Tản mạn về quan điểm, phương pháp và thái độ nghiên cứu sử học (2)

Chủ nghĩa giáo điều trong hoạt động nghiên cứu các khoa học nhân văn nói chung và sử học nói riêng trong mấy chục năm nay đã từng chi phối dẫn đến những nhận thức cực đoan, sai lầm trong cách trình bày, đánh giá một số nhân vật và sự kiện lịch sử, cũng như đã có những sự hiểu sai về mục đích đích thực của bộ môn sử học.

Mặc dù những lý do nêu trên về các điều kiện nghiệt ngã để có được những bộ sử trung thực, về mặt lý thuyết chúng ta vẫn còn có thể nêu thêm những thực tế khác để xem xét vấn đề một cách tường tận thấu đáo thêm. Có một điều kiện lý tưởng vẫn còn nêu ra được, đó là nhà cầm quyền cũng phải trung thực nếu thật sự vì dân, nhận thức sự trung thực trong sử học như một điều quan trọng cần thiết có lợi ích lâu dài cho cả dân tộc, theo nghĩa lịch sử là tấm gương soi chung và là những bài học kinh nghiệm cần để rút tỉa cho công cuộc xây dựng tương lai đối với tất cả mọi thành viên công dân, và đối với đất nước, mà nếu trung thực thì tốt hơn là làm ngược lại. Để có sự trung thực, lẽ tất nhiên phải coi chân lý khoa học và lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng, có tầm nhìn thần thông quảng đại, rộng mở, do đó sẽ không nhìn lịch sử hay nhân vật lịch sử bằng một tâm địa nhỏ nhen tầm thường.

Một thực tế có thể thấy nếu các nhà sử học phương Tây (chủ yếu Pháp, Mỹ) cận hiện đại mà viết sử với một tâm hồn nhỏ nhen, không tôn trọng sự thật lịch sử hoặc chỉ vì những cái danh hão hay quyền lợi dân tộc hẹp hòi, chắc chắn họ sẽ bôi nhọ một số nhân vật lịch sử Việt Nam vốn từng là nguyên nhân gây ra sự chiến bại của quốc gia họ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Trái lại, họ thường đã mô tả một số nhân vật lịch sử Việt Nam như Nguyễn Thái Học, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… với một lòng kính ái đặc biệt, đưa tên vào từ điển, một phần cũng nhờ vậy mà nước Việt Nam đến nay được rất nhiều quốc gia khác trên thế giới biết đến một cách trân trọng.

Trái lại với những thí dụ vừa kể trên đây là trường hợp một số sử gia Trung Quốc từ lâu và nhất là gần đây đã cố gắng bóp méo sự thật lịch sử, “tự viên kỳ thuyết” (vo tròn các sự kiện cho khớp với lý luận chủ quan của mình) để chứng minh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc, tự đặt ra đường chữ U chín đoạn để chiếm hữu hầu hết diện tích biển Đông. Làm như vậy vì những lợi ích nhỏ thiển cận, dẫn đến hậu quả xấu lâu dài là làm cho nhân dân Trung Quốc tập nhiễm tư tưởng thực dụng thô thiển cùng thói quen nói láo, và như thế đã góp phần tiêu cực phá hoại cả nền văn hóa Trung Quốc vốn dĩ có rất nhiều nhân tố truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên của họ với những Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tuân Tử… đã dày công xây đắp trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đây là một trường hợp lợi bất cập hại khá rõ ràng có thể đem ra dẫn chứng cho lối làm việc bằng tâm địa nhỏ nhen không tôn trọng chân lý khoa học và lịch sử.

Đến đây có thể thấy rõ, trong khá nhiều trường hợp, sự chi phối của những quyền lợi chính trị nhất thời mang tính phe nhóm đôi lúc có hại khi đặt toàn bộ vấn đề lợi ích ở mức độ dân tộc hay nhân loại trên một bình diện rộng lớn hơn, và có thể tạm rút ra một hệ luận: công việc nghiên cứu lịch sử, để có được tính trung thực cần thiết, đòi hỏi sự tôn trọng tính độc lập tự do của các sử gia, dù sử gia đó là tư nhân (như Trần Trọng Kim chẳng hạn) hay là người đang hoạt động trong những cơ quan chuyên trách về sử học, giáo dục của nhà nước cũng vậy.

