Sơ lược lịch sử phát triển nền Luật học Việt Nam thời Pháp thuộc và miền Nam Việt Nam trước đây
Nền luật học Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, tương ứng với mỗi giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc, khởi đầu dưới thời Pháp thuộc khi xuất hiện trường đào tạo chuyên môn về luật pháp ở Hà Nội, đó là Trường Luật và Pháp chính (Ecole de Droit et d’Administration) được thành lập theo Nghị định ngày 15/10/1917 của Toàn quyền Đông Dương.
Trong thời gian gần 38 năm hiện hữu từ 1917 đến 1955 nền luật học thời Pháp thuộc đã du nhập vào Việt Nam những nguyên tắc pháp lý hoàn toàn mới mẻ so với quan niệm luật pháp phương Đông vốn tồn tại hàng ngàn năm dưới ảnh hưởng của Khổng giáo qua các triều đại phong kiến từ nhà Lý đến nhà Nguyễn.
Có thể nói Trường Luật và Pháp chính đã đặt viên đá đầu tiên cho một nền luật học dựa trên những nguyên tắc pháp lý theo quan niệm phương Tây, được hiểu bao gồm các hệ thống Luật Dân sự (Civil Law) của khối châu Âu lục địa, hệ thống Thông luật (Common Law) của khối Anglo-Saxon và hệ thống Luật Xã hội Chủ nghĩa của khối Liên-Xô cũ.
Mục đích của Trường Luật và Pháp chính là hoàn thiện kiến thức phổ thông và khả năng nghề nghiệp cho những người bản xứ muốn được thu dụng vào ngạch hành chính Pháp hay ngạch quan lại Việt
Khi số lượng người có bằng trung học phổ thông ngày càng gia tăng, thì Trường Luật và Pháp chính được thay thế bằng Trường Cao học Đông Dương (Ecole des Hautes Etudes Indochinoises) để tuyển vào những sinh viên có bằng Tú tài toàn phần cho chương trình đào tạo 4 năm. Dù trình độ của trường này có cao hơn so với trường trước đó, nhưng Trường Cao học Đông Dương vẫn chưa phải là một Đại học Luật khoa theo đúng nghĩa mà nước Pháp thời bấy giờ đã có.
Chương trình luật bậc đại học của Pháp chỉ chính thức giảng dạy đầy đủ tại Việt
Chương trình đào tạo bậc Cử nhân của Trường Cao đẳng Luật khoa kéo dài trong 3 năm học liên tục. Kể từ năm 1935 trường mở thêm chương trình đào tạo năm thứ tư dành cho những sinh viên muốn thi lấy Chứng chỉ Luật học Đông Dương (Certificat d’Etudes Juridiques Indochinoises).
Năm 1941, Trường Cao đẳng Luật khoa được nâng cấp thành Đại học Luật khoa Đông Dương (Faculté de Droit de l’Indochine) để đào tạo thêm sinh viên bậc Tiến sĩ luật với hai chương trình Cao học Tư pháp và Cao học Kinh tế, và tiếp tục hoạt động cho đến khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945 thì tạm ngưng.
Sau khi quân đội Nhật rời khỏi Đông Dương trường vẫn chưa hoạt động trở lại ngay vì ảnh hưởng của thời cuộc lúc đó, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra trên toàn quốc. Đến tháng 1/1947 Đại học Luật khoa Đông Dương được tái lập tại Sài Gòn, thay vì Hà Nội do hoàn cảnh chiến tranh. Dù vậy, từ tháng 5/1948 một Trung tâm Luật học đã được mở tại Hà Nội để chuẩn bị cho sự tái lập hoạt động bình thường của Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội vào tháng 1/1949 với sự tham gia giảng huấn của các giáo sư từ Pháp sang.
Như vậy, từ năm 1947 đã xuất hiện một trung tâm mới của nền luật học Việt Nam là Sài Gòn, tiếp sau Hà Nội, mặc dù miền đất phía Nam này là nơi nghề luật sư xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1867.
***
Sự hình thành trung tâm luật học ở Sài Gòn đã tạo tiền đề và nền tảng cho sự bàn giao chương trình đào tạo luật học theo trường phái Pháp từ chính quyền thuộc địa sang cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp sau sự thất trận của quân đội Pháp ở Đông Dương và việc ký kết Hiệp định Genève chia cắt đất nước vào năm 1954.
Sau thời điểm bàn giao nói trên vào ngày 11/5/1955, nền luật học ở miền Nam Việt Nam chính thức thoát khỏi sự chi phối nặng nề của người Pháp và phát triển mạnh mẽ với công cuộc Việt hóa chương trình đào tạo và tăng cường các môn học về luật đối chiếu nhằm bảo đảm các sinh viên tốt nghiệp vừa thông thạo luật pháp Việt Nam vừa am hiểu luật pháp các nước.
