Thực lực và mục tiêu của hải quân Trung Quốc

Các nước Đông Nam Á cần hiểu tư duy chiến lược và khả năng nâng cấp sức mạnh của Hải quân Trung Quốc để có những chính sách thích hợp trong trang bị quốc phòng, phù hợp với tình hình bảo vệ và duy trì an ninh, an toàn hàng hải tại các vùng biển Đông Nam Á và rộng hơn là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Từ cận bờ chuyển ra nước xanh

Một thời gian từ 1949 đến 1960, thiết kế dòng chính của Hải quân Trung Quốc (TQ) đi theo trường phái của Xô viết cũ có từ thời Thống chế M.V.Frunze trong thập kỷ 1920, vốn cho rằng hải quân là một bộ phận của quân đội nói chung và phải hỗ trợ lục quân tại các vùng cận sông biển. Năm 1950 Liên Xô điều 500 sĩ quan kỹ thuật sang hỗ trợ TQ, đến 1953 con số này là 2000. Ngược lại cũng có hàng ngàn sĩ quan TQ sang Liên Xô học tập trong đó có tướng Xiao Jingguang. Tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chiến lược và các sỹ quan hải quân TQ trong thời kỳ này là tập trung cho phòng thủ ven bờ biển, và chú trọng phương thức “hạm nhỏ đánh trận nhỏ” được đề ra từ năm 1927 bởi lãnh đạo hải quân Liên Xô Vladimir Nikolay. Đồng thời, chiến lược như vậy cũng phù hợp với điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất và tài chính của TQ trong thời kỳ này.

Sức mạnh quân sự và ngoại giao của Trung Quốc phần lớn dựa vào nền tảng tiềm lực kinh tế. Từ thời điểm 2000, Bắc Kinh đặt chỉ tiêu GDP đến năm 2020 tăng 4 lần trên con số 4.3 ngàn tỷ USD (2000). Nếu gia tăng GDP khoảng 10%/năm thì mục tiêu này của TQ có thể đạt sớm hơn 2020.

Đến năm 1954, TQ mới nghĩ đến phát triển hải quân hoạt động ngoài vùng biển sâu (nước xanh), và phát triển tàu ngầm có vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn chưa nói đến sự độc lập của hải quân với lục quân. Trong suốt Giai đoạn 1960 đến 1976, TQ có nỗi lo sợ từ phía Bắc do đã có những cuộc đụng độ trên bộ. Giai đoạn này hải quân TQ vẫn hoạt động như 1 trợ thủ của lục quân một khi có nguy cơ từ Liên Xô.

Người làm thay đổi tư duy chiến lược hải quân của TQ là Lưu Hoa Thanh1. Khi sang Liên Xô năm 1958 học tại Voroshilov Viện Hải quân, ông đã chịu ảnh hưởng từ chủ trương của Tổng Tư lệnh Hải quân Liên Xô S.G.Gorshkov, người cho rằng hải quân cần có vai trò chiến lược và độc lập không chịu sự chỉ huy của một bộ chỉ huy lục quân– hải quân chung nhất, và hải quân phải có khả năng hoàn tất các công việc chiến lược vì quyền lợi quốc gia trên biển. Trở về TQ, Lưu Hoa Thanh trở thành Tổng tư lệnh Hải quân và mau chóng phát triển những ý tưởng của Gorshkov trong khoảng thời gian thập kỷ 1980, khi người TQ mở cửa và phát triển kinh tế.

Đầu năm 1982, Lưu Hoa Thanh ra lệnh cho Học viện Nghiên cứu Hải quân tìm hiểu về phòng thủ ngoài khơi (offshore defense) và vẽ lên 2 phòng tuyến. Phòng tuyến 1 đi qua quần đảo Kurile, Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, Philippines, Borneo và Natuna Besar. Phòng tuyến 2 bao trùm ra ngoài phòng tuyến 1 một diện tích khoảng 80% phòng tuyến 1 đã bao phủ. Từ đó trở đi, hải quân TQ đã có hẳn một không gian giả định cho việc phòng thủ ngoài khơi (offshore defense) thay hẳn khái niệm phòng thủ bờ từ thời Liên Xô. 

