Tiền đề nào cho phòng chống tham nhũng?

Để không lặp lại vụ Dương Chí Dũng, phải cải cách tách bạch chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng kinh doanh, theo tiêu chí: bảo đảm tính độc lập tự chịu trách nhiệm của mọi doanh nghiệp nhà nước như mô hình ở các nước đã phát triển, không chỉ để loại trừ tiền đề tham nhũng mà còn bảo đảm cho nền kinh tế nước ta được thế giới thừa nhận là nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.  

Vụ xét xử Dương Chí Dũng diễn ra cùng tháng với nhiều vụ tham nhũng, vụ lợi chấn động trên thế giới: Vụ cựu Tổng thống Đức Wulff hầu toà vì 759,30 Euro từ 14.11.2013 hiện chưa kết thúc; Vụ Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Đức Pofalla từ chối tham gia nội các để giữ một chức giám đốc hãng đường sắt quốc gia DB, đang nóng bỏng chính trường; Con ba Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu, hối lộ, bị điều tra dẫn tới khủng hoảng chính trị hiện nay; Cựu Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari bị truy tố tội biển thủ một triệu đô la. Tất cả đều nhằm mục đích phòng chống tham nhũng, vụ lợi. Vậy tiền đề, môi trường, nền tảng xã hội dẫn tới các vụ án trên giống và khác nhau ở chỗ nào?

Vụ Pofalla

Tháng trước, DB cho biết, từ lâu hãng đã có ý định tìm một giám đốc phụ trách kinh tế, quan hệ với chính quyền và hoạch định chính sách, sẽ được thông qua cuộc họp thường kỳ cuối tháng 3.2014. Sau đó lộ tin Tổng Giám đốc DB muốn tiến cử cựu Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Pofalla, 54 tuổi, từng làm Tổng Thư ký Đảng CDU, phó Trưởng đoàn Nghị sỹ Đảng CDU/CSU, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng nhiệm kỳ qua 2009-2013. Ngày 13.12.2013, Pofalla tuyên bố rời chính trường không tham gia nội các mới, để tập trung cho việc riêng. Tin DB dự kiến tiến cử Pofalla ngược với lý do trong tuyên bố của ông làm sốc nhiều chính khách, gây sốt chính trường Đức.

Vấn đề nằm ở chỗ, lúc đương chức, Pofalla được giao nhiệm vụ phụ trách chính sách giao thông đường sắt, đã ủng hộ triệt để DB, chống kịch liệt dự luật tách bạch giữa kinh doanh vận tải tầu với hạ tầng đường sắt, nhà ga, vốn xưa nay đều thuộc độc quyền DB. Dự luật đó dựa trên Gói Chính sách Cải cách đường sắt khối EU, gồm ba quy phạm và ba nghị định. Theo đó, từ tháng 12.2019 sẽ đa dạng hoá kinh doanh giao thông đường sắt. Mọi doanh nghiệp được quyền tham gia sử dụng hạ tầng đường sắt để kinh doanh. Nước nào không thực hiện sẽ không được tham gia vào giao thông đường sắt các nước EU khác. Với thế độc quyền xưa nay, DB hưởng lợi mỗi năm từ ngân sách nhà nước tới 4 tỷ Euro đầu tư cho đường sắt, ga tầu, thu lợi từ cơ sở hạ tầng này tới 593 triệu Euro/năm, chiếm 45% tổng lợi nhuận trước thuế, nghĩa là một nửa dựa vào nhà nước; Với chính sách trên sẽ bị mất. Can thiệp tiếp theo, Pofalla đã vận động ba quốc vụ khanh có quan điểm chỉ trích dự án xây dựng nhà ga Stuttgart tốn kém bạc tỷ, để họ rút ý kiến. Dự án này, nếu bị đình chỉ, DB sẽ phải trả lại ngân sách đã đầu tư 800 triệu Euro, còn tiếp tục thì được rót thêm hàng tỷ Euro tiếp theo hàng năm. Trong nhiệm kỳ 4 năm qua, Pofalla có số lần làm việc riêng với DB mức kỷ lục 9 buổi. Việc DB tiến cử Pofalla làm Giám đốc với mức lương khủng 1,2 – 1,8 triệu Euro/năm, gấp tới 6-9 lần lương bộ trưởng của ông 200.000 Euro/năm, gấp 4-6 lần lương Thủ tướng, bị dư luận và chính giới coi là lại quả cho những đóng góp của ông đối với DB trên cương vị Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, đồng nghĩa vụ lợi lạm dụng chức quyền, còn DB thì bị coi đã cài người nằm vùng trong Chính phủ.

