Quyền lực công nên tổ chức thế nào ?

Dự luật về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2018. Vấn đề là thời gian thông qua thì đã được xác định, thế nhưng không ít các vấn đề cơ bản nhất thì vẫn còn quá nhiều những ý kiến khác nhau. Việc thống nhất ý kiến quả thực là rất khó khăn, nếu chúng ta không có được một khuôn khổ lý thuyết phù hợp.


Vân Đồn là một trong ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ảnh: Nguồn: Báo Quảng Ninh.

Trước hết là vấn đề có nên tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) ở các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay không. Theo tờ trình của Chính phủ, ở các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt chỉ có cơ quan hành pháp mà không có cơ quan lập pháp (HĐND). Cơ quan hành pháp sẽ do một quan chức đứng đầu gọi là trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, có vẻ như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã chia đôi 50/50 ở đây. Các đại biểu ủng hộ phương án thành lập HĐND cho rằng cần phải có cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; cần phải có cơ quan giám sát trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, không có HĐND không thể phát sinh quyền lực… Các ý kiến trên là hoàn toàn có lý khi chúng ta nói về các đơn vị chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đây lại chỉ là các đơn vị hành chính-kinh tế.

HĐND và bầu cử HĐND là những thiết chế chính trị được sinh ra trước hết để xác lập ưu tiên của địa phương. Định hướng phát triển của địa phương sắp tới sẽ như thế nào; định hướng đó có phù hợp với ý nguyện của cư dân địa phương không là một số trong những vấn đề cơ bản mà hai thiết chế nói trên phải giải quyết. Thế nhưng, đối với các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt thì định hướng phát triển và các ưu tiên đã được xác định ngay trong dự Luật thành lập ra chúng. Trong dự Luật thậm chí ưu tiên đã được xác lập cho từng đơn vị hành chính- kinh tế cụ thể. Ví dụ, các ngành nghề đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn là: “công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm”. Như vậy, các thiết chế để xác lập ưu tiên và định hướng các chính sách phát triển như HĐND và bầu cử HĐND là không còn cần thiết. Hơn thế nữa, nếu thành lập các thiết chế này, thì rủi ro của việc xung đột giữa các ưu tiên do Trung ương xác lập và các ưu tiên do địa phương xác lập là không thể loại trừ. Còn về vấn đề giám sát, các đơn vị này chỉ là những đơn vị hành chính, thì giám sát chúng sẽ phải là giám sát hành chính. Thủ tướng Chính phủ nên có một tổ hay một nhóm các chuyên gia giúp Thủ tướng giám sát xem những nhiệm vụ do Trung ương đề ra đang được các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt thực thi như thế nào. Chúng ta đang đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Thế thì điều đầu tiên một nhà nước kiến tạo quan tâm là phát triển kinh tế. Chưa phải là những thứ khác!

Vấn đề thứ hai là các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương hay địa phương. Những phân tích ở phần trên đã cho thấy, các ưu tiên được xác lập cho các đơn vị này là các ưu tiên của Trung ương và do Trung ương đề ra. Vậy thì câu trả lời đã rõ là các đơn vị này nên trực thuộc ai. Không thể trực thuộc địa phương, báo cáo với địa phương mà lại phải triển khai các nhiệm vụ do Trung ương đề ra. Nếu các đơn vị này đã trực thuộc Trung ương thì người đứng đầu đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải do Trung ương bổ nhiệm. Trung ương phải chọn cho được người có đủ năng lực để triển khai thực hiện những nhiệm vụ do mình đề ra. Phương án địa phương giới thiệu, Trung ương bổ nhiệm trưởng đơn vị như dự thảo Luật đề ra là không phù hợp. Không nên có sự cân bằng và kiểm soát quyền lực giữa Trung ương và địa phương ở đây. Hơn thế nữa, trên thực tế, quyền giới thiệu sẽ quan trọng hơn quyền phê chuẩn. Mà như vậy thì khuyến khích về việc làm sao cho vừa lòng địa phương bao giờ cũng sẽ lớn hơn. Các nhiệm vụ do Trung ương đề ra vì vậy chưa chắc đã được toàn tâm, toàn ý triển khai thực hiện.

Cuối cùng, trong hệ thống của chúng ta, Đảng tham gia trực tiếp vào quá trình quản trị quốc gia. Để các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có thể vận hành trôi chảy thì nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước vào người đứng đầu đơn vị là rất cần thiết.

 

Tác giả