Tổn thất khi có con với sự nghiệp của phụ nữ
Trong khi môi trường xã hội và một thị trường lao động đã sẵn bất bình đẳng giới thì việc có con lại càng làm cán cân thêm nghiêng về nam giới.
Trên đời không có gì toàn vẹn, việc có con đem lại niềm hạnh phúc rất lớn lao với những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, trong cuộc đời này không có gì là miễn phí và hạnh phúc của việc có con cũng có cái giá của nó. Do những thứ liên quan đến sinh con và nuôi con khiến chiếm nhiều nguồn lực, không chỉ tiền bạc, thời gian, công sức mà còn cả sức khỏe và tinh thần, nên có con làm ảnh hưởng lớn đến phát triển nghề nghiệp và thành công của cả cha và mẹ trên thị trường lao động. Tuy nhiên, việc chia sẻ tổn thất của việc có con lại không đồng đều giữa nam và nữ và đây được nhận định là một nguyên nhân quan trọng tạo nên bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động.
Thị trường lao động sẵn bất bình đẳng giới
Vị thế của phụ nữ trong xã hội ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đã được cải thiện đáng kể vào nửa cuối thế kỷ 20. Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn và tham gia nhiều hơn và sâu hơn vào các hoạt động kinh tế và chính trị/xã hội. Theo thời gian trên thị trường lao động, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm việc nhiều hơn, nhận lương cao hơn và đảm trách các vị trí quan trọng hơn. Đó là thành quả của việc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền của phụ nữ hay kết quả của các chính sách phát triển về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, trong đó cơ hội phát triển của phụ nữ được coi trọng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nam và nữ về thành công trên thị trường lao động vẫn rất lớn và không thay đổi.
Dữ liệu của Our World in Data1 như trong Hình 1 cho thấy nữ giới vẫn phải nhận mức lương thấp hơn nam giới rất nhiều ở nhiều quốc gia. Khác biệt giữa mức lương của nam và nữ rất lớn ở một số nước như Hàn Quốc bằng gần 34%. Bất ngờ là ngay cả ở các quốc gia phúc lợi Bắc Âu như Na Uy hay Đan Mạch, sự khác biệt này còn bằng khoảng 14 – 16%.
Không những thế, số phụ nữ đảm trách các vị trí quản lý còn rất khiêm tốn so với nam giới. Trung bình trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp chỉ khoảng gần 18%. Con số này thậm chí còn thấp hơn ở các nước như Trung Đông và Bắc Phi với 6.5% hay Nam Á với 11%.
Tổn thất có con
Việc phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới rất quan trọng trong việc tìm ra chính sách can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên làm thế nào để chúng ta thấy rõ tổn thất này? Bởi sự khác biệt dai dẳng, ngầm ẩn ở trong nhiều khía cạnh, cả về thu nhập, vị trí làm việc và tỷ lệ tham gia thị trường lao động giữa nam và nữ có thể do nhiều yếu tố, cả về yếu tố sinh học và yếu tố xã hội.
Các nghiên cứu kinh tế học gần đây cho thấy, sinh con là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới bất bình đẳng dai dẳng này. Dù khi bước vào thị trường lao động, nam và nữ có mức thu nhập gần như tương đương nhưng khoảng cách về giới bắt đầu xuất hiện khi họ bước vào gia đoạn làm cha mẹ, và khoảng cách ngày càng được nới rộng, không thay đổi theo thời gian.
Đó là hiện tượng “tổn thất có con” (child penalty) và chỉ số tổn thất có con cho thấy việc gánh nặng làm mẹ làm giảm thành quả trên thị trường lao động ở nữ giới như thế nào so với nam giới (ví dụ tiêu biểu như ảnh hưởng tới thu nhập).
