Suy nghĩ về thuế thu nhập

I. Nghĩa vụ Về người dân Trong xã hội văn minh, mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế - vì hai lẽ cơ bản: (1) phải trả tiền cho những tiện ích và dịch vụ mình được hưởng cho cuộc sống và mọi hoạt động khác của bản thân; (2) phải góp phần mình vào công cuộc phát triển của xã hội, của đất nước.


Không đóng thuế theo đúng nghĩa vụ được quy định hoặc trốn hay ăn bớt thuế đồng nghĩa với ăn bám, ăn cắp công quả của những người khác trong xã hội. Hành động này ở mức độ nhất định nếu bị gán cho cái tội “bóc lột” cũng không có gì là oan uổng, cần lên án.
Trong các loại thuế đang tồn tại, thuế thu nhập được coi là một trong những sắc thuế hợp lý nhất, cũng có thể hiểu là công bằng nhất1 – với lẽ: có thu nhập thì có nghĩa vụ đóng thuế.
Về nhà nước
Nói một cách thô thiển, ngoại trừ những phần đầu tư và chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho duy trì và phát triển kinh tế – xã hội, dân đóng thuế là để nuôi nhà nước, với mục đích thuê làm các dịch vụ cần thiết cho đời sống mọi mặt của xã hội và đất nước. Quan hệ giữa dân và nhà nước qua việc đóng thuế là quan hệ giữa người đi thuê các dịch vụ và người bán các dịch vụ. Nói ngắn gọn với ý nghĩa triệt để của vấn đề: Quan hệ giữa dân và nhà nước qua việc dân đóng thuế là quan hệ “chủ – tớ”. Trong nội hàm này, đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: cán bộ là đầy tớ của dân.
Bàn về thuế, khi nói đến nghĩa vụ, phải nói đầy đủ cả hai phía: phía dân, phía nhà nước. Không thể chỉ nói đến nghĩa vụ dân đóng thuế, mà không gắn với nghĩa vụ “đầy tớ” của nhà nước.
Nói riêng về nhà nước: Nghĩa vụ của nhà nước là phải bán những dịch vụ tốt nhất mà người dân đóng thuế đòi hỏi. Điều nay cũng đồng nghĩa người dân có quyền từ chối những dịch vụ rởm, từ chối hay đòi hỏi phải thay những người “đầy tớ” rởm.
Trên phương diện thuế, một quốc gia lý tưởng là một quốc gia trong đó “chủ” – người dân – hết lòng đóng thuế đúng với nghĩa vụ pháp luật, “tớ” – nhà nước – tận tuỵ  phục vụ “chủ” – người dân – với tất cả sự thao lược và phẩm chất của nó.

II. Cơ sở để tính thuế
Làm rõ cơ sở để tính thuế thu nhập, lẽ tự nhiên nảy ra vấn đề: Thế nào là thu nhập?
Thu nhập thường có những hình thức sau đây:
· Lương, hay tiền công lao động,
· Lãi ròng (net profit) trong kinh doanh sau khi trừ các khoản thuế phải nộp,
· Các khoản thu nhập khác (quà biếu có giá trị lớn, tiền thưởng, lợi tức…),
· Thừa kế tài sản.
Tuy nhiên, ở vào giai đoạn phát triển hiện tại của nước ta – có tính đến những bước phát triển trong tương lai, thu nhập được xem xét với tính chất là cơ sở để tính thuế thu nhập, còn phải làm rõ nhiều điều khác, chí ít là 2 vấn đề:
· Đưa những khoản thu nhập nào và cách đưa như thế nào (ví dụ: lộ trình) vào phần tính thuế?
· Định  mức để tính thuế, thuế suất và cách thu thuế như thế nào là thực thi được tối ưu nhất?
Dưới đây xin nêu lên những nhóm vấn đề xoay quanh hai câu hỏi nói trên nằm trong những mặt khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội sẽ phải giải quyết khi tiến hành thực hiện thuế thu nhập.
