Sở hữu hay hiện hữu? (Phần 1)

Trong lời dẫn nhập tác phẩm TO HAVE OR TO BE? (Sở hữu hay Hiện hữu?) xuất bản năm 1976, Erich Fromm đã chỉ ra một cách đầy thuyết phục rằng những cơ sở của xã hội công nghiệp đương đại đã dựa trên những tiền đề sai trái về bản tính con người.

Vì vậy, Lời hứa hẹn Vĩ đại (Great Promise) về tiến bộ không giới hạn – thống trị thiên nhiên, của cải vật chất ê hề, hạnh phúc lớn nhất cho số đông người nhất và tự do cá nhân không có cản trở – là một ảo tưởng. Ngày nay những người ý thức được sự thất bại rõ ràng của Lời hứa hẹn Vĩ đại ngày càng nhiều hơn. Loài người đang đối diện với nguy cơ chiến tranh hạt nhân và thảm họa môi trường.

Dưới đây là lược thuật một vài nội dung của tác phẩm TO HAVE OR TO BE do Nguyễn Văn Trọng thực hiện (các tiêu đề là của NVT).

Fromm nhận xét rằng nền văn minh của chúng ta đã khởi sự từ khi loài người kiểm soát thiên nhiên một cách tích cực, nhưng vào thời kỳ trước thời đại công nghiệp việc kiểm soát ấy là có giới hạn. Với tiến bộ mạnh mẽ của công nghiệp và khoa học kỹ thuật chúng ta cảm thấy dường như đã tìm được cách thức sản xuất vô giới hạn và do đó mà tiêu thụ vô giới hạn. Tưởng chừng như kỹ thuật đã biến chúng ta thành toàn năng, rằng khoa học đã biến chúng ta thành toàn trí. Chúng ta đang tiến tới trở thành các thần linh, những hữu thể thượng đẳng có thể tạo ra được một thế giới thứ hai bằng cách sử dụng thế giới tự nhiên như những khối vật liệu xây dựng phục vụ cho sáng tạo mới mẻ của chúng ta. Nhất thể ba ngôi của sản xuất vô giới hạn, tự do tuyệt đối và hạnh phúc vô bờ bến, tạo thành hạt nhân của một tôn giáo mới. Tiến bộ và Đô thành trần gian mới của Tiến bộ thay thế cho Thiên đường của Chúa. Không có gì ngạc nhiên khi tôn giáo mới ấy cung cấp cho các tín đồ của mình năng lượng, sức sống và hy vọng.

Fromm cho rằng cần phải hình dung được hết vẻ hoành tráng của Lời hứa hẹn Vĩ đại, cũng như những thành tựu trí tuệ tuyệt vời của thời đại công nghiệp để thấu hiểu được cơn khủng hoảng tinh thần mà việc thức ngộ ra sự thất bại của nó gây nên cho ngày nay. Bởi vì thời đại công nghiệp quả thật đã thất bại trong việc thực hiện Lời hứa hẹn Vĩ đại của mình, nên ngày càng có nhiều người ý thức được rằng:

– Việc thỏa mãn vô giới hạn mọi ham muốn không dẫn đến an sinh, mà cũng chẳng đưa tới hạnh phúc hay ngay cả niềm vui cực đại nữa.

–    Giấc mơ được làm chủ nhân độc lập cuộc sống của chúng ta kết thúc, khi chúng ta đang bắt đầu nhận ra rằng tất cả chúng ta đều trở thành những bánh răng trong cỗ máy quan liêu, những suy tư, cảm xúc và sở thích của chúng ta đều bị thao túng bởi chính quyền và nền công nghiệp cũng như bởi các phương tiện truyền thông đại chúng mà họ kiểm soát.

–    Tiến bộ kinh tế vẫn chỉ giới hạn ở các quốc gia giàu có và khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo ngày càng rộng ra thêm.

–     Bản thân tiến bộ kỹ thuật lại tạo ra những nguy cơ cho môi trường sống và nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bất cứ nguy cơ nào hoặc là cả hai nguy cơ đều có thể kết thúc toàn bộ nền văn minh và cũng có thể là toàn bộ cuộc sống.

Erich Fromm sinh năm 1900 tại Frankfurt/M (Đức), nghiên cứu phân tâm học và xã hội học. Khi Hitler lên cầm quyền, ông di tản sang Mỹ như một thành viên của Đại học Frankfurt. Năm 1950 sang sống ở Mehico. Từ 1974 đến lúc mất (1980) sống tại Thụy Sĩ.

