Quyết sách nhìn xa và những bước đi gần
Cần phá thế bị động trong quản trị văn hóa nghệ thuật Sau giai đoạn chủ động đưa ra đường lối, quan điểm và những việc làm cụ thể trong cao trào đổi mới giai đoạn 1984 - 1994 với những thành tựu không thể phủ nhận trong mỹ thuật, sân khấu, văn học, điện ảnh… đã tạo thành cơ sở tốt cho giai đoạn hội nhập quốc tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN dần hình thành đầy đủ, thì giới quản trị Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Việt Nam có vẻ như trở nên bảo thủ, dè dặt hơn. Hệ quả tất yếu là chúng ta đang rơi vào thế bị động trong quản trị văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, quản trị VHNT gần như đồng nghĩa với việc chữa cháy các vụ việc đã xảy ra, xử lý các hiện tượng mới nảy sinh, giải quyết có tính tác nghiệp các câu hỏi do thực tế thị trường hóa, hội nhập, quốc tế hóa và đương đại hóa chứ không hề có những quyết sách chiến lược (như thời chiến tranh hay thời đổi mới).
Không thể thanh minh cho sự lúng túng của các cấp từ Trung ương, Bộ, hội, địa phương… trong xử lý và điều hành từng việc từ báo chí, xuất bản tới nhạc trẻ, các nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, truyền hình, internet cho đến các lĩnh vực giải trí khác… Ngoài khẩu hiệu “dân tộc hiện đại” mà ai cũng tán thành, dân tộc, quốc gia nào cũng nhất trí thì cho đến nay, như bản thân tôi, một người nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác vẫn không thấy một văn bản nào của các nhà quản lý đưa ra được hình ảnh nền văn hóa, nghệ thuật mà chúng ta muốn có, muốn xây dựng đại lược như thế nào, đi về đâu, có vị thế nào trong xã hội Việt Nam, ở ASEAN hay châu Á… và quan trọng hơn nó sẽ mang lại cái gì cho người tiêu dùng VHNT là mỗi công dân Việt Nam? Đó là một nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta hoàn toàn không dự đoán được sự phát triển của văn học mạng, văn học nữ quyền, giới tính,… không tiên liệu được sự bùng nổ của sách dịch hay sân khấu xã hội hóa. Mỹ thuật đương đại với những hướng đi mới như Installation, Performace, Video art… lẽ ra có thể là một thế mạnh, một mũi nhọn hội nhập sau hội họa đổi mới thì sau 15 năm tràn ngập, chúng mới được giới quản lý “công nhận” một cách bán công khai qua một festival trẻ!
Có thể nói rằng lãnh đạo, quản lý (ở đây có lẽ nên dùng từ quản trị) VHNT ở Việt Nam đang đi sau những đổi mới về lãnh đạo quản trị điều hành kinh tế, xã hội. Ta chưa tìm được mô hình mới nên vẫn dùng mô hình quản lý và lãnh đạo cũ từ thời trước đổi mới: Ban-bộ-hội-sở và an ninh văn hóa. Và khi những vấn đề thực tế nảy sinh thì cán bộ quản lý chỉ chạy theo xử lý chứ không thể lãnh đạo hay điều hành theo đúng nghĩa.
Thực thể VHNT Việt Nam hiện đang tồn tại 3 thành phần VHNT tồn tại song song và tách rời nhau: (1) bao cấp, dùng kinh phí công; (2) thị trường hoạt động theo luật buôn bán và (3) liên doanh có yếu tố ngoại cả về tài chính, nghệ thuật lẫn nhân sự nghệ sĩ. Mô hình quản lý lãnh đạo của ta thực chất chỉ quản lý được thành phần (1). Đây cũng là phần bảo thủ, ít sáng tạo, an toàn nhưng lạc hậu nhất. Nó tiêu tốn quá nhiều tiền thuế mà hiệu quả chính trị lại không cao. Với hai phần còn lại tác động của hệ thống quản trị chỉ dừng lại ở mức độ ứng phó, ngăn chặn hay phòng ngừa chứ không phải là vạch chiến lược, can thiệp và hợp tác trên thế chủ động.
