Tăng học phí gắn liền với minh bạch hóa chi tiêu

Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014” (dưới đây gọi tắt là Đề án) đang được dư luận rất quan tâm là điều dễ hiểu bởi nó ảnh hưởng đến túi tiền của mỗi gia đình có con đi học, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục – đào tạo trong cả nước.

Nói cho đúng, người dân ít ai muốn có chuyện tăng học phí nhất là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế này. Nhưng các trường không có đủ kinh phí bù đắp cho nguồn ngân sách eo hẹp, cũng khó đảm bảo cân đối thu – chi trong hoạt động. Ví dụ, với mức trần học phí bậc đại học hiện nay là 180.000 đồng/tháng thì ở nước ngoài chỉ đủ mua một cái áo phông loại thường, còn ở trong nước cũng chỉ mua được một chiếc sơ mi tàm tạm! Trước thực tế này, Đề án đã tìm ra giải pháp hợp lý hợp tình, đáp ứng được cả yêu cầu của các trường và các gia đình có con đi học: Mức học phí mới ở tất cả các bậc học đều cao hơn trước nhưng tăng dần theo lộ trình, mỗi năm khoảng 30%. Học phí tăng lên nhưng có phân biệt các mức khác nhau theo vùng, theo thu nhập của người dân và nhu cầu chi phí khác nhau của các bậc học, ngành học. Theo nguyên tắc do Đề án đưa ra, ở khu vực giáo dục mầm non và phổ thông, con những gia đình có thu nhập thấp sẽ được miễn, giảm học phí, thậm chí được hỗ trợ tiền đi học; còn ở khu vực giáo dục nghề nghiệp (đại học, cao đẳng, dạy nghề), học sinh, sinh viên nghèo được Nhà nước cho vay tiền đi học.
Tuy vậy, Đề án này còn một số điểm chưa hợp lý:
Mức học phí của khối trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề quá cao; có trường hợp cao hơn cả học phí đại học. Theo tôi hiểu, học nghề phải có trang thiết bị, do đó chi phí học tập cao là đúng, nhưng Nhà nước phải đứng ra gánh một phần, không nên để mức học phí quá chênh lệch với trung học phổ thông; có như vậy mới khuyến khích được thanh niên học nghề.
Không quy định khung học phí và cơ cấu chi từ học phí cho các trường ngoài công lập. Điều này dễ dẫn đến chỗ thu chi tuỳ tiện, biến giáo dục thành món hàng kinh doanh lợi nhuận cao vì vốn không cần bỏ ra nhiều mà “khách hàng” thì lúc nào cũng sẵn.
Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì việc bao cấp cho sinh viên khối các trường an ninh, quốc phòng, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Khoản chi này chiếm tới 11,6% ngân sách giáo dục, trong khi kinh phí cho toàn bộ khối đại học, cao đẳng chỉ chiếm 8,91%, khối dạy nghề – 6,70%, TCCN là 2.62% và khối trung học phổ thông là 10,33% ngân sách giáo dục. Theo tôi, cán bộ, chiến sĩ được cử đi học để phục vụ lâu dài trong lực lượng vũ trang được chi sinh hoạt phí nhưng học sinh phổ thông vào học các trường này cần đóng học phí theo quy định chung. Còn cán bộ, công chức là những người có lương, nếu chưa đạt chuẩn, phải đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn thì cần đóng học phí, như vậy mới công bằng.  
Điều đáng lưu ý là phải có sự chỉ đạo rất chu đáo trong việc xác định thu nhập bình quân của các hộ khi thực hiện việc tăng học phí và hỗ trợ học sinh ở khu vực giáo dục mầm non và phổ thông bắt đầu từ năm học 2010 – 2011, nếu không sẽ xảy ra tình trạng không công bằng, mất đoàn kết ở địa phương.
Ngoài ra, trong Đề án chưa nêu rõ cơ chế huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp cho giáo dục – đào tạo.   
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án đã được xác định khá rõ là trách nhiệm của cơ sở giáo dục- đào tạo “đảm bảo tương quan giữa chất lượng đào tạo và nguồn tài chính được sử dụng”. Chính vì vậy, kèm theo lộ trình tăng học phí phải là lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo được xác nhận bằng kiểm định chất lượng thường xuyên. Do đó, ngoài cơ quan kiểm định chất lượng là Cục khảo thí, theo tôi, Nhà nước nên cho thành lập các tổ chức kiểm định ngoài công lập hoạt động theo pháp luật để tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo. Đó cũng là một cách thực hiện giám sát xã hội đối với hoạt động của ngành.  
Minh bạch hoá chi tiêu là một vấn đề mà từ nhiều năm nay dư luận đòi hỏi ở ngành giáo dục. Đề án này đã yêu cầu các trường phải “công khai chi tiêu trong nhà trường hằng năm”. “Đại diện phụ huynh học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đại diện học sinh, sinh viên và đại diện giáo viên, giảng viên ở các cơ sở đào tạo có quyền và trách nhiệm giám sát sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục – đào tạo”. Ở mức độ một đề án trình Quốc hội, có thể nói một cách khái quát như thế, nhưng sau này phải có quy định cụ thể hơn về mức độ công khai và quyền tiếp cận thông tin của người dân và của báo chí. Không thể công khai chi tiêu của trường một cách hình thức theo kiểu trình chiếu trong hội nghị cán bộ viên chức, hội nghị phụ huynh học sinh hoặc hội nghị sinh viên mỗi năm một lần như trước kia.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)