Thờ sự thật

Sự thật là một điều không dễ dàng tìm cho ra, cho nên con người phải phát triển khoa học, phát triển công nghệ trên mọi lĩnh vực. Thờ sự thật, lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là vấn đề của một nền văn hóa: nền văn hóa ấy có coi việc phải cố gắng đi đến sự thật là mục đích tối thượng của tinh thần? Hay là không?

“Vừa lòng nhau”

“Túi khôn” của văn hóa dân gian Việt hướng dẫn:

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”


Túi khôn này bày ra cả một thực tế đời sống ngồn ngộn của mỗi người Việt. Dẫu rằng vẫn có mặt bên kia của túi khôn dân gian, “thuốc đắng dã tật”, nhưng túi khôn ấy cũng đã kèm theo ngay lời phân bua”sự thật mất lòng”.

Tại sao con người thích thờ “vừa lòng nhau”?

Vì, đó là thờ tình cảm, điều dễ nhất.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải suy nghĩ nhiều.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải khó khăn đi tìm sự thật.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải khó khăn để nghe cho tới lúc hiểu ra được sự thật.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải chịu đựng việc nghe cho thủng ra những sự thật bất lợi cho chính mình.

Thờ tình cảm cho người ta sự thỏa mãn tức thì.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải xây dựng cho được tư duy duy lý.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải cố gắng tổng hợp được các sự thật đã tìm được thành ra một bức tranh khả dĩ hợp lý.

Thờ tình cảm dễ dàng tạo hiệu ứng đám đông.

Thờ tình cảm dễ dàng khai thác các tập tục cổ truyền sẵn có rồi.

Thờ tình cảm nhanh chóng chiếm đoạt được quyền lực, quyền lực của tình cảm, rồi của yêu ma, của thần thánh, và rốt cục, quyền lực trần tụccủa cộng đồng.

Cơn xoáy lốc quẩn của “vừa lòng nhau”

Khi các cố gắng của một cộng đồng chỉ xoay quanh việc tranh đoạt sự “vừa lòng nhau”, nó tạo lên một vòng xoáy lốc “văn hóa” mà cộng đồng ấy bị chìm vào trong, không làm sao tự thoát ra được: mỗi thành viên đều vừa là nạn nhân, vừa là tác giả. “Vừa lòng nhau” trở thành tâm điểm của cơn xoáy lốc thường hằng của “văn hóa”, cơn xoáy lốc này chứa đựng ít ra những thành tố đặc trưng như sau.

– Thờ quyền lực trực tiếp,
quyền lực của người trị người trực tiếp. Tinh thần cộng đồng không đi tìm một điểm tựa nào khác ngoài cái hiện trạng “vừa lòng nhau” kết đọng mong manh ở mỗi thời điểm nhất định.

– Đạo “đối nhân xử thế”.
Thoạt nghe, đạo này mang vẻ rất hấp dẫn, mang tính “nghệ thuật”, “nhân văn”. Nhưng thực chất nó chỉ là thứ “tương quan lực lượng”, “ai thắng ai” giữa các đối tác vào mỗi thời điểm nhất định. Hành xử xã hội trở nên một thứ nguyên tắc của vô nguyên tắc, mở đường cho bạo lực muôn dạng, trải từ dạng “tinh tế” kín đáo, cho tới dạng “thô bạo” thách đố. Dẫu như có luật lệ chăng nữa, luật lệ ấy cũng sẽ chỉ có được tính trang trí, nằm gọn trong tay của kẻ đang mạnh hơn, kẻ đang tạm có được nhiều “vừa lòng nhau” hơn, cái cũng đã từng được gọi là “pháp trị” (trị bằng luật hình) từ thời Trung Hoa cổ đại, cái đã được nhận dạng bằng thuật ngữ “rule by law”. Quyền lực của “pháp trị” là cái roi nằm trong tay của người đang thắng thế, đang thống trị. Điều này khác hoàn toàn với tư tưởng “pháp quyền” nơi mà các quyền lực cá nhân và các quyền lực công cộng được dần dà khách thể hóa ra bên ngoài, được thượng tôn, và mọi người của cộng đồng đều vừa có được các quyền phổ quát được công nhận, vừa phải khép mình bình đẳng bên dưới hệ thống luật pháp đã được đồng thuận ấy (rule of law).

– “Tự do cá nhân” dưới dạng thức tích cực, dạng khẳng định không thể tồn tại được, vì không có điểm tựa. “Tự do cá nhân” chỉ còn là dạng thức tiêu cực, tự phủ định, được vẽ lên như cắt tóc đi tu, trốn vào núirừng ở ẩn, treo ấn từ quan thả thuyền mất tích, được tô lên thành những đạo Lão, đạo Trang.

