Tiếng nói người trí thức trong bối cảnh truyền thông hiện đại

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông cùng xu hướng phát triển phổ biến của mạng xã hội, lẽ ra tiếng nói của người trí thức dễ dàng lan tỏa hơn. Nhưng trong cảnh vàng thau lẫn lộn, những tiến bộ về kỹ thuật dường như chỉ làm khuếch đại tiếng ồn của đám đông thì tiếng nói của người trí thức càng dễ bị chìm lấp hơn.

Sự dễ dàng tiếp cận thông tin khiến có quá nhiều thứ để lựa chọn và tiêu hóa, trong khi quỹ thời gian thì có hạn, vì vậy ngày nay số đông – bao gồm cả những người có học vấn – thường lười tìm hiểu sâu nội dung, chỉ lướt mắt qua thông tin và tìm đến những gì vốn đã gần gũi với sở thích, hoặc trực tiếp gắn với công việc của mình. Ngoài ra, với chút ít thời gian còn lại, người ta vẫn có thể quan tâm tới những tiếng nói của ai đó, nhưng đấy thường là những gương mặt của công chúng, những đối tượng được tô điểm bằng chức sắc, địa vị, biết nói trúng vào chỗ công chúng thích nghe, hay đưa ra những quan điểm mà số đông vốn dĩ đồng tình sẵn, hay ít ra phải tìm cách tạo ấn tượng thuyết phục bằng những lời lẽ khoa trương.

Tất cả những yêu cầu ấy đều không gắn với trí thức, những người ít hòa vào dòng đời bon chen lên những địa vị hào nhoáng; ít phát ngôn những lời to tát mà thường thận trọng, có chừng mực trong giới hạn am hiểu của bản thân và với đầy đủ các căn cứ cần thiết; đồng thời họ chỉ nói những gì xuất phát từ sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm công dân của mình chứ không nhất thiết nhằm dễ xuôi tai người khác.

Mặt khác, ở các nước có truyền thống Nho giáo, cái nhìn của nhà chính trị đối với người trí thức vẫn tồn tại những định kiến xưa cũ, hoặc là ở thái cực coi họ như những “mưu sỹ” có chức năng hiến kế – nghĩa là mặc nhiên coi quan hệ giữa nhà cầm quyền với trí thức là quan hệ cấp trên-cấp dưới – hoặc theo chiều hướng tiêu cực hơn, nhìn nhận họ là những kẻ sĩ tuy trung thực nhưng quá cứng cỏi, những kẻ ngoài lề gây phiền hà, thậm chí làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà chính trị. Cả hai cách nhìn ấy đều chưa dành sự tôn trọng cần thiết cho vai trò độc lập của tiếng nói người trí thức, chưa thấy rằng đó không chỉ là sự phản biện tỉnh táo mà còn là sự đại diện cho sự tiến bộ và lương tri, và dù tiếng nói ấy không được củng cố bằng sự đồng tình, hưởng ứng của số đông trong xã hội thì nó vẫn cần được lắng nghe một cách đầy đủ và khách quan.

Cho nên trong thực tế, lâu nay chúng ta chỉ thường thấy các nhà chính trị lên tiếng trả lời về các vấn đề đã trở thành dư luận của số đông, mà hiếm khi thấy họ công khai đối thoại với những tiếng nói trí thức riêng lẻ – và trong xu thế truyền thông hiện đại, khi tiếng nói của những người trí thức chân chính dễ bị chìm lấp trong tiếng ồn của đám đông, thì sự đối thoại ấy lại càng hiếm hoi.

Để thay đổi thực trạng ấy, không cách gì khác là chúng ta cần củng cố cả ba chân kiềng: cần nhiều hơn những người lãnh đạo biết lắng nghe tiếng nói của trí thức, tôn trọng vai trò độc lập của trí thức; cần nhiều hơn những người trí thức giàu tâm huyết, lý tưởng, quan tâm và sẵn sàng tham gia vào chính sự (dù với tư cách là người trong hay ngoài chính quyền) – lâu nay đa phần chỉ thấy người trí thức lên tiếng khi sự đã rồi, mà ít khi thấy họ tham gia vào các quyết sách khi chúng còn đang dự thảo, kể cả với những dự thảo được công khai thông tin – đồng thời qua đó giúp công chúng dễ nhận ra hơn đâu là những nhà trí thức thực sự; và đặc biệt rất cần có những tổ chức truyền thông nghiêm túc, không chỉ biết chiều lòng số đông mà còn định hướng dư luận, thu hút sự chú ý của công chúng dành cho ý kiến của những người trí thức đích thực.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)