Ngoài khía cạnh quan điểm ra, nhiều sự kiện thuộc về sự thật lịch sử thể hiện trong các sách giáo khoa cũng cần được xem xét lại để điều chỉnh. Phong cách viết sử theo lối tự hào dân tộc hẹp hòi quá đáng hay theo kiểu “tốt khoe, xấu che”, “ta thắng, địch thua” cũng cần phải loại bỏ. Trong một bài viết (tạp chí Tia sáng số 9, ra ngày 5/5/2008), GS-NGND Nguyễn Văn Chiển (đã quá cố), khi nói về tính dũng cảm, khiêm tốn và trung thực của người trí thức, đã nhắc lại câu chuyện của nhà sử học Trần Huy Liệu và nhân vật Lê Văn Tám. GS Chiển, trong ý tưởng đòi hỏi tính can đảm trung thực phải có của người trí thức, đã nhắc khen ông Nguyễn Mạnh Tường và ông Trần Đức Thảo, hai nhân vật trí thức Việt Nam lỗi lạc có thời gian vì trung thực đóng góp ý kiến xây dựng cho việc chung nhưng không hợp quan điểm “chính thống” mà bị “rút phép thông công”, phải chịu oan chịu khổ trong hầu như suốt quãng đời còn lại (riêng Trần Đức Thảo sau khi chết, vài năm trước đã được minh oan công khai).

Như vậy, để nối tiếp ý kiến GS-NGND Nguyễn Văn Chiển, thiết tưởng đến lúc này, sau khoảng nửa thế kỷ, một vài nhân vật khác trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cũng như toàn bộ vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm cũng nên được giới nghiên cứu văn-sử học đưa vào bàn hội nghị đánh giá lại một cách khách quan, công khai để rút ra thêm nhiều bài học quý báu khác. Làm được như vậy, giới văn học và sử học Việt Nam ghi thêm được một thành tích chói lọi mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và chắc chắn sẽ được mọi người mọi giới cả trong lẫn ngoài nước hoan nghênh nhiệt liệt vì đã góp phần làm thay đổi hẳn bầu không khí hoạt động văn hóa-tư tưởng theo chiều hướng tích cực nhất.

Một số sự kiện lịch sử hay cách đánh giá nhân vật lịch sử, nếu được điều chỉnh đúng, sẽ dẫn đến một số hệ quả thực tế tích cực tất nhiên trong đời sống người dân cũng như trong một phần của công tác giáo dục, như trường hợp tên ông Kim Ngọc đã được chọn để đặt tên đường và tên vài trường học ở Vĩnh Phú khoảng sáu năm trước, sau khi quan điểm về khoán sản phẩm trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc có lúc bị kết án sai lầm đã được đánh giá lại tỏ rõ. Tương tự như thế, tượng Phan Thanh Giản và trường học mang tên ông đã được phục hồi tại Bến Tre, tượng Lê Văn Duyệt đã được an vị tại Lăng Ông-Bà Chiểu… Chúng ta ngày nay có thể cần những điều đó vì lý do chính trị này khác nhưng các vị được tôn vinh dường như cũng không mấy cần. Với cái đà này, nếu nghĩ một cách trung thực, rồi đây người ta cũng phải nghĩ đến việc đổi tên các công viên, rạp hát, trường học mang tên Lê Văn Tám thành công viên Lê Văn Duyệt, công viên Gia Long, rạp hát Đào Tấn, trường Trương Vĩnh Ký, trường Phạm Quỳnh… chẳng hạn.

Về mặt khách quan, cũng là sự thật lịch sử và chân lý cuộc đời, kẻ thù không phải lúc nào cũng xấu, còn “phe ta” thì luôn tuyệt vời. Hơn nữa cũng không có ai là kẻ thù thật sự hay vĩnh viễn, kể cả trong cùng một đất nước, một nòi giống hay giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trong lịch sử Việt Nam, đã có trường hợp đánh tan xong giặc Minh còn cấp cho quân địch 500 chiếc thuyền với lương thực đầy đủ để chạy về cho tiện, một hành vi rất là “mã thượng” của người xưa.

