Tìm lối ra cho nền kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh mà các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới đã chuyển mình và từng bước vượt qua được khủng hoảng thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lối ra.
Dù cho những nguyên nhân khách quan từ bên ngoài có tác động không nhỏ nhưng rõ ràng là những bế tắc mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan nội tại gây ra. Với chưa đầy 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, việc xác định một mô hình tăng trưởng tối ưu vẫn đang là một bài toán lớn đối với Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ cùng tìm lối ra cho nền kinh tế quốc dân là trách nhiệm lớn cần sự tham gia về trí tuệ của những bộ não hàng đầu trong và ngoài nước cũng như huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân. Chúng ta vừa phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi các vấn đề phức tạp và nan giải của hiện tại, vừa phải tìm ra giải pháp dài hạn và triệt để.
Sự thành bại của phục hồi và phát triển nền kinh tế trước hết nằm ở vấn đề tư duy. Nếu con tàu kinh tế Việt Nam được tư duy và thiết kế đúng, nó không những có thể vững vàng trước mọi khó khăn và sóng gió, mà còn có thể thông minh và hiệu quả để đi trên con đường phát triển tối ưu. Tư duy kinh tế của Việt Nam phải hết sức chủ động và tự chủ; đồng thời đó cũng phải là một tư duy toàn cầu, toàn diện, và tổng lực.
Trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay, hợp tác và cạnh tranh về kinh tế vẫn sẽ chiếm vai trò chủ đạo và trung tâm giữa các quốc gia, khu vực, và các liên minh toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn bộ các lĩnh vực tạo nên sức mạnh quốc gia Việt Nam nói chung đều cần được tư duy và hoạch định trên đường đua toàn cầu; vừa phải hấp thu và hợp tác với quốc tế, vừa phải cạnh tranh để giữ vững tự chủ và phát triển cho quốc gia – dân tộc. Trong một thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt và phức tạp, với quá nhiều sát thủ kinh tế, nhiều cái bẫy phát triển thì Việt Nam phải có những lựa chọn chiến lược thông minh, phương pháp tiếp cận độc đáo, và thực thi hoàn hảo. Đó là lối ra duy nhất cho kinh tế Việt Nam, phải đột phá để phát triển chứ không thể chỉ dựa vào các giải pháp ứng phó nhất thời, vào các mô hình phát triển dễ dãi và lỗi thời.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi triệt để mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên (thực chất là bán tài nguyên thô), biến động thị trường (thực chất là đầu cơ), vào viện trợ và đầu tư nước ngoài (thực chất là tiêu vào các khoản nợ) để chuyển qua một mô hình tăng trưởng thực chất dựa trên phát triển chiến lược cạnh tranh cốt lõi của quốc gia. Có rất nhiều chuyên gia đã đưa ra hình ảnh vỏ mít với quá nhiều mũi nhọn để chỉ ra sự bất cập của việc xác định mũi nhọn phát triển, xác định lợi thế cạnh tranh cốt lõi.
Chúng ta cùng phân tích một ma trận chiến lược gồm hai chiều với hai thuộc tính tương ứng: cái gì bên trong mạnh hoặc yếu (trong tương quan lợi thế cạnh tranh so sánh với các quốc gia khác), cái gì bên ngoài (thị trường toàn cầu) cần hoặc không cần. Ta sẽ có được bốn lựa chọn và từ đó có ba hành động hiệu chỉnh chiến lược: một là tập trung và ưu tiên tối đa cho ô chiến lược tốt nhất, đó chính là các chiến lược thuận theo quy luật phát triển tự nhiên; hai là, nhanh chóng dịch chuyển các hành động thuộc ô chiến lược bất lực (không hiệu lực) và nô lệ (phụ thuộc) sang ô chiến lược tốt nhất; ba là, nhanh chóng từ bỏ, kiểm soát, và ngăn cấm các chiến lược thuộc ô hủy diệt (làm cái mình kém mà người khác không cần nữa).
