Thế giới hội nhập trước những thách thức mới

Sự thắng thế của các trào lưu Brexit và Trumpism cho thấy trong thời đại ngày nay người trí thức cũng có lúc không dự báo được tương lai, và cho thấy tiếng nói của giới trí thức chưa hẳn là thước đo lòng dân.

Giới tinh hoa quyền lực (the elite1) là một phạm trù chính trị – xã hội chỉ một tập hợp những con người có sức ảnh hưởng chi phối tới sự vận hành và định hướng phát triển của cả cộng đồng xã hội. Sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của giới tinh hoa quyền lực là một thực tế khách quan và tất yếu trong mọi thể chế chính trị. Năng lực và sự sáng suốt của giới tinh hoa quyền lực thường là yếu tố tiên quyết cho sự thành công hay thất bại trong sự vận hành và phát triển các cộng đồng xã hội.

Trong một thể chế chính trị đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh thì chất lượng giới tinh hoa quyền lực càng được đảm bảo, các cương vị quan trọng sẽ được giao cho những người tài – đức xứng đáng. Ngược lại, nếu thể chế càng nhiều khuyết tật để những kẻ không xứng đáng về năng lực và phẩm cách giành lấy quyền lực thì chất lượng giới tinh hoa quyền lực càng thấp, đồng thời những đối tượng này sẽ tìm mọi cách kết bè kéo cánh, duy trì những khuyết tật của thể chế ấy để bảo vệ cho đặc quyền, đặc lợi của mình.

Để chống lại nguy cơ giáo điều, chuyên chế và tệ thao túng, thu vén quyền lực cá nhân, ngoài việc đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và cơ chế kiểm soát lẫn nhau từ bên trong, giới tinh hoa quyền lực rất cần có văn hóa tiếp thu những phê phán từ bên ngoài. Một trong những bên cung cấp tiếng nói phản biện có giá trị hơn hết chính là những người trí thức.

Tiếng nói của giới trí thức

Người trí thức có ưu thế là sự hiểu biết sâu sắc và thái độ khách quan, tỉnh táo, là những phẩm chất hữu ích, tuy nhiên, bản chất công việc lãnh đạo cũng như quá trình cạnh tranh trên những nấc thang tiến tới các cương vị lãnh đạo còn đòi hỏi cả những phẩm chất và bản lĩnh khác mà không phải người trí thức nào cũng có.

Song dù hiện hữu ở trong hay ngoài giới tinh hoa quyền lực, người trí thức luôn có vai trò quan trọng. Khi có trong tay quyền lực, với vốn tri thức và những phẩm chất ưu tú của mình, họ có thể trực tiếp đưa ra những quyết sách sáng suốt. Còn khi ở ngoài giới tinh hoa quyền lực, với vị thế độc lập không chịu trói buộc, họ có thể cất lên tiếng nói phản biện để thẳng thắn chỉ ra những khuyết tật tồn tại trong hệ thống quyền lực, khuyến nghị những giải pháp cải thiện thể chế, chỉ ra con đường cải cách vì sự tiến bộ xã hội.

Như vậy, giới tinh hoa quyền lực và giới trí thức đều là những mắt xích quan trọng, mỗi bên đều có những thế mạnh mà bên còn lại cần tận dụng. Những trí thức lớn có tầm nhìn đi trước và thiết lập các giá trị chuẩn để định hướng, dẫn đường cho sự phát triển xã hội, đồng thời sẵn sàng cất lên tiếng nói phê phán và cảnh tỉnh khi cần thiết, trong khi giới tinh hoa quyền lực có vai trò tổ chức các nguồn lực triển khai những tư tưởng tiến bộ của giới trí thức. Thực tế thường cho thấy, khi những người trí thức đích thực và giới tinh hoa quyền lực có chung một tầm nhìn thì nhiều khả năng các quan điểm ấy là đúng đắn, phù hợp với các quy luật khách quan, và cũng thường phù hợp với ý nguyện của nhân dân.

Thế giới hội nhập: Một tầm nhìn chung của người trí thức và giới tinh hoa hiện đại?

Xu hướng thế giới hội nhập có lịch sử lâu đời, có từ những nền văn minh cổ xưa nhất – đa số các nền văn minh đều hình thành ở những tụ điểm giao thương tấp nập nhất. Tới cuối thế kỷ 20, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia càng tích cực nỗ lực xích lại gần nhau. Mặc dù cuộc giằng co tranh giành địa bàn ảnh hưởng giữa Mỹ và các đồng minh với Nga và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết nhưng một mạng lưới hội nhập toàn cầu đang tiếp tục được định hình ngày một rõ rệt, song song với những liên minh, cộng đồng chung ở tầm khu vực.