Có một phong cách viết sử không cần bôi bác kẻ thù, mà cứ việc xảy ra thế nào kể lại thế ấy theo đúng những tài liệu chữ viết hoặc truyền khẩu đã thu thập được. Có thể kể trường hợp sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện của học giả Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, soạn năm Thành Thái thứ 13 (1901). Đây là cuốn sách của một ông quan triều Nguyễn viết về những kẻ phản nghịch chống lại “bản triều”, nhưng cách thuật chuyện và thể hiện các nhân vật phản diện lại khách quan sinh động, còn cho thấy được những nét ưu điểm, khả ái và khí phách cá nhân của những kẻ bị tác giả xếp vào thành phần phản loạn, như Lê Văn Khôi, Cao Bá Quát và rất nhiều người khác…

Cuộc đời thực, tức cũng là lịch sử, luôn phải có kẻ vầy người khác. Có kẻ xấu kẻ phản dân hại nước thì tính cách của người tốt người yêu nước mới bộc lộ rõ và được tôn vinh. Anh hùng tạo thời thế nhưng thời thế cũng có thể làm nên anh hùng. Nếu không có những cuộc loạn lạc thời cuối Xuân thu đầu Chiến quốc thì cũng không có những học thuyết của Nho gia, Đạo gia, Pháp gia… nở rộ, để lại những tinh hoa di sản tư tưởng của phương Đông ngày hôm nay. Thời thế tức là cái hôm nay chúng ta gọi “bối cảnh lịch sử” mà khi nghiên cứu bất kỳ một biến cố, phong trào, học phái nào, người nghiên cứu cũng không thể không xét đến nơi đến chốn. Tương tự như vậy, nếu không có cái xấu của chủ nghĩa tư bản man rợ thế kỷ 19 thì cũng không có nhân vật Marx và chủ nghĩa Marx xuất sắc; không có thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam thì cũng không có một Phan Bội Châu hay một Hồ Chí Minh với sự nghiệp lẫy lừng… Trong lịch sử Việt Nam từng có những hạng trí thức lưu vong chạy theo quân giặc, như Trần Ích Tắc và Lê Tắc trong trận giao chiến với quân Nguyên đời Trần, chỉ mong “cẩu toàn tính mệnh ư loạn thế”. Riêng Lê Tắc khi trốn sang Tàu còn viết được bộ sử An Nam chí lược để đời, được một người đương thời viết lời tựa khen là “không thua gì sách của Tư Mã Thiên và Ban Cố hồi trước”, đã được cả Việt Nam và Trung Quốc in lại nhiều lần như một sử liệu có giá trị tham khảo tốt.

Bình luận về con người trong lịch sử vì thế không thể thiếu sự thông đạt chính trị nhân tình, và đức công bằng, luôn biết đặt con người vào trong hoàn cảnh cá nhân cùng với những mối tương tác nhân quả của các sự kiện chi phối bên ngoài, trên cái nền chung những bi kịch và nỗi thống khổ của nhân sinh và trong cái trào lưu sinh hoạt bất tuyệt của cuộc đời, từ đó có được quan điểm phóng khoáng mang chất triết lý sâu hơn về cuộc sống để có thể tiếp cận với chân lý lịch sử một cách khách quan toàn diện hơn, góp phần xây dựng một nền văn hóa hòa bình không mang tính sát phạt vì các kiểu thái độ cực đoan, phiến diện, căm thù có tính nguyên thủy của loài người chưa văn minh. Đó có lẽ cũng là thế giới quan hình thành nên thái độ, cách nhìn cùng những ý kiến bình luận đánh giá thâm trầm sâu sắc của Tư Mã Thiên (trong các bài “Tán”, bài “Tự”) đối với một số nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu ở Trung Quốc cổ đại, làm cho bộ Sử ký của ông trở thành một bộ sách sử-triết-văn chương khuôn mẫu bất hủ.