– “Cộng đồng dân chủ” của các cá nhân tự do vì thế cũng không thể hình thành.

– “Đạo vòng” sẽ trở thành nghệ thuật làm biến dạng vòng vèo mọi quy cách, để rốt cục thực thi sức mạnh của kẻ mạnh hơn.

Nan đề của cơn xoáy lốc quẩn này là không thể có được các tiến hóa căn bản của đời sống, nó là một con rắn cắn đuôi bất chấp thời gian.

Nếu các thành viên của một cộng đồng một hôm quyết định với nhau, rằng “vừa lòng nhau” tuy có những cái hay thật, tình cảm thật, được việc tức thì thật, thỉnh thoảng có lợi thật… nhưng thôi, không thể sống luẩn quẩn mãi trong cơn xoáylốc kéo dài hàng ngàn năm ấy nữa… thì họ phải thảo luận… thật… với nhau. Tôi tin rằng chỉ có một lối ra, dứt khoát, duy nhất, là chuyển sang “đạo thờ sự thật”.

Đường “thờ sự thật”

Sự thật khó khăn, nhưng “thờ sự thật” sẽ cho phép con người ngày càng vứt bỏ đi được những của nả gây nhiễu loạn đời sống, dựng dần lên được những rường cột căn bản, để ngày càng ổn định đời sống, và đi lên vững chãi. Vì vậy công việc đầu tiên của “thờ sự thật” là con người không lao vào môn cố tình bịa đặt, mặc dù biết rằng mình có thể nhầm lẫn trong nhận thức.

Thờ sự thật hướng con người đến sự chân thật. Giải tỏa các tư liệu lịch sử chẳng hạn, phải trở thành công việc tự nhiên, và bức thiết của cộng đồng. Phải dựng đạo luật, sau mỗi khoảng thời gian, ví dụ 40 năm hay 50 năm, tất cả các tư liệu phải được công bố tự do, được nghiên cứu tự do. Lịch sử không thể nửa kín nửa hở nửa thần thoại mãi mãi đối với một cộng đồng thờ sự thật.

Con người phải được giải phóng khỏi sự sợ hãi tập tục, khỏi “đạo vừa lòng nhau”, mà vẫn giữ được sự nhã nhặn. Xã hội đang vận hành như thế nào, phải được tự do nghiên cứu, công bố, thảo luận. Các khảo sát xã hội học tường tận phải được thúc đẩy, được trân trọng. Chỉ từ đó mới dựng lại được bộ mặt ngày càng thật của xã hội. Có sự thật ấy, mới mong đến sự sắp xếp, chỉnh đốn, rồi cải cách.

Con người phải thay đổi được thái độ đối với hiện thực qua tinh thần “thờ sự thật”. Nghĩa là “sự thật” không phải là một thứ vũ khí để tranh nhau thắng thua, để ra đòn trừng phạt nhau. Con người phải học tập để giữ được một thái độ bình thản, từ tốn, có khoảng cách đối với “hiện thực”, với “sự thật” được nhận thấy, để ngày càng tiến đến gần hơn và toàn diện hơn về phía sự thật đang vận động, và từ đó, từ tốn xử lý, cải cách đời sống của mình qua các qui trình trật tự, an nhiên.

Những điều thuộc về văn hóa mà chúng ta nói đến ở đây trước hết phải bắt đầu ngay từ những tế bào đơn giản nhất của xã hội. Từ việc đồng tiền của một gia đình nằm rõ ra từng khoản, khoản để đi chợ, khoản tiền điện nước, khoản để càfé bia bọt, không có nạn “ăn gian” khoản này sang khoản kia ngay từ trong nhà. Từ việc tất cả các bậc cha mẹ có thể và cần phải chống lại nạn học hành thi cử khuất tất đè nén lên trẻ em suốt tuổi thơ từ bao nhiêu năm nay. Từ việc đi ra đường phải chờ đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đường, vi phạm sẽ bị chụp ảnh gửi hóa đơn về nhà,thể theo biển số đăng kí. Từ các đòi hỏi phải tạo áp lực dựng lên một hệ thống y tế dù còn nghèo nhưng sạch sẽ, tử tế, chưa có nhà gạch thì dựng nhà lá lên… Các áp lực ấy chỉ giản đơn từ cái tinh thần “thờ sự thật”, tôi quyết không đi vòng quanh cái cối xay mãi để phí hoại cả cuộc đời mình. Các áp lực ấy sẽ làm xã hội tổng thể phải tìm ra giải pháp.

Còn bao nhiêu điều phải nói, và đáng nói tiếp… Nhưng, chúng ta đã cảm nhận quá rõ điều đau đớn và bất lực vô cùng dài lâu khi mà sự thật chưa phải là cái căn bản được một nền văn hóa của chúng ta hiện nay thờ phượng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)