Tầng công nghệ và chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam

Điều dễ nhận thấy là ở bất kỳ quốc gia nào, khoa học và công nghệ đều được xem là lĩnh vực tối quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Nhưng vấn đề cơ bản và luôn làm các nhà hoạch định chính sách đau đầu là phải chọn chiến lược phát triển thế nào để vừa hiệu quả, khả thi mà lại phát huy tốt nhất nguồn lực có giới hạn của quốc gia mình?


Một trong những bài học được chúng ta nhắc đến nhiều nhất khi nói về bí quyết thành công của các con Rồng công nghiệp trẻ Châu Á: Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaisia chính là các nước này đã biết chú trọng, quyết tâm và không ngần ngại (tiếc tiền) đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển sử dụng kết quả nghiên cứu vào mục đích kinh doanh cũng như phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, có một điểm mấu chốt, giúp sự dũng cảm đầu tư của các nước này phát huy hết công năng, thì ít được nhắc đến. Đó chính là: lĩnh vực đầu tư. Các bạn có thấy, tất cả các nước này, trong một thời gian rất ngắn (10-15 năm) đã thăng Rồng từ cùng một bệ phóng: công nghệ thông tin. Đúng, chính công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp liên quan, chứ không phải là một ngành công nghiệp nào khác, đã tạo nên điều kỳ diệu thứ hai của Châu Á (sau Nhật Bản) vào những năm cuối thế kỷ 20. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có qui luật? Nếu không chọn công nghệ thông tin để đầu tư các nước này có hóa Rồng được không? Giả sử bây giờ chúng ta cũng dồn sức cho công nghệ thông tin như họ đã từng làm cách đây 30 năm, liệu chúng ta có thành Rồng như họ? Thiết nghĩ, nếu tìm được câu trả lời, chúng ta sẽ có thêm được một cách giải cho bài toán đang đau đầu các nhà quản lý công nghiệp: Chú trọng đầu tư vào đâu? Ưu tiên phát triển ngành nào? 