Thu nhập của nữ giảm mạnh sau khi sinh con
Thông thường, mười năm sau khi có đứa con đầu lòng, thu nhập từ lương của nữ giới thấp hơn nam giới từ 21% đến 61%, theo nghiên cứu của Kleven và cộng sự2. Sau khi có con, trong khi thu nhập của nam giới vẫn duy trì mức ổn định so với trước, và trong cùng điều kiện lao động và cùng trình độ, thì thu nhập của nữ giới giảm rất nhiều, ngay cả ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển giảm 21% và 26%, ở các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh là 31% và 44%, và thậm chí Đức và Áo còn cao hơn, 51% và 61%1.
Một câu hỏi quan trọng là tại sao việc có con là tạo ra tác động tiêu cực đến nghề nghiệp của phụ nữ trong khi nam giới ít bị tác động. Tìm ra cơ chế đằng sau tổn thất kinh tế của việc sinh con mà phụ nữ đối mặt rất có ý nghĩa trong việc thiết kế và thực thi chính sách giúp làm giảm “tổn thất có con” và qua đó giúp làm giảm bất bình đẳng cho phụ nữ, thừa nhận đóng góp chính đáng của phụ nữ, cho nền kinh tế và xã hội nói chung.
Thay đổi hình thức và trạng thái công việc
Việc phụ nữ thường thay đổi công việc và nơi làm việc theo hướng phù hợp với gia đình sau khi sinh con có thể là một lý do quan trọng dẫn tới “tổn thất có con”. Để tiện cho việc chăm con các bà mẹ sẵn lòng làm việc bán thời gian, việc có thời gian linh động và việc ở môi trường ít cạnh tranh. Do đó, thu nhập và khả năng thăng tiến của phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với khi làm toàn thời gian, thời gian nghiêm ngặt và cạnh tranh cao. Ngoài ra, giai đoạn nghỉ thai sản sau khi sinh con làm giảm động cơ phụ nữ quay lại thị trường lao động trong khi nam giới không phải trải qua sự gián đoạn làm việc, ngay cả khi con họ được sinh ra.
Tổn thất sức khỏe tinh thần
Một cơ chế gần đây được nghiên cứu chỉ ra là việc sinh con làm sức khỏe tinh thần của phụ nữ bị tổn thất nặng hơn so với nam giới. Phụ nữ sau sinh sử dụng nhiều thuốc an thần hơn nam giới lên đến 93% ở Áo và 65% ở Đan Mạch trong khi sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến thành công trên thị trường lao động, theo nghiên cứu của Ahammer và cộng sự (2023)3.
Văn hóa và định kiến về vai trò lao động theo giới
Một yếu tố sâu xa là sự ảnh hưởng của văn hóa và các định kiến về vai trò lao động theo giới tính trong xã hội. Môi trường gia đình giai đoạn thơ ấu định hình quan điểm về vai trò của giới của nữ giới lúc trưởng thành, vì văn hóa về vai trò của phụ nữ trong gia đình được lan truyền liên thế hệ từ mẹ sang con gái. Các nghiên cứu cũng cho thấy, hình mẫu chăm sóc gia đình hơn sự nghiệp thường được lặp lại ở một bé gái lớn lên trong một gia đình mà mẹ chỉ tập trung lo việc nhà trong khi bố đi làm kiếm tiền và ngược lại.
Định kiến về vai trò của nữ giới cũng có ảnh hưởng đến hành vi của phụ nữ trên thị trường lao động. Ví dụ văn hóa xã hội chủ nghĩa coi trọng vai trò của phụ nữ trong lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc quay lại thị trường lao động sau khi sinh con của phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Đông Đức trên thị trường lao động ở nước Đức thống nhất hiện tại, theo nghiên cứu của giáo sư Uta Schönberg tại Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp London và cộng sự (Boelmann và cộng sự 2023)4. Tỷ lệ quay lại thị trường lao động sau thời gian nghỉ thai sản (khoảng 10 tháng) ở phụ nữ gốc Đông Đức cao hơn khoảng 20% so với phụ nữ gốc Tây Đức.