Những trung tâm mới của nền luật học ở miền Nam Việt Nam cũng được chính quyền miền Nam thời đó chú trọng phát triển, đầu tiên tại Huế vào năm 1957 với việc thành lập Đại học Luật khoa Huế, và tiếp theo tại Cần Thơ vào năm 1966 với việc thành lập Đại học Luật khoa Cần Thơ.
Thành phần ban giảng huấn hầu hết là các giáo sư Thạc sĩ[1] và Tiến sĩ luật khoa tốt nghiệp từ các nước Pháp, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, cùng các chuyên gia xuất sắc từ những lĩnh vực hành nghề luật pháp, như luật sư, thẩm phán và công tố viên. Chương trình giảng dạy đã đặc biệt chú trọng đến các môn như cổ luật và pháp chế sử Việt Nam nhằm nghiên cứu các định chế tư pháp và công pháp trong lịch sử dân tộc qua các thời đại, luật đối chiếu nhằm nghiên cứu các định chế pháp lý tương tự ở những quốc gia tiên tiến khác, kinh tế học và tài chính chuyên sâu nhằm trang bị kiến thức hỗ trợ cho sinh viên luật.
Điều đáng lưu ý là ngay từ buổi đầu hình thành nền luật học ở miền Nam, các giáo sư và giới chuyên gia pháp lý đã chú tâm gầy dựng nên các Học thuyết Pháp lý (Doctrines Juridiques) riêng cho Việt Nam dựa trên nền tảng án lệ mà các tòa án Việt Nam lúc đó phát triển thông qua việc xét xử những vụ án và vụ kiện phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam ở những thời kỳ khác nhau.
Công cụ xây dựng nên những học thuyết pháp lý đó chính là các tạp chí luật học chuyên ngành được ấn hành để cập nhật hóa sự phát triển của pháp luật và giới thiệu những công trình nghiên cứu của các giáo sư và chuyên gia pháp lý, trong đó quan trọng nhất có thể kể đến Luật học Kinh tế Tạp chí của Đại học Luật khoa Sài Gòn, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1955 và lần cuối cùng vào tháng 4/1975.
Soi rọi lại lịch sử, đặc biệt là lịch sử pháp lý nước nhà, là điều nên làm để góp nhặt và bảo tồn những viên kim cương sáng chói mà nền văn minh học thuật Việt Nam từng đạt đến trong quá khứ nhằm hoàn thiện hiện tại và tạo đà phát triển cho nền luật học Việt Nam trong tương lai. |
Bên cạnh những học thuyết pháp lý áp dụng riêng cho nền luật pháp Việt Nam lúc ấy, các giáo sư luật học tại miền Nam cũng đóng góp đáng kể cho kho tàng luật học thế giới trong lĩnh vực luật dân sự và luật thuơng mại. Nhiều học thuyết pháp lý do họ đề xuất vẫn tiếp tục được giới luật học ở các nước thuộc hệ thống Luật Dân sự (Civil Law) dẫn chiếu và phân tích trong các công trình nghiên cứu luật pháp ngày nay.
Luật pháp phát triển theo thời đại. Những kiến thức trước đây tuy không còn áp dụng trong bối cảnh kinh tế-xã hội hoàn toàn khác biệt hiện nay, song phương pháp nghiên cứu và tư tưởng pháp lý của nhân loại vẫn trường tồn với thời gian. Đó là lý do tại sao các đại học luật trên thế giới vẫn tiếp tục giảng dạy môn Luật La Mã cho sinh viên hầu duy trì truyền thống tư duy và tiếp cận các vấn đề pháp lý mà nhân loại đã xây dựng và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử hiện hữu của mình.
[1] Cần lưu ý rằng bằng Thạc sĩ (Agrégation) theo chương trình đào tạo luật của Pháp là bằng cấp tối cao trong ngành luật, chỉ trao cho những giáo sư luật chuyên tâm vào công việc giảng huấn tại các đại học luật, thông qua một kỳ thi tuyển quốc gia vô cùng khó khăn và chặt chẽ vốn chỉ dành riêng cho những thí sinh đã có bằng cấp Tiến sĩ luật. Do danh dự rất cao trong giới học thuật mà bằng Thạc sĩ luật mang lại, nên thậm chí các thí sinh thi trượt vẫn tự hào từng dự tuyển một kỳ thi Thạc sĩ. Trong lịch sử luật học Việt Nam cho đến nay chỉ 6 người đạt được bằng Thạc sĩ này bao gồm các giáo sư Nguyễn Quốc Định, Vũ Quốc Thúc, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Cao Hách và Trần Văn Minh. Công trình nghiên cứu và bài giảng của họ đều tạo nên những chuẩn mực mà giới nghiên cứu luật có thực học tại Việt