Về kinh phí nên hướng tới mô hình cấp kinh phí qua các quỹ theo dự án với các hội đồng độc lập xét và cấp kinh phí (của Nhà nước) cho các dự án. |
Để khắc phục tình trạng trên, thiển nghĩ: Về trung hạn nên xây dựng mô hình quản trị VHNT mới theo hướng luật hóa trên diện rộng. Ai cũng được sống và làm việc theo pháp luật thì văn nghệ sĩ cũng cần được như vậy. Chỉ có quản trị theo luật thì mới đảm bảo tự do sáng tạo của văn nghệ sỹ (như đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu tại một hội nghị về VHNT mới đây). Luật hóa cũng sẽ tạo thế chủ động cho hai thành phần Việt Nam thị trường và Việt Nam liên doanh phát triển lành mạnh, thúc đẩy hội nhập và nâng cao vị thế của Việt Nam. Về công tác tư tưởng cho văn nghệ sĩ nên tập trung vào các cơ sở Đảng, các chi bộ và đoàn thể quần chúng. Về kinh phí nên hướng tới mô hình cấp kinh phí qua các quỹ theo dự án với các hội đồng độc lập xét và cấp kinh phí (của Nhà nước) cho các dự án. Đồng thời khuyến khích khối doanh nghiệp hình thành các quỹ văn hóa để tài trợ cho VHNT. Ở đây, doanh nghiệp phải trở thành trụ cột hỗ trợ VHNT chứ không chỉ là từ thiện và khuyến mại. Song song với hình thành các quỹ cũng cần hạn chế chi và duyệt các dự án qua đường bao cấp hành chính như hiện nay thì sẽ tránh được các hiện tượng quan liêu, tham nhũng. Bên cạnh đó cần tăng cường sự sâu sát chuyên môn của an ninh văn hóa để có thể hợp tác tốt với văn nghệ sĩ, đảm bảo an toàn tự do sáng tác cho họ đồng thời không gây ngộ nhận về mất tự do hay nhân quyền. Cải cách mô hình quản trị của VHNT sẽ giúp chúng ta dần thống nhất ba thành phần rời rạc hiện nay thành một chỉnh thể thống nhất vững, lành và mạnh.
Một vấn đề nữa là cần đưa mức sống văn hóa của người dân trở thành tiêu chí cho chiến lược phát triển VHNT.
Câu hỏi tại sao chúng ta không có tác phẩm hiện đại-dân tộc và khi nào sẽ có các tác phẩm “ngang tầm thời đại” lâu nay sẽ không có kế hoạch hay quyết tâm nào có thể trả lời được (giống như câu hỏi bao giờ sẽ lại xuất hiện một Nguyễn Du hay bao giờ hội họa lại có một Nguyễn Phan Chánh, một Nguyễn Sáng mới). Điều chúng ta cần là các quyết sách và chính sách với nội dung, nhân sự và kinh phí (mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được) về mức sống VHNT của người Việt sẽ tăng như thế nào. Có thể định lượng được sự gia tăng đó theo tỷ lệ trong GDP, tỷ lệ chi tiêu trong ngân sách doanh nghiệp, cá nhân và gia đình. Chương trình này hoàn toàn có thể chủ động đưa ra tiêu chí hưởng thụ VHNT dân tộc và quốc tế cho người dân, thí dụ những thành tựu di sản VHNT mà người dân có văn hóa phải biến thành của mình hay quyền được tiếp cận với các thành tựu mới nhất của VHNT thế giới của họ qua mọi hình thức tài trợ và khuyến khích của Nhà nước. Trình độ văn hóa của một dân tộc không chỉ đo bằng mật độ xuất hiện của các vĩ nhân mà trước hết ở mức hưởng thụ VHNT của người dân. Và khi mức độ hưởng thụ VHNT cao thì đó sẽ là mảnh đất tốt, nơi các thiên tài ưa xuất hiện. Từ chiến lược về mức sống VHNT chúng ta mới có thể đi tới quy hoạch cụ thể các thiết chế VHNT. Các thiết chế VHNT nhẽ ra là nơi sáng tạo và hưởng thụ VHNT thì ở ta lại đang chủ yếu là các cơ quan quản lý hành chính.
