Thực trạng và giải pháp

Trong mấy chục năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế sản xuất nhỏ theo cơ chế thị trường sang cơ chế kế hoạch tập trung rồi lại quay trở lại cơ chế thị trường tiến lên sản xuất lớn. Về giao dịch quốc tế, Việt Nam từ trạng thái mở cửa và liên kết chặt chẽ với một số nước trong phe XHCN chuyển sang tình trạng bị đóng cửa, cấm vận và quay lại hội nhập ngày càng rộng với quốc tế...

Những biến động to lớn trên đã diễn ra dồn dập trong mấy chục năm qua tác động mạnh mẽ vào toàn bộ hệ thống các giá trị xã hội làm cho nền tảng hình thành VXH Việt Nam thay đổi một cách to lớn. Một số giá trị truyền thống bị xuống cấp, bên cạnh những giá trị tập quán mới được hình thành không phù hợp với nền tảng cũ.
Hậu quả thứ nhất là sự chia rẽ, mất đoàn kết, không gắn bó trong nhiều hoạt động xã hội. Người ta vẫn nói đùa một cách chua chát rằng một người Việt Nam thì hơn một người Nhật Bản, nhưng nhiều người Việt Nam thì thua nhiều người Nhật Bản vì còn bận đấu đá tranh giành nhau. Một hậu quả khác là hiện tượng “chạy theo đuôi cái xấu”. Đó là tình trạng các cá nhân, tập thể trong xã hội không những không có sức đấu tranh chống lại cái xấu mà còn có xu hướng a dua, bắt chước cái xấu một cách không tự giác với tâm lý ích kỷ mong đem lại lợi ích cho mình mà không quan tâm đến quyền lợi của các đối tượng xã hội khác. Có thể kể ra nhiều ví dụ về hiện tượng này. Một gia đình xây nhà lấn ra đường chung, các hộ khác không những không phản đối ngăn chặn mà cũng tự mình mỗi người xây ra một chút để đem lại lợi nhỏ cho mình. Cuối cùng đường phố bị thu hẹp, nghẽn tắc, tất cả mọi người chịu thiệt. Đây cũng là hiện tượng dẫn đến tình trạng học sinh đua nhau quay cóp bài trên lớp, cán bộ đua nhau mang quà cáp đến nhà thủ trưởng…
Một hậu quả khác của tình trạng xói mòn các giá trị xã hội là hiện tượng “Chí Phèo”. Ở rất nhiều cơ quan, địa phương, cộng đồng xuất hiện những phần tử chầy bửa, phá bĩnh, không chấp hành các luật lệ chung, ngang nhiên phá hoại các quyết định và gây rối hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng chẳng những không đấu tranh loại trừ mà đa số lại nhắm mắt buông xuôi, thậm chí khoanh tay, lùi bước trước những hoạt động đơn lẻ gây cản trở bước tiến chung. Kết quả là tốc độ phát triển của xã hội bị chậm lại ngang bằng sự bảo thủ, cản phá của một số đối tượng chậm tiến. Chúng ta cũng có thể thấy một biểu hiện tinh vi hơn của tình trạng “Chí Phèo” xuất phát từ cơ chế đồng thuận. Thoạt nghe thì rất nhân bản nhưng nhiều trường hợp, nguyên tắc đồng thuận chẳng những làm thui chột mọi ý chí cầu tiến, tinh thần sáng tạo của những cá nhân xuất sắc mà còn hạ thấp tốc độ phát triển chung của tập thể, cộng đồng, ngang tầm với mức độ trì trệ, bảo thủ của những phần tử chậm tiến nhất.
Một hậu quả xấu khác là tình trạng “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” khá phổ biến hiện nay. Đó là tình trạng báo cáo láo, thông tin sai của một số cơ quan nhà nước, một số địa phương mà đó còn là nếp sống phô trương, giả tạo của một số doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng, Tình trạng chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm dẫn đến thông tin sai lạc, làm mất đi sức đề kháng và sự tỉnh táo của xã hội. Trong nhiều trường hợp thậm chí dẫn đến thảm họa về dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh chính trị, khủng hoảng trong gia đình và xã hội.

