Phương pháp “duy-lý tưởng” qua câu chuyện “trí thức là gì”

Những ngày qua chúng ta đã được chứng kiến nhiều bài báo bàn về “trí thức là gì”. Nhiều bài trong số này rất tâm huyết và có chất lượng cao, mang tiếng gọi về trách nhiệm và sự đóng góp xã hội.

Không bàn về các nội dung của câu chuyện “trí thức là gì”, ở đây tôi muốn nhận dạng về phương pháp, phương thức tiếp cận vấn đề.

Phương pháp duy-lý tưởng

Phương pháp duy-lý tưởng là một cách thức tư duy phổ biến từ ngàn xưa về nhận thức xã hội cùng con người. Đây là một lựa chọn. Và nó vẫn có giá trị trong những phóng tưởng trực giác, gợi mở.

Lưu ý là ở xứ Việt người ta cũng dùng cả chữ “phương pháp duy tâm” cho trường hợp này. Tôi muốn dùng chữ “phương pháp duy-lý tưởng” vì nó rõ nghĩa hơn, và tránh bị rơi vào cái bẫy việt vị của thói quen vội quy kết ý thức hệ.

Con người ai chả có lý tưởng. Người có học, càng có. Còn lý tưởng gì, thì lại là chuyện khác.

Nhưng lấy lý tưởng làm phương pháp, thì lại càng là một câu chuyện khác nữa.

Đặc trưng của phương pháp duy-lý tưởng là cách đặt vấn đề “xã hội, con người phải như thế nào?”

Phương pháp duy-lý tưởng này phổ biến trong khắp các tôn giáo, cũng như trong khắp các chế độ xã hội thần quyền thời xưa. Người ta đưa ra một cái tiêu chí duy-lý tưởng, và đem con người và xã hội ra so ép vào đó. Một khi nhất nhất phải làm bằng được như thế, nó đẻ ra phương cách mục đích luận.

Lấy ví dụ ở phương Đông, “thánh nhân” là một lý tưởng. Sau khi mô tả lý tưởng này như một mô hình, người ta đem chiếu các nhân vật cuộc đời vào lý tưởng ấy, đó là cách thức tư duy “duy-lý tưởng”.

Và khi đó người ta bắt đầu nhận thấy những khó khăn mới. Đó là nếu “thánh nhân” bắt buộc phải là “mười phân vẹn mười”, thì người trần “ai mà được cả mười phân». Từ đó tất thảy các nhân sĩ đều được đem ra thử lửa “thánh nhân”, xem còn được bao nhiêu phần trăm. Chưa nói đến ai (được) làm người thử lửa, làm người phán xử xếp hạng thánh nhân? Dân thường thì không cần đem thử làm gì, mất công, phí giờ. Theo tinh thần cao nhất, ở phương Đông có hai ông Nghiêu và Thuấn được coi như đạt đủ tiêu chuẩn “thánh nhân”, cũng vì lý lịch của hai ông rất xa xưa này vô cùng mờ nhạt, và dù sao thì cũng phải có ai chứ… Tiếp đến thì Khổng tử và Lão tử (nhân vật Lão tử chưa chắc đã có thật) có thể được tạm xét là “phó-thánh nhân”, tất nhiên hai dòng thuyết của hai ông này thì hạ bệ nhau chan chát, không kiêng nể gì nhau.

Phương pháp duy-lý tưởng này phổ biến trong khắp các tôn giáo, cũng như trong khắp các chế độ xã hội thần quyền thời xưa. Người ta đưa ra một cái tiêu chí duy-lý tưởng, và đem con người và xã hội ra so ép vào đó. Một khi nhất nhất phải làm bằng được như thế, nó đẻ ra phương cách mục đích luận.

Bản thân phương pháp duy-lý tưởng không quyết định vấn đề chân lý có đạt được, hay không đạt được. Đó là hai vấn đề khác nhau.

Với các động cơ rất tốt đẹp, các ông Marx và Engels thời trẻ cũng đã sử dụng chủ yếu phương pháp duy-lý tưởng. Các ông Marx và Engels đã bắt đầu các nghiên cứu riêng của mình về phân tích xã hội và con người, nhưng các nghiên cứu riêng thời trẻ đó của các ông chưa phải là các nghiên cứu thống kê so sánh tỉ mỉ có tính chất xã hội học. Tác phẩm “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”, được viết vào các năm 1847-1848 khi ông Marx 29-30 tuổi (sinh năm 1818), và ông Engles 27-28 tuổi (sinh năm 1820), là một dự phóng duy-lý tưởng : các ông đề xuất ra một mô hình xã hội của ngày mai dưới dạng một xã hội lý tưởng. Càng về cuối đời mình, các ông tỏ ra càng dè dặt hơn, và nghiêng dần về các biến đổi tiệm tiến với nhiều khả năng khác nhau.