Văn hóa là cái gì còn tồn lại bền lâu trong tâm trí, bàng bạc trong cách ứng xử hiện tại của con người sau khi mọi sự kiện, nhân vật, chế độ chính trị… đã qua đi. Mà bao nhiêu sự kiện, nhân vật, chế độ chính trị trong quá khứ đều đã phải tuần tự cứ qua đi như thế trong trường kỳ lịch sử, bất chấp cả không gian và thời gian. Nhân vật lịch sử không nhất thiết phải là danh nhân, họ đều là con người nên có mặt tốt mặt xấu, có những lúc yếu mềm lầm lỗi nhẹ dạ, rồi ai cũng ra người thiên cổ dù đi trong gió ngược hay xuôi, nhưng tất cả đều có vai trò riêng trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Việc đánh giá lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử nếu chính xác, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với lớp người đi sau chứ không phải cho lớp người trước, hiểu như là những bài học kinh nghiệm quý báu để rút tỉa áp dụng cho cuộc sống hiện tại và tương lai lâu dài, vì thế phải được thực hiện một cách khách quan và thận trọng, không nên để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến hay loại quan điểm chính trị thực dụng nhất thời nào.

***

Có thể học được những gì từ trong những bài học đã có sẵn trong lịch sử? Trước hết, muốn học được điều gì thì lịch sử phải là lịch sử của sự thật, của những sự kiện và biến cố có thật đúng như chúng đã diễn ra trong quá khứ. Lịch sử được viết nên một cách giả dối do sự thêm thắt, thêu dệt hoặc tưởng tượng, gán ghép đầy định kiến thì không thể dùng để tham khảo học hỏi gì được, nếu không muốn nói là có hại. Bài học lịch sử là cái có sẵn, bất di bất dịch, điều quan trọng thuộc về cách con người biết tham khảo nó sáng suốt ra sao để hướng dẫn cho những hành động trong hiện tại và hướng tới xây dựng tương lai. Có những kinh nghiệm thành công và những kinh nghiệm thất bại, y như lẽ thường tình thành bại của con người (không có gì xấu), trong cách làm, cách hành xử liên quan đến việc trị nước tổng quát cũng như với từng công việc cụ thể đã được áp dụng trong những tình huống khác nhau. Kinh nghiệm nào nếu biết áp dụng cũng đều tốt nhưng riêng những kinh nghiệm thất bại thì thường quý hơn, trước hết giúp tránh được vết xe đổ của những người đi trước (tiền xa chi giám). Chính vì lẽ đó công việc ghi lại lịch sử càng đòi hỏi gắt gao tính trung thực, phải nêu đủ cả những chuyện xấu và những việc thất bại, kể cả “những cuộc bại trận thê thảm của quân ta”… Trái lại, khuynh hướng cường điệu ca tụng khía cạnh những võ công oanh liệt, lặp đi lặp lại quá nhiều, thường ít có giá trị thực tế mà còn làm cho người ta trở nên kiêu mạn, mất ý thức, mất cảnh giác vô cùng tai hại. Chiến tranh là hành động bất đắc dĩ, gây nên cái cảnh “đống xương vô định đã cao bằng đầu”, hay “nhất tướng công thành vạn cốt khô”… của biết bao thế hệ con người. Ở Úc và New Zealand, người dân chọn ngày 25 tháng 4 hàng năm làm ngày Anzac, một lễ lớn mang tính dân tộc, với lễ hội tưng bừng (còn hơn cả Quốc khánh Úc 26/1, New Zealand 6/2), không phải để kỷ niệm chiến thắng mà để ghi nhớ chiến bại. Đó là một ngày vào năm 1915, trong Thế chiến lần thứ nhất, liên quân Úc-New Zealand đã đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 8.000 lính Úc và 2.700 lính New Zealand bị thiệt mạng, và từ đó đến nay nhân dân cả hai nước đều coi đó như một kinh nghiệm thất bại, tuy có bi hùng nhưng nếu tránh được càng tốt, vì dù sao cũng là một chuyện đau thương chung cho cả hai dân tộc.