Theo nguyên lý, Đảng đại diện cho lợi ích và Quốc hội “đại biểu cao nhất” của nhân dân, không thể không phản ứng trước truyền thông vốn được coi là tiếng nói của người dân, nếu không muốn bị người dân bất tín nhiệm gạt khỏi chính trường bằng lá phiếu của họ. Đó chính là tiền đề động lực tạo ra quy trình tự động hình thành chính sách ở Đức xuất phát từ đòi hỏi thực tế dù nhậy cảm, khó khăn tới đâu (cái mà khoa học gọi là quy luật): Mọi chính khách, nghĩ sỹ liên quan đều phải lập tức lên tiếng, đề xuất chính sách ứng phó. Chủ tịch Ủy hội EU, Günther Oettinger dẫn quy phạm áp dụng cho quan chức EU, cấm làm việc cho doanh nghiệp trong thời hạn 18 tháng sau khi hết nhiệm kỳ, được gọi là thời gian chờ việc. Chủ tịch Đảng Linkspartei tuyên bố sẽ đưa vụ Pofalla ra quốc hội thảo luận. Đảng Xanh đệ đơn khẩn lên Quốc hội đòi thông qua dự luật quy định thời gian chờ việc đối với thành viên chính phủ phải ít nhất ba năm. Còn Chủ tịch đoàn Nghị sỹ SPD đòi thời gian chờ đợi 12-18 tháng. Hiệu ứng tức thì, Hội đồng quản trị DB ra thông cáo sẽ họp bất thường cuối tháng 1.2014 để quyết định nhân sự Pofalla thay vì theo kế hoạch diễn ra vào tháng 3.2014. DB dự kiến, Pofalla sẽ nhận một chức tư vấn với tiền lương thấp, và tới năm 2016 mới có thể tiến cử vào Hội đồng Quản trị, và từ 3.2017 mới tính tới trao đúng nhiệm vụ như đã dự kiến tiến cử trước đây.

Vụ Pofalla không chỉ tự động được giải quyết mà quan trọng hơn được dùng làm căn cứ thực tế để thể chế hoá quyết tâm phòng chống tham nhũng, vụ lợi, thành văn bản lập pháp, hữu hiệu kịp thời.

Truy tố cựu Tổng thống Wulff

Ở Đức, trong khi quyền bảo mật riêng tư được hiến định, đến tội phạm hình sự ra toà cũng không được đăng ảnh nếu không được họ đồng ý, thì Tổng thống Đức nhất cử nhất động, đều có thể bị truyền thông đưa tin bất cứ lúc nào, kể cả quá khứ, bởi Tổng thống do dân bầu và trả lương thì dĩ nhiên dân được quyền giám sát. Đó cũng chính là tiền đề minh bạch vốn đồng nghĩa với một môi trường khó tham nhũng, nhờ quyền tự do báo chí, phát ngôn – công cụ giám sát – được hiến định, buộc nhà nước phải bảo đảm, nếu không sẽ bị chế tài. Chính vì vậy, sau một năm nhậm chức Tổng thống, ngày 13.12.2011, Wulff bị nhật báo Bild đưa tin, trước đó năm năm, khi đang làm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen từng vay tiền vợ một doanh nhân 500.000 Euro để mua nhà, nhưng hai năm sau bị Nghị viện Tiểu bang chất vấn thì trả lời không liên quan gì với doanh nhân này và cũng không công bố số tiền vay, nghĩa là Wulff trả lời không trung thực, một đức tính quyết định uy tín, nhân cách chính khách. Cái sẩy nảy cái ung; với chức năng độc lập, truyền thông lập tức sôi sục trước vị tổng thống uẩn khúc của mình, đưa ra bao ngờ vực thời kỳ đó; từ các kỳ nghỉ phép được đài thọ bởi bạn bè là doanh nhân, đến cuốn sách phỏng vấn Wulff mang tên “Sự thật tốt hơn” phục vụ cho chính ông tranh cử Nghị viện tiểu bang năm 2007 nhưng không phải trả tiền xuất bản; rồi được vay tín dụng ưu đãi của ngân hàng BW; tiếp đến được nhà sản xuất phim Groenewold khoản đãi khi mời tới dự lễ hội tháng 10 truyền thống năm 2008 tại München; chiếc ô tô Audi thuộc thế hệ mới nhất do vợ chồng Wulff sử dụng cũng không phải trả tiền do hãng Audi ưu đãi cho những nhân vật nổi tiếng.v.v.