Về tính dân tộc và hiện đại
Với cả người sáng tạo và người tiêu dùng VHNT công thức tính: Gạn lọc, kiểm duyệt những “món ăn tinh thần ngoại nhập” khó có thể thực hiện trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.
Về vế “hiện đại”, trong tôn chỉ của chúng ta tôi nghĩ, cách hiệu quả nhất là chủ động quảng bá VHNT Việt Nam trong và nhất là ra ngoài nước. Chúng ta cần có những quyết sách chiến lược về nội dung, kinh phí, nhân sự trong việc làm cho thế giới biết đến VHNT Việt Nam. Một hệ thống nhà văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng là một quyết sách cần làm sớm. Hiện nay việc này gần như bỏ trống, có chăng cũng chủ yếu là do hai bộ phận Việt Nam thị trường và Việt Nam liên doanh làm.
Mặt khác phải biến Việt Nam thành một điểm đến văn hóa trong khu vực ASEAN. Ta có nền văn hóa lớn, có vị thế văn hóa cao và không thiếu tiền nhưng chưa có một hệ thống các hoạt động, sự kiện VHNT quốc tế trên đất Việt Nam. Vì sao Bộ không có quyết sách triển khai một hệ thống các sự kiện quốc tế hay khu vực trên lãnh thổ Việt Nam từ hội chợ sách, liên hoan điện ảnh, sân khấu, đến triển lãm mỹ thuật mang thương hiệu Việt…? Qua các sự kiện này ta sẽ chủ động mang nghệ thuật hiện đại thế giới vào và chủ động mang nghệ thuật Việt Nam hội nhập với thế giới. Nếu chúng ta biết chủ động hợp tác với các cơ sở văn hóa nước ngoài ở Việt Nam cũng như các cơ sở Việt Nam ở nước ngoài thì việc này hoàn toàn không khó.
Ngày nay các nghệ sĩ chỉ trở thành hiện đại, dân tộc khi họ được sống chung trong môi trường nghệ thuật quốc tế, vì thế cần có chiến lược phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có tính quốc tế, có tầm quốc tế, hỗ trợ, giúp đỡ họ hội nhập quốc tế sâu hơn. Chính các nghệ sĩ tài năng và hội nhập sâu sẽ mang đặc sắc dân tộc của nghệ thuật Việt Nam góp vào nền nghệ thuật thế giới. Ngăn ngừa, nghi ngại chỉ thể hiện một thái độ bị động. Có xâm lăng văn hóa rõ ràng khi chúng ta để cái xấu của VHNT bên ngoài tràn lan vào nước ta (ở chính quốc gia nơi nó nảy sinh, người ta cũng phải chống các thứ độc hại đó). Chống xâm lăng văn hóa chỉ bằng cách chủ động quảng bá cái tốt, cái hay của thế giới để công chúng Việt Nam có thể tiếp thu và hưởng thụ. Nói cách khác, chủ động giao lưu là cách chống xâm lăng văn hóa hiệu quả nhất. (Ở đây tôi không nói tới các hoạt động gián điệp hay lật đổ mà hạn hữu lắm cũng có văn nghệ sĩ mắc vào. Tôi dám tin rằng những nghệ sĩ lớn thực sự cả ở Việt Nam lẫn thế giới hầu như không mấy ai làm chính trị kiểu ấu trĩ ấy).