Về mặt kinh tế, một khi các giá trị xã hội bị suy giảm thì bộ mặt của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng cũng không thể lành mạnh. Thị trường chỉ có thể vận hành  trong điều kiện các đối tác tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong một môi trường công khai, cạnh tranh, minh bạch với các quan hệ lâu dài. Đa số doanh nghiệp hiện nay có xu hướng làm ăn nhỏ, thích tiến hành các hoạt động có chu kỳ thu hồi vốn ngắn và muốn bí mật mọi thông tin về hoạt động của mình. Xu thế “nhỏ, ngắn, bí mật” khiến nền kinh tế thị trường lành mạnh có xu hướng chuyển sang “kinh tế ngầm” dẫn đến những khó khăn của nhà nước trong quản lý, hỗ trợ và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Rõ ràng, bước vào giai đoạn CNH-HĐH, đô thị hóa, giai đoạn của kinh tế tri thức và hội nhập thì Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng lại các giá trị xã hội vốn có của mình dựa trên nền tảng quí báu và phong phú đã được xây đắp trong suốt quá trình lịch sử vẻ vang của dân tộc. Để làm được công việc khó khăn nhưng cần thiết trên, chúng ta phải khắc phục một loạt những nguyên nhân đã dẫn đến sự xói mòn các giá trị xã hội đã nêu trên và đó cũng chính là những giải pháp chính mà chúng tôi muốn đề cập…
Thứ nhất, phải khắc phục tình trạng “quan hệ ngắn” đang diễn ra hiện nay. Alvin Toffler trong những tác phẩm nổi tiếng của mình như “Cú sốc tương lai”, “Sự thăng trầm của quyền lực”… cách đây hàng chục năm đã chỉ ra xu thế chung của xã hội loài người khi bước vào giai đoạn hậu công nghiệp hóa là rút ngắn và tăng tốc các mối quan hệ xã hội. Điều này một mặt phù hợp với nền tảng khoa học công nghệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế… Mặt khác gây khó khăn cho việc tạo dựng lòng tin, xác lập các mối quan hệ giao tiếp cần thiết của xã hội. Có rất nhiều cách các nền kinh tế tiên tiến đang áp dụng để kéo dài các mối quan hệ giữa người với người như xác lập các khuôn khổ luật pháp và chiến lược mang tính dài hạn, tăng cường hoạt động thông tin minh bạch và liên tục, hình thành các thể chế đa dạng trong xã hội để liên kết con người với nhau…
Một giải pháp quan trọng khác là vấn đề thông tin định danh. Khổng Tử nói “Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì việc mới thành”. Muốn quan hệ xã hội trở nên lành mạnh thì phải đứng vững trên cơ sở xác định giá trị đích thực của mỗi con người. Năng lực và đạo đức phải trở thành thước đo để giao trách nhiệm và nghĩa vụ. Đồng thời, trách nhiệm và nghĩa vụ phải đi kèm với quyền hạn và lợi ích. “Danh nào, phận nấy” phải là tiêu chuẩn đối xử trong xã hội, cả trong bộ máy quản lý nhà nước lẫn trong các tổ chức đoàn thể quần chúng và đơn vị sản xuất kinh doanh. Những thước đo mang tính hình thức như bằng cấp, danh hiệu, tước hàm, thứ bậc… phải được cân định lại một cách khoa học, đáng tin cậy và được xã hội thực tế chấp nhận theo tiêu chuẩn đích danh như trên.
Vấn đề thứ ba là các vấn đề lịch sử phải minh bạch và được bảo tồn một cách trung thực. Thái độ ứng xử và các quy tắc hoạt động của con người trong tương lai luôn được định dạng và điều chỉnh dựa vào kinh nghiệm và thước đo từ quá khứ. Tình trạng không tôn trọng, thiếu ý thức bảo vệ, thậm chí làm sai lạc hoặc che mờ quá khứ phải được sửa chữa. Những điểm chốt của lịch sử về mặt sự kiện, thời gian, nhân vật, vấn đề… cần được làm sáng tỏ một cách khách quan bằng các kết luận, xử lý mang tính đa dạng, công khai, khoa học.
Các hoạt động truyền thông đại chúng phải hoạt động một cách khách quan, mọi công cụ thông tin, hệ thống số liệu thống kê, các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, giám sát trong xã hội cần đạt đến mức chuẩn hóa để đảm bảo các kênh thông tin về quan hệ xã hội diễn ra một cách minh bạch và đáng tin cậy cho nhân dân.
Điều quan trọng nhất là hệ thống luật lệ trong xã hội, cộng đồng và từng tổ chức phải được xác lập và xây dựng một cách công bằng và công khai. Tính thứ bậc của các quy định, luật lệ phải được khẳng định một cách tuyệt đối với mức độ quyền hạn cao nhất là Hiến pháp và các cam kết quốc tế và dưới đó là hệ thống luật và văn bản dưới luật để tạo nền móng tin cậy cho một nhà nước pháp quyền.
Một khi các mối quan hệ trở nên dài hạn, sự phân định danh phận trong xã hội rõ ràng, lịch sử minh bạch, thông tin thông suốt, luật lệ công minh thì giá trị xã hội chân chính sẽ được tái lập và phát triển rực rỡ. Chỉ khi đó giá trị xã hội – nguồn vốn quí báu của dân tộc Việt Nam mới thực sự trở thành lợi thế so sánh để dân tộc cất cánh đi lên.
————-
* Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TS. Đặng Kim Sơn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)