Nhóm vấn đề 1: Trong tình hình hệ thống lương chính thức chưa bao hàm được nhiều nội dung cốt yếu khác cho những người sống bằng lương trong toàn bộ hệ thống biên chế của nhà nước, có nhiều khoản cấp cho người hưởng lương dưới dạng “chế độ”– ví dụ: xe cộ, nhà cửa, các biệt đãi khác… – có nhiều vấn đề phải đặt ra để xem xét; “chế độ” đến mức nào và ai được hưởng “chế độ” gì là hợp lý trong điều kiện có thể kham nổi của nền kinh tế của nước ta? Hợp lý trên phương diện công bằng dù là tương đối, và hợp lý trên phương diện khuyến khích sự phát triển của đất nước.
Xin lưu ý, nếu quy đổi các phần thuộc về “chế độ” ra lương để tính toán, phải nói hệ thống lương nước ta thuộc loại có độ chênh lệch rất lớn giữa bậc lương thấp nhất và bậc lương cao nhất. Độ chênh lệch này trong hệ thống lương của nước ta lớn hơn rất nhiều so với hệ thống lương tại các nước phát triển, đã thế lại có quá nhiều loại “chế độ”, diện người được hưởng “chế độ” quá rộng – không thể duy trì tình trạng này khi áp dụng thuế thu nhập. Trong khi đó độ chênh lệch giữa các thang, ngạch trong hệ thống lương của nước ta lại quá nhiều nấc và nhỏ. 
Nhóm vấn đề 2: Lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng. Thông thường, có thu nhập là có nghĩa vụ đóng thuế. Tuy nhiên, tiết kiệm là một quốc sách lớn – trong những trường hợp cụ thể còn quan trọng hơn việc đưa phần thu nhập từ lãi suất ngân hàng vào phần tính toán để thu thuế; tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng lại càng quan trọng đối với cả nền kinh tế. Nếu nhìn nhận trên phương diện nào đó chống lãng phí còn quan trọng hơn cả chống tham nhũng, việc khuyến khích quốc sách tiết kiệm lại càng quan trọng hơn nữa. Do đó thu thuế thu nhập tính từ lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải được thiết kế như thế nào để một mặt đáp ứng nghĩa vụ đóng thuế theo luật, mặt khác lại đảm bảo thực hiện tốt nhất quốc sách khuyến khích tiết kiệm. 
Trong nền kinh tế còn ở giai đoạn phát triển thấp như ở nước ta hiện nay còn nhiều nguồn thu nhập của người dân mang những đặc thù như thế gắn với những quốc sách lớn, đòi hỏi phải được xử lý thoả đáng trong khi xây dựng thuế thu nhập.
Nhóm vấn đề 3: Hệ thống ngân hàng, hệ thống kế toán, hệ thống kiểm toán của nước ta còn nhiều khiếm khuyết và kẽ hở cho gian lận ở cả hai phía: người nộp thuế, người hoặc cơ quan thu thuế.
Hơn thế nữa, thực trạng hay “thói quen”2 dùng tiền mặt (cash) trong buôn bán, kinh doanh rất phổ biến. Trong những điều kiện như vậy việc xác định đúng thu nhập để tính thuế gặp nhiều khó khăn. Khả năng kỹ thuật của bộ máy thu thuế còn rất nhiều hạn chế, dễ gây những ách tắc mới trong kinh tế nói chung hoặc trong hoạt động kinh doanh của những người có nghĩa vụ đóng thuế. Trên thực tế đã xảy ra nhiều chuyện dân trốn thuế, người thu thuế ăn cắp hay chiếm dụng thuế và nhiều ách tắc khác. 
Thực trạng này đặt ra vấn đề: đưa gì vào tính thuế thu nhập, mức thuế thế nào là khả thi và hợp lý nhất, cách tính thuế và thu thuế như thế nào là hiệu quả nhất, với mục đích: chi phí thấp nhất của toàn xã hội cho việc thu thuế, thu được thuế ở mức tối ưu đối với toàn bộ nền kinh tế.