Ở Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến Nam Bắc năm 1865, các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của tướng Lee miền Nam thua trận đã không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Những binh sĩ chết trận của cả hai phe thắng bại đều được chôn xen kẽ trong cùng một khu mộ, nơi có tấm bia ghi rõ “Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất cả những người vì nước Mỹ”. Hết chiến tranh thì không còn hận thù, mà bắt tay đoàn kết nhau ngay để cùng nhau xây dựng hướng đến tương lai, đó cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp cho nước Mỹ mau trở thành một cường quốc thế giới.

Đọc lại câu chuyện cũ nước Mỹ sau khi tướng Lee thua trận, ai trong chúng ta mà không cảm động đến rơi nước mắt: Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham mưu của tướng Grant (phe miền Bắc thắng trận), bắt tay tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp. Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi đôi bên nghị hòa. Khi ngựa tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Trên bao lơn xung quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội liên hiệp miền Nam. Tin đồn tướng Lee đầu hàng tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng… Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”, tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ. Điều quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ.

Câu chuyện lịch sử vừa kể lại trên đây đáng là một tấm gương tốt về hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, và những bài học lịch sử như thế mới thật sự lợi ích trong ý nghĩa giáo dục chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân bản cho các thế hệ mai sau.

Viết sử là loại công việc công phu tốn nhiều thời gian, ngoài tôn trọng sự thật trên cơ sở bám sát sử liệu còn đòi hỏi phải có sự nghiền ngẫm sâu xa, nêu lên được những bài học tham khảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vun đắp nhân bản, nên không thể có sự tùy tiện, định kiến, gán ghép bóp méo sự thật, buồn vui yêu ghét thất thường, nay vầy mai khác, hay dựa dẫm quyền thế, xu phụ theo miệng nhà quan. Hai vợ chồng nhà sử học lừng danh người Mỹ Will và Ariel Durant (Will sinh năm 1885) bỏ ra đến 39 năm soạn bộ Câu chuyện của nền văn minh (bản tiếng Anh 10 cuốn, bản tiếng Pháp 33 cuốn với trên 14.000 trang), như vậy mà vẫn cứ nơm nớp lo sợ rằng mình chưa đủ tư liệu để tái hiện diện mục lịch sử một cách trung thực. Khi gần cuối đời, họ đã viết thêm một quyển nhỏ cuối cùng lấy nhan đề Bài học của lịch sử như để thay lời kết luận cho toàn bộ sách, đúc kết lại rằng thời nào, nước nào trước kia cũng có những kẻ loạn luân, độc ác; đâu đâu cũng có tình trạng độc tài, tham nhũng, lộng quyền, cùng những thứ khác như dịch bệnh, chiến tranh v.v.., song song với những hành vi có tính cách xây dựng tích cực của loài người. La Quán Trung mở đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa của mình bằng câu ngắn gọn “Thiên hạ hết loạn lại trị, hết trị lại loạn…”, dường như đã thu tóm hết được yếu tính phổ quát của lịch sử. Tuy nhiên con người vẫn chưa chịu bó tay phó thác cho định mệnh, nên lịch sử cũng còn ghi lại được biết bao suy ngẫm, nỗ lực, công trình văn hóa, vật chất của con người để nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực. Đã có một số nước, một số nơi nêu được những tấm gương thành công trong việc không ngừng cải tiến những phương pháp và định chế cai trị nhằm tạo lập sự ổn định khá hơn, ít nhất là trong phạm vi của nước họ để ổn định xã hội, cải thiện cuộc sống người dân, hạn chế nạn độc tài, độc quyền, bằng cách áp dụng khế ước xã hội dưới hình thức chấp hành chung bản hiến pháp cùng những định chế dân chủ chính trị khác.