Liệu rằng trong các ngành, lĩnh vực, dự án hiện tại của Việt Nam, có bao nhiều phần bị rơi vào các ô chiến lược bất lợi thuộc các trạng thái: bất lực, nô lệ, thậm chí hủy diệt? Chúng ta có nên đầu tư vào công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng, tàu biển hạng lớn, lắp ráp điệp tử, đầu cơ bất động sản,… trong khi nông nghiệp để phục vụ nhu cầu lương thực ngày càng lớn của thế giới, khai thác lợi thế của kinh tế biển, đầu tư đón đầu kinh tế tri thức lại không được chú trọng đúng mức? Tôi tin rằng, những thành quả kinh tế của gần 30 năm đổi mới vừa qua bị thiệt hại do đầu tư vào sai lĩnh vực lớn hơn rất nhiều so với phần thất thoát do vận hành kém và tham nhũng gây ra.
Tư duy là quyết định, trong đó, tư duy mục đích là cơ bản nhất. Cần thiết phải xác định thật rõ ràng mục đích của mô hình kinh tế Việt Nam là phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, tăng trưởng đột phá hay đảm bảo tính tăng trưởng ổn định và bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải xác định rõ ưu tiên, thậm chí có phải chọn một trong hai. Theo quan điểm của tôi, đối với Việt Nam, muốn tăng trưởng nhanh thì phải ổn định, muốn tăng trưởng bền vững thì phải đột phá. Nếu xem xét đầy đủ các yếu tố về xu thế của toàn cầu hóa, sức ép phải phát triển để tự chủ và vượt lên từ bên ngoài, và tiềm năng nội tại của Việt Nam; tốc độ tăng trưởng của chúng ta phải đủ nhanh để vượt thắng các sức ép, đồng thời phải đi đúng vào xu hướng phát triển mới của thế giới bằng chính các năng lực lõi của Việt Nam để đồng thời thỏa mãn cả yêu cầu đột phá và bền vững.
Đây chính là đề bài cho bài toán mô hình tăng trưởng Việt Nam. Với bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, cùng với những cơ hội lớn, và cả những đe dọa lớn từ bối cảnh khu vực và thế giới, nếu phát huy được hết sức mạnh của sự đoàn kết, chúng ta không những chỉ tìm ra được lối ra, mà còn tạo ta sự đột phá và thăng hoa của nền kinh tế Việt Nam.
Đột phá là bền vững
Một khi đã xác định đột phá chính là bền vững, muốn bền vững phải đột phá; kinh tế Việt Nam cần tạo ra ba nhóm đột phá chính: đột phá về văn hóa, đột phá về chiến lược, và đột phá về thể chế quản lý kinh tế.
Một quốc gia giàu mạnh không thể không có một khát khao giàu mạnh và hạnh phúc của các công dân được thể hiện thành một nền văn hóa đầy khát vọng đua tranh và gây ảnh hưởng với thế giới, mà một phần trong đó được biểu hiện thành văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh gồm có bốn nội dung quan trọng.
Một là phải tạo được khát khao làm giàu cho bản thân và cho đất nước của mọi người dân, sự giàu có và hạnh phúc này phải được đặt trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, không phải so ta với ta, ta với quá khứ của ta.
Hai là, từ khát khao làm giàu, tinh thần kinh doanh phải tạo ra một xã hội có trọng tri thức kinh doanh, công nghệ, tạo nên một xã hội tri thức kinh doanh.
Ba là, ý thức rằng kinh tế, kinh doanh là góp phần quan trọng cho an ninh và tự chủ của quốc gia; phải đóng vai trò như những người chiến sỹ thời bình cho bảo vệ và phát triển đất nước.
