Sáng tạo và thịnh vượng trí tuệ
“Sáng tạo là điều VN đang rất cần”. Tôi rất thích ý kiến này của tân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trên báo Tuổi trẻ 3/8/2007.
Khi qua ngưỡng nghèo vào năm 2010-15 thì sự sáng tạo sẽ là chìa khóa để quốc gia tiến vào khu vực các nước công nghiệp hóa. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thịnh vượng. Nền tảng của thịnh vượng lại chính là thịnh vượng trí tuệ. Như vậy tố chất sáng tạo sẽ là “cái đũa thần” giúp hóa rồng? Ông Lý Quang Diệu, một tác giả của con rồng Singapore cũng nhấn mạnh sự sáng tạo”nếu không muốn quay lại là một làng chài như 42 năm trước”.
Kỳ IMO vừa qua các mầm toán học của ta đứng thứ 3 thế giới. Còn toán học thật của ta đứng thứ mấy? Ông Lương Thế Vinh tương truyền biết đổ nước lấy quả bưởi khi còn bé và lớn lên có soạn Tập thành toán pháp, đã thất lạc. Nếu không thất lạc ông có đóng góp cho toán học điều gì mới không? Các vị tiến sĩ trên bia Văn Miếu đóng góp gì cho sự thịnh vượng trí tuệ của dân tộc và nhân loại? Điều chắc chắn là họ đã làm quan và phần lớn là quan quan liêu. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh hoan hỷ thông báo năm nay giáo dục phổ thông của TP vọt lên thứ nhất cả nước và với đà này “10-15 năm tới sẽ đuổi kịp các nước trong khu vực”. Một tác giả phương Tây viết về thi và học đại học ở Việt Nam như một tranh hoạt kê: Cứ tưởng có bạo động, cảnh sát dăng hàng, mọi sinh viên bị lục soát, hóa ra thi đại học. Thí sinh thường ăn đậu xanh trước khi đi thi, cầu đỗ. Nhà nào muốn hiệu quả hơn đậu xanh thì thuê thi hộ. Tỷ lệ học sinh được vào đại học chỉ 10%, chưa bằng 1/4 ở Thái Lan. Chương trình đại học do Bộ quy định nặng học tư tưởng, đạo đức… Sinh viên thông minh nhưng không học được gì nhiều. Ra trường thường không được tuyển dụng. Ông này thành tâm cấp báo về việc cấp tốc phải cải tổ đào tạo đại học nếu Việt Nam không muốn tự lừa dối mình. (Kay Johnson, Stresses of Vietnam’s Exam Season. Time in Partnership with CNN, 12/7/2007, Phan Tường Vi lược dịch).
Không thể không tự hào về Trần Nhân Tông, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm… và các nhà thơ cổ điển tiếng Việt. Cũng nên vô cùng tự hào về các tổ làng nghề, những nhà công nghệ thành đạt và các thương gia đã tạo nên các trung tâm thương mại mạnh thời Trịnh – Nguyễn, các ông Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Công Trứ… khai mở đất đai canh tác. Nên rất tự hào về các bậc thầy điêu khắc, kiến trúc, làng gốm Việt, Chăm và K’me từng đóng góp những di sản tầm quốc tế. (Có lẽ là những gì tốt nhất mà dân ta đã góp vào sự thịnh vượng trí tuệ của nhân loại). Song dù tự hào hết cỡ chúng ta vẫn không thể nói đất nước ta thịnh vượng về trí tuệ được.
Người Việt chỉ thông minh vừa đủ để là học trò sáng dạ và thầy giáo cần mẫn. Ông giáo sư sử học trên VTV ề à quanh một ngôi đền nhỏ xíu giới thiệu một “Danh nhân đất Việt” xưa: “Cụ… học rất giỏi, thi đỗ năm… làm quan ở… Rất thanh liêm, sau về trí sĩ mở trường dạy học, học trò rất đông. Khi mất được lập ban thờ tại đây”. Chấm hết. Không một trước tác, phát minh, sáng tạo hay tác phẩm nào của cụ và các học trò được nêu ra, vì không có! Từ khi đổi mới nhiều người muốn mổ xẻ các thói hư tật xấu của người Việt để cảnh tỉnh. Không thích, ngại, sợ cái mới là một “tật xấu” được nêu ra. (Xem các bài của Vương Trí Nhàn trên TH&VH các số tháng 6 và 7/2007). Ngại cái mới tất là kém – không sáng tạo, một lý do dẫn tới việc hầu hết các nhà cải cách, duy tân của ta từ 6 thế kỷ nay luôn thất bại.
Cần xóa bỏ sự tự huyễn hoặc về mình, rằng người Việt thông minh sáng tạo giống như ta đã bỏ sự ảo tưởng rằng đất nước ta “rừng vàng biển bạc”. Cần giáo dục để 20 triệu HS-SV thấm thía rằng người Việt chưa giỏi, chưa sáng tạo và không thịnh vượng về trí tuệ. Vì thế cần cắn răng mà học cho tới nơi tới chốn và “xả thân” mà sáng tạo trong mọi công việc của mình như cha ông từng xả thân trong kháng chiến gìanh độc lập.
Lãnh đạo và trí thức cần dũng cảm nhìn nhận thực trạng của mọi lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội để từ đó xây dựng một chiến lược giáo dục đào tạo, một môi trường luật pháp, cộng đồng sao cho tính sáng tạo có thể nảy nở.
Chính phủ nhiệm kỳ mới “có màu sắc kỹ trị” đã đặt một trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, ưu tiên cải cách triệt để giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ. Thật đáng mừng.