Đưa tin là quyền độc lập của truyền thông dù chỉ ngờ vực, không thể chụp mũ họ bởi họ không phải cơ quan điều tra buộc phải chính xác. Còn làm sáng tỏ ngờ vực đó, là trách nhiệm tự thân của mọi thể nhân liên quan. Tương tự vụ Pofalla, các cơ quan dân cử, đảng phái, lập tức phải lên tiếng, hết Đoàn nghị sỹ đảng Xanh tiểu bang Niedersachsen đệ trình lên nghị viện một bản danh mục 100 câu hỏi yêu cầu điều trần Wulff, đến Đoàn nghị sỹ đảng SPD Niedersachsen đòi đưa Wulff ra Toà Tối cao Tiểu bang, tới đoàn nghị sỹ đảng SPD Liên bang, gửi tới Ủy ban pháp luật Quốc hội 60 câu hỏi để điều trần Wulff…

Đòi hỏi chính trị chỉ mới ở chủ trương, vấn đề được giải quyết hay không nằm ở trách nhiệm pháp lý các cơ quan công lực. Do tính độc lập tự chịu trách nhiệm, các cơ quan công lực buộc phải tự hành động, nếu không sẽ bị chế tài tội bỏ mặc không hành xử. Viện Kiểm sát cho lục soát văn phòng và nhà riêng của phát ngôn viên Tổng thống để truy tìm manh mối, đệ đơn lên Quốc hội Liên bang đề nghị hủy quyền miễn trừ đối với Tổng thống để điều tra. Trước sức ép truyền thông, chính trường, công tố ngày một nặng, ngày 17.02.2012, Wulff tuyên bố từ chức với lý do không còn được dân chúng tin tưởng để hoàn thành sứ mệnh tổng thống (nghĩa là không cần biết mình sai hay đúng, chỉ cần mất tín nhiệm là phải từ chức). Mặc dù trước đó Wulff đã làm hết sức mình để lấy lại uy tín, trả lời kịp thời mọi ngờ vực của truyền thông để giải toả, cho luật sư minh bạch các kỳ nghỉ phép hồi làm thủ hiến, mời giới truyền thông tới xem hồ sơ, trả lời trên Internet 400 câu hỏi của truyền thông, chính khách đòi giải trình. Từ chức, Wulff mất quyền miễn trừ; Viện kiểm sát lập tức cho điều tra, lục soát văn phòng, nhà riêng của Wulff, khởi tố vụ án bị can, với cáo buộc tham nhũng khi tham dự lễ hội 2008 tại München được Groenewold nhận thanh toán tiền khách sạn, tặng quà, tổng cộng 759,30 Euro. Sau bao cuộc điều tra chấn động dư luận, rốt cuộc mỗi vụ việc trên được thẩm định có dấu hiệu hình sự. Ngày 27.08.2013, Toà án Landgericht Hannover quyết định truy tố Wulff tội vụ lợi, như bất kỳ bị cáo nào, dự kiến lịch xét xử tổng cộng 16 phiên kéo dài 8 tuần, với tổng số hồ sơ đính kèm cáo trạng lên tới 20.000 trang.

Bê bối tham nhũng rung chuyển chính trị Thổ Nhĩ Kỳ

Nhờ chức năng độc lập của tư pháp được hiến định, sau một năm điều tra bí mật không cho chính phủ hay biết, ngày 17.12.2013, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc vây ráp tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, tịch thu 17,5 triệu đô la tiền bẩn, tạm giữ 91 nghi can, trong đó có con trai của ba bộ trưởng, cùng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh Halk. Ngày tiếp theo, Toà án ra trát tạm giam để điều tra con trai Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Nội vụ cùng 22 nghi phạm khác, riêng con trai Bộ trưởng Môi trường được tại ngoại nhờ đặt tiền thế chân. Các nghi can bị cáo buộc phạm tội có tổ chức, hối lộ nhà chức trách, buôn lậu dầu hoả đổi vàng với Iran thông qua ngân hàng quốc doanh Halk bấp chấp Iran bị cấm vận, cũng như chạy giấy phép các dự án xây dựng.