Trong các xã hội truyền thống như các quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam, coi phụ nữ làm nội trợ là một chuẩn mực xã hội và thì “tổn thất có con” càng lớn hơn so với các xã hội cởi mở về vai trò của giới trong gia đình. Hơn thế nữa tổn thất có con thường được lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình. Phụ nữ gánh chịu tổn thất về thu nhập, có thể lên tới 6%, do có con thấp hơn nếu họ được sinh ra và lớn lên trong gia đình mà mẹ tham gia làm việc nhiều hơn so với bố, theo nghiên cứu của Kleven và cộng sự (2019). Một điều đáng chú ý khác là tổn thất thu nhập do có con của nam giới vốn rất thấp so với phụ nữ lại không bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội thời thơ ấu.
Nhìn chung, ở các quốc gia giữ quan điểm bảo thủ về vai trò truyền thống của phụ nữ, tổn thất có con có thiên hướng lớn hơn. Trong khi đó ở các nước có tư tưởng cởi mở về vai trò của phụ nữ như Đan Mạch và Thụy Điển, tổn thất về lương do có con chỉ ở mức dưới 26%.
“Tổn thất có con” ở Việt Nam
Việt Nam có nằm ngoài sự tác động của tổn thất khi có con không? Câu trả lời là không khi nhìn vào thị trường lao động Việt Nam, nơi có đầy đủ các yếu tố mà chúng ta thấy ở những nơi, người phụ nữ phải hứng chịu điều này. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ở Việt Nam khá cao. Từ giai đoạn Đổi mới đến nay, con số này dao động xung quanh mức 70% và tỷ lệ lao động nữ luôn chiếm khoảng 90% so với lao động nam, như minh họa ở Hình 4.
Về khoảng cách về mức lương, nữ giới chỉ thấp hơn nam giới khoảng 10.7% như minh họa trong Hình 1 ở trên. Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng về thành tựu trên thị trường lao động theo giới tính phổ biến và lớn ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam không quá lớn. Tờ The Economist cho rằng, bối cảnh chiến tranh, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa và cả văn hóa Nho giáo có thể đóng vai trò ảnh hưởng đến việc tham gia lực lượng lao động của phụ nữ5. Tuy nhiên, đánh giá liệu các giả thuyết này có thực sự chính xác hay không cần dựa trên các bằng chứng khoa học vững chắc. Nghiên cứu gần đây của Huynh và Ku (2024)6 cho thấy văn hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giúp làm cho tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn so với phụ nữ ở miền Nam vốn bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn đất nước bị chia cắt 1955 – 1975. Kết quả này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu từ Đức. Đó có thể là một trong những đặc điểm riêng biệt phần nào giúp lý giải vì sao phụ nữ ở Việt Nam tham gia thị trường lao động với tỷ lệ cao, đặc biệt là ở miền Bắc.
Do vậy, không quá ngạc nhiên khi tổn thất khi có con ở Việt Nam lại không cao. Theo ước lượng từ nghiên cứu của Kleven và cộng sự (2023)7, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nữ giới thấp hơn so với nam giới chỉ khoảng 1.2%. Con số này khá thấp trong mối so sánh với các quốc gia có cùng mức phát triển, cũng như nhiều quốc gia khác. Nhưng khi soi chiếu vào các vùng miền khác nhau, những nơi có mức phát triển kinh tế khác nhau, chúng ta mới thấy vấn đề. Hóa ra, tổn thất có con ở TP. Hồ Chí Minh cao với tỷ lệ có việc làm của các bà mẹ thấp hơn các ông bố khoảng 24.6% sau mười năm có đứa con đầu lòng. Điều này có nghĩa là 10 năm sau kết hôn, cứ 100 người đàn ông tham gia thị trường lao động thì chỉ còn 75 người phụ nữ tham gia thị trường lao động. Như vậy, trong nền kinh tế phát triển hơn và đóng góp của phụ nữ càng lớn thì tổn thất có con có thể càng cao hơn. Đây là lý do giải thích vì sao, nhìn ở cấp độ quốc gia, tổn thất khi có con của phụ nữ Việt Nam ở mức nhỏ hơn nhiều so với những người ở các quốc gia phát triển khác nhưng ở các vùng kinh tế phát triển thì tổn thất này mới thực sự là vấn đề với người phụ nữ.
