Phụ nữ trong khoa học: Những góc nhìn

Gần như tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều có những nữ khoa học, nữ bác sĩ và nhà phát minh nữ nhưng vì nhiều lí do, tên tuổi của những người phụ nữ này vẫn bị khuất lấp hoặc không được ghi nhận. Đến thời kì “làn sóng nữ quyền lần thứ hai” trỗi dậy vào giữa những năm 1960 đến cuối những năm 1980, những nhà sử học theo chủ nghĩa nữ quyền đã khôi phục lại tên của vô vàn những người phụ nữ vĩ đại trong quá khứ, bao gồm các nhà khoa học và phát minh nữ. Những học giả này đã thách thức các định kiến giới trong những trang sử của hàng thế kỉ đã xóa đi những đóng góp của người phụ nữ trong rất nhiều lĩnh vực bởi các nhà sử học nam.

Trước những năm 1960, hầu hết các nhà sử học là nam giới, ở tầng lớp trung lưu với thái độ vô cùng bảo thủ, thấm nhuần tư tưởng của thời kì Victoria hướng đến phụ nữ. Họ áp đặt những giá trị tính dục của bản thân lên tất cả các nền văn hóa, trong tất cả các giai đoạn lịch sử và nhận định rằng phụ nữ không bao giờ có vai trò gì khác trong xã hội ngoài việc làm nội trợ và làm mẹ. Do đó, họ có xu hướng gạt bỏ bất kì những bằng chứng nào về sự góp mặt của phụ nữ trong khoa học, công nghệ, y học (STM – Science, Technology, Medicine) mà họ tình cờ phát hiện thấy. Chẳng hạn, những nhà sử học về khoa học cho rằng, các ghi chép y học của Trota of Salerno, một nữ bác sĩ sống vào thế kỉ 12 thực ra là của một người đàn ông tên là Trotus nhưng vì tam sao thất bản trong nhiều thế kỉ không có công nghệ in ấn nên người ta ghi nhầm tên. Và khi nghiên cứu về nhà toán học nữ Sofia Kovalevskaia (mà chúng tôi dựa trên tên bà để đặt tên cho quỹ Kovalevskaia), tôi thường xuyên gặp những con người tuyên bố rất tự tin và chắc chắn nhưng đầy sai lầm rằng Kovalevskaia không phải là một nhà toán học thực sự mà là chồng hay một nhà toán học nam nào đó đã làm những nghiên cứu mà cô ấy đứng tên.

Nhà toán học Sofia Kovalevskaia. Tên của bà được lấy tên để đặt cho quỹ Kovalevskaia trao hằng năm cho những nhà khoa học nữ xuất sắc ở các nước đang phát triển.

Đưa ra những nhận định xác đáng về một chủ đề rộng và phức tạp như lịch sử phụ nữ trong lĩnh vực STM chung cho các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau thật sự rất khó. Tuy nhiên, có một vài nhận định mà tôi khá tự tin đưa ra sau bốn mươi năm nghiên cứu về vấn đề này.

Lịch sử về sự đóng góp của phụ nữ trong các dự án khoa học và cộng đồng khoa học không đơn giản là một đường thẳng đi từ tăm tối ra ánh sáng mà là một quãng đường nhiều biến động. Có rất nhiều trường hợp mà trong đó phụ nữ thể hiện mình trong một lĩnh vực chuyên biệt nào đó ở thế kỉ 19 mạnh mẽ hơn so với thế kỉ 20 hoặc thế kỉ 20 so với thế kỉ 21. Ví dụ, tỉ lệ nữ giới theo đuổi lĩnh vực y học tại Mỹ trong năm 1900 cao hơn năm 1960; và phần lớn những chương trình khoa học máy tính nâng cao ở Bắc Mỹ và Tây Âu hiện nay chỉ có 20% số người tốt nghiệp là nữ giới trong khi con số này là gần 30% trong năm 1990.

Vị thế của người phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không thể dự đoán dựa vào trình độ phát triển kinh tế, tôn giáo, hệ thống chính trị hay các chỉ số xã hội nào của một quốc gia. Các quốc gia gần gũi về địa lý, có lịch sử và văn hóa tương tự cũng không có nghĩa họ sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nghề nghiệp tương tự nhau. Chẳng hạn, rất ít nữ giới trong hầu hết các ngành STM ở Nhật Bản và Singapore trong khi tỉ lệ đó ở Malaysia và Philipines là 30%; Cuba, Mexico và Columbia có một lực lượng đông đảo những người phụ nữ làm khoa học trong khi đó Paraguay và Cộng hòa Dominican thì không. Cuba có tỉ lệ thành viên nữ trong Viện Hàn lâm Khoa học cao nhất thế giới 27% và con số này là khoảng 20% ở Mexico. Ngược lại, ở đa số các viện hàn lâm khoa học ở Mỹ và châu Âu, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều, dao động từ 4-15%.