Ngày 18.12, Thủ tướng Erdogan tuyên bố cuộc điều tra bẩn thỉu do phe đối lập đứng đằng sau chống lại chính phủ của ông, và phản ứng lại bằng cách xử lý những cảnh sát liên quan. Cách chức chừng 500 lãnh đạo cảnh sát, trong đó có 16 giám đốc cảnh sát tỉnh, thuyên chuyển hàng nghìn cảnh sát để ngăn cản điều tra. Một Kiểm sát viên thành phố Istanbul bị miễn nhiệm, do cho điều tra liên quan tới cả Thủ tướng. Erdogan cáo buộc cảnh sát và tư pháp muốn thành lập một nhà nước trong nhà nước. Đồng thời lệnh cho cảnh sát phải thông báo cho cấp trên bất cứ vụ điều tra nào, ra chỉ thị cấm phóng viên tiếp xúc với cơ quan cảnh sát.

Ba bộ trưởng có con bị cáo buộc tham nhũng, từ chức. 10 trong nội các 26 bộ trưởng được thay thế.

Tưởng vậy, nhà nước sẽ mạnh lên, nhưng trớ trêu ngay lập tức rơi vào khủng hoảng bởi mô hình nhà nước họ dân chủ đa nguyên (theo phân loại trong chính trị học), Đảng AKP cầm quyền do bầu cử chứ không phải mặc định. Lệnh buộc cảnh sát phải báo cáo cấp trên bị hội luật sư kiện lên tòa án tối cao, được Toà phán vi phạm nguyên tắc hiến định tam quyền phân lập. Ba nghị sỹ Đảng AKP cầm quyền tuyên bố rút ra khỏi Đảng, cựu Bộ trưởng Văn hóa, cựu Bộ trưởng Nội vụ viết lên mạng “nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ không ngu”, bất chấp Đảng AKP cáo buộc họ xử sự gây tổn thất cho Đảng và Chính phủ. Ngày 11.1.2014, Thủ tướng Erdoğan trình dự thảo cải cách tư pháp lên quốc hội cho phép Chính phủ kìểm soát cả quan toà lẫn công tố vốn đang thuộc thẩm quyền của Liên hiệp quan toà và công tố HSYK, lập tức bị đa số nghị sỹ cáo buộc vi hiến, làm mất tính độc lập ngành tư pháp. Còn Phó Thủ tướng Ali Babacan thì ngược lại cho rằng, “nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ không thể có hai cái đầu”. Tranh cãi nảy lửa, lại bị ngăn cản bởi điều hành cuộc họp thô bạo, các nghị sỹ cáu tiết, vớ được gì choảng nhau nấy, từ chai nước uống, đến cặp tài liệu, lap top, bay loạn xạ khắp hội trường.

Còn trên đường phố, tại Ankara, nhân dân xuống đường biểu tình đòi chính phủ đảng AKP từ chức, Chủ Nhật trước lên tới 20.000 người, do công đoàn tổ chức với những khẩu hiệu: “Chúng mày ăn hết của chúng tao”. “Chúng mày ngoạm cả vào hiện tại lẫn tương lai con em đất nước này”. Kết cục thăm dò dư luận, uy tín đảng AKP cầm quyền rớt thảm hại chỉ còn 40% mức tín nhiệm, so với 50% năm 2011. Đảng CHP thắng thế, đạt kỷ lục lên tới 29,8%.
 
Truy tố Cựu Tổng thống Pakistan

Trong thập niên 90, Tổng thống Zardari đã bị ngờ vực nhận hơn một triệu đô la tiền hoa hồng trong các hợp đồng dành cho các công ty Thụy Sĩ, rửa tiền và xây dựng bất hợp pháp một sân chơi mã cầu. Tuy nhiên khác Wulff ở Đức, Zardari vẫn tại vị, được quyền đặc miễn dành cho tổng thống, nên không thể truy tố. Phải chờ tới nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc vào ngày 09/01/2014 vừa qua, tòa án chuyên xử các vụ tham nhũng mới đưa được Zardari ra xét xử. Tuy nhiên vụ việc đã quá lâu, không thể phục hồi nhân chứng vật chứng đầy đủ.

