Thị trường điện tự do: Lựa chọn duy nhất?

Áp lực cạnh tranh của các cơ chế thị trường điện giúp giảm chi phí sản xuất, sử dụng điện hiệu quả và nhờ thế mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội.

Nhà máy điện gió ở Quảng Trị. Nguồn: Lao động

Theo quan sát của tôi, hiện nay ở Việt Nam đa số đồng thuận rằng thị trường năng lượng, thị trường điện tự do là hướng đi đúng đắn, cần tiến hành khẩn trương để làm tiền đề phát triển bền vững kinh tế – xã hội đất nước. 

Tuy vậy, không ít người còn băn khoăn về các lợi ích của thị trường điện, cụ thể hơn: Liệu cơ chế độc quyền có giúp đạt được các lợi ích như thị trường điện tự do không? Liệu người tiêu dùng điện, xã hội có thể hưởng lợi từ các cơ chế thị trường tự do không?

Quy luật cung – cầu, giá thị trường và thặng dư xã hội

Điện là một hàng hóa đặc biệt khi có tác động lớn tới kinh tế và xã hội trên diện rộng. Nhu cầu sử dụng điện của khách hàng có thể thay đổi theo từng thời điểm và mỗi công suất điện có thể được sản xuất bởi nhiều công nghệ khác nhau. Bởi vậy, thị trường điện có nhiều đặc thù kỹ thuật, phức tạp và là tập hợp của nhiều thị trường con với sản phẩm là điện năng và các dịch vụ liên quan nhằm đảm bảo an ninh, công suất và chất lượng điện năng bất kể thay đổi, bất định và rủi ro của công nghệ và tài nguyên thiên nhiên. 

Do đặc thù kỹ thuật và giới hạn lưới điện, thị trường điện thường không hoàn hảo. Dẫu vậy, nhìn vào sơ đồ, ta thấy rằng chỉ trong mô hình thị trường tự do, cạnh tranh khốc liệt, giá điện mới có cơ hội đạt ngang bằng thị trường hoàn hảo. 

Tuy vậy, tất cả các loại thị trường điện đều tuân theo quy luật cung – cầu của kinh tế học như minh họa trong đồ thị lượng – giá của hình 1 (a) dưới đây. 

Theo đó, hành vi ‘thuận mua’ của phía những người tiêu thụ được mô hình hóa bằng đường cầu thể hiện giá trị biên – giá trị tăng thêm khi tiêu thụ thêm một đơn vị sản lượng (hàng hóa hay dịch vụ).Đường cầu có giá trị giảm khi lượng tiêu thụ tăng. Nói nôm na với hàng hóa điện năng là giá điện càng giảm thì người ta càng dùng nhiều điện. Lưu ý, để đơn giản hóa việc minh họa và không làm mất tính khái quát, ở đây đường cầu được xấp xỉ thành dạng đường thẳng tuyến tính như trong hình. 

Hành vi ‘vừa bán’ của phía những người sản xuất (hay cung cấp dịch vụ điện lực) được mô hình hóa bằng đường cung thể hiện chi phí biên – chi phí tăng thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản lượng. Đường cung có chi phí tăng khi lượng sản xuất tăng, như minh họa/xấp xỉ hóa bằng đường cong phi tuyến trong hình để thể hiện chi phí biên từ rất thấp (điện tái tạo, điện than) đến rất cao (điện khí chu trình hở OCGT, máy phát điện diesel, trần giá thị trường – market price cap). Nói đơn giản và khác đi là muốn sản xuất càng nhiều điện vào những lúc có nhu cầu cao (giờ cao điểm, mùa nóng, khô hạn), giá điện phải càng cao để có thể huy động các nguồn điện có chi phí cao. 

Hình 1: Kết quả thống kê thị trường điện.

Điểm giao nhau của đường cung cầu – điểm cân bằng ‘thuận mua, vừa bán’ chính là giá và lượng của thị trường như minh họa trong hình (a). Điểm cân bằng thị trường có tính ổn định và là điểm tối đa lợi ích mua bán. Giá thị trường p* thường được định là giá ở điểm cân bằng này. Đó là giá mà người sản xuất bán được sản phẩm với giá cao nhất, còn người tiêu thụ mua sản phẩm với giá thấp nhất. Với kết quả thị trường này,  lợi ích mua có diện tích A (tổng lợi ích tiêu thụ điện trừ đi chi phí mua điện) còn lợi ích bán là B (tổng doanh thu từ bán điện trừ chi phí sản xuất điện). Lợi ích mua bán (còn gọi là thặng dư xã hội) là phần diện tích giữa đường cầucung: A + B.

Thị trường hoàn hảo thường là thị trường có sản phẩm đồng nhất, có nhiều thành viên tham gia ở cả hai phía mua và bán. Các thành viên có thể tự do tham gia, rời khỏi thị trường và mọi thành viên có quyền truy cập thông tin như nhau. Với những điều kiện này, trong thị trường hoàn hảo, các thành viên thị trường thường có hành vi nhận giá, tức là chào giá bán bằng chi phí biên thực của phía cung và chào giá mua bằng giá trị biên thực của phía cầu. Như vậy, theo như ghi chú, hình (a) cũng chính là kết quả của thị trường cạnh tranh hoàn hảo, có giá điện thấp nhất và có thặng dư xã hội A + B cao nhất, tức đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.  