Nhóm vấn đề 4:
Sẽ là không đúng, nếu nghĩ rằng thu thuế chỉ đơn thuần là việc tính thuế để thu. Làm như vậy, người đóng thuế sẽ chỉ thấy phải làm một việc bị áp đặt; người sử dụng thuế – cụ thể ở đây là nhà nước -sẽ không ý thức được hết trách nhiệm phải có đối với đồng tiền thuế của dân đặt vào tay mình.
Giả thử việc tiến hành thực hiện thuế thu nhập sẽ diễn ra song song với những tiến bộ đạt được trong cải thiện các dịch vụ của nhà nước cung cấp cho dân như giáo dục, y tế…, cung cấp những dịch vụ công khác trong cải cách hành chính, trong nhiều vấn đề văn hoá xã hội khác.., các vấn nạn khác của xã hội như quan liêu, tham nhũng được đẩy lùi rõ rệt…, ý thức đóng thuế của người dân sẽ được cổ vũ. 
Nhóm vấn đề 5: Để thực hiện tối ưu thuế thu nhập, vấn đề công khai minh bạch trong đời sống kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Nhìn về lâu dài và trong phạm vi toàn xã hội, công khai minh bạch ngày càng trở nên thiết yếu cho sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia văn minh. Vậy ngay tức khắc, chí ít là song song với việc chuẩn bị và thực thi thuế thu nhập, phải làm những gì, tiến hành những cải cách nào để từng bước công khai minh bạch có thể ngự trị toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước? Hơn nữa công khai minh bạch còn là một yêu cầu của phát triển kinh tế, của thực hiện công bằng xã hội…
Còn phải làm gì, để thông qua việc thực hiện thuế thu nhập có thể tạo dựng nên một bản đồ tuần hoàn của cơ thể nền kinh tế, nhà nước với tính cách là người điều hành kinh tế vĩ mô có thể dựa vào phân tích bản đồ tuần hoàn này mà đề ra các quyết sách – hoặc là “chữa bệnh” cho những sản phẩm, ngành hoặc miền vùng nào yếu kém; hoặc là để “bồi bổ, phát huy” cho những sản phẩm, ngành, miền vùng cần phát huy thế mạnh; cá nhân và doanh nghiệp có thể dựa vào bản đồ tuần hoàn này lựa chọn cách ứng xử tối ưu cho bản thân họ và cho kinh tế của đất nước; nhà đầu tư nước ngoài có thể dựa vào đó lựa chọn quyết định của mình…
Nhóm vấn đề thứ 6: Ngay từ bây giờ, trong lúc Luật thuế thu nhập chưa được thông qua, đã có rất nhiều việc phải làm cho việc chuẩn bị kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật, hệ thống ngân hàng và các dịch vụ khác, nguồn nhân lực kỹ thuật mà việc thực hiện thuế thu nhập đòi hỏi phải có, các phương thức kỹ thuật khác cần áp dụng (tuỳ theo yêu cầu từng loại thu nhập phải tính thuế: loại thu ngay khi có thu nhập– ví dụ tiền nhuận bút, tiền hoa hồng.., loại thu hàng tháng, loại thu hàng năm; một loạt vấn đề khác thuộc nội dung chính sách thuế, chính sách xã hội, hoặc những vấn đề kỹ thuật khác thuộc các phạm vi kế toán, kiểm toán…). Các cơ quan nhà nước đã ý thức hết và đã bắt tay vào những công việc chuẩn bị này?
Những nhóm vấn đề vừa nêu trên cho thấy trong khi soạn thảo Luật Thuế thu nhập, nhất thiết ngay từ bây giờ phải đồng bộ xúc tiến những việc khác phải làm. Khi áp dụng thuế thu nhập, bằng mọi giá cần tránh để xảy ra tình trạng thời gian rối loạn ban đầu kéo quá dài và có quá nhiều vướng mắc như trong những năm đầu tiên khi áp dụng thuế VAT.

III. Vẫn còn những vấn đề khác cần bàn tiếp
Giới nghiên cứu kinh tế nhìn chung thừa nhận 3 tiêu chí công bằng, dễ thực hiện, tính thuyết phục cao  do Athur Betz Laffer3 đề ra cho việc hoạch định chính sách thuế. Xoay quanh 3 tiêu chí này trong việc áp dụng thuế thu nhập ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề khác phải tìm lời giải. 