Năm 1986, TQ tổ chức hàng loạt hội thảo để bàn luận giữa trường phái cũ (old school), hải quân nước nâu (brown water navy) phòng thủ bờ biển (coastal defense) thành ra hải quân nước xanh (blue water navy) vào tháng 2/1987 Nhật báo Quân đội Giải phóng đăng bài của Cai Xiaohong, lần đầu tiên khẳng định Hải quân là “công cụ chiến lược” và các biển và đại dương là “không gian chiến lược mới”. TQ từ đó đã tách hẳn Hải quân ra khỏi nhiệm vụ phụ thuộc quân đội nói chung và lục quân nói riêng và khẳng định “nhằm chiến thẳng các cuộc chiến hiện đại trên biển, chúng ta phải phối hợp không quân, tàu chiến và tàu ngầm và tạo thành một mũi tiến công tổng hợp”2. Theo niên giám Anh: “The Military Balance” trong 10 năm Lục quân TQ đã giảm tỷ lệ võ trang từ 80.9% (1980) xuống 77.97% (1985) và đến 75.9%(1992) trong khi các năm tương ứng đó (1980, 1985 và 1992), Hải quân TQ tăng từ 11.01% lên 12.85% và 15.55% và Không quân từ 8.09% lên 9.11% và 8.58%. Chi tiết không được công bố nhưng theo số lượng võ khí nhập từ nước ngoài về TQ, ưu tiên dành cho Hải quân và Không quân là điều không khó nhận ra. Các võ khí mới có 4 khu trục hạm  Sovremenny, 4 tàu ngầm lớp Kilo, 48 máy bay SU27SK, một giấy phép sản xuất 200 chiến đấu cơ tương tự và thêm 55 chiếc SU30MKK. TQ đã nhập cả dàn S300PMU1 và Sam TorM. Tỷ lệ mua sắm cho Lục quân, Hải quân và Không quân là ngót ngét 2:3:5. Các chuyến ra đại dương của Hải quân TQ trong vòng 10 năm (1992-2002) là 30 lần so với tổng các chuyến đi 30 năm trước cộng lại.

Trong kế hoạch xây dựng hải quân biển xanh (blue water), TQ sẽ tập trung sâu hơn vào năng lực chiến tranh bất đối xứng để chống lại sự vượt trội về kỹ thuật của Mỹ, và đặc biệt là muốn vô hiệu hóa hệ thống chống tên lửa TMD của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương bằng cách phát triển các tàu ngầm hạt nhân có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật – Mỹ.

Hạn chế kỹ thuật

Cho dù là một lực lượng hải quân mạnh nhất nhì châu Á với tầm ảnh hưởng lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Hải quân TQ (HQTQ) vẫn đang đứng trước những bất cập kỹ thuật mà giới hải dương học gần đây từng đề cập đến, và bản thân HQTQ cũng nhận ra các thiếu sót về khí tài và những khó khăn này. Tướng Tào Cương Xuyên, chủ nhiệm Tổng cục Quân khí và sau này là Bộ trưởng Bộ quốc Phòng TQ đã từng than phiền rằng lương bổng thấp đã khiến quân đội nước này khó giữ các nhà khoa học và nghiên cứu giỏi và ông này cũng cho rằng công việc phát triển vũ khí là không dễ dàng.3

Hải quân Trung Quốc đã tuyên bố khảo sát toàn bộ Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Biển Đông. Trong đó một trữ lượng 45 tỷ tấn khí tự nhiên và dầu mỏ là nằm ở Biển Đông (trị giá 1500 tỷ USD). Khu vực Trường Sa và Biển Nhật Bản là khu vực giàu dầu mỏ nhất – 13,7 đến 17,7 tỷ tấn dầu, trị giá 500 tỷ USD.

Công tác bảo trì và cung ứng cho các thiết bị đang có mặt bên ngoài hậu phương, kể cả với các tàu Luzhou và Luyang cũng có khó khăn vì có nhiều hạng mục nhập từ nước ngoài. Trong đó có các hệ thống cảm ứng và chân vịt. Tàu chiến của HQTQ có nhiều nguồn từ Pháp, Hà Lan, Ukraina, Nga, Mỹ, Ý và theo đó gieo ảnh hưởng pha tạp về thiết kế đến các tàu TQ mới đóng. Do vậy huấn luyện nhân sự để bảo trì, tiếp liệu và kể cả thử vận hành đều gặp các thách thức không nhỏ.

Những thiếu sót này làm giảm hiệu năng của hệ thống tàu chiến và càng trầm trọng hơn khi TQ có thói quen xây dựng các lớp tàu nhỏ từng loạt từ hai đến bốn chiếc. Giới hải quân TQ đang ra sức cải tiến tính phù hợp của hệ thống và lập các mẫu số chung để bảo trì thiết bị, giảm những hạn chế do ngân sách và sự hỗn tạp trang thiết bị – yếu tố gây khó khăn trong bảo trì đại trà do lượng sản xuất các lớp tàu quá ít. Sự cố tàu ngầm lớp Ming 361 làm tổn thất 70 thủy thủ nằm 20034 cũng được quy cho công tác bảo trì chưa đạt chuẩn.