Vụ án Dương Chí Dũng

Ngày nay nhà nước nào cũng đầy đủ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cả; quy trình tố tụng hình sự cơ bản giống nhau. Vụ án Dương Chí Dũng cũng không ngoại lệ: Khởi đầu từ báo cáo của Vinalines tháng 7.2011 lỗ hơn 600 tỉ đồng, kèm sự cố mua ụ nổi 83M về không thể hoạt động, được truyền thông phát hiện vào tháng 8.2011. Tháng 9.2011, Chính phủ cho thanh tra. Tháng 11.2011-1.2012, Bộ Công an cho điều tra vụ mua ụ nổi, phát hiện nghi phạm cho lập hai bộ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống để chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng. Ngày 17.5.2012, C48 ra quyết định khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam Dương Chí Dũng và tám đồng phạm; Cùng ngày Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ngày 1.11.2013, Viện KSNDTC ra cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng, cùng chín đồng phạm khác. Ngày 12.12.2013, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử. Kết qủa, sau bốn ngày xét xử, Toà tuyên phạt Dương Chí Dũng tử hình tội “tham ô”, “cố ý làm trái”. Đó là chức năng của bất kỳ toà hình sự nước nào.

Nhưng tội tham ô, cố ý làm trái, lại gắn với thể chế nhà nước, nên giá trị ý nghĩa của bản án không dừng ở hình phạt mà ở mức độ sử dụng nó làm căn cứ thực tế để cải cách thể chế nhà nước – tiền đề, nền tảng để phòng chống tham nhũng, vốn quyết định cấp độ tham nhũng quốc gia đó. Chứ không phải cứ án phạt là hết tham nhũng.

