có vấn đề về mặt môi trường sinh thái bản địa; iii) những con hổ con được bán ngoài đường chắc không phải bắt từ tự nhiên (vì dễ có mấy người vào được hang bắt hổ con???) vì vậy nó đã thuộc ít nhất là F1. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ xem hổ nuôi ở Bình Dương thuộc loài phụ nào và thế hệ mấy không mấy khó khăn, ông Tân hoặc Cơ quan Kiểm lâm có thể đề nghị Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cơ quan khoa học CITES Việt Nam có thể phân tích DNA và trả lời nhanh chóng.
Như vậy, không có cơ sở để khẳng định việc nuôi hổ ở Bình Dương là vi phạm pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế, cũng không có cơ sở pháp lý để tịch thu đàn hổ đang nuôi ở Bình Dương. Vấn đề còn lại là: Cơ quan Kiểm lâm và CITES Việt Nam cần hướng dẫn giúp đỡ các hộ nuôi hổ về các quy định mới và thủ tục cần thiết để tiếp tục nhân nuôi và duy trì đàn hổ theo quy định hiện hành của pháp luật. Việc này chắc chắn vừa ích nước, lợi dân vừa góp phần bảo tồn hổ Đông Dương đang có nguy cơ tuyệt chủng.

* Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu*

Tác giả