Tâm-tài trong nền suy tư cổ truyền

Trong một đời sống giản đơn, nói chuyện tâm-tài, thì cơ bản chỉ cần “tâm” là đủ, gần như không cần “tài”. Trong cái công việc cùng bê hòn đá nặng, ai cũng có vai trò giống như ai, hơn kém nhau chỉ là bê thật lòng hay bê vờ vĩnh. Cái xã hội cổ truyền giản đơn ấy cho phép và xui khiến người ta suy tư về tâm-tài theo một cái thể thức thường cô độc hóa được hai cái đó.

Nền suy tư cổ truyền có đặc điểm cố hữu là tật cô lập “chăn trâu thổi sáo”, cái được đặt lên trên, và lên trước năng lực hợp tác kiến tạo xã hội. Đời sống cổ truyền thực chất quá giản đơn, sự “hợp tác” về căn bản chỉ được hiểu là sự “góp sức”, “tụ bầy”, “kết đoàn”, tỉ như cùng xúm nhau lại để bê được hòn đá nặng lên, chứ chưa phải là năng lực suy tính, thiết kế, tạo dựng những mô hình hoạt động xã hội tổng thể với các chức năng phối hợp, trong không gian và thời gian, có hiệu năng dài lâu. Ngay cả khi “toàn dân ra đồng bắt sâu diệt cỏ cho lúa” thì dù qui mô kết đoàn này thật là vĩ đại, điều đó vẫn hoàn toàn khác xa về bản chất với những loại công việc như tổ chức công cuộc hợp tác để thiết kế, xây dựng và vận hành Trung tâm sản xuất siêu máy bay Airbus A380, hay Trạm vũ trụ quốc tế trên không gian.

Trong một đời sống giản đơn, nói chuyện tâm-tài, thì cơ bản chỉ cần “tâm” là đủ, gần như không cần “tài”. Trong cái công việc cùng bê hòn đá nặng, ai cũng có vai trò giống như ai, hơn kém nhau chỉ là bê thật lòng hay bê vờ vĩnh. Cái xã hội cổ truyền giản đơn ấy cho phép và xui khiến người ta suy tư về tâm-tài theo một cái thể thức thường cô độc hóa được hai cái đó.

Từ cái xã hội sơ giản tiến lên, người ta cũng nghĩ rằng chỉ cần vun các cái “tâm” riêng lại thành một “đại đồng tâm”, và khi ai cũng sẽ xúm lại lo chung, thì việc gì chả xong. Cũng có một số kết quả chóng vánh thật, chẳng hạn sáng chủ nhật vào năm giờ sáng mà réo loa phường cho mọi người dậy khua quét đường, thì một tiếng đồng hồ sau là ổn, rồi ai lại về nhà nấy đi ngủ tiếp. Quét rác thủ công thì cũng chỉ cần tâm là chính, không cần nhiều tài. Nhưng quét sạch được một buổi sáng chủ nhật thì sáu ngày còn lại bẩn vẫn hoàn bẩn.
Sự đuối sức của “tâm” trong cuộc sống đương thời

Con người cổ truyền sống chủ yếu trong nhà, trong họ, trong làng. Vì cái tập tục của nhà, của họ, của làng đã quản lý cực kì khắt khe mỗi người rồi, mỗi người chỉ còn cần có mỗi cái lòng tốt để hoàn thành cái bổn phận làm người nhà, làm người họ, làm người làng thôi. Mỗi con người đó căn bản không có trách nhiệm, mà cũng không có quyền có trách nhiệm, phải suy nghĩ để xây dựng, cải thiện sự hợp tác ở trong nhà, trong họ, trong làng, đừng nói đến chuyện quốc gia đại sự. Mà nếu họ định loay hoay suy nghĩ để xây dựng, cải thiện các hợp tác xã hội, coi chừng xã hội cổ truyền lại qui kết họ loạn tâm, và nghiêm trị lại họ!

Khi các làng mạc cổ truyền chảy vào dòng thác xã hội hóa, hiện đại hóa, nhiều “lòng tốt cổ truyền” tỏ ra bất lực trước những công việc mới đã đành, mà trong rất nhiều trường hợp chúng còn là lực phá hoại đời sống xã hội, là lực cản cho công cuộc cách tân.

Bạn cần ví dụ ư? Hai ví dụ thôi nhé.

Ví dụ thứ nhất, người nông dân tốt bụng, đủ tâm trong nhà, trong họ, trong làng mang rau vừa mới phun hóa chất cho thật đẹp óng ả đem đi bán cho người ngoài nhà, ngoài họ, ngoài làng. Họ nghĩ mình đã đủ bổn phận tốt bụng, đủ tâm truyền thống với trong nhà, trong họ, trong làng mình rồi. Hơn thế nữa, bằng cách đó họ còn làm giàu nhanh thêm cho nhà-họ-làng mình.