Ngày nay các nghệ sĩ chỉ trở thành hiện đại, dân tộc khi họ được sống chung trong môi trường nghệ thuật quốc tế, vì thế cần có chiến lược phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có tính quốc tế, có tầm quốc tế, hỗ trợ, giúp đỡ họ hội nhập quốc tế sâu hơn. Chính các nghệ sĩ tài năng và hội nhập sâu sẽ mang đặc sắc dân tộc của nghệ thuật Việt Nam góp vào nền nghệ thuật thế giới. |
Một lỗ hổng lớn trong chống xâm lăng văn hóa (những ảnh hưởng xấu, độc hại) là đào tạo văn nghệ sĩ và VHNT ở Việt Nam chúng ta không dạy và giới thiệu đầy đủ VHNT hiện đại, đương đại thế giới. Các sinh viên và nghệ sĩ trẻ rất bơ vơ, lúng túng khi bước vào sáng tạo và hội nhập. Một chương trình bổ túc hay được một họa sĩ nước ngoài làm ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội là mời sinh viên tập vẽ lại, sáng tác lại theo các thứ “ism” hiện đại Tây phương (vốn không được dạy trong chương trình chính khóa) để họ hiểu chúng rõ hơn và họ bớt bắt chước vô bổ hay lai căng khi sáng tác. Như vậy muốn có VHNT hiện đại thì phải hiện đại hóa đào tạo VHNT. Mặt này có lẽ chúng ta thuộc loại chậm tiến nhất trong khu vực.
Về vế “dân tộc” tôi xin nêu hai ý: Thứ nhất, cần nghiên cứu, quảng bá, giảng dạy sâu rộng hơn bản chất Đông Nam Á của VHNT Việt Nam từ nguồn gốc, chủng tộc, những đặc trưng và những thành tựu to lớn. Văn hóa Việt Nam đặc sắc nhất vì nó có hai gốc rễ, có bản sắc kép, vừa Đông Á vừa Đông Nam Á. Chúng ta quá nhấn mạnh nguồn gốc phương Bắc mà làm mờ nhạt tính phương Nam, quá cổ súy cho thuyết đồng chủng, đồng văn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) mà lơ là sự gắn bó gần gũi về chủng tộc, văn hóa, lối sống Đông Nam Á của người Việt từ hàng ngàn năm nay. Việc khai quật Hoàng thành Thăng Long cho ta thấy yếu tố Đông Nam Á mạnh như thế nào trong VHNT Việt từ thời Lý. Các sinh viên Huế hỏi tôi vì sao chúng em không được học gì về mỹ thuật Chăm, sử Chăm, nghệ thuật Khmer Nam Bộ và nghệ thuật Tây Nguyên dù ai cũng biết rất to lớn, đáng tự hào? Có thể nói, nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá bản sắc kép này sẽ cho ta vị thế văn hóa cao hơn, mở đường để VHNT Việt Nam hội nhập đường hoàng hơn vào ASEAN và châu Á.
Hiện nay, ai cũng lo lắng về thái độ của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống. Họ thờ ơ, thiếu hiểu biết, không hứng thú và không muốn tiếp nối. Một lý do căn bản là trong xã hội hiện đại Việt Nam là dân ta hoàn toàn không được giáo dục về nghệ thuật. Từ mẫu giáo đến hết đại học, từ nông thôn đến thành thị không ai được giáo dục về nghệ thuật truyền thống (NTTT). Có thế nói NTTT còn xa lạ với họ hơn nhạc Hip-hop hay Người dơi! Đề xuất của tôi từ 30 năm nay là thay môn Nhạc họa dạy kỹ năng làm khổ học sinh (mà báo chí đã nói nhiều) bằng môn Giáo dục nghệ thuật và di sản. Cung cấp kiến thức cơ bản và tạo điều kiện tiếp cận, tạo thói quen hưởng thụ tất cả các môn nghệ thuật và NTTT (từ sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, tới kiến trúc, mỹ thuật…). Các địa phương tùy theo di sản của mình có thể có những bổ sung cụ thể vào phần giáo dục di sản. Việc dạy kĩ năng và phát hiện năng khiếu nên chuyển sang hoạt động ở các câu lạc bộ trong trường và địa phương. Việc này không khó làm, ít tốn kém hơn mô hình đào tạo như hiện nay.