Bốn là, ý thức về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, trong đó, trách nhiệm xã hội đặc biệt phải được thể hiện ở sự đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, trách nhiệm đối với các vấn đề của thời đại nhất là việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy, chính giáo dục, văn hóa, thể thao, truyền thông, giải trí lại là các ngành có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế. Sở dĩ một quốc gia nhỏ bé như Israel không những có thể đứng vững trong một vị trí địa chính trị hết sức phức tạp, mà còn có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên thế giới là vì sức mạnh của văn hóa. Mỗi công dân Israel, mỗi người Do thái đều là nhiều trong một với sự cần cù của nông dân, tính kỷ luật của công nhân, yêu chuộng tri thức, tinh thần kinh doanh và tinh thần chiến binh.
Các chiến lược tốt nhất có thể được chia thành nhóm ngành có ý nghĩa nền tảng, hấp thu, và phát triển. Nhóm Nền tảng là nông nghiệp và dưỡng sinh (được hiểu là một giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ và duy trì sức khỏe, công nghệ dược phẩm phương Đông chỉ là một phần trong đó). Đây là những nhóm ngành Việt Nam vừa có lợi thế, có truyền thống và thế giới đang rất cần với nhu cầu ngày càng cao về lương thực và sức khỏe, cần dịch chuyển sự quan tâm và đầu tư của toàn dân và quốc tế vào phát triển nhóm ngành này. Trong thế giới hiện nay, thực sự là có thể làm giàu, và giàu có một cách bền vững từ nông nghiệp; New Zealand, Úc, Nhật Bản, Israel,… nhiều quốc gia có điều kiện kém Việt Nam nhưng đều là các cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Nhóm Hấp thu là các yếu tố cơ bản của cỗ máy kinh tế thị trường toàn cầu mà chúng ta yếu kém xưa nay, cần phải nhanh chóng học hỏi và làm chủ một cách khôn ngoan; gồm 3 cặp lĩnh vực trọng yếu: công nghiệp chế biến cao và năng lượng; dịch vụ vận chuyển và cơ sở hạ tầng, thương mại và tài chính. Đây là các ngành, các lĩnh vực được coi là thiết yếu đối với nền kinh tế nhưng Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm và truyền thống thực hiện nên phải học tập, hấp thụ và làm chủ. Cần phải đi ngay lên các phân đoạn cao, vào các công nghệ chọn lọc để tránh việc trở thành bãi thải công nghệ, tránh mắc các bẫy phát triển, bẫy đầu tư và tài trợ, bẫy sát thủ kinh tế.
Đặc biệt, sự lành mạnh và tự chủ về tài chính luôn phải được xác định là điều kiện cơ bản và cần thiết. Nhóm Phát triển là các ngành nghề mà tương lai thế giới cần mà Việt Nam có các nền tảng rất mạnh: gồm có kinh tế tri thức và các loại hình kinh tế dựa trên việc đóng gói và phát triển các đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, du lịch và dịch vụ theo hướng kinh tế xanh và văn hóa là các lựa chọn cụ thể của nhóm ngành này.
Có thể nói Thể chế quản lý kinh tế là một vấn đề luôn tạo ra sự thảo luận sôi nổi về cơ cấu, vai trò và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; vai trò quản lý của nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; chất lượng của các dịch vụ công về luật pháp, chính sách, thủ tục hành chính,… Thể chế phải tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển các ngành kinh tế chiến lược mũi nhọn, thúc đẩy sức mạnh của văn hóa kinh doanh, phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, và đồng thời phải tương thích với nền kinh tế của khu vực và thế giới. Trong thế giới hiện nay, cạnh tranh của các quốc gia chính là cạnh tranh của các nền kinh tế với hai tác nhân chính là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cùng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước.
Thể chế quản lý kinh tế là yếu tố thể biện cho phương pháp tiếp cận có đặc sắc và thông minh hay không; thể chế phải định hướng và tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí là chế tài mạnh mẽ để nền kinh tế Việt Nam có thể tổ chức theo 3 mô hình và phương thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay; đó chính là việc tạo nên các cụm ngành quốc gia (National Clustering), hệ sinh thái kinh tế (Ecobusiness System) – tạo ra sự liên kết bền vững, phương pháp sản xuất cộng tác đại chúng (Wikinomics) – tạo ra sức mạnh tổng lực.