Xuất thân của những nhà khoa học nữ vô cùng đa dạng tùy vào các nền văn hóa khác nhau và thời điểm lịch sử khác nhau. Chẳng hạn, trong thế kỷ 20, dưới thời cách mạng Kemalist, Thổ Nhĩ Kỳ, đông đảo phụ nữ ở tầng lớp tinh hoa tham gia làm khoa học; thế kỉ 19 ở Nga cũng vậy, thế hệ những nhà nữ khoa học đầu tiên đều có xuất thân từ tầng lớp hoàng gia và quý tộc, mặc dù vị trí xã hội này không hề mang đến cho họ sự giàu sang. Ở thời điểm hiện tại, một vài nơi tại châu Phi, phụ nữ xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chiếm chủ yếu trong cộng đồng những nhà khoa học nữ. Sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của người phụ nữ mang lại danh giá cho người chồng của họ. Bởi vậy, những doanh nhân giàu có ở châu Phi vô cùng tự hào về những người vợ của mình, những người làm việc với một mức lương thấp nhưng trong bộ phận nghiên cứu khoa học của các đại học quốc gia. Chức danh của một nhà khoa học nữ khẳng định vị thế xã hội của họ mặc dù mức lương khiêm tốn. Thoạt nhiên, ai đó có thể sẽ nói rằng, những nhà khoa học luôn có một xuất thân cao quý, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Ở Peru, rất nhiều nhà khoa học và sinh viên theo học các lĩnh vực khoa học đến từ những gia đình nông thôn và dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, những người trẻ từ dân tộc Quechua (Nam Mỹ) luôn quan niệm nghiên cứu khoa học là con đường tạo ra sự thay đổi và tiến bộ xã hội. Tương tự, ở Mexico, khi học phí giáo dục đại học và sau đại học ở Đại học Quốc gia là miễn phí, rất nhiều người trẻ có xuất phát điểm khiêm tốn về kinh tế đều có điều kiện vươn tới bậc học và các thành tựu bậc cao trong khoa học.


Nhà toán học Miryam Mirakhani. Ở Iran, quê hương cô, nghiên cứu toán học được coi là một nghề nữ tính. Trong ảnh là bìa của một tờ báo ngày tại Iran vinh danh Mirakhani sau khi cô qua đời.

Các nước khác nhau và các nền văn hóa khác nhau có những thiên kiến khác nhau về sự phù hợp của phụ nữ đối với việc nghiên cứu khoa học. Ở Ý, chẳng hạn, phụ nữ được cho rằng chỉ đặc biệt phù hợp với khoa học lý thuyết chứ không phải là các ngành kĩ thuật (nơi đặt túi tiền!). Và ở Iran, toán học được coi là một nghề nghiệp nữ tính. Trong một số ít những học sinh nữ từng đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, rất nhiều là học sinh Iran, bao gồm Miryam Mirakhani, người đạt số điểm tuyệt đối trong kì thi này. Giáo sư Mirzakhani (người mới mất gần đây) về sau trở thành người phụ nữ duy nhất từng được Huy chương Fields cao quý.

Một phần nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc biện hộ cho chiến tranh họ gây ra trong hiện tại và trước đây ở Trung Đông bao hàm cả việc tuyên truyền về sự phân biệt đối xử với phụ nữ ở các quốc gia này. Những báo cáo đầy tính phóng đại đã đóng góp vào việc tạo ra nhiều định kiến ở Mỹ đối với người Arab và Hồi giáo, một dạng phân biệt chủng tộc ngày càng được tô đậm, là kết quả của các phát ngôn đầy tính thù địch lặp đi lặp lại của Tổng thống Trump về người Hồi giáo. Vì lí do này, khi tôi nói với người Mỹ về sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực khoa học trên thế giới, họ vô cùng bất ngờ khi biết được rằng, chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait có tỉ lệ phụ nữ trong các ngành khoa học và kỹ thuật cao nhất trên thế giới, trong khi các nước như Hà Lan, Anh Quốc và các quốc gia Bắc Âu là những nước có tỉ lệ này thấp nhất. Bên cạnh đó, cách tuyển dụng và đãi ngộ trong các công ty kĩ thuật hoặc công nghệ cao ở một số nước Hồi giáo còn thuận lợi với phụ nữ hơn nhiều so với ở Mỹ. Vào năm 2015, khi đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tôi thực hiện một loạt phỏng vấn với những phụ nữ giữ những chức vụ cao cấp trong lĩnh vực công nghệ tại các quốc gia vùng Vịnh. Họ rất hào hứng với những trải nghiệm của mình và các cơ hội nghề nghiệp ở các quốc gia này. Ngược lại, trong những năm gần đây, một loạt các báo lớn của Mỹ đã phơi bày những vụ việc kinh hoàng liên quan đến quấy rối và đối xử tệ bạc với phụ nữ ở “Thung lũng Silicon”, Mỹ. Định kiến về giới trong lĩnh vực công nghệ cao được thừa nhận rộng rãi là một vấn đề rất lớn ở Mỹ.

Trang bìa gây tranh cãi của tạp chí Newsweek về phân biệt đối xử với phụ nữ ở Silicon Valley.  