Dĩ nhiên, không có gì “hoàn hảo” như lý thuyết. Hình b, c, d minh họa những cơ chế thị trường thực tế, với mức độ cạnh tranh từ ‘khốc liệt’ (thị trường tự do, ít điều tiết – hình d) đến hoàn toàn không có cạnh tranh (độc quyền và tự do định giá – hình b). Trong thị trường không hoàn hảo, một hay nhiều thành viên có hành vi làm giá, tức là có khả năng ảnh hưởng đến giá thị trường sao cho có lợi nhuận riêng cao hơn. Hành vi thường thấy trong thực tế là phía cung chào giá bán cao hơn chi phí biên thực và phía cầu chào giá mua thấp hơn giá trị biên thực. 

Tại sao cơ chế độc quyền không bền vững? 

Độc quyền là khi thị trường chỉ có một nhà cung cấp. Khi đó, nhà cung cấp duy nhất này có thể tự do định giá điện sao cho tối đa lợi ích riêng của mình. Hình (b) minh họa kết quả của cơ chế độc quyền: giá điện độc quyền pđq cao hơn giá điện của thị trường hoàn hảo phh, lợi ích của nhà cung cấp độc quyền Bđq tăng và đạt tối đa giá trị, còn lợi ích của phía cầu Ađq giảm, dẫn đến lợi ích mua bán điện của xã hội giảm đi diện tích Cđq (trong kinh tế học gọi là tổn thất tải trọng – deadweight loss) so với các kết quả tương ứng của thị trường cạnh tranh (hoàn hảo) của hình (a). 

Hiện nay, thị trường điện Việt Nam tuy đã có những bước phát triển nhất định vẫn chủ yếu độc quyền. Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN nắm giữ hầu hết các nhà máy phát điện lớn, cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện. Kể cả khi Việt Nam đã có cạnh tranh trong khâu phát điện, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) về bản chất vẫn là thị trường một người mua khi EVN hầu như là đơn vị mua điện duy nhất của các nhà máy phát điện độc lập và tập đoàn cũng gần như độc quyền trong khâu bán lẻ điện tới các khách hàng. 

Hai năm qua, EVN phải chịu lỗ lớn do giá bán lẻ điện điều tiết không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện và khan hiếm cung – cầu điện, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là: Tuy EVN có thị phần điện năng chủ đạo trong bán buôn điện và độc quyền trong khâu bán lẻ, giá bán lẻ điện kể cả khi có sự điều tiết giá của nhà nước liệu có thể thấp nhất và mang lại lợi ích tối ưu không? Trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi mọi thành viên bán buôn, bán lẻ trong ngành điện lực – mà ở đây chủ yếu là các công ty bán buôn chủ đạo và bán lẻ điện độc quyền thuộc EVN được yêu cầu chào giá hay báo cáo chi phí sát theo chi phí biên như trong thị trường bán buôn điện Việt Nam hiện nay. 

Tuy nhiên, vì thiếu vắng áp lực cạnh tranh, không có gì đảm bảo rằng chi phí biên của các công ty con thuộc EVN là chi phí biên thực như khi có cạnh tranh. Khi không có đối thủ cạnh tranh, nhà độc quyền ít có động lực tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Bởi vậy, chi phí biên của cơ chế độc quyền nhiều khả năng cao hơn chi phí biên thực mà thị trường cạnh tranh thực sự có thể mang lại. Kết quả là, dù điều tiết có làm giá điện pđt thấp hơn cơ chế độc quyền tự do định giá, nhưng nó vẫn cao hơn giá điện của thị trường hoàn hảo, thị trường tự do cạnh tranh mạnh mẽ như minh hoạ tương ứng trong các hình (c) và (d). 

Đó còn chưa kể, giá điều tiết không cẩn thận còn có thể không đủ bù chi phí của công ty độc quyền. Có ý kiến cho rằng giá điện bán lẻ điều tiết ở Việt Nam đang thấp hơn nếu để thả nổi theo thị trường và như vậy có lợi cho người tiêu dùng thông qua giá điện rẻ (dưới chi phí biên thực của cơ chế độc quyền). Tôi cho rằng đây là do bất cập trong quản lý, không kịp điều chỉnh giá điện theo thay đổi của thị trường hơn là ưu điểm. Hai năm qua, EVN phải chịu lỗ lớn do giá bán lẻ điện điều tiết không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện và khan hiếm cung – cầu điện, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, giá điện thấp dưới chi phí sẽ dẫn tới mất cân bằng cung – cầu (cầu vượt cung) và theo lý thuyết kinh tế, là điểm cân bằng không hiệu quả kinh tế và không bền vững. Nguy hại hơn, giá điện rẻ không phản ánh quy luật kinh tế sẽ khuyến khích sử dụng điện không hiệu quả, khuyến khích các ngành công nghiệp tiêu tốn điện năng và không giúp phát triển bền vững nền kinh tế.

