Thể thao và khoa học nước nhà tương đồng mà dị biệt

Mười năm trước đây, thể thao mình còn lẹt đẹt lắm, luôn đội sổ sau năm nước ASEAN. Thế mà giờ đây ta đã qua mặt In đô nê xia, Phi lip pin và Sin ga po, khẳng định chắc chắn ngôi vị thứ ba trên đấu trường SEA Games. Dù còn nhiều chuyện bất cập, dù thể thao Việt Nam vẫn chưa vượt khỏi vùng trũng Đông Nam Á, song cứ đà này, ngày càng có nhiều người Việt tiến lên các đấu trường danh giá hơn mang theo màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Xem các vận động viên nhỏ bé của mình hiên ngang tranh tài trên những đấu trường quốc tế, hãnh diện bước lên bục danh dự trong Tiến Quân Ca dưới lá cờ đỏ sao vàng, ta không khỏi chạnh lòng liên tưởng đến hiện trạng khoa học nước nhà. Khoa học với thể thao rất tương đồng, mà sao ở nước ta lại khác nhau đến thế!
Trong khoa học không có đấu trường để phân định ngôi vị vô địch với á quân, nhưng thay vào đó là các diễn đàn khoa học quốc tế. Phải lọt qua hệ thống phản biện nghiêm túc mới có mặt trên sân chơi này để bước đầu khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu của mình. Còn công trình có tác dụng đến đâu, lại phải chờ xem bao nhiêu đồng nghiệp khắp năm châu sử dụng (trích dẫn) trong năm mười năm sau.
Hơn 9300 tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới thuộc 256 chuyên ngành khoa học tự nhiên (6650 tạp chí, 150 chuyên ngành), xã hội (1950 tạp chí, 50 chuyên ngành) và nghệ thuật – nhân văn (1160 tạp chí, 56 chuyên ngành) được tập hợp trong cơ sở dữ liệu khoa học đồ sộ Web of Science của Viện Thông tin Khoa học ISI. Chưa có tạp chí nào của Việt Nam được lọt vào đây. Với lượng thông tin đồ sộ, Web of Science cho ta những tiêu chí khách quan đánh giá trình độ và hiệu quả nghiên cứu khoa học của từng quốc gia, từng trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như thành tích và tác động của từng nhà khoa học. Qua đây, mỗi quốc gia có thể biết nước khác đang làm gì, từ đó định hướng hoạt đông nghiên cứu ở nước mình. Tưởng còn gì cần thiết hơn trong tay các nhà quản lý để viết những bản báo cáo thành tích trình lên Chính phủ hàng năm?
Tiếc rằng giới khoa học nước ta lại đứng ngoài cuộc chơi này. Chúng ta bằng lòng chơi trên sân nhà chật hẹp của mình với những luật chơi do mình đặt ra, chẳng giống ai. Trong thế giới hội nhập này, chúng ta đã đóng cửa, lại còn tự bịt mắt mình. Gỡ bỏ chiếc rào cản chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể dễ bề tung hô nhau, súng sính trong cân đai áo mão, nhưng hậu quả là một nền khoa học tụt xa sau các nước. Trong cân nhắc của những nhà quản lý, Web of Science là món hàng xa xỉ, tuy chỉ cần đầu tư ít hơn những đề tài tiền tỷ mà mới nghe ta đã thấy choáng váng. Trong khi đó, hiện nay Web of Science đã phổ cập đến hầu hết những trường đại học nghiên cứu trên toàn thế giới.  
Trong nhiều năm qua, mặc cho cái nghịch lý trên được nói đến rát cả tai, số đông trong ngót 10.000 người làm KHCN ở nước ta (theo thống kê mới nhất trong Báo cáo Phát triển Con người của UNDP năm 2007) và nhất là những người cầm cân nảy mực vẫn chỉ phản ứng bằng sự bất động. Đâu đó có tiếng xì xầm “công bố quốc tế chỉ là chuyện của mấy vị nghiên cứu cơ bản (ý nói chẳng làm ra được đồng tiền hạt gạo nào cho đất nước), chúng ta nghiên cứu ứng dụng, việc gì phải phí thì giờ vô ích”!
Thật là oan! Cứ nhìn sang Thái Lan ắt rõ. Trong số 649 công bố quốc tế năm 2006 được người Thái nghiên cứu ngay trên đất Thái Lan (so với 70 công bố của Việt Nam), chỉ có 11 bài về Toán và Vật lý, số bài về Hoá học và Sinh học nhiều hơn, song rất khó phân định cơ bản hay ứng dụng. Lẽ nào người Thái lại chịu phí thời gian vô ích như ta tưởng!
Ban cho nghiên cứu ứng dụng cái “đặc quyền” không cần công bố quốc tế, chúng ta đã tạo nên một môi trường khoa học tù mù đến mức vàng thau lẫn lộn. Không chấp nhận chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu ứng dụng, trong khi cái bầu sữa ngân sách ngày càng phình lên, đây chính là nguyên nhân khiến cho bao nhiêu dự án đề tài tiền tỷ thi nhau ra đời mà chẳng để lại dấu vết gì cho khoa học nước nhà. Người nghiên cứu nghiêm túc không có chỗ đứng. Thế hệ trẻ ngày càng xa lánh khoa học là chuyên dễ hiểu lắm!     
Có lẽ xin được nhắc lại một lần nữa nguyện vọng đã được nhiều người khẩn thiết nói ra nhiều lần. Đất nước ngót một trăm triệu dân này rất cần và có đủ điều kiện xây dựng một nền khoa học có vị thế trên thế giới. Thiếu nó, chúng ta sẽ không có giáo dục, văn hoá và dân trí, sẽ không định ra quyết sách đúng đắn để phát triển, sẽ không có công nghệ để sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt này.
Các vận động viên trẻ măng của chúng ta hiên ngang bước lên đấu trường thể thao quốc tế, lẽ nào giới khoa học lại cứ rụt rè!

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)