Tia Sáng, mấy bài học cho tôi

Tôi không có nhiều thì giờ, nên rất ít khi xem tivi và cũng rất ngại đọc báo. Tôi chỉ đọc báo ta khi bè bạn “nháy” cho biết có bài đáng chú ý, nên đọc. Nhờ đó, tôi biết đến báo Tia sáng nhờ tìm đọc bài báo của anh Phạm Duy Hiển. Bài của anh Hiển viết về lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với ngọn lửa xanh tuyệt vời.


Đọc anh Hiển, tôi cảm nhận được một đầu óc khoa học có màu xanh của mộng mơ. Khi gần gũi với Tia Sáng và những cộng tác viên thường xuyên của báo, tôi càng được gần gũi hơn với anh Hiển.

Không riêng anh Hiển, ở đất Hà thành này, còn ai mà chẳng biết tôi là người dốt đặc “cán mai” về Toán cũng như về các khoa học tự nhiên. Ấy thế nhưng anh Hiển vẫn tặng tôi ấn phẩm về những công trình của anh, có bài từ năm 1960 là báo cáo đề tài đầu tiên anh được giáo sư bên Nga giao cho thực hiện.

Gần đây nhất, tôi được dự cuộc ra mắt sách của anh Hiển về đề tài an toàn hạt nhân. Tôi đến sớm, nên được đưa vào ngồi ở bàn đầu. Đến lúc thuyết trình, anh Hiển đứng sát ngay trước mặt tôi, như thể anh giảng riêng cho tôi về an toàn hạt nhân. Và chính vì thế, tôi được nghe những lời tâm huyết của anh. Sau khi anh Hiển trình bày những con số chính xác đến độ tuyệt đối trong quan hệ giữa các loại hạt, anh Hiển chốt lại, tôi ghi nhớ gần nguyên văn như sau, “Những con số chính xác tuyệt đối khiến ta mơ hồ nghĩ đến một bàn tay thần bí nào đó đã tạo ra mọi thứ hạt… Và ta chỉ có thể đi đến một kết luận về đạo lý của nhà khoa học. Một nhà khoa học hạt nhân càng cần có đạo đức để giữ cho sự nghiệp xây dựng không thể trở thành công trình hủy hoại”.

Tôi có cảm giác hình như nuôi dưỡng tình bạn nhiều năm chỉ cốt để vẫn nghe một câu đó. Cảm ơn báo Tia Sáng đã cho tôi một người bạn.
***
Không chỉ một người bạn. Tia Sáng có một thời như cái tổ ấm tập hợp nhiều người để mình kết bạn. Hồi đó, mỗi sáng thứ Bảy, mấy anh (chị) em lại gặp nhau ở trụ sở thuê lại một phòng của tòa nhà tường gạch màu hồng rất đẹp gần sát Ngân hàng Nhà nước – nhà đó thời Hà Nội tạm chiếm là sứ quán Anh quốc, sau 1954 thành trụ sở Công đoàn Hà Nội, vì nghèo rớt phải đem trụ sở đi cho thuê. Bà con ta thường gặp nhau trong căn phòng, rồi được tòa báo mời đi ăn sáng, gồm mỗi người một bát phở và một cốc cà phê đen đá. Có thế thôi, nhưng vui. Ăn uống xong, quay về tòa báo, tiếp tục thảo luận. Đề tài thảo luận thường là nội dung một số báo nào đó. Sau đó thì số báo ra lò cũng gần đủ những điều như nội dung một cuộc thảo luận vừa diễn ra sáng thứ Bảy.

Có khi thảo luận và bế tắc. Tôi nhớ nhất, đó là cuộc bàn bạc xem làm cách gì có nhiều tiền trang trải đủ thứ, và làm cách gì tờ báo tăng tirage và bán được. Có lần chị bạn nhà báo ở Sài Gòn ra. Tôi là người vừa dốt Toán lại dốt cả ứng xử văn minh kinh tế thị trường thời bắt đầu đổi mới – e hèm, tôi mạo muội giơ tay xin nói, và đề nghị bạn nhà báo Sài Gòn san sẻ cho Tia Sáng chút ít quảng cáo. Vừa nói xong, rất ngắn gọn, tôi bị cả hội nghị ồ lên và nhìn tôi như người sao Hỏa. Sao nhỉ? Tôi sai chỗ nào nhỉ? Nhà thơ Lê Đạt, người “thày” vẫn thường giải thích về tình hình thời sự cho tôi, sau khi tan họp đã giải thích cho tôi rằng tôi sai ở chỗ nào. Anh cười cười với tôi: “Cậu ngu thế? Cậu chỉ biết những chuyện hậu hiện đại thôi!”. Tôi biết anh giễu tôi vừa viết bài phát biểu lăng nhăng về “hậu hiện đại”. Và anh nói tiếp: “Có đứa nào nó bỏ tiền thuê quảng cáo trên bìa một tờ báo tirage dưới năm nghìn bản không?” Nói cho đúng ra, cũng có những đề tài thuộc quốc kế dân sinh chứ không phải chỉ bó hẹp trong chuyện làm cách gì cho tờ báo thoát ra khỏi cảnh nghèo. Một đề tài ấy, tôi còn nhớ đó là chuyện phản biện công trình thủy điện Sơn La. Cho tôi dừng kỷ niệm ở đoạn chung chung này thôi.

Đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng về những cuộc họp ở tòa báo thường kỳ sáng thứ Bảy hồi đó. Hình như ở một thời kỳ mà những nhà trí thức không tin chắc vào những gì mình biết và đặc biệt là luôn luôn canh cánh chuyện “chách nhệm” (bắt chước phát âm của anh em người dân tộc tôi quen nghe trong mười năm nghiên cứu dạy tiếng Việt ở tỉnh Hà Tuyên cũ – chủ tịch nói với cấp phó “tao ký, mày chịu chách nhệm đấy”) thì làm sao có gan quả quyết một điều gì dù cỏn con nhất trên đời?

Tôi ghi nhận một sự kiện đặc biệt ở báo Tia Sáng: ở tập thể này thật sự có đoàn kết không có chuyện đấu đá. Nhỡn tiền ở báo Khoa học và Tổ quốc của VUSTA, ba bốn năm nay tòa báo đóng cửa im ỉm, niêm phong chắc nịch. Chả là vì tờ báo được một bà Tổng biên tập ở mãi đâu đâu cử về. Trên nạt dưới, dưới khinh trên. Thế là đóng cửa. Vẫn không thấy xã hội đau khổ vì thiếu một nguồn thông tin đứng đắn.

Dẫu sao, trải nhiều năm, tôi vẫn nhận ra sự trưởng thành dần dần của Tia Sáng, một tờ báo đứng đắn.

Nhà giáo Phạm Toàn

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)