Cách tốt nhất là tích hợp cả 3 phương thức trên bằng một mô hình có sự chủ đạo và tập trung của năm yếu tố: thị trường, nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài. Sự tích hợp này sẽ tạo nên các ngành, các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh hàng đầu thế giới, sẽ tạo nên các địa bàn, các thành phố chủ đề, các đặc khu kinh tế mở có sức hút lớn với khu vực và thế giới. Để tạo ra đột phá, cần tạo ra các đặc khu mở có tính quốc tế hóa và ASEAN hóa cao với những ưu đãi tối đa về chính sách để thu hút đầu tư từ khu vực và thế giới nhằm phát triển các ngành, các lĩnh vực mằm trong lựa chọn chiến lược tốt nhất của Việt Nam. Các khu vực như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, và rất nhiều địa bàn khác đều rất thuật lợi để tạo ra các đặc khu kinh tế mở như vậy.
Một khi có một tư duy chung, một tầm nhìn chung, một niềm tin chung để ứng phó với những mối nguy chung và cùng hướng đến thành công chung; các chiến lược phát triển đúng đắn và các hành động đột phá vượt thoát khỏi những bế tắc, khó khăn, và thách thức sẽ được diễn ra rộng khắp. Sự thay đổi đó có thể đến từ từng người dân, từng doanh nghiệp, từng chuyên gia và học giả kinh tế; đến từ sự thay đổi có hiệu quả của Nhà nước và Chính phủ, từ sức hấp dẫn của Việt Nam để tái thu hút và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực hàng đầu của thế giới. Vượt trên hết mọi khó khăn, bộn bề, nhức nhối hiện nay, Việt Nam vẫn có đầy đủ cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh mẽ.
Tám sáng kiến đột phá để phát triển kinh tế mới
Sau khi nghiên cứu và trao đổi với nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cả trong và ngoài nước, tôi xin được kiến nghị 8 sáng kiến có thể góp phần tạo ra các đột phá căn bản cho nền kinh tế Việt Nam.
Tám sáng kiến được chia làm hai nhóm, nhóm 1 gồm 3 sáng kiến đầu tiên thiên về vi mô, các nội dung thuộc về văn hóa và nhận thức. Trước đây, khi nói đến các giải pháp kinh tế, chúng ta thường chỉ đưa ra các giải pháp vĩ mô; nhưng, chính cái vi mô mới tạo nên một sức mạnh thống nhất và vượt trội cho tầng vĩ mô. Các sáng kiến bao gồm:
Một là, sáng kiến về một phong trào “Khởi nghiệp cho thanh niên” Việt Nam. Một quốc gia giàu mạnh là tập hợp của những công dân có khát vọng và ý thức lập nghiệp và làm giàu cho bản thân và xã hội. Trong mọi thời điểm lịch sử, thanh niên luôn luôn là sức bật của đất nước và dân tộc. Giờ đây, xã hội cần trang bị động lực, tri thức, thể chất và cả tâm hồn, cùng các mạng lưới cần thiết để thổi bùng nên tiềm năng to lớn để thanh niên “khởi nghiệp để kiến quốc”.
Hai là, sáng kiến về phong trào “Làm cha mẹ thông minh”. Đối với mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam, con cái là một động lực hết sức mạnh mẽ và trọng yếu. Các quốc gia hùng mạnh và phát triển đều có một công thức giáo dục toàn diện từ gia đình, nhà trường, đến xã hội, tâm linh. Lao động và đầu tư cho con cái chiếm phần lớn trong suy nghĩ và hành động của mỗi gia đình. Nếu các bậc cha mẹ không được tư vấn, hướng dẫn đúng thì sẽ lãng phí nguồn lực của cả xã hội. Đặc biệt cần chú trọng đến các biện pháp truyền thông và tư vấn nhằm nâng cao trí thông minh tài chính cho các hộ gia đình Việt Nam.