Về khả năng đối chọi trên không, muốn được xem là siêu cường biển hiện đại thì phải mạnh về không lực, cả máy bay có và không người lái, cũng như về tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. HQTQ  đã cố gắng nâng cấp bằng cách đưa vào hoạt động tàu Luyang II lớp DDG. Hệ thống dạng Aegis của con tàu này là loạt đầu tiên của HQTQ có thể cung cấp năng lực không đối không trên diện rộng tốt hơn cho họ. Những chiến hạm đời trước chỉ có khả năng tự vệ điểm – được thiết kế để bảo vệ từng con tàu – thay vì được trang bị hệ thống phòng thủ diện (area-defense) có khả năng bảo vệ một nhóm các con tàu. Khác biệt nằm ở chỗ hệ thống phòng thủ diện có tầm và khả năng phát hiện, công kích nhiều mục tiêu cùng lúc. Các tàu lớp Luda và Jianghu không có hệ thống đối không (surface to air); và bốn con tàu lớp Sovremenny mua từ Nga chỉ có hệ thống SA-N-7 phòng thủ điểm. Các tàu lớp Luhu, Luhai, Jiangwei trang bị tên lửa Crotale của Pháp hay phiên bản TQ, tức HQ-6/7 cũng chỉ là những hệ thống phòng thủ điểm. Còn các tàu lớp Luyang I và Luzhou rồi Luyang II dù có tên lửa AAW, nhưng cũng thiếu khả năng phòng thủ diện rộng.     

Khả năng đánh tàu ngầm (ASW) cũng là một điểm yếu của HQTQ. Khả năng phát hiện tàu ngầm, đặc biệt là từ phía tàu trên mặt nước là không đơn giản. HQTQ chưa có khả năng tận dụng các kỹ thuật ASW có sẵn, đặc biệt trong điều kiện phát hiện thụ động dù các kỹ thuật này đã có mặt 40 năm.

Các tàu của HQTQ hầu như dùng các thiết bị sonar chủ động, gắn trên thân tàu, tần sóng trung bình. Ban đầu với hai tàu Luhus, hạ thủy năm 1993 và 1996, HQTQ đã có thêm các thiết bị kéo cùng bên dưới tàu (variable depth) bổ sung cho sonar liền thân. Ngoài ra HQTQ không có các nguồn lực chống tàu ngầm trên không (airborne ASW): họ chỉ có vài chục máy bay theo nhiệm vụ này (ASW). Các thông tin được công bố cho thấy HQTQ chưa triển khai hệ thống dò âm thanh tại vùng biển của họ. Một hệ thống ASW chuẩn sẽ bao gồm tất cả các hệ thống này (biển, không trung, bờ biển), được kết hợp và vận dụng đúng mức và đúng lúc bằng kỹ thuật thông tin.

Dù có các tiến bộ trong việc dùng radar có hỗ trợ từ vệ tinh để phát hiện tàu ngầm và cả chùm laser từ phi cơ để phát hiện tàu ngầm dưới nước sâu, sóng âm xuyên nước (sonar: thanh nạp 6) vẫn là cách đáng tin cậy nhất để tìm tàu ngầm. Có hai loại sonar là sonar thụ động và sonar chủ động. Sonar thụ động lắng nghe những tiếng động dưới biển do tàu ngầm phát ra. Sonar chủ động lợi dụng âm thanh dội ngược lại từ thân tàu ngầm khi phát ra tín hiệu âm thanh. Quá trình truyền dội này không theo đường thẳng và âm thanh bị “cong” do độ sâu, độ mặn, luồng lạch và nhiệt độ. Cả hai loại sonar này đều phải được gắn liền thân tàu hoặc kéo cùng với cáp đi theo tàu.

Việc hợp nhất các hệ thống cũng là một bài toán lớn cho HQTQ. Một chiến hạm là một “hệ thống của các hệ thống” và HQTQ đang trong giai đoạn đầu tiên nhằm tích hợp các hoạt động thông qua các khung cảnh chiến tranh phức tạp. Sự kết hợp này bao gồm điều hành hiệu quả các hoạt động vận hành tàu, không vận, tiếp liệu, dự báo thời tiết và các hoạt động trong lục địa nhằm đạt mục tiêu vận hành hiệu quả. Trước khi ra mắt các tàu chiến lớp Luhu và Jiangwei, các tàu chiến TQ hầu như không hề có kết hợp hệ thống mà chỉ có hệ điều khiển chiến đấu cơ bản ở trung tâm. Kể từ năm 2000, HQTQ đã cải tiến trong việc kết nối cảm ứng với khí tài, các chức năng hiệu lệnh và điều khiển. Quá trình này không đơn giản vì TQ quen đóng tàu bao gồm các thiết bị nước ngoài sản xuất. TQ sản xuất cho chạy trong cùng 1 hệ thống, ví dụ như hệ thống tên lửa hành trình của Pháp đi cùng với radar thám không do TQ sản xuất!