Ví dụ thứ hai, cái trách nhiệm của lòng tốt trong nhà, trong họ, trong làng đối với một con người cụ thể sẽ buộc con người đó phải lôi kéo người trong nhà, trong họ, trong làng mình ra lấp đầy vào bộ máy công quyền mà người đó vừa có cơ hội sờ nắm lấy.

Đi vào những công việc phức tạp trong những không gian lớn hơn, thời gian thường hằng hơn, lối nghĩ tâm-tài cô độc đưa đến tan công nát việc. Cho đến tận hôm nay, nhiều người vẫn cố nghĩ rằng những vấn nạn trong nền giáo dục, y tế, giao thông, hành chính, và nền vân vân của chúng ta chỉ vì thiếu “tâm”, và cứ việc lên lớp nhau thật dồn dập hơn nữa, thì rồi sẽ chữa chạy tai qua nạn khỏi được các nền này thôi. Sự ngây thơ mãn tính là một vườn ươm thuận lợi nhất để mà sự dối trá thừa cơ nảy mầm và trở nên bất trị.

Loay hoay tâm-tài trong xã hội phi pháp quyền

Con người cổ truyền mang một “giỏ tâm-tài” cổ truyền theo mình, đến khi thấy hoàn cảnh xung quanh không như mong muốn thì anh ta chán nản, hờn dỗi xã hội, và bỏ cuộc “về vườn” hay “đi ẩn”, quan trọng nhất là anh ta đã gìn giữ được cái “giỏ tâm-tài” thiêng liêng của mình khỏi bị làm hỏng. Vì anh ta quan niệm cái xã hội giống như cái làng con, anh ta chỉ cần “tốt mình”, làm tốt cái bổn phận tập tục của mình là đủ. Xã hội cổ truyền cũng khích lệ anh ta mang tâm hồn nô dịch như thế.

Nhưng hàng ngàn năm con người ta loay hoay với chuyện tâm-tài này còn vì một lý do căn bản hơn rất nhiều mà hay bị bỏ quên.

Đó là hàng ngàn năm nay con người phải sống trong một xã hội phi pháp quyền. Trong một cái xã hội mà luật pháp không được thượng tôn, không có sức mạnh, mỗi người không được bình đẳng trước bộ khung pháp luật tường minh thấu đáo, pháp luật chỉ là cái roi của kẻ có quyền thế, thì tai vạ có thể đến với bất kì ai một cách phi lý nhất, tùy theo chiều của cơn gió của sức mạnh, của bạo lực. Chuyện nhà ông Nguyễn Trãi, anh hùng và công lao đến như thế, mà bị giết sạch cả ba họ là một ví dụ điển hình. Con người khi này chỉ còn biết nhờ cậy vào cái may rủi cuối cùng là lòng tốt, là “tâm” của bề trên – cá nhân và đám đông. Trong bối cảnh như thế, hiển nhiên là “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

“Tâm” không phải là cái gì tuyệt đối trong xã hội hiện đại

Quan sát những xã hội đã phát triển nền nếp khi họ tiếp nhận những người nhập cư thuộc đủ mọi nguồn gốc năm châu, và thuộc đủ mọi loại chất lượng, chúng ta không khỏi lo lắng cho họ. Trong số những người nhập cư đó, ngoài số khá đông “tốt bụng”, cũng có không biết bao nhiêu là con người từng quen dối trá, lợi dụng, dốt nát, méo mó nhân cách, thậm chí đã từng lừa lọc và phạm tội. Thế mà rồi đa phần chính những người nhập cư nằm trong cái phần từng quen dối trá, lợi dụng, dốt nát, méo mó nhân cách, thậm chí đã từng lừa lọc và phạm tội đó, đã tiến bộ lên, đàng hoàng lên, văn minh lên, khá giả lên! Để rồi họ, và đặc biệt là con cháu họ, đến lúc đã ngẩng cao đầu vui hạnh cùng mọi người trong xã hội.

Mở ngoặc là nếu các dòng nhập cư này cứ tiếp tục vĩ đại quá tải thì chắc họ cũng đến lúc lụt thôi.

Xây dựng nền cộng hòa pháp quyền

Các nỗ lực tâm-tài hôm nay cần căn bản được hướng tới trước hết vào việc học hỏi, suy nghĩ, đấu tranh để thiết kế, dựng xây và vận hành được các hệ thống sinh hoạt xã hội có được hiệu quả đời sống rộng lớn, nhân văn. Con người hiện đại tiến lên được không phải nhờ làm thơ dằn vặt lương tâm đơn thuần như hàng ngàn năm trước đây, mà chủ yếu là nhờ học hỏi, suy nghĩ để thiết kế, chế tạo, cách tân được những bộ máy thông minh, hiệu quả, linh hoạt, thân thiện, tiến hóa được, để phục vụ được mình. Bản thân các cấu trúc xã hội và chính nhà nước cũng chỉ là những bộ máy của con người , con người phải chịu trách nhiệm về chúng, và chúng sẽ phải là những bộ máy thông minh, hiệu quả, linh hoạt, thân thiện, tiến hóa được, để phục vụ được con người.