Fromm đặt vấn đề: Vì sao Lời hứa hẹn Vĩ đại lại thất bại? Ông cho rằng ngoài những mâu thuẫn kinh tế mang tính bản chất của chủ nghĩa công nghiệp ra thì sự thất bại của Lời hứa hẹn Vĩ đại đã nằm sẵn trong hệ thống công nghiệp bởi hai tiền đề tâm lý chủ yếu: 1) mục đích cuộc sống là hạnh phúc, tức là niềm vui cực đại được định nghĩa như thỏa mãn mọi ham muốn hay nhu cầu chủ quan mà con người cảm nhận thấy (chủ nghĩa khoái lạc cực đoan); 2) thói vị kỷ, tư lợi và lòng tham mà hệ thống cần tạo ra trong nó để hoạt động, sẽ dẫn đến hài hòa và thanh bình.
 
Fromm nhận xét rằng những kẻ giàu sang đều đã thực hành chủ nghĩa khoái lạc cực đoan trong suốt lịch sử. Giới tinh hoa đặc quyền ở La Mã, ở các đô thị Ý thời kỳ Phục hưng, và ở Anh và Pháp vào những thế kỷ mười tám và mười chín đã thử sử dụng những phương tiện vô giới hạn ấy để tìm ý nghĩa cuộc sống trong niềm vui vô giới hạn.Trong khi đó các nhà hiền triết ở phương Đông cũng như phương Tây đều không xem nó là an sinh. Họ phân biệt rạch ròi những nhu cầu thuần túy chủ quan mà con người cảm nhận thấy với những nhu cầu có giá trị khách quan. Một số nhu cầu chủ quan gây tác hại cho sự phát triển con người, trong khi các nhu cầu có giá trị khách quan lại phù hợp với những đòi hỏi của bản chất con người.

Thời đại ngày nay, phần lớn là từ sau Thế chiến thứ nhất, đã quay trở về với thực hành và lý thuyết của chủ nghĩa khoái lạc cực đoan. Khái niệm niềm vui vô giới hạn tạo nên một mâu thuẫn kỳ quặc cho lý tưởng của công việc mang tính kỷ luật, tương tự như mâu thuẫn giữa đạo đức làm việc như điên và lý tưởng lười biếng hoàn toàn sau giờ làm việc và trong kỳ nghỉ. Chỉ có làm việc như điên không thôi có thể khiến cho người ta hóa rồ dại, hoàn toàn lười biếng cũng có thể dẫn đến kết quả ấy. Nhưng phối hợp với nhau thì chúng lại sống được. Hơn nữa, hai thái độ mâu thuẫn lại phù hợp với một tất yếu kinh tế: chủ nghĩa tư bản thế kỷ hai mươi dựa trên việc tiêu thụ cực đại các hàng hóa và dịch vụ, cũng như dựa trên công việc chung sức theo nề nếp.

Những xem xét lý thuyết chứng tỏ rằng chủ nghĩa khoái lạc cực đoan không thể dẫn đến hạnh phúc cũng như giải thích được tại sao lại như vậy với bản chất con người hiện có. Nhưng chẳng cần phân tích lý thuyết thì những dữ liệu quan sát được cũng cho thấy thật rõ ràng rằng cái kiểu cách của chúng ta “mưu cầu hạnh phúc” không tạo nên được an sinh. Chúng ta là một xã hội của những người khét tiếng bất hạnh: cô đơn, lo âu, trầm cảm, phá phách, phụ thuộc. Ông viết: “Chúng ta chính là một thí nghiệm xã hội vĩ đại nhất được thực hiện từ trước tới nay để giải đáp vấn đề liệu niềm vui (như một tác động thụ động khác biệt hẳn với tác động tích cực, an sinh và vui vẻ) có thể là một lời giải đáp thỏa đáng cho vấn đề hiện hữu nhân bản hay không. Lần đầu tiên trong lịch sử nỗ lực thỏa mãn niềm vui không còn chỉ là đặc quyền của một thiểu số, mà còn là khả dĩ cho hơn một nửa dân số.1 Thí nghiệm đã trả lời cho vấn đề ở dạng phủ định.”

