Sống với xóm giềng

Hạnh phúc trong đời sống của mỗi người chúng ta phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó có câu chuyện hàng xóm. Người thèm có hàng xóm nhất trên đời trong một thời gian rất dài, đó là chàng Robinson một thân một mình lưu lạc trên hòn đảo hoang. Nhưng số người mệt vì hàng xóm thì đông hơn rất nhiều. Đơn giản vì họ, và vì cả ta nữa, quên rằng chính mình là một vị hàng xóm như ai. Ta mua được nhà, chắc gì mua được hàng xóm. Hàng xóm ở thôn quê khác nhiều với hàng xóm ở thành phố. Hàng xóm thành phố có thể ở ngay trên đầu mình, hay ngược lại. Hiện nay chưa ai mở trường dạy phải học làm hàng xóm với nhau như thế nào, và luật pháp chưa bắt ai phải có bằng sơ cấp "làm hàng xóm" để làm vị chủ nhà tương lai. Chủ động hơn cả là ta tự ý thức về chuyện nên học trở thành người hàng xóm.

Đến thăm Musée du quai Branly ở Paris vào dịp cuối năm 2010 này, bạn được chiêm ngưỡng toàn cảnh các nền văn hóa xưa của các dân tộc trên toàn thế giới. Bạn có cảm tưởng tuyệt vời như mình là một vị hàng xóm của Trái Đất đang ghé thăm các dân tộc trên Trái Đất.

Mấy cái thú thoạt tiên khi ngắm các cổ vật là gì?

—-

Hồn nhiên

Các cổ vật hầu hết đều rất hiền lành, chất phác. Trang phục nhiều khi được làm bằng các loại lá cỏ, rễ cây bện lại, dệt nên. Các dụng cụ, các bảo vật, phù điêu, tượng… cũng được chế từ những vật liệu tự nhiên phổ thông như đất, đá, gỗ, tre… Nhưng các dạng văn hoa, các hình khối khác nhau đã nói lên rất nhiều về ý tưởng của người xưa mong vươn lên, tìm ra cho mình một vũ trụ quan, một nhân sinh quan để mà đứng trong trời đất. Chỗ nào người ta bí về hiểu biết và khả năng chinh phục, thì họ gác chúng vào trong các biểu tượng về thần linh và ma quỉ. Nhưng họ dựng nên chúng, làm nên chúng, và gọi thẳng chúng là thần linh hay ma quỉ, như một bảo vật, một nhân vật trong đời sống của mình, chứ không che dấu chúng dưới dạng khẩu hiệu hay tranh hình cổ động.

Bạn cảm lòng, thấy mọi dân tộc trên mọi miền địa cầu, từ những hoang đảo mất tăm trên Thái Bình Dương cho đến những nhóm nhỏ nơi miền bắc cực với cái lạnh cắt gan ruột, từ những góc rừng Nam Châu Phi hút heo tới một bản làng người H’Mong ở xứ ta, tất cả đều gần gũi với mình, như chính thời thơ ấu non dại, vụng về, thơ mộng của mình.

Bạn chưa thấy những dấu vết đao to búa lớn muốn nhất nhất thống trị toàn thiên hạ của ai.

—-

Thông minh

Dù bị hạn chế đủ đường, đó đây bạn vẫn thấy sáng lên sự thông minh của con người.

Những cây gỗ rất lớn được người ta chọn lựa từ chủng loại gỗ thích hợp, rồi khoét bỏ ruột đi, sao cho hai thành gỗ hai bên có độ dày khác nhau nhưng lại cộng hưởng về âm, tạo nên thanh âm “chát bùng” rất say đậm. Thế là đủ cho bạn nhẩy disco cả buổi lễ hội rồi!

Nhiều cư dân đã phát triển được rất cao về văn hóa nhịp điệu! Đặc biệt là cư dân các vùng đảo hẻo lánh. Có lẽ các hòn đảo đó chính là những bảo tàng văn hóa tự nhiên, vì ở nơi đó đời sống không bị “nhất thể hóa” trong lịch sử do chính bởi một nền cai trị siêu cường nào đó thống trị. Một nền cai trị siêu cường nhiều khi làm mất đi cả những di sản văn hóa quí giá của chính dân tộc mình.

—-

Rộng mở

Chiêm ngưỡng các hệ vật cổ này, điều lý thú nữa là bạn thấy chúng không việc gì phải “loại trừ nhau” cả. Chính bởi vì tất cả chúng đều còn rất giản dị, được sáng tạo ra trên cái nền tảng rất thật của đời sống nguyên sơ. Ngay các biểu tượng mỹ thuật và tôn giáo vẫn còn đang rất gần gụi với con người, không có các vết cắt chia tư tưởng hệ. Tất cả gọi lên bên trong bạn lời mời gọi rộng mở tinh thần để yêu quí tôn trọng các thành quả của đời sống của tất thảy các tộc người, và làm giàu chính hiểu biết, thẩm mỹ của mình.

—-

Sinh thái

Các cổ vật nhắc nhở chúng ta điều hiển nhiên nhất, mà cũng vĩ đại nhất : đời sống chỉ là một khâu đoạn của môi trường thiên nhiên. Tất cả các sản phẩm hệ lụy của đời sống xưa đều không chống lại môi trường. Như thế là cách tốt đẹp nhất để mỗi thế hệ được hưởng đời sống thiên nhiên hoàn toàn trong lành, và để lại cho các thế hệ tiếp nối toàn bộ tài sản tuyệt vời của thiên nhiên.

—-

Rời khỏi khu bảo tàng này, bạn học được lòng quí trọng đời sống của loài người trên khắp trái đất. Cũng thật là mới mẻ : mới một vài trăm năm đây thôi, thậm chí cá biệt có nơi mới vài chục năm thôi, con người vẫn còn sống như thế. Với biết bao nhiêu những thành quả văn hóa giản dị chan chứa tình yêu đời sống.

Bạn cũng thấy cái vốn đóng góp vào hệ thống những di sản văn hóa trên trái đất của tộc người mình vừa thật đáng tự hào,.mà cũng chỉ rất khiêm tốn thôi.

Bạn thấy cái nhu cầu của tộc người mình hòa vào cộng đồng người trên trái đất là ngay lập tức, là không còn gì để bàn cãi bâng quơ.

Trở lại, ta phải gắng học làm một người hàng xóm tự trọng, biết chung sống ngăn nắp, biết chia sẻ, học hỏi cùng bạn bè xóm giềng, người thì ở sát nách nhà mình, và người thì ở nơi góc bể chân trời .

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)