Động cơ của sự hội nhập xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của các dân tộc và giới tinh hoa quyền lực ở mỗi quốc gia, mong muốn tạo dựng một môi trường ổn định với những hệ thống luật chơi chung tạo thuận lợi cho sự phát triển, cho phép tăng cường sự tập trung các nguồn lực phong phú, đa dạng, xóa bỏ các rào cản gây phí tổn, mở rộng các cơ hội và quy mô sản xuất – kinh doanh. Ngược lại, xu thế hội nhập còn là động lực để những giới tinh hoa quyền lực của các nước kém phát triển tiếp cận với những thông lệ, luật chơi quốc tế chặt chẽ, minh bạch, tạo cơ hội cho sự đổi mới, cải cách chất lượng thể chế của quốc gia mình.

Còn với giới trí thức, thế giới hội nhập phần lớn đồng nghĩa với những giá trị tiến bộ khai phóng cho nhân loại và các cộng đồng xã hội, cụ thể là sự giải phóng con người khỏi những định kiến phân biệt đối xử, tạo cơ hội cho sự chung sống hòa bình trong sự tự do và đa dạng văn hóa của các nhóm cộng đồng đặc thù. Bên cạnh đó, hội nhập cũng đồng thời thúc đẩy sự giao lưu và tập trung hóa các nguồn vốn tri thức.

Giá trị chung giữa giới trí thức và giới tinh hoa quyền lực là cùng mong muốn hòa bình, trật tự, ổn định, và dung hòa những mặt đối lập, xóa bỏ các nguy cơ gây mâu thuẫn, xung đột để tạo nền tảng cho sự phát triển chung. Mặc dù thỉnh thoảng đâu đó vẫn có những tiếng nói phản đối toàn cầu hóa, cảnh tỉnh về những mặt trái như sự hòa tan bản sắc các địa phương và nhóm thiểu số, các vấn nạn môi trường và tình trạng bất bình đẳng gia tăng, v.v, nhưng nhìn chung xu thế hội nhập vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của đa số trong giới tinh hoa cũng như giới trí thức. Phần lớn cả hai phía đều coi hội nhập là xu thế tất yếu, rằng hội nhập hoàn toàn có thể được thiết kế, tổ chức theo cách có lợi cho sự tiến bộ của xã hội và những mặt trái của hội nhập chỉ được coi là vấn đề cần khắc phục, giải quyết, chứ không thể là lý do để quay ngược bánh xe lịch sử.

Những bài học mới rút ra từ sự thắng thế của Brexit và Trumpism

Khác với nhận thức xưa nay cho rằng ý kiến của các nhà trí thức là một trong những căn cứ đáng tham khảo để xem xét tính đúng đắn và mức độ hợp lòng dân của một chủ trương, đường lối nào đó của giới tinh hoa quyền lực, sự thắng thế của Brexit và Trumpism là một minh chứng sinh động cho thấy, ngay cả khi giới tinh hoa quyền lực và giới trí thức cùng chung một lựa chọn, thì chưa chắc đó là lựa chọn đại diện nhất cho tiếng nói của nhân dân. Điều đó có thể cho thấy giới trí thức ngày nay phần nào quá say mê những lý tưởng khai phóng mà trở nên bất cập nhân tình, không cảm thấy được sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội; điều này cũng có thể cho thấy hình ảnh của thế giới ngày nay bị giới truyền thông bóp méo hoàn toàn, rất khó để nhận biết chân tướng sự vật, và có lẽ không ai nói thay lòng dân tốt hơn những lá phiếu bầu trực tiếp.

Thế giới hội nhập cùng những giá trị khai phóng xét về tổng quan là một tầm nhìn, một con đường tiến bộ, lâu nay vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số giới tinh hoa quyền lực cũng như giới trí thức ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng con đường tiến bộ đó đòi hỏi sự kiên trì, không thể nóng vội. Mức độ hội nhập càng cao thì thách thức sẽ càng lớn, gây nguy cơ đứt gãy ở những mắt xích yếu nhất, cụ thể là những nhân tố năng lực chưa đủ đáp ứng, ở tầm quốc gia là những nước chậm phát triển, thiếu kỷ luật tài khóa như Hy Lạp, còn xét về phân tầng xã hội chính là tầng lớp trung lưu lao động phổ thông.