Fromm viết tiếp: “Tiền đề tâm lý thứ hai của thời đại công nghiệp cho rằng mưu cầu vị kỷ cá nhân dẫn đến hài hòa và thanh bình, dẫn đến gia tăng phúc lợi của mỗi người, tiền đề này cũng vừa sai trái trên cơ sở lý thuyết và cũng bị chứng tỏ là lầm lẫn bởi các dữ liệu quan sát được. Là một kẻ vị kỷ không chỉ liên quan đến cung cách ứng xử của tôi mà còn liên quan đến tính cách của tôi nữa. Điều này có nghĩa: là tôi muốn mọi thứ cho bản thân mình; là sở hữu, chứ không phải chia sẻ, sẽ đem lại niềm vui cho tôi; là tôi phải trở nên tham lam vì rằng mục đích của tôi là sở hữu, nên càng sở hữu nhiều thì tôi càng hiện hữu; là tôi phải cảm thấy đối địch với tất cả những kẻ khác: ấy là những Người tiêu thụ của tôi mà tôi muốn dụ dỗ, những kẻ cạnh tranh với tôi mà tôi muốn hủy hoại, những công nhân của tôi mà tôi muốn bóc lột. Tôi không bao giờ có thể thỏa mãn, vì rằng ham muốn của tôi vô bờ; tôi phải đố kỵ với những kẻ sở hữu nhiều hơn tôi và tôi phải e ngại những kẻ sở hữu ít hơn tôi. Thế nhưng tôi lại phải kìm nén tất cả những cảm xúc ấy để trưng bản thân mình ra (trước những người khác cũng như trước bản thân tôi) như là người sẵn sàng giúp đỡ, yêu lẽ phải, chân thành, kiểu người mà ai cũng muốn hướng tới.”

Fromm cho rằng đam mê sở hữu ắt phải dẫn tới cuộc chiến tranh giai cấp không khi nào kết thúc. Kỳ vọng của những người cộng sản cho rằng hệ thống của họ sẽ chấm dứt được đấu tranh giai cấp là chuyện hư ảo, vì hệ thống của họ dựa trên nguyên tắc xem tiêu thụ vô giới hạn như mục đích cuộc đời. Chừng nào mỗi người đều muốn sở hữu nhiều hơn thì nhất định sẽ hình thành các giai cấp, nhất định sẽ có chiến tranh giai cấp, và trong điều kiện toàn cầu thì ắt phải có chiến tranh quốc tế. Tín điều của tôn giáo mới và nền hòa bình là loại trừ nhau.

Fromm nhận xét rằng chủ nghĩa hưởng lạc cực đoan và chủ nghĩa vị kỷ vô giới hạn đã nổi lên như những nguyên lý dẫn dắt hành xử kinh tế, chính là vì một biến chuyển nghiêm trọng đã xảy ra vào thế kỷ mười tám. Thông qua một số bước đi, chủ nghĩa tư bản thế kỷ mười tám đã trải qua một biến chuyển căn bản: hành xử kinh tế trở nên tách biệt khỏi đạo đức luận và những giá trị nhân bản (điều chưa từng có vào thời trung đại). Quả thực người ta đã giả định rằng cỗ máy kinh tế là một thực thể tự trị (autonomous entity), độc lập với những nhu cầu và ý chí của con người. Đây là một hệ thống tự nó vận động và thuận theo những định luật riêng của nó. Nỗi đau khổ của các công nhân cũng như sự hủy hoại những doanh nghiệp nhỏ (có số lượng vẫn tăng lên) phục vụ cho sự tăng trưởng của các tổ hợp rộng lớn hơn, là một tất yếu kinh tế mà người ta lấy làm tiếc, nhưng đành phải chấp nhận như là hệ quả của một định luật tự nhiên.

Sự phát triển của hệ thống kinh tế này không còn được xác định bởi câu hỏi: Điều gì là tốt cho Con người? mà được xác định bởi câu hỏi: Điều gì là tốt cho Hệ thống? Người ta đã cố giấu diếm sự gay gắt của xung đột này bằng cách tạo ra giả định rằng điều gì là tốt cho tăng trưởng của hệ thống (hay thậm chí cho riêng một tổ hợp lớn) cũng là tốt cho dân chúng. Cái tạo dựng (construction) này được củng cố bởi một tạo dựng bổ trợ: chính những phẩm tính mà hệ thống đòi hỏi ở con người – vị kỷ, tư lợi và tham lam – là bẩm sinh trong bản chất con người; vậy là không chỉ riêng hệ thống mà chính ngay bản chất con người cũng khuyến khích những phẩm tính ấy. Người ta không chịu thừa nhận rằng những đặc điểm ấy không phải là động lực khiến cho xã hội công nghiệp tồn tại và rằng chúng chỉ là sản phẩm của những hoàn cảnh xã hội.