Bên cạnh việc kết hợp các hệ thống là nhu cầu kết nối các đơn vị nhỏ lẻ nhằm tối đa hóa hợp lực của chi tiết và tổng thể của 1 đơn vị, một lực lượng hay 1 hạm đội. Các hoạt động chiến tranh dùng mạng làm trung tâm (net-centric warfare) đã phổ biến với nhiều lực lượng trên thế giới, tuy vậy TQ vẫn còn đang trong giai đoạn thấp của chương trình tích hợp này. Những tác vụ nhiều bên cần sự kết hợp liên quân, liên ngành và những hệ thống ăn ý. Các điểm yếu này của HQTQ xuất hiện ở các hoạt động thời bình cũng như các hoạt động có thể xảy ra trong thời chiến. Các hoạch định huấn luyện và thao dượt quan sát cho thấy HQTQ vẫn còn đang khó khăn với các công việc chồng chéo và các cuộc điều động chiến đấu đa diện.     

Về phương diện tình báo, khảo sát và trinh sát (ISR), cách xử lý sự vụ có tính tập trung về trung ương cao độ và cơ chế ra lệnh cứng nhắc cũng tạo trở ngại cho việc ứng chiến dựa vào mạng (net-centric). Ngoài ra, các thách thức từ công tác truy tầm tàu ngầm, tác vụ trực thăng OTH và nguồn lực từ đất liền cũng gia tăng lượng việc phải làm cho HQTQ.

 Trong hai thập kỷ qua, TQ đã cố gắng cải tiến hạ tầng thông tin. Các cải tiến kỹ thuật đã tạo động lực cho thương mại hóa khoa học và họ đã cố kết hợp những tiến bộ này với thương mại, ngân hàng, vận tải và gia tăng sức vận hành của các mạng thông tin hàng không, hàng hải, tàu lửa trên cơ sở điện toán. Những mạng cáp quang nối các tỉnh thành cũng được gắn kết các nhiệm vụ dự trù cho quân sự. Chiến tranh mạng cũng được quan tâm với các tác giả như Shen Weiguang- với cuốn Information Warfare. Những tác giả và độc giả của khuynh hướng này liên tục trao đổi về võ khí của Mỹ và đồng minh, vai trò của vệ tinh, chiến tranh mạng (net-centric), các hệ thống điện tử, các hệ thống và kỹ thuật tấn công chính xác, trinh thám bằng vệ tinh, vai trò của hệ điều khiển và cảnh báo trên không (AWACS), hàng không mẫu hạm, v.v.

Kết luận

Nhìn chung, mặc dù có những chiến lược về ngoại giao, và từng có lúc ưu tiên cho sự mềm mỏng ngoại giao nhằm chờ đợi thời cơ giành chủ quyền cho vùng lãnh hải từ 12 hải lý lên 200 hải lý, song ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc đại Hán từ xa xưa và cả thời kỳ Mao Trạch Đông5 khiến cho chính sách của TQ hiện nay ngày càng tiến xa hơn theo xu hướng phiêu lưu về quân sự và có biểu hiện xâm lấn, biểu hiện rất rõ trong việc chuyển hướng chiến lược quân sự từ phòng thủ bờ biển sang xây dựng hệ thống lý luận quân sự cho việc khống chế biển và các đại dương; đồng thời gia tăng tiềm lực của HQTQ.

Vì vậy các nước Đông Nam Á cần có những chính sách thích hợp trong trang bị quốc phòng, phù hợp với tình hình bảo vệ và duy trì an ninh, an toàn hàng hải tại các vùng biển Đông Nam Á và rộng hơn là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

1 Lưu Hoa Thanh là người đề ra lý thuyết hai phòng tuyến và chuỗi ngọc trai của TQ.

2 Tạp chí Conmilit tháng 4/1992, trang 35

3 Defense white paper, 2008, http://xinhuanet.com/english/2009-01/20/content_10688124.htm (17/6/2009) 

4 http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/3001099.stm

5 Có nơi dịch là “nạp thanh”,  theo chúng tôi có lẽ là “thanh nạp”, theo cách hacker= hắc khách.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)