Trên thực tế, cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, lượng tiền tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình trong tổng thể nền kinh tế là rất đáng kể, và thường nằm trong tay “các bà nội trợ”. Nếu đối tượng này có một tư duy và năng lực tài chính tốt cho các quyết định chi tiêu, đầu tư cho con cái; đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, kinh doanh,… thì nội lực chung của nền kinh tế quốc gia sẽ luôn ổn định mặc cho hệ thống tài chính vĩ mô còn quá nhiều bất cập. Hơn nữa, cần phải nhấn mạnh mai trò của người mẹ, của phái nữ trong gia đình, vì đây vừa là hậu phương, là động lực của người chồng; vừa là người có ảnh hưởng chính đến sức khỏe, trí tuệ và khát vọng của thế hệ trẻ trong gia đình. Có thể nói, trong chiến tranh Việt Nam đã chiến thắng nhờ nghệ thuật chiến tranh nhân dân thì trong tiến trình toàn cầu hóa hiện tại, cũng cần phải có chiến lược tài chính nhân dân để đảm bảo ổn định và phát triển nền kinh tế – tài chính quốc gia, mà trong đó, mỗi tế bào gia đình với động lực đầu tư bền vững cho tương lai con cái sẽ là hạt nhân chính trong chiến lược này.
Ba là, mạng lưới “Đại học toàn cầu tại Việt Nam” và các “Viện nghiên cứu công nghệ cao toàn cầu” tại Việt Nam. Đây là sáng kiến nằm nâng cao cả tri thức, nhận thức và văn hóa kinh doanh toàn cầu hóa cho Việt Nam, thúc đẩy tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực và quốc tế cho Việt Nam. Dựa trên đặc tính thông minh và truyền thống hiếu học, phát triển nhờ tri thức và phát triển kinh tế tri thức là một lựa chọn chiến lược hết sức thiết yếu của chúng ta. Chúng ta có thể quy hoạch các thành phố đại học, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao tạo các địa bàn có lợi thế như Ninh Bình, Huế, Đà Lạt…
Về đối tượng và nội dung, chúng ta có 3 hướng chính: một là khu vực hóa, tạo ra các trường đại học và viện nghiên cứu của ASEAN; hai là, đẳng cấp hóa, kết hợp ngay với các mạng lưới tri thức hàng đầu thế giới hiện này; ba là, khác biệt hóa, tiếp tới nghiên cứu và đưa ra các tri thức đặc sắc của riêng Việt Nam có giá trị ứng dụng cho nền kinh tế mới toàn cầu. Cần phải phát huy tối đa thành quả của cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, đặc biệt là các ứng dụng trên mạng internet để có thể quy tụ và tạo ra các trung tâm tư duy, trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam.
Năm sáng kiến nêu sau đây là các sáng kiến vĩ mô nhưng cũng phải cụ thể. Đó là sự tổng hợp của các mô hình chiến lược cụm ngành quốc gia, hệ sinh thái kinh tế và cộng tác đại chúng. Cụ thể hơn, đối với mỗi sáng kiến sẽ không chỉ bao gồm các khái niệm vĩ mô mà còn là các đề xuất về các ngành trọng tâm, địa bàn trọng điểm, và phương thức trọng yếu để triển khai.
Sáng kiến thứ tư là: “Chiến lược đảm bảo An ninh lương thực và Nông sản toàn cầu của Việt Nam”. Các cây trồng chủ lực sẽ là gạo, đỗ tương, cà phê, tiêu, điều, các thảo được… Có thể tạo ra các cụm ngành quốc gia về lương thực, về cà phê, thực phẩm chức năng và dược phẩm phương Đông. Định vị Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm lúa gạo toàn cầu – phục hưng lại tính ưu việt của nền văn minh lúa