Hiểu lịch sử, theo nghĩa tích cực nhất là để yêu thương con người hơn, tạo được mối đồng cảm, trên cơ sở thấy được những mối dị biệt và hoàn cảnh khác nhau giữa các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, màu da, trình độ phát triển, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết hợp tác để cùng nhau chống chọi lại những thiên tai, bệnh tật, rủi ro đang đe dọa con người mỗi lúc một thêm hung hãn dồn dập trong điều kiện của cuộc khủng hoảng môi sinh toàn cầu hiện nay. Tấm lòng người viết sử vì thế cũng phải bao la, nhân đạo, mới có thể đảm đương được sứ mệnh, và mới đủ trùm lên được những gì mà kho lịch sử phong phú của quá khứ muốn khải thị lại cho con người.

***

Muốn rút tỉa được những kinh nghiệm và bài học lịch sử như trên đã bàn để áp dụng cho cuộc sống hiện tại và tương lai thì không thể không nói đến hiệu quả của việc học sử-dạy sử trong các nhà trường từ tiểu học đến đại học. Đáng tiếc, tình trạng chán học môn lịch sử của học sinh, sinh viên Việt Nam đã và đang gia tăng và ngày càng thêm trầm trọng. Đây là một hiện tượng đã được phát giác và cảnh báo từ khá lâu, như kết quả một cuộc điều tra của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh hồi năm 1999 cho thấy, với 1.800 người được hỏi, có tới 39% không biết Hùng Vương là ai; 49% không biết Trần Quốc Toản là ai; hoặc như trong một báo cáo khác cho thấy 44% trên 468 sinh viên được hỏi không biết Chu Văn An là ai (Xem Phan Thành Nhơn, “Việc phổ cập kiến thức lịch sử hiện nay”, tạp chí Xưa và Nay, 6/1999, tr. 27).

Trước tình trạng có vẻ bi quan như trên, đã có biết bao nhà giáo, nhà sử học và các bậc thức giả cao minh tâm huyết tham gia bàn luận một cách tương đối rốt ráo, trên các diễn đàn báo chí, mà nếu tổng hợp lại, người ta sẽ có dư thừa ý kiến để biết được nguyên nhân và giải pháp khắc phục, không cần thiết phải tổ chức thêm những cuộc hội thảo rườm rà, tốn kém như ngành giáo dục đang có ý định làm. Trong số các nguyên nhân được nêu ra, có nguyên nhân liên quan đến vấn đề đang xét, đó là quan điểm, phương pháp và thái độ giáo điều trong hoạt động nghiên cứu sử học từ trước tới nay. Các nhà sử học vì thế càng bị động tâm nhiều hơn do họ thấy tận mắt hậu quả: điểm thi môn sử thấp không ngờ trong kỳ thi đại học-cao đẳng năm 2011 vừa qua, với kết quả hầu hết học sinh đều đạt điểm 0 hoặc gần với điểm 0, trên cả nước! Nhưng chính họ cũng thuộc thành phần tòng phạm, chịu một phần trách nhiệm của tình trạng bất như ý như thế, qua những cuốn sách giáo khoa biên soạn độc quyền, không đảm bảo được kiến thức trung thực về lịch sử, như mọi người đều đã biết.

Lý thuyết phân vân, giờ nói ra được một phần sự thật, coi như cũng đợi điều kiện chín muồi của lịch sử mới “tát nước theo mưa”, đã trễ nhưng chưa quá trễ, và còn đáng mừng, vì đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan hơn, như lời khẳng định chân thật của GS sử học Đinh Xuân Lâm, người cũng đã từng chủ trì các sách giáo khoa môn sử cho một số cấp lớp phổ thông trước đây nói rằng: “Từ lâu chúng tôi đã rất đau đầu để chứng minh một cách khoa học và giản dị với các nhà quản lý giáo dục là chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử. Đó không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sự hấp dẫn được. Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn lịch sử. Chính người lớn làm cho nó hết yêu” (Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 1/8/2011).

Nhưng người lớn là ai? Ngoài các nhà quản lý giáo dục phải chịu trách nhiệm tương đối trực tiếp ra, còn có các nhà sử học đầu đàn như ông không, và rồi ai nữa, thì ông Đinh Xuân Lâm chỉ dừng lại chỗ đó mà không chịu nói rõ!

19/5/2008-10/8/2011

     

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)