Tâm lý bất mãn và thế bế tắc của tầng lớp trung lưu có thể là một trong những yếu huyệt của xã hội phương Tây. Thực tế cho thấy, những người lao động ở tầng thu nhập thấp lại không bức xúc nhiều với giới tinh hoa quyền lực như những người ở tầng lớp trung lưu – hơn 50% những người thu nhập thấp vẫn bỏ phiếu bầu cho bà Clinton2, ứng cử viên đại diện cho những giá trị tinh hoa truyền thống. Như vậy, rõ ràng hố sâu chia rẽ nước Mỹ hiện nay không chỉ liên quan đến vấn đề đói nghèo hay bất bình đẳng trong xã hội do sự bóc lột theo quan hệ chủ – tớ như quan điểm của các nhà Marxist truyền thống trước đây. Tôi dám chắc rằng nếu người ta hỏi những người lao công làm việc cho Microsoft về việc so sánh mức độ bức xúc của họ với sự bóc lột của ông chủ Bill Gates và với anh hàng xóm nhà bên thất nghiệp nhưng vẫn hưởng trợ cấp đủ để thoải mái đeo ba lô đi du lịch khắp nơi, thì đa phần câu trả lời sẽ là bức xúc với điều thứ hai nhiều hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán chủ quan, sẽ cần có những nghiên cứu sâu và cụ thể hơn về bản chất hố sâu chia rẽ trong lòng nước Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung.

Thất bại của giới tinh hoa quyền lực và giới trí thức qua sự thắng thế của các trào lưu Trumpism và Brexit là một lần sàng lọc mới trong thượng tầng kiến trúc xã hội phương Tây. Liệu Trump và những người cùng phía với ông ta có là những người lãnh đạo tốt hơn so với các đối thủ vừa bại trận? Chúng ta phải chờ thời gian trả lời, nhưng có thể chắc rằng chiến thắng của Trump đánh dấu sự trỗi dậy của một xu thế đường lối chính trị thực dụng hơn trước đây. Bản thân Trump đến nay vẫn khẳng định sẽ giảm bớt các cam kết của Mỹ với cộng đồng quốc tế, kể cả với các đồng minh, và như các cử tri Mỹ đã thẳng thắn bày tỏ3, họ lựa chọn ông Trump một phần vì không còn tin vào những ngôn từ hoa mỹ thường thấy trong giới tinh hoa quyền lực, một phần nữa vì tin rằng ông là người đàm phán cứng rắn sẽ bảo vệ tốt hơn cho lợi ích Mỹ. Tinh thần thực dụng đó của người Mỹ, cùng khả năng gia tăng xu hướng thiên hữu ở châu Âu, và cách tiếp cận thực dụng lâu nay của Nga và Trung Quốc cho thấy khả năng va chạm, xung đột lợi ích giữa các bên sẽ càng cao hơn, và như vậy tiến trình tìm kiếm sự đồng thuận cho những vấn đề cấp bách chung toàn cầu, cụ thể như chống biến đổi khí hậu, có thể sẽ gặp thêm nhiều những trở ngại và thách thức mới.
———
1 Một khái niệm bắt nguồn từ eligere trong tiếng Latin, có nghĩa là lựa chọn, bầu lên, bổ nhiệm.
2 http://www.independent.co.uk/news/ world/politics/president-donald-trump-why-people-voted-for-republican-wins-us-election-2016-a7407541.html
3 https://www.theguardian.com/us-news/2016/nov/09/why-did-people-vote-for-donald-trump-us-voters-explain

Charles Wright Mills, nhà xã hội học người Mỹ, trong cuốn sách The Power Elite ra năm 1956 cho rằng giới tinh hoa quyền lực Mỹ là sự kết hợp và giao thoa của giới lãnh đạo chính trị, quân sự, và lãnh đạo các tập đoàn. Nhìn sang các nước trong khối XHCN cùng thời kỳ đó, nhân tố thứ ba không có mặt, hay nói đúng hơn là hoàn toàn không được phép tồn tại trong thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, cơ chế kinh tế thị trường được thừa nhận ở hầu hết các nước trên thế giới, thì giới lãnh đạo các tập đoàn cũng dần tạo được chỗ đứng của họ tại các nước XHCN cũ một cách tất yếu bởi họ là những người tác động mạnh mẽ tới các huyết mạch kinh tế, không chỉ trong mà cả ngoài biên giới mỗi quốc gia. Như vậy, có thể nói đến nay cách định nghĩa của Mills về giới tinh hoa quyền lực không chỉ áp dụng với nước Mỹ mà có thể áp dụng với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)