Một nhân tố nữa cũng không kém phần quan trọng: mối quan hệ của con người đối với thiên nhiên đã trở nên thù địch sâu sắc. Vốn là những hữu thể dị dạng (“freaks of nature”), mà chính những điều kiện cho hiện hữu là ở trong thiên nhiên, chúng ta nhờ những điều kiện ấy và bằng năng khiếu lý trí đã vượt lên thiên nhiên, chúng ta đã cố giải quyết vấn đề hiện hữu của mình, nhưng lại chối bỏ cái nhìn của Chúa cứu thế về sự hài hòa của loài người và thiên nhiên, bằng cách chinh phục thiên nhiên, bằng cách biến cải thiên nhiên theo những mục tiêu của riêng chúng ta cho đến khi cuộc chinh phục ngày càng trở thành cuộc phá hủy. Tinh thần chinh phục và thù địch đã khiến chúng ta mù quáng không thấy được thực tế là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn và rốt cuộc sẽ cạn kiệt và rằng thiên nhiên rồi sẽ giáng trả lại thói tham tàn của con người.

Xã hội công nghiệp coi khinh thiên nhiên cũng như mọi thứ không do máy móc tạo nên và coi khinh tất cả những ai không phải là nhà chế tạo máy…Ngày nay người ta bị lôi cuốn bởi máy móc cơ giới hùng mạnh, vô sinh khí và ngày càng hướng nhiều hơn tới phá hủy.

Cho tới nay luận cứ đưa ra ở đây cho rằng những đặc điểm tính cách là do hệ thống kinh tế-xã hội gây nên, tức là lối sống của chúng ta là căn bệnh di truyền và rốt cuộc sản sinh ra con người bệnh hoạn và rồi là xã hội bệnh hoạn. Nhưng còn có một luận cứ thứ hai nhìn từ một quan điểm hoàn toàn khác cũng tán thành việc thay đổi sâu sắc về tâm lý trong Con người, như một lối thoát cho thảm họa kinh tế và môi trường. Luận cứ này được nêu ra trong hai bản tường trình được ủy nhiệm bởi Câu lạc bộ La Mã, một tường trình là của D.H. Meadows và các đồng tác giả, bản tường trình kia là của M.D. Mesarovic và E. Pestel. Cả hai bản tường trình đều đề cập đến các xu hướng kỹ thuật, kinh tế, và dân số trên quy mô toàn cầu. Mesarovic và Pestel kết luận rằng chỉ có những thay đổi quyết liệt về kinh tế và kỹ thuật ở mức độ toàn cầu theo một kế hoạch thành thạo mới có thể “tránh được một thảm họa to lớn và về cơ bản mang tính toàn cầu.”… Mesarovic và Pestel kết luận tiếp rằng những thay đổi kinh tế như vậy chỉ khả dĩ “nếu như có được những thay đổi trong các giá trị và thái độ của con người [Fromm muốn gọi nó là những thay đổi trong tính cách (định hướng) của con người], như là một đạo đức mới và một thái độ mới đối với thiên nhiên.”

Sự cần thiết phải có thay đổi sâu sắc ở con người không chỉ như một yêu cầu đạo đức hay tôn giáo, không chỉ như một yêu cầu tâm lý nảy sinh từ bản chất mắc bệnh di truyền của tính cách xã hội hiện nay của chúng ta, mà cũng còn là điều kiện sống sót được cho loài người. Quyền được sống không còn chỉ là hoàn tất một yêu cầu đạo đức và tôn giáo. Lần đầu tiên trong lịch sử việc sống sót thân xác của loài người tùy thuộc vào sự thay đổi căn bản của trái tim. Tuy nhiên, một thay đổi căn bản của trái tim con người lại chỉ khả dĩ trong chừng mực có được những thay đổi quyết liệt về kinh tế và xã hội đem lại cho trái tim con người cơ hội để thay đổi, lòng can đảm và tầm nhìn để đạt được điều đó.