Tầng công nghệ và sự phát triển kinh tế xã hội
Ai cũng biết, những năm vừa qua, giá nhiên liệu trên thế giới có nhiều biến động. Trong hai thế kỷ gần đây, cứ khoảng 40-50 năm giá nhiên liệu lại đột biến một lần. Và lần gần đây nhất xảy vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước. Nguyên nhân hình thành các chu kỳ như thế có thể giải thích bằng qui luật phát triển kinh tế – kỹ thuật hiện đại. Sự phát triển kinh tế gắn liền với sự hình thành, phát triển và thay thế các thế hệ khoa học – công nghệ nối tiếp nhau, hay còn gọi là các tầng công nghệ. Khi tầng công nghệ cũ, không còn khả năng phát triển sẽ phải nhường chỗ cho tầng công nghệ mới với trình độ phát triển cao hơn (ví dụ, chúng ta đã trải qua các tầng công nghệ như: công nghệ cơ học thô sơ, công nghệ máy hơi nước, công nghệ sử dụng điện năng và công nghệ dùng điện nguyên tử). Điều đáng lưu ý là vào lúc giao thời giữa hai tầng công nghệ thường xảy ra một số hiện tượng đặc trưng. Trước hết, tổng giá trị sản lượng sản xuất theo công nghệ cũ sẽ đột ngột giảm, kéo theo sự thuyên giảm lợi nhuận. Một lượng vốn tự do lớn được giải phóng mà chưa biết đầu tư vào đâu (vì đầu tư vào sản xuất ở tầng công nghệ cũ không còn hiệu quả nữa). Lúc này, tốc độ phát triển nhìn chung sẽ chững lại và xuất hiện nhu cầu khách quan đòi hỏi phải tái cấu trúc lại nền kinh tế sao cho phù hợp với tầng công nghệ mới. Nền kinh tế dư thừa vốn tự do, sản xuất về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của tầng công nghệ cũ – không còn hiệu quả, tầng công nghệ mới đang hình thành, kinh tế tăng trưởng chậm, lợi nhuận thấp, thị trường đầu tư hỗn loạn, đầu cơ tài chính gia tăng… Đó chính là đặc điểm của nền kinh tế lúc giao thời giữa hai tầng công nghệ và có thể thấy đây chính là tiền đề của một cuộc khủng hoảng. Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới bạn sẽ thấy, quá trình chuyển giao giữa các tầng công nghệ đều được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Gần đây nhất là vào những năm 30 và 70 của thế kỷ 20 và những cuộc khủng hoảng này đều bắt đầu với sự đột biến của giá nhiên liệu, như là tín hiệu thông báo về sự bất ổn trong cấu trúc của nền kinh tế.
Phân tích tình hình gần đây cho thấy, ngày hôm nay, rõ ràng nền kinh tế thế giới đang đứng trước bậc thềm của một chu kỳ chuyển giao tầng công nghệ mới. Tốc độ phát phát triển kinh tế ở các nước tiên tiến đang chững lại, giá dầu mỏ biến động thất thường, lợi nhuận trong sản xuất cũng như trong đầu tư liên tục giảm, trong khi nguồn vốn tự do ngày càng tăng, vì đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống không còn hiệu quả… Phải chăng một tầng công nghệ mới đang dần dần định hình? Và nếu đúng vậy thì trong cuộc chiến cạnh tranh toàn cầu này, nước nào đến trước, làm chủ được tầng công nghệ mới, nước đó sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối. Lịch sử cũng đã chứng minh, vào những lúc giao thời như thế, thường xảy ra sự thay đổi vị trí trong nền kinh tế thế giới. Các nước dẫn đầu về tổng thu nhập GDP sẽ gặp phải những khó khăn lớn gắn liền với sự mất giá tài sản cũng như khả năng khó phát triển sản xuất trên cơ sở tầng công nghệ cũ. Và ngược lại, các nước kém phát triển hơn, nhưng không phải chịu gánh nặng của tầng công nghệ cũ, biết nắm bắt thời cơ, đầu tư đúng hướng vào trọng tâm phát triển của tầng công nghệ mới, sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế thế giới.
Và đây cũng là lời giải thích cho “điều kỳ diệu” của kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh và sự hình thành các con Rồng công nghiệp trẻ Châu Á vào những năm cuối của thế kỷ 20. Điều đó cũng cho chúng ta câu trả lời, nếu bây giờ chúng ta có dồn hết sức đầu tư cho công nghệ thông tin như các bậc “tiền bối” đã làm thì chúng ta cũng không thể có cơ hội hóa Rồng như họ được.
Vậy nội dung của tầng công nghệ mới này là gì?
Chúng ta biết, tầng công nghệ hiện nay, được hình thành vào những năm 70, với hàng loạt các ngành tiêu biểu như: công nghệ điện tử, công nghệ phần mềm, công nghệ xử lý thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ viễn thông, công nghiệp hàng không, công nghiệp khai thác và chế biến khí đốt. Theo dự báo, tầng công nghệ này chỉ có thể phát triển ổn định trong vòng 20 năm nữa là tới điểm tới hạn*. Từ nay đến đó là khoảng thời gian giao thời để hình thành và phát triển một tầng công nghệ mới, mà trọng tâm của nó sẽ là: công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng thông tin toàn cầu, công nghệ giao thông vận tải siêu tốc toàn cầu, công nghệ siêu nhỏ. Ngoài ra, còn có thể bổ sung thêm một số ngành công nghiệp có tiềm năng khác như: hệ thống sản xuất tự động linh hoạt, công nghệ vũ trụ, điện nguyên tử, nhiên liệu mới.
Như vậy, có thể thấy lúc này là lúc “thời cơ vàng” thật sự của chúng ta. 30 năm trước, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaisia đã rất thành công khi nắm chắc cơ hội, đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin và các ngành liên quan – trọng tâm của tầng công nghệ hiện nay. Và họ đã làm nên điều kỳ diệu. Còn chúng ta, chúng ta sẽ tập trung nguồn lực ít ỏi của mình vào lĩnh vực nào của tầng công nghệ tương lai đây? Hay ta vẫn quyết tâm chia đều và chờ đợi, khoanh tay nhìn cơ hội đi qua? Mà cơ hội này, 30 năm mới có một lần!
 
**Ý kiến của Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, S. Glazev. Bài học thị trường. NXB Kinh tế học, 2004. tr. 519.

————–
Chú thích ảnh: Tập trung đầu tư cho công nghệ tương lai hay chia đều và chờ đợi?

Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)