Pháp tuyển chọn GS, PGS không biên giới

Tôi đặc biệt lưu ý đến những bình luận của các GS Phạm Duy Hiển, GS Ngô Việt Trung và PGS Phạm Đức Chính và đánh giá cao những việc làm của Nafosted đã góp phần tích cực vào phát triển nghiên cứu cơ bản của Việt Nam trong những năm gần đây. Sau đây tôi xin góp chút ý kiến.


Giáo sư Phạm Xuân Yêm

1. Ở Pháp, có 48.000 Professeur (PR, tạm hiểu là giáo sư) và Maître de Conférence (MC, tạm hiểu là phó giáo sư) ở đại học, gọi chung là Enseignant-Chercheur. Bên cạnh đó còn 11.000 Directeur de recherche DR, Chargé de recherche CR, tạm hiểu là chức vụ dành cho những người chỉ làm nghiên cứu ở các viện thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và đại học (luật-kinh tế, quản lý; nhân văn – xã hội;  khoa học tự nhiên; y, dược…). Tất cả gộp thành hơn mười nhóm tổng quan rồi chia nhỏ lại thành 52 chuyên ngành hẹp (section). Họ là công chức, được trả lương từ ngân sách nhà nước. Số sinh viên ghi tên ở các đại học công khoảng 1,6 triệu (trên 2,55 triệu toàn thể), trong đó khoảng 20% là sinh viên ngoại quốc du học.

2. Hằng năm chính quyền Pháp (chủ yếu Bộ Giáo dục-Đại học-Nghiên cứu và Bộ Tài chính-Ngân sách) quy hoạch một số khoảng vài ngàn chức vụ GS, PGS cho toàn thể các trường đại học để các trường đó vận hành trong nghiệp vụ giảng dạy nghiên cứu. Gần đây, trung bình hằng năm có khoảng 3.700 chức vụ GS và PGS. Trường tuyển chọn công khai hai chức vụ đó trên internet để toàn thể ứng viên trên khắp năm châu lục biết, không có vấn đề quốc tịch. Hội đồng khoa học chuyên ngành của trường mời các nhân sự quốc tế cùng tham gia tuyển chọn và xếp hạng 1,2,3 các ứng viên cho chức vụ. Sau đó trường gửi danh sách và xếp hạng những người được tuyển chọn cho Hội đồng các trường đại học quốc gia (CNU) để họ kiểm soát và chính thức hóa chức vụ. Trừ vài trường hợp quá đặc biệt, khâu CNU chấp nhận kết luận tuyển chọn của truờng.

Muốn làm ứng viên, các thí sinh MC phải có bằng tiến sĩ và thường qua vài ba năm làm post-doc ở các cơ quan nghiên cứu trong ngoài nước và một số công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành có peer review, thực tế ra trong mỗi ngành ai trong chúng ta cũng biết phẩm chất các tạp chí này. Còn ứng viên PR, nếu họ đã là MC thì trước đó họ phải qua một khảo sát hậu-tiến-sĩ gọi là HDR (habilitation à diriger des recherches) và dĩ nhiên phải có thêm nhiều công trình độc đáo hơn.

Tóm lại, ở Pháp,  một người được phong chức danh GS, PGS trước rồi sau đó mới đi tìm việc làm trong các đại học; trái lại, theo tôi hiểu, ở Việt Nam các nhân viên đã giảng huấn nhiều năm ở các đại học rồi sau đó làm ứng viên học hàm GS, PGS.  

3. Không có chuyện một Bộ trưởng nào đó, đặc biệt Bộ Giáo dục, tham gia vào các hoạt động của CNU, nhất là lại làm chủ tịch CNU. 2/3 nhân sự của hội đồng này được trực tiếp bầu ra bởi các giáo sư, phó giáo sư đại học.

Như GS Hoàng Tụy đã có câu sau đây, trích trong Kỷ yếu sĩ phu thời nay (NXB Tri thức 2007): “Thật ra, giáo dục và khoa học của ta không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức ‘không giống ai’ và đó là nguồn gốc của mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh.”

Tác giả