Mặt khác các thiết chế VHNT ở bất kỳ đâu từ bảo tàng tới nhà văn hóa, các sở, phòng văn hóa đều phải có chương trình giáo dục nghệ thuật mở thường xuyên trong chương trình hoạt động của mình. Ở các nước tiên tiến họ đều làm như vậy thì tại sao chúng ta vẫn còn giữ mô hình đào tạo nhạc họa của 2 thế kỷ trước. Các sáng kiến kiểu sân khấu học đường là hay nhưng không thể thay thế sự nghiệp mỹ dục trong nhà trường.
Thí dụ lớn về phản dân tộc-hiện đại
Làn sóng xây dựng tượng đài hiện nay đang diễn ra dường như không gì ngăn cản nổi. Có anh bạn đùa với tôi rằng: Nước ta ra ngõ gặp anh hùng. Không nhẽ mỗi ngõ ta làm một tượng đài giá từ 3 tỷ tới 200 tỷ. Hiện nay chúng ta đã là nước nhiều tượng đài nhất thế giới rồi!
Về chính trị, tượng đài là hình thức tuyên truyền giáo dục của Liên Xô cũ, thịnh hành nhất từ 1930-1980. Ta học theo lối này nhưng lại làm kém hơn họ nhiều. Và đến nay chúng ta vẫn tiếp tục mặc dù ở Nga, người ta đã cấm không làm tượng đài nữa, ở Trung Quốc cũng vậy. Các cấp quản lý của chúng ta cho rằng tượng đài là cách duy nhất để làm nghệ thuật tuyên truyền nhưng không phải như vậy. Thời chiến chúng ta tuyên truyền cực giỏi mà không cần tượng đài.
Không ai, kể cả các tác giả, hội đồng xét duyệt cho đến chủ đầu tư có thể chỉ ra một tượng đài có tính hiện đại trong hàng ngàn cái mà chúng ta đã và đang xây. Cũng không ai có thể chỉ ra được một tượng đài nào có tính dân tộc, kể cả pho tượng Lý Công Uẩn ở Hà Nội (nhiều người thậm chí còn cho rằng bức tượng này giống Tần Thủy Hoàng trong phim cổ trang Trung Quốc). Trong mỹ thuật truyền thống chúng ta hoàn toàn không có tượng đài nhưng có rất nhiều cách tôn vinh và tưởng niệm khác. Làn sóng xây dựng tượng đài của chúng ta phản lại tính dân tộc mà chúng ta đang theo đuổi.
Về kinh tế, đó là một sự lãng phí lớn, là cơ hội cho những hiện tượng tham nhũng xuất hiện, bằng chứng là đã có người đi tù vì tượng đài. Một người bình thường cũng có thể nghĩ rằng, nếu những chục tỷ, trăm tỷ đó được chuyển tới gia đình người có công – hy sinh, giúp cho con cháu họ được học hành… hoặc xây các công trình văn hóa công cộng để dân được hưởng thụ văn hóa thì có nhân nghĩa hơn rất nhiều.
Tại một hội thảo khoa học về tượng ngoài trời của Viện Mỹ thuật, trừ các tác giả đang làm tượng đài, mọi người đều phản đối chất lượng cách thức làm tượng đài, cho đó là một thứ “nghệ thuật xấu” một “thảm họa nghệ thuật” ở Việt Nam. Tôi đã đưa ra đề nghị tạm dừng tượng đài đến năm 2020 vì thực trạng như đã nêu trên. Có cố làm đến đâu cũng không thể hay và đẹp được. Nếu không dừng được toàn bộ ngay lập tức thì cần có những quy định hạn chế. Thí dụ như:
– Chỉ các công trình trọng điểm quốc gia do Thủ tướng duyệt mới làm tượng đài.
– Các cấp khác hạn chế tài chính dưới x tỷ đồng, quy mô không quá x mét…
– Những quan chức mỹ thuật không được tham gia sáng tác, thi công, xét duyệt…
Tất nhiên các biện pháp đó cũng chỉ là chữa chạy tình thế. Tính quyết định vẫn là ở nhận thức chính trị-nghệ thuật và kinh tế – đúng của lãnh đạo về tính dân tộc hiện đại.