Dưới đây xin đặt lên bàn nghị sự một số vấn đề nổi cộm:
Xác định thu nhập và khởi điểm để tính thuế: 
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vũ Văn Ninh, có 6 loại thu nhập được kể vào nguồn thu nhập cá nhân để tính thuế, dự luật thuế đang cân nhắc mức khởi điểm 4 hoặc 5 triệu đồng sau khi chiết trừ các khoản theo quy định của Luật4.
Bên cạnh vấn đề mức thu nhập cá nhân (đã chiết trừ mọi khoản theo Luật) 4 – 5 triệu VNĐ để tính thuế là hợp lý hay chưa, còn phải tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề kỹ thuật khá phức tạp thuộc phạm vi thực hiện.
Riêng về kỹ thuật thực hiện, nếu không lường hết mọi tình huống, không chuẩn bị đầy đủ phương tiện và những kỹ năng cần thiết, sẽ gây nhiều phản tác dụng hoặc những ách tắc lớn, phát sinh nhiều vấn đề mới – từ gian lận, trốn thuế, đình đốn kinh doanh… đến những bất bình xã hội khác.
Giả thử thiết kế thuế trên những dòng thu nhập dễ xác định nhất, áp dụng cách tính thuế đơn giản và dễ thực hiện, sẽ có thể thực hiện tốt thuế thu nhập. Song nếu quá thiên về đơn giản, về khả năng thực hiện dễ dàng, rất có thể sẽ lại bỏ sót nhiều phần thu nhập trong xã hội phải chịu thuế – không thực hiện được công bằng, thiệt cho ngân sách quốc gia.
Như vậy còn nhiều điều phải bàn tiếp chung quanh vấn đề này.
Thuế suất lũy tiến (progressive rate) hay thuế suất đồng loạt (flat rate)?
Trong giới nghiên cứu kinh tế liên quan đến vấn đề thuế thu nhập, trường phái luỹ tiến hay trường phái đồng loạt vẫn tranh luận với nhau không phân thắng bại. Song trong thực tiễn mỗi quốc gia đều dựa vào hoàn cảnh, tình hình phát triển và những điều kiện riêng của mình để lựa chọn, quyết định. Hiện nay đa số các nước phát triển đều vận dụng phương thức thuế suất luỹ tiễn.
Tuy nhiên, một hiện tượng phải xem xét: Nền kinh tế Hongkong phát triển cao nhưng lại lựa chọn phương thức thuế suất đồng loạt cho thuế thu nhập:
– thu nhập từ lợi nhuận: thuế suất 14%,
– lương: thuế suất 8%,
– bất động sản: thuế suất 5%.
Đi liền với thuế suất nêu trên, một thời gian dài Hongkong quy định ngân sách của chính quyền (ngân sách nhà nước) chỉ được thu theo một tỷ lệ cố định là n% GDP của kinh tế Hongkong. 
Sự phát triển năng động của kinh tế Hongkong là câu trả lời cho sự lựa chọn phương thức thực hiện thuế thu nhập đơn giản Hongkong đang vận dụng.
Nhờ hệ thống thuế thu nhập đơn giản, rõ ràng, mức thuế thấp, nhờ những hiệp định hoặc thoả thuận tránh đánh thuế 2 lần ký kết giữa Hongkong và các nước đối tác, Hongkong tạo ra sức hấp dẫn đáng kể FDI, các dịch vụ (đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng) và chất xám. Thực tế này đã góp phần quan trọng tạo ra sự phát triển năng động của Hongkong – nổi bật nhất là Hongkong trở thành một trung tâm tài chính tiền tệ ở Đông Nam Á.
Kinh nghiệm của Hongkong có đáng cho Việt Nam tham khảo không? Là nước đi sau và còn ở mức phát triển thấp, nước ta nên lựa chọn gì?