Một trong những yếu tố sẽ dẫn đến sự bất công cho phụ nữ đó là người ta quá ưu ái bằng cấp từ nước ngoài, đặc biệt là bằng cấp từ Mỹ. Rất nhiều người đến từ các nước kém phát triển hơn đánh giá cao quá mức bằng cấp từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo ở Mỹ, kể cả của các chương trình online, các chương trình của những “đại học” vì lợi nhuận, cao đẳng cộng đồng và đại học chất lượng thấp. Đó còn chưa kể, có người còn đặt những bằng cấp đó ngang hàng hoặc thậm chí là cao hơn những bằng cấp đến từ các trường đại học quốc gia, các viện công nghệ trong nước họ. Do phụ nữ thường phải chịu những áp lực gia đình, hạn chế họ học tập ở nước ngoài, những định kiến coi thường bằng cấp trong nước sẽ càng dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ.               

Một xu hướng khác ở Mỹ lại càng khoét sâu sự đối xử bất công với nhà khoa học nữ, đó là việc lạm dụng đánh giá của học sinh về các giáo sư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên có xu hướng đánh giá nam giới cao hơn phụ nữ dù họ có cùng trình độ và năng lực và thường đặc biệt tỏ ra tiêu cực với những phụ nữ có kì vọng cao đối với việc học tập của sinh viên. Rất nhiều sinh viên có quan niệm rằng phụ nữ phải dịu dàng và cho họ điểm cao hơn là nam giới. Ở các trường đại học của Mỹ, một giáo sư trẻ bị sinh viên xếp hạng thấp sẽ thường mất việc.

Những chương trình chuyên biệt được thiết kế để thúc đẩy những học sinh nữ và phụ nữ tham gia làm việc trong các lĩnh vực khoa học đã đem đến những ảnh hưởng rất tích cực. Chẳng hạn, trong Hiệp hội phụ nữ Toán học, được thành lập năm 1975, đã góp phần tăng cường tỉ lệ nghiên cứu sinh nữ trong lĩnh vực Toán học ở Mỹ – từ 5% cách đây 50 năm đến khoảng 25%-30% trong những năm gần đây.
***
Vào năm 1983, trong khi thăm Đại học Bách Khoa Hà Nội, chồng tôi Neal và tôi cảm thấy khá thất vọng khi biết rằng chỉ có 8% sinh viên trường là nữ. Chúng tôi hỏi hai người bạn của mình, nhà toán học Hoàng Xuân Sính và Nguyễn Đình Ngọc xem cách nào là hiệu quả nhất để khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào các ngành STM, và những cuộc thảo luận đó đã dẫn đến sự ra đời của Giải thưởng Kovalevskaia cho những nhà khoa học nữ. Các giải thưởng Kovalevskaia đầu tiên được trao vào Hội nghị Đông Nam Á về Phụ nữ trong Khoa học ở các nước đang phát triển năm 1987 và Quỹ Kovalevskaia đồng tài trợ với Hội phụ nữ Việt Nam (HPNVN). Cũng trong hội nghị đó, HPNVN tuyên bố kế hoạch xây dựng một bảo tàng phụ nữ, một trong những bảo tàng về phụ nữ đầu tiên trên thế giới. HPNVN đã điều phối giải thưởng Kovalevskaia ở Việt Nam trong suốt 30 năm tồn tại của nó. Vào năm 2011, HPNVN cũng bắt đầu ủng hộ cho Hội Nữ Trí thức Việt Nam mà người sáng lập là Giáo sư hóa sinh Phạm Thị Trân Châu, chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia năm 1988.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có những khu trưng bày xuất sắc về kĩ năng, sự cống hiến và sự anh dũng của người phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy nhiên, tầng bốn, được dành cho phụ nữ Việt Nam sau 1975, chỉ tập trung vào những chủ đề như đồ thủ công, trang phục, thời trang và các cuộc thi sắc đẹp. Những khách ngoại quốc tới bảo tàng chia sẻ với chúng tôi rằng bảo tàng đưa đến một ấn tượng rằng những phụ nữ Việt Nam đương đại dường như chỉ hứng thú với những thứ “nữ tính” được định nghĩa một cách hẹp hòi và với tư tưởng Khổng giáo về phụ nữ với vai trò làm mẹ và làm vợ đầy cam chịu. Chúng tôi đã biết nhiều phụ nữ Việt Nam – những chủ nhân của giải thưởng Kovalevskaia và một số lãnh đạo của Hội phụ nữ – cũng rất xuất sắc trong những lĩnh vực phi truyền thống. Chúng tôi hi vọng rằng Bảo tàng phụ nữ Việt Nam sẽ thay thế phần lớn những trưng bày ở tầng bốn bằng những hình ảnh, hiện vật thể hiện vai trò của phụ nữ ngày nay trong khoa học, công nghệ, chính trị, quân đội và những lĩnh vực “phi truyền thống” khác.

Hảo Linh dịch
———-
*Giám đốc quỹ Kovalevskaia và Nguyên giáo sư ngành Nghiên cứu về Phụ nữ và Giới, Đại học bang Arizona, Mỹ.
  

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)