 Fromm đặt câu hỏi: Liệu có khả dĩ một lựa chọn khác để thoát khỏi thảm họa hay không? Ông nhận xét rằng tất cả những dữ liệu đề cập đến ở trên đều đã được công bố và mọi người đều được biết. Nhưng sự thực không thể tin nổi là chẳng có nỗ lực nghiêm chỉnh nào được làm để tránh khỏi cái điều có vẻ giống như một bản án chung thẩm của định mệnh. Trong lúc ở cuộc sống riêng tư chẳng một ai ngoại trừ kẻ điên rồ lại có thể thờ ơ trước mối đe dọa đối với toàn thể tồn tại của chúng ta, thì những kẻ có trách nhiệm công cộng trên thực tế lại chẳng làm gì hết, còn những người phó thác số phận của mình cho chúng lại cứ để cho chúng tiếp tục không làm gì hết.

Làm sao mà một bản năng mạnh mẽ nhất trong tất cả mọi bản năng là bản năng sống sót, lại khả dĩ thôi không còn thúc đẩy chúng ta nữa? Một trong những giải thích hiển nhiên nhất là các nhà lãnh đạo đã có nhiều hành động khiến cho họ có thể giả bộ như đang làm gì đó hữu hiệu để tránh khỏi thảm họa: những hội nghị hội thảo, những nghị quyết, những thảo luận giải trừ quân bị, liên miên không dứt, mọi thứ đều gây ra ấn tượng rằng các vấn đề đã được nhận biết và có điều gì đó đang được làm để giải quyết chúng. Những vẫn chẳng có gì thực sự quan trọng xảy ra hết; ngoại trừ cả những nhà lãnh đạo lẫn lương tâm dẫn dắt đã hết cảm giác của họ cũng như mong muốn sống sót của họ, đang làm ra vẻ như biết rõ con đường và đang tiến bước đúng hướng.

Một giải thích khác là tính tư lợi mà hệ thống sinh ra khiến cho các nhà lãnh đạo đánh giá thành đạt cá nhân cao hơn nhiều so với trách nhiệm xã hội. Chẳng còn là điều gây choáng nữa khi các nhà lãnh đạo chính trị và những người điều hành kinh tế đưa ra những quyết định có vẻ thiên về lợi thế cho họ, mà đồng thời lại gây hại và nguy hiểm cho cộng đồng. Thực vậy, nếu tư lợi là một trong những trụ cột của đạo đức thực hành đương thời, vậy thì tại sao họ lại phải hành động khác đi? Có vẻ như họ không biết rằng lòng tham (cũng giống như thói phục tùng) khiến cho người ta trở thành ngu xuẩn trong việc mưu cầu ngay cả lợi ích riêng thực sự của họ, như là lợi ích trong cuộc sống của chính họ và trong cuộc sống của vợ con họ. Đồng thời công chúng nói chung lại cũng rất tư lợi, chỉ lo đến công chuyện riêng mà ít chú ý tới mọi thứ vượt quá vương quốc cá nhân riêng tư.

Ngoài những giải thích đó về tính thụ động đầy định mệnh của con người liên quan đến chuyện sinh tử, vẫn còn một giải thích nữa vốn là lý do khiến Fromm viết cuốn sách này. Fromm có ý muốn nói tới định kiến cho rằng chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác nữa ngoài những mô hình như chủ nghĩa tư bản hợp tác, chủ nghĩa xã hội dân chủ, hay chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, hay “chủ nghĩa phát xít với khuôn mặt mỉm cười” mang tính kỹ trị. Ông cho rằng tính phổ biến của quan điểm này phần nhiều do sự kiện là có ít nỗ lực nghiên cứu tính khả thi của những mô hình xã hội hoàn toàn mới mẻ và thí nghiệm với chúng. Quả thực là chừng nào mà những vấn đề cải tạo xã hội còn chưa được những trí tuệ tốt nhất của loài người quan tâm tới với khoa học và kỹ thuật, thì sẽ thiếu trí tưởng tượng để hình dung ra những lựa chọn khác mới mẻ và hiện thực. Nội dung tác phẩm Sở hữu hay hiện hữu? khẳng định rằng chỉ có thể ngăn chặn được thảm họa cho loài người, nếu có được thay đổi căn bản trong trái tim con người để lựa chọn đúng đắn giữa hai kiểu mẫu sống: kiểu mẫu sở hữu hay kiểu mẫu hiện hữu.

1 Có lẽ E. Fromm định nói tới xã hội Tây Đức và Thụy Sĩ những năm 70-80 của thế kỷ XX. (ND)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)