Thị trường tự do là lựa chọn duy nhất

Do đặc thù kỹ thuật và giới hạn lưới điện, thị trường điện thường không hoàn hảo. Dẫu vậy, như minh họa trong hình (d), ta thấy rằng chỉ trong mô hình thị trường tự do, khuyến khích cạnh tranh mạnh mẽ, giá điện mới có cơ hội đạt ngang bằng thị trường hoàn hảo. 

Nếu được thiết kế, tổ chức và có cơ cấu quản trị phù hợp, chẳng hạn như có đủ độ dự trữ nguồn cung, nhiều người mua, nhiều người bán, điều tiết kinh tế các sản phẩm mang tính độc quyền tự nhiên (các dịch vụ lưới điện), ít nhà cung cấp (một số dịch vụ phụ trợ kỹ thuật) và cơ chế giám sát, giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thị trường điện sẽ thúc đẩy chào giá cạnh tranh (thường thấp hơn chi phí biên độc quyền và có thể tiến tới sát với chi phí biên thực), nên nhờ đó có nhiều khả năng mang lại giá điện thấp hơn và lợi ích mua bán cao hơn so với cơ chế độc quyền tự do và cơ chế độc quyền có điều tiết. 

Thị trường viễn thông, hàng không, các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác đã cho thấy lợi ích cạnh tranh mang đến cho người tiêu dùng và xã hội: giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn theo thời gian. 

Kinh nghiệm thực tế hơn 20 năm của Thị trường điện Quốc gia Úc (NEM) cho thấy nhìn chung, NEM có kết quả vận hành khá tốt. Thị trường điện được báo cáo là cải thiện hiệu suất và hiệu quả ngành điện thông qua phương thức làm việc được cải tiến và các nhà máy điện có độ tin cậy cao hơn. Thị trường bán lẻ xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm mới. Tất cả là nhờ áp lực cạnh tranh ngày càng tăng.

Kể cả khi giá điện bán buôn của NEM có xu hướng tăng theo thời gian và chi phí bán lẻ cũng tăng tương ứng, thậm chí tăng vượt mức tăng của thu nhập, các giá này phản ánh đúng chi phí đầu vào tăng của nhiên liệu, lưới điện, dịch vụ bán lẻ trong những năm qua và các chính sách năng lượng (làm phát sinh thêm các chi phí tuân thủ). Ngoài ra, dựa vào các phân tích trên tôi cho rằng giá này vẫn thấp hơn so với giá bán lẻ nếu NEM vẫn còn duy trì cơ chế độc quyền, thậm chí kể cả khi có thêm điều tiết của nhà nước. 

Việt Nam đang chuẩn bị thí điểm thị trường bán lẻ điện để tiến tới từng bước thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đó là một chủ trương đúng đắn cần tiến hành nhanh chóng, càng sớm càng tốt. Các cơ chế thị trường điện có nhiều khả năng mang lại giá điện thấp và lợi ích cao hơn cho người tiêu dùng, ngành điện lực và xã hội. Thị trường điện cần được thiết kế, tổ chức và quản trị sao cho khuyến khích cạnh tranh và giảm thiểu hành vi lạm dụng quyền lực thị trường trong tay một số thành viên lớn.

Thị trường điện nếu được thiết kế tốt mang lại sự minh bạch, công bằng trong việc định giá điện và cách thức vận hành hiệu quả kinh tế. Giá điện độc quyền có điều tiết ít minh bạch hơn và có thể có trợ giá hoặc bù chéo, không đảm bảo tín hiệu kinh tế tốt. Mặt khác, thị trường điện với giá điện thay đổi phản ánh chi phí đầu vào, khan hiếm cung – cầu sẽ giúp người tiêu dùng sử dụng điện hiệu quả hơn và nhà đầu tư đầu tư vào nguồn, lưới điện kịp thời, vừa đủ, đúng công nghệ và địa điểm./.

——-

Về tác giả 

Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.

Ông là tác giả của cuốn sách “Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý” do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách nhằm cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.

Tham khảo

Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. Các chương 8, 9 và 10.  

Cầu, T.D.H. (2023). Nên tiến hành cải cách thị trường điện như thế nào?. Tạp chí Năng lượng Việt Nam. 4/12/2023. https://nangluongvietnam.vn/nen-tien-hanh-cai-cach-thi-truong-dien-viet-nam-nhu-the-nao-31895.html

Cầu, T.D.H. (2024). Kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc và khuyến nghị cho Indonesia và Việt Nam. PetroTimes – Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam 20 & 21/3/2024 và Tạp chí Năng lượng Việt Nam 26/3/2024. https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-1-thi-truong-dien-uc-va-kinh-nghiem-cai-cach-707689.html

https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-2-tai-sao-indonesia-va-viet-nam-nen-tham-khao-kinh-nghiem-uc-707768.html

Kirschen, D. and Strbac, G. (2018). Fundamentals of Power System Economics. Wiley.

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)