Giải pháp chính sách
Việc đo lường được bản chất nội tại của vấn đề là cơ sở quan trọng để xây dựng một chính sách đúng đắn và hợp lý. Câu chuyện về tổn thất khi có con ở Việt Nam cũng như thế giới cho thấy chúng ta cần phải có những chính sách can thiệp phù hợp để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về giới và khuyến khích vị thế của nữ giới. Đây không chỉ để việc bồi đắp thêm giá trị của bình đẳng mà còn là cách để nền kinh tế sử dụng hiệu quả nguồn lực. Phụ nữ ngày nay có trình độ giáo dục cao và có năng lực đảm trách tốt các công việc không thua kém gì nam giới, thậm chí còn phù hợp hơn trong thời đại tri thức và công nghệ.
Tuy nhiên, việc để một can thiệp chính sách đạt được mục tiêu mong muốn không hề dễ bởi những trở ngại về văn hóa và định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ còn nặng tính truyền thống trong khi đây được xem là cơ chế sâu xa quyết định phần lớn tổn thất có con và việc thay đổi văn hóa và định kiến xã hội thường đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Cải thiện vị thế của phụ nữ, nếu thông qua sự thay đổi về văn hóa và định kiến xã hội, đòi hỏi nỗ lực kiên trì dài hạn qua nhiều thế hệ. Dẫu vậy có thể thấy các chính sách can thiệp có thể giúp thay đổi nhận thức trong ngắn hạn về tầm quan trọng cho sự hiện diện của phụ nữ trong nền kinh tế, thể hiện từ việc thay đổi chương trình giáo dục nhấn mạnh bình đẳng giới trong công việc gia đình và hoạt động ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các chính sách hỗ trợ phụ nữ quay lại thị trường lao động như chính sách thai sản tốt hơn cho phụ nữ. Tuy nhiên chính sách thai sản cho nam giới cũng cần được xem xét thực thi. Chúng ta có thể học hỏi được chính sách này thông qua việc các quốc gia Bắc Âu bên cạnh việc tạo điều kiện cho các bà mẹ quay lại thị trường lao động sau khi sinh con và giai đoạn thai sản, họ có chính sách khuyến khích các ông bố chăm con trong thời gian mẹ đi làm. Hơn thế nữa, các chính sách nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần của phụ nữ trước và sau khi sinh con rất quan trọng không chỉ giúp người phụ nữ có đủ điều kiện để quay lại công sở mà còn giúp cải thiện sức khỏe của chính con trẻ trong giai đoạn đầu đời. □
—–
Tài liệu tham khảo
1.https://ourworldindata.org/economic-inequality-by-gender#:~:text=All%20over%20the%20world%20men,control%20productive%20assets%20than%20women.
2. Kleven, Henrik, Camille Landais, Johanna Posch, Andreas Steinhauer, and Josef Zweimüller. 2019. “Child Penalties across Countries: Evidence and Explanations.” AEA Papers and Proceedings, 109: 122-26. https://www.aeaweb.org/articles?id=10.1257/pandp.20191078
3. Ahammer, A., Glogowsky, U., Halla, M., & Hener, T. (2023). The parenthood penalty in mental health: Evidence from Austria and Denmark. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=4592963
4. Boelmann, B., Raute, A., & Schonberg, U. (2021). Wind of change? Cultural determinants of maternal labor supply.
5. https://www.economist.com/asia/2019/06/08/vietnam-has-one-of-the-highest-shares-of-women-in-work-in-the-world
6. Huynh, Q., Ku, H. (2024). The Legacy of Socialism and Female Labor Supply in Modernizing Vietnam
7. Kleven, H., Landais, C., & Leite-Mariante, G. (2023). The child penalty atlas (No. w31649). National Bureau of Economic Research. https://www.nber.org/papers/w31649