Vụ án Dương Chí Dũng trước hết liên quan tới mô hình kinh tế. Nước nào cũng có doanh nghiệp quốc doanh cả, nhưng ở ta vẫn theo mô hình kinh tế quản lý tập trung (được phân loại trong kinh tế học), do nhà nước trực tiếp quản lý. Nghĩa là kinh doanh bằng cả bộ máy nhà nước, điển hình như SCIC, trong tổng số 79 điều của Nghị định 2010/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động kinh doanh SCIC, thì có tới 20 điều, chiếm 1/3, cần quyết định của Thủ tướng. Trong khi đó, Bộ trưởng Phủ thủ tướng Pofalla chỉ mỗi ưu ái giúp DB mà đã bị cáo buộc vụ lợi bởi không được phép. Chức năng chủ sở hữu của nhà nước họ chỉ là chức năng chủ cổ phần, ở DB mức 100%. DB kinh doanh như thế nào là việc nội bộ của nó do điều lệ DB quy định như bất kỳ hãng tư nhân nào, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với mọi hoạt động của hãng, chứ không phải cấp nhà nước nào để can thiệp, quyết định cả. Trong khi đó, ở ta nghiệp vụ kinh doanh mua ụ nổi không phải việc riêng của Vinalines để buộc người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý, lo sợ bất cứ ai cũng có thể “nhòm ngó” phát giác sai phạm, mà được mọi cấp quản lý nhà nước ngang dọc tới cấp cao nhất tham gia, quyết định; nghĩa là cộng đồng trách nhiệm, tất khó tránh khỏi cộng đồng cả lợi ích kinh doanh. Tham nhũng mang tính tập thể là tất yếu. Số tiền 10 bị cáo Vinalines tham nhũng và Dương Chí Dũng khai biếu cho các quan chức, cảnh sát liên quan là một minh chứng. Vì vậy, để không lặp lại vụ Dương Chí Dũng, phải cải cách tách bạch chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng kinh doanh, theo tiêu chí: bảo đảm tính độc lập tự chịu trách nhiệm của mọi doanh nghiệp nhà nước như mô hình ở các nước đã phát triển, không chỉ để loại trừ tiền đề tham nhũng mà còn bảo đảm cho nền kinh tế nước ta được thế giới thừa nhận là nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Liên quan tiếp theo gắn với cơ chế vận hành các cơ quan công quyền. Ở Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, việc điều tra tham nhũng, tội phạm hình sự là công việc nghiệp vụ chuyên môn tự động độc lập của cảnh sát và viện kiểm sát điạ phương đó, do pháp luật chế tài trách nhiệm (nghĩa là không thực hiện hay thực hiện sai sẽ bị truy tố), tới mức như vụ bê bối tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỹ chỉ khi có án trát Thủ tướng Erdogan mới biết. Nghĩa là các thể nhân đều độc lập về trách nhiệm, nhưng không có nghĩa “vô chính phủ”, mà thống nhất ở chỗ cùng chịu sự điều chỉnh của các văn bản lập pháp. Còn ở ta, trách nhiệm phụ thuộc, theo cơ chế hành chính mệnh lệnh từ trên xuống, “ngày 14.11.2011, sau khi có sự chỉ đạo của UBKTTƯ, C48 Bộ Công an chính thức bắt tay vào điều tra Vinalines”. Còn quyết định điều tra khởi tố Dương Chí Dũng theo lời khai tại toà được báo chí chính thống đưa tin, do “trung ương họp rất căng thẳng”, và được´”Thủ tướng chấp thuận”. Nghĩa là nếu không có hai quyết định chính trị trên thì không thể điều tra và khởi tố, vô hình dung làm mất đi trách nhiệm pháp lý của cơ quan điều tra tố tụng vốn bị pháp luật chế tài khi không làm hoặc làm sai – một dạng bao cấp. Có thể do tính chất đặc biệt của vụ án cần ngoại lệ, lệnh từ cơ quan cao nhất. Còn về nguyên tắc, ở các nước cũng vậy, mọi cơ quan công quyền đều có thể lấy ý kiến các cấp ngang dọc nhưng không phải để xin mệnh lệnh chỉ thị, mà để làm căn cứ cho quyết định của mình, bởi quyết định chính trị vốn sai chỉ bị mất uy tín, không thể thay thế quyết định pháp lý nếu sai bị chế tài. Cách đây mấy năm, Hội người Việt Leipzig Đức tổ chức Tết cổ truyền, chuẩn bị tiệc tùng, ca nhạc, trò chơi, rất hoành tráng, mời Chủ tịch thành phố tới dự. Sắp đến giờ khai mạc thì cảnh sát và cứu hoả tới niêm phong hội trường với lý do vi phạm luật phòng chống cháy. Chủ tịch hội khẩn khoản xin chiếu cố vì ý nghĩa trọng đại của Tết Việt, và nhất là có cả Chủ tịch thành phố tới dự, chắc mẩm như ở ta cảnh sát sẽ phải chờ chỉ thị. Nhưng không, cảnh sát trả lời, Chủ tịch chứ Tổng thống, Thủ tướng tới cũng không thay đổi được quyết định của họ, bởi đây là trách nhiệm pháp lý của cảnh sát. Chủ tịch, Tổng thống, Thủ tướng không được phép và giả sử có được phép thì cũng không dại gì phải chịu án tù thay họ nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn thiệt hại. Kỳ vọng đặt hết vào người to nhất thành phố, tắt ngấm; hơn nửa nghìn người có mặt tiu nghỉu giải tán chịu mất Tết.

Qua những vụ chống tham nhũng kể trên, có thể thấy, điều kiện tiên quyết trong chống tham nhũng là minh bạch. Minh bạch trước và trên hết lại nằm ở chỗ truyền thông được quyền tiếp cận. Vụ án Wulff là một minh chứng điển hình (sẽ không bao giờ xảy ra đối với bất kỳ tổng thống nào, tham nhũng tới đâu, nếu luật pháp không bảo đảm được quyền đó cho truyền thông).

Tất cả những cải cách tiền đề trên, như bất kỳ quốc gia nào, đều thuộc phạm trù chính sách, ở ta thuộc trách nhiệm tối cao của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ! Còn người dân, ở quốc gia nào cũng vậy cả, dù là chủ nhân đất nước cũng chỉ có thể và sẵn sàng lên tiếng, nếu truyền thông đóng vai trò là tiếng nói đa chiều của họ, và được pháp luật bảo hộ.

Tác giả