Phương pháp “phi-duy-lý tưởng”, hay “tích cực”

Tách ra khỏi xu hướng duy-lý tưởng, các nghiên cứu xã hội học ra đời, khoảng từ những năm 1830 ở châu Âu. Thay vì cố tranh biện đơn thuần về việc “xã hội, con người phải như thế nào?”, các nghiên cứu này lấy trọng tâm tìm hiểu “xã hội, con người đang như thế nào?”.

Một xã hội cũng như bất kì một thực thể nào đều mang trong nó nhiều khả năng phát triển khác nhau – ở những thời điểm khác nhau và trong những môi trường khác nhau. Cách nhìn xã hội, con người chỉ đi theo một con đường sẵn có định mệnh đã tỏ ra thiếu thực tế, và thiếu sức sống.

Sự ra đời của xã hội học là sự trưởng thành của xã hội hậu-thần quyền, của xã hội thế tục. Các xã hội ngày càng trở nên phức tạp hơn, phong phú hơn bội phần. Nhà nghiên cứu cũng trở nên bớt hùng biện, bớt suy diễn tư biện hơn. Thay vào đó là các nghiên cứu có tính tập thể hơn, liên ngành hơn, tỉ mẩn và dài lâu, với các công cụ phong phú hơn. Một xã hội cũng như bất kì một thực thể nào đều mang trong nó nhiều khả năng phát triển khác nhau – ở những thời điểm khác nhau và trong những môi trường khác nhau. Cách nhìn xã hội, con người chỉ đi theo một con đường sẵn có định mệnh đã tỏ ra thiếu thực tế, và thiếu sức sống. Hôm nay chúng ta thừa biết rằng trong khung cảnh toàn cầu hóa này, nếu một quốc gia nhỏ bé lạc hậu phút chốc phát hiện ra cái kho dầu mỏ vĩ đại ở dưới nền nhà mình, thì nó sẽ đi một con đường mới tinh, bất chấp các nghị luận dự đoán trước đó về nó có chất đầy đến đâu trên giá sách.

Hơn thế nữa, con người và xã hội không phải là một thực thể “tự nhiên”, nằm yên đấy để cho ta đi vòng quanh đó quan sát và nghiên cứu thỏa thích như thời trung cổ nữa. Cùng với sự hiểu biết thay đổi nâng lên, chính con người và xã hội cũng thay đổi cùng lên theo cấp số! Chúng ta biết rằng ở nhiều nơi vào ngày bầu cử tự do người ta cấm các tổ chức điều tra thống kê dự báo về xu hướng và kết quả bầu cử được đưa ra thông tin, vì chính những thông tin tức thời này sẽ lại ảnh hưởng lập tức ngược trở lại luôn cuộc bầu cử, tạo nên một vòng xoáy điên đảo trong ngày!

Các thảo luận về “trí thức”…

Đa phần những thảo luận về “trí thức” gần đây trên các media trong nước thuộc về phương thức “duy-lý tưởng”. Các tác giả đưa ra những định nghĩa có tính lý tưởng khác nhau về “trí thức phải là…”, sau đó xem ai đạt tiêu chuẩn của những định nghĩa này. Đó là một lựa chọn, lựa chọn duy-lý tưởng.

Chắc rằng rất nhiều người làm việc trí óc khi đọc những bài luận như thế khắc phải sờ lên gáy mình nghĩ, không biết mình có đạt các tiêu chuẩn duy-lý tưởng đó không. Trong trường hợp nếu các định nghĩa mà quá khắt khe, thì có cơ lại rơi vào trường hợp chỉ có ông Nghiêu và ông Thuấn đắc địa.

Cách tiếp cận này có cái thú vị của nó. Nhưng nếu nó tự cho mình là duy nhất, thì sẽ gạt bỏ chính tinh thần đa nguyên trong nhận thức.

Ngoài cách tiếp cận duy-lý tưởng, tất nhiên các nhà xã hội học vẫn cứ phải an tâm nghiên cứu tiếp, xem mấy triệu trí thức “phi-duy-lý tưởng” kia ở ta, họ làm việc mấy giờ một ngày, mấy ngày một tuần, họ thờ cúng mê tín ra sao, bao nhiêu phần trăm trong họ đã có lần lên tiếng cho công lý xã hội, bao nhiêu phần trăm trong họ trùm chăn ngủ kỹ mãi mãi, thu nhập trong bọn họ khác nhau ra sao, bằng cấp của họ có được bằng các cách thức gì, v.v.

Cũng phải để ý rằng các nghiên cứu phi-duy-lý tưởng ở xứ ta thì đang rất yếu kém, cần được xây dựng và đẩy mạnh. Đơn giản nhất như vấn đề dân số, di dân và phố xá tắc nghẽn liên quan nhau như thế nào? Giải pháp trước mắt và dài lâu? Tại sao nước Đức có dân số và diện tích tương tự nước Việt mà họ ăn ở rộng rãi đàng hoàng được đến như thế?

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)