Khai thác nguồn “vốn chết”, “tư bản chết” cho phát triển kinh tế
Là nền kinh tế còn nghèo, thiếu vốn, song ở nước ta có thể nói lượng vốn “chết” (tư bản chết) dưới các dạng cất trữ khác nhau hoặc vì những lý do nào đó không được đưa vào vận hành trong nền kinh tế là rất lớn. Chỉ riêng lượng vàng, ngoại tệ mạnh được cất trữ trong các hộ gia đình, khối lượng tài sản bất động sản dưới dạng “vốn chết” – vì nhiều lý do không đưa được vào dòng vốn đang vận động trong nền kinh tế và trong hệ thống thị trường tài chính tiền tệ của quốc gia – có thể lớn tới nhiều lần GDP5. Có nhiều vướng mắc gây nên tình trạng này, song vướng mắc cốt yếu nhất là: quyền sở hữu chưa có cơ sở pháp lý vững chắc.
Thực hiện thuế thu nhập có thể là một cơ hội đưa lượng “tư bản chết” này vào vận động trong nền kinh tế, hoặc là một thách thức chôn sâu hơn nữa lượng “tư bản chết” này – tất cả tuỳ thuộc rất đáng kể vào hệ thống thuế thu nhập đang được thiết kế như thế nào và lựa chọn phương thức, lộ trình thực hiện ra sao?
Có thể nói ngay: Luật thuế thu nhập đang được soạn thảo chưa tiếp cận vấn đề quan trọng này.

IV. Kiến nghị
1. Nên kiên trì dựa vào 3 tiêu chí công bằng, dễ thực hiện, tính thuyết phục cao rà xoát lại dự thảo luật đang bàn, tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để cân nhắc.
2. Làm ngay những việc thuộc khâu chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, kỹ năng và đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho thực hiện thuế thu nhập; chú ý xúc tiến việc thực hiện thu thuế qua hệ thống tin học và hệ thống ngân hàng, giảm nhanh việc thu thuế qua hệ thống sổ sách và tiền mặt. Về lâu dài cần tiến tới phương thức người nộp thuế tự tính thuế như đang làm tại nhiều nước phát triển.
3. Đồng thời ban hành các chính sách kinh tế khác, cải cách luật pháp, cải cách hành chính và các cơ chế quản lý theo hướng ngày càng tạo ra công khai minh bạch cho việc đóng thuế và thu thuế, tạo ra công khai minh bạch khuyến khích đưa lượng vốn “chết” vào sự vận động của nền kinh tế.
Thực hiện thuế thu nhập là một nhiệm vụ kinh tế mang ý nghĩa chính trị rất trọng đại, đòi hỏi phải tiến hành công tác vận động và giáo dục chính trị sâu rộng trên hai vế:
· Người dân có nghĩa vụ đóng đủ thuế.
· Nhà nước có nghĩa vụ làm tròn sứ mệnh phụng sự dân đúng với nghĩa đen của câu chữ: Tiêu tiền của dân phải đúng mục đích và có hiệu quả, cán bộ phải là người đầy tớ tốt của dân. 
Cải cách hành chính và các cơ chế quản lý để nâng cao tính nhà nước pháp quyền của thể chế chính trị, tính xã hội dân sự của cộng đồng dân cư, tính thị trường của nền kinh tế là điều kiện, là nền tảng để thực hiện thuế thu nhập – đồng thời đây cũng là đòi hỏi tất yếu để đất nước có sức mạnh, có bản lĩnh hội nhập thắng lợi vào nền kinh tế toàn cầu hóa trên thế giới./.
————-

1 Nghĩa là chưa hoàn toàn công bằng, mà chỉ công bằng hơn mọi loại sắc thuế khác.
2 Thật ra thói quen này có nhiều lý do xác đáng của nó trong tình trạng hiện tại ở nước ta.
3 Nổi tiếng với đường cong Laffer; đại ý mức thuế tối ưu có thể thu được nằm ở giao điểm của đường biểu diễn khả năng thực thi tối ưu của thuế và đường biểu diễn mức thuế muốn áp dụng.
4 Tham khảo giải thích của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh ngày 5-09-2006, đăng trên báo Người Lao động ngày 6-09-2006.
5 Tham khảo thêm cuốn “Sự bí ẩn của tư bản”, Hernando de Soto, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006.

Nguyễn Trung

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)