Phát triển kinh tế nông nghiệp: Tích tụ ruộng đất không phải là yếu tố quyết định

Gần đây, có nhiều kiến nghị về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, coi đó là một yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Tôi cho rằng, không hoàn toàn như vậy. Phát triển kinh tế nông nghiệp phải bắt đầu từ con người, từ niềm tin chứ không phải từ đất – hạn điền, tiền vốn hay khoa học công nghệ nào khác.


Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đã triển khai tiêu chuẩn Sản xuất lúa gạo bền vững (Sustainable Rice Platform-SRP) với các tiêu chí đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm, môi trường… cho tới các yếu tố bình đẳng như nữ quyền, quyền trẻ em. Nguồn ảnh: TBKTSG.

Vài năm gần đây, những mô hình sản xuất lớn như “Cánh đồng (lúa) mẫu lớn” do tập đoàn Lộc Trời hợp tác với nông dân, làm lúa giống kết hợp trồng cỏ nuôi bò trên quy mô lớn của ông Sáu Đức, nuôi heo theo mô hình hiện đại của ông Huỳnh Chánh Huy ở An Giang… hay những chủ trang trại nuôi cá tra với sản lượng hàng ngàn, thậm chí cả vạn tấn/năm/hộ đang xuất hiện nhiều hơn. Các doanh nghiệp này có mô hình khép kín, tự cung cấp từ con giống, thức ăn, tự nuôi thương phẩm và được ưu đãi hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, nhiều hộ sản xuất và cả các doanh nghiệp có qui mô lớn đó… lại đang rất “bí” đầu ra, đang chờ… khó khăn mới.

Hiện nay, hầu như không có doanh nghiệp nào kêu bí “hạn điền” cả. Mặc dù về lâu dài, cũng có tâm lý chưa an tâm về “quyền tài sản” đối với đất, nhưng trước mắt Điều 129 và 130 Luật đất đai 2013 đã cho phép sang nhượng, nhận quyền sử dụng đất cao hơn 10 lần hạn điền cũ, tức là tối đa 30 ha đất sản xuất cây hằng năm, 100 ha đất cây ăn quả và 300 ha đất trồng rừng. Thiết nghĩ, một hộ sản xuất lớn sở hữu quy mô chừng đó là cũng có phần quá sức so với thực tế; còn nếu muốn sản xuất ở quy mô lớn hơn thì các hộ sản xuất phải đăng ký thành doanh nghiệp, lúc đó thì đâu có hạn điền nào bó buộc. Vì vậy việc nông sản các nước ồ ạt vào Việt Nam, thị trường nông sản của Việt Nam ở các nước khác đang bị teo tóp hoặc bị mất chủ yếu do thiếu chữ tín, chất lượng hàng hóa không ổn định và thường là thấp kém… chứ không thể “đổ tội” cho hạn điền. Thậm chí, sản xuất lớn, đưa sản lượng tăng vọt mà sản phẩm chưa khẳng định được chỗ đứng trên thị trường mới càng khiến giá rơi thảm hại, người sản xuất lao đao. Bài học gạo, cá… và mới đây là chuối, heo cho thấy rõ điều này.

Theo tôi thì cái “bí” của sản xuất nông nghiệp vừa qua và hiện nay nằm ở tầm vĩ mô thuộc quản lý Nhà nước đã không bảo đảm các cân đối lớn chủ yếu về sản xuất – thị trường, sự an lòng của người dân về quyền tài sản đối với đất đai; và, về một nền giáo dục phổ thông lành mạnh – vì con người – do con người chưa được đáp ứng vv…

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo An Ninh điện tử ngày 10/5/2017, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn Lê Huy Ngọ kể: Khi nông dân hỏi Bộ trưởng là nên nuôi trồng cây con gì thì ông trả lời: “Ra chợ hỏi”. Ông lấy ví dụ những chủ trang trại ở Mexico phải bỏ hoang hàng vạn ha đất vì chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dẫn chứng về việc là sản xuất phải xuất phát từ thị trường chớ không phải từ Nghị quyết, kế hoạch trong phòng họp. Tôi cũng có thông tin rất mới về “Tích tụ đất ở tỉnh Thái Bình” qua lá thư của ông bạn tôi (A) nhận ngày 12/5/2017 như sau:

“Kính gửi: Anh (A).