Một ví dụ rất đơn giản là khi một cộng đồng xã hội xây dựng được một qui củ sao cho người đứng đầu của thể chế quyền lực cộng đồng không thể được đảm nhiệm quá hai nhiệm kì, mỗi nhiệm kì là năm năm, thì bản thân cái sự hình thành và vận hành qui củ này đã vượt qua được câu chuyện ngàn năm tâm-tài về vua sáng tôi hiền vừa vô bổ và vừa bất khả kiểm soát rồi.

Tình hình sẽ hoàn toàn khác khi một cộng đồng hoạt động được trên một nền tảng pháp quyền. Một doanh nghiệp nền nếp trong một xã hội pháp quyền sẽ tuyển người dựa trên việc xem xét chủ yếu cái năng lực vào việc, năng lực hợp tác của anh ta ở trong cái vị trí cần tuyển, còn lại phần “tâm” của anh ta thì, xin anh cứ cất giữ riêng, miễn là anh đừng có phá phách, trộm cắp, vi phạm các qui tắc của luật pháp và nội quy của doanh nghiệp. Hợp đồng của anh ta với doanh nghiệp dựa trên luật lao động chung, và dựa thêm trên các khế ước lao động xã hội đặc thù mà doanh nghiệp đó thuộc về, và như thế một hợp đồng lao động cá nhân thực chất là một hợp đồng của toàn thể xã hội, được cụ thể hóa trong tương quan giữa anh ta và doanh nghiệp tuyển chọn.

Con người chúng ta hôm nay bước vào dựng xây đời sống hiện đại của mình bắt buộc phải học và tập để hiểu ra rằng mình không còn là con người nhà-họ-làng cổ truyền hôm xưa. Việc suy nghĩ, vận động, khích lệ, đấu tranh để kiến thiết, cải cách, để làm tiến hóa chính cái đời sống xã hội rộng lớn, đó là một bổn phận mới của mỗi người thần dân năm xưa nay đã và đang trở thành công dân.

Mọi khái niệm hôm xưa đã phải tiến hóa lên trong cuộc kiến tạo đời sống hôm nay. Dụ như khái niệm giản đơn “thống nhất đất nước” ngày xưa chỉ là làm qui tụ quyền hành cai trị của cả đất nước vào một trung tâm quyền lực, thì nay khái niệm “thống nhất đất nước” phải là một công việc to lớn, cụ thể, dài lâu để thống nhất được đời sống của hàng vạn cái họ, hàng vạn cái làng truyền thống vào một nền cộng hòa qui củ thống nhất, nơi mà các quyền tự do và sự bảo vệ các quyền tự do của mỗi công dân, của mỗi tổ chức xã hội phải được kết dựng vào nền pháp quyền độc lập, cái làm nên hạ tầng pháp lý cho toàn bộ cuộc sống của cộng đồng và của mỗi người trong cộng đồng.

Vậy nên lối nói chuyện tâm-tài cô lập kiểu ngày xưa trong bối cảnh hôm nay lại thành ra chuyện ngồi câu thời gian, làm cản trở công cuộc tiến hóa của xã hội. Ví dụ như hôm nay thay vì tranh đua dạy nhau mãi mãi về việc nhà giáo đừng dạy thêm, bác sĩ đừng vòi tiền, hay ông cảnh sát đừng phạt bỏ túi riêng, thì một công việc khẩn thiết của xã hội là việc tranh đấu để thiết kế và đưa vào vận hành cho bằng được một hệ thống tiền lương tổng thể hoàn chỉnh, minh bạch, sòng phẳng, công bằng, nhất quán cho toàn bộ những người lao động của các ngành nghề của xã hội. Có cái đó, rồi mới mở rộng qui củ sang những chuyện kia được một cách thiết thực.

Ngày hôm nay, thay cho chuyện lần trang than thở “tâm-tài” trước đèn, là sự nghiệp cùng nhau dựng cho được một nền pháp quyền minh, bạch độc lập, để cho đời sống cộng đồng có thể vận hành trơn tru và rộng đường tiến hóa, để cho mỗi con người thấy được những con đường quang quẻ, vững chãi trước mặt mà yên tâm bước lên đó. Sự dẫn dắt và điều hành các hoạt động trong xã hội sẽ phải thông qua nền pháp quyền đó, chứ không phải thông qua “tâm-tài” của yếu nhân nào. Sự cải tiến xã hội mặt khác cũng lại là công việc rộng khắp, chi tiết, cụ thể, đòi hỏi ai cũng phải động não, phải cố gắng, từ những ngóc ngách nhỏ nhất trong đời sống.

Còn lại trong mỗi công việc, trong mỗi hành xử đời sống của con người, sự tử tế, sự chu đáo luôn luôn là quí giá, để mà con người vẫn luôn tìm thấy được sự ấm áp đầy ý nghĩa trong cuộc làm người.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)