Tôi đang ở Thái bình (cũng là quê của Anh), tiếp xúc với người nhà và được biết tình hình chính quyền thuê đất của dân như sau:

1. Lựa chọn vùng bờ xôi ruộng mật, gần đường và đất tốt để quy hoạch mời doanh nghiệp vào. Vùng xa, đi lại khó khăn và đất xấu thì không quy hoạch và không thuê.

2. Đất được thuê với giá 140 kg thóc/sào /năm nhưng chi trả bằng giá thóc nhà nước tính thuế (470.000-480.000 đồng/tạ) trong khi giá thị trường là 800.000 đồng/tạ và chi trả từ hai đến năm năm một lần.

3. Trên 95% nông dân không đồng tình cho thuê đất vì các lý do sau: (1) giá thấp gần như chỉ bằng 50% giá thị trường, nên nông dân cho rằng sẽ không đủ tiền để mua thóc cho an ninh lương thực của gia đình; (2) đưa đất cho doanh nghiệp thì mình lấy gì làm kế sinh nhai, tiền sẽ tiêu hết nhưng đất vẫn có thể tạo ra thu nhập. Doanh nghiệp chỉ thuê lao động trẻ 18 – 35 tuổi trong khi trên 70% lao động đang làm việc ở quê là lao động già và không có doanh nghiệp nào thuê, hiện có một lực lượng lao động trên 35 tuổi đang bị “thải” về và quay trở lại làm nông nghiệp; (3) Mức thuê 140 kg thóc/ sào/ năm lúc này có vẻ hợp lý, nhưng 5-10 năm nữa có sự thay đổi về công nghệ thì mức đó sẽ bị thấp, (4) Diện tích thuê chỉ tính ruộng mà không tính bờ nên diện tích bờ sẽ được chính quyền tính riêng với doanh nghiệp.

Chỉ có khoảng 2-3% hộ đồng ý vì không làm ruộng và bỏ hoang vì nhiều lý do.

Vì thế ở quê tôi, xã Phúc thành, huyện Vũ thư thì dân không đồng ý.

Kính thư!
Giáo sư  Đ K C”

Vì vậy, làm nông nghiệp bây giờ là phải: chuyển từ số lượng – diện tích, năng suất, sản lượng sang chất lượng – ngon, bổ, sạch, đẹp, cung cấp ổn định; từ cao trào – phong trào dịu xuống còn bình thường và ổn định; tránh tình trạng “dư cung” trong sản xuất và phải biết tạo ra sự khác biệt. Khác biệt chính là sự hấp dẫn cho thị trường. Đó là quan điểm chỉ đạo nhưng chính quyền, đoàn thể không triển khai, tuyên truyền như xưa nay mà hãy để cho doanh nhân và nông dân làm việc cùng nhau. Chính quyền hãy trở về vai trọng tài và chế tài mà từ lâu quên lãng. Các đoàn thể chính trị trở về với công việc của hội đoàn của mình. Các cấp ủy Đảng với vai trò lãnh đạo kịp thời điều chỉnh, điều chuyển những cán bộ không thích hợp. Nếu cả hệ thống chính trị cùng quan tâm thì sẽ đi vào vết xe “huy động sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh phong trào sản xuất” như lâu nay.

Kiến nghị

– Không thay đổi hạn điền, giữ như Luật Đất đai năm 2013 (điều 129, 130) nhưng thời hạn sử dụng đất được giao nên thay đổi. Bởi vì, tại sao thời hạn chỉ là 50 năm? Điều này đã gây lo lắng, hoài nghi trong dân nhưng không ai nói ra. Đó cũng có thể là nguyên nhân sâu xa vì sao dân không mạnh dạn, hứng thú đầu tư vào nông nghiệp như chính phủ kỳ vọng! Đề nghị đất trong hạn điền không ghi thời hạn sử dụng, không thu thuế trực canh hoặc thuế cho thuê lại; không dùng khái niệm “thu hồi đất” mà dùng từ “mua lại”, “trưng mua”, “trưng dụng có thời hạn”, “trưng thu”… Hạn điền là “chiếc giày” do chế độ này đóng cho nông dân đó, đừng tháo nó ra!

– Nên có văn bản quy định rõ việc doanh nghiệp muốn sản xuất lớn ở quy mô nông trại, đồn điền với hàng ngàn ha, ngoài điều 129, 130 Luật Đất đai 2013 thì không hạn chế, doanh nghiệp chỉ cần lập dự án, có phương án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu thuê lại đất công thì ký trực tiếp với chính quyền thuê đất; nếu thuê/ mua lại của dân thì do doanh nghiệp và nông dân tự thỏa thuận, chính quyền chỉ làm trung gian, hòa giải. Nếu chính quyền thay doanh nghiệp thỏa thuận và ký với nông dân hoặc ngược lại là tạo sơ hở cho tham nhũng như cách làm nôn nóng vừa qua thì sẽ làm mất lòng dân, xã hội không ổn định. Cần chú ý nói rõ: Doanh nghiệp có dự án phải sản xuất, kinh doanh đúng mục đích của dự án, nếu chuyển mục đích dự án phải có điều kiện ràng buộc hoặc chế tài nghiêm khắc. Chống đầu cơ đất, “ghim đất” giữ giá, “phát canh thu tô” trá hình. Có quy định thuế lũy tiến với đất cho thuê vượt hạn điền (3ha, 10 ha, 30 ha… theo từng loại đất).

– Cần bổ sung quy định “đa sở hữu”, thừa nhận quyền tài sản cá nhân về đất nằm trong sở hữu toàn dân. Trong sở hữu toàn dân có phần sở hữu do chính quyền trực tiếp quản lý chứ không đồng nghĩa hai chủ thể (Toàn dân – Nhà nước với Chính quyền) là một. Có chế tài nghiêm trị bất cứ ai vi phạm quy định thu hồi đất trái luật như vừa qua.

– Mở rộng quy mô đất đai, thay đổi phương thức canh tác, thị trường… nhưng trên hết là cơ chế-thể chế quản lý kinh tế-xã hội phải đồng thời, đồng bộ. Nếu đất sản xuất rộng, thị trường hẹp ắt sẽ sinh phương thức phát canh thu tô, nếu mọi thứ đều ổn mà lòng người chưa yên thì sản xuất cũng không bền vững. Cần cảnh giác sự biến thái của thị trường đất do “nhóm lợi ích” chi phối, sinh ra tư bản hoang dã mà “nới hạn điền” cũng là một cơ hội lớn cho các nhóm lợi ích!

– Nhà nước “làm thị trường” theo kiểu nhà nước – bằng kinh tế đối ngoại, làm trọng tài và có chế tài luật pháp, đặc biệt là phải bảo vệ chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, chống cạnh tranh không lành mạnh. Còn các đơn vị sản xuất kinh doanh phải “tự lực”, như doanh nhân tự phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; tiểu thương biết bán lẻ đến từng hộ gia đình; nông dân phải biết sản xuất ra con gà, hạt gạo… sạch, ngon và tìm nơi bán… chứ không thể cứ kêu Nhà nước “cứu” như đã quen được bảo hộ trong thời bao cấp.

– Cuối cùng là niềm tin xã hội đang bị tổn thương, nếu không nói là bị mất quá nhiều với khẩu ngữ: “Nói vậy không phải vậy”,“Thấy vậy không phải vậy” đang phổ biến. Ta không tin thực phẩm ta sạch thì ai tin? Và làm sao cho ta tin ? Có lần PGS VTK thốt lên: “Sản phẩm nông nghiệp của ta bẩn như thế chỉ có bán cho Trung Quốc”. Nhưng nay thì ngược lại rồi, họ bán thực phẩm của họ mà dán nhãn Việt Nam, đúng là “quả báo một giây nhãn tiền”! Còn với cung cách làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì” của ta thì khách hàng nào thành khách hàng “truyền thống” với ta?
——–
Tác giả nguyên là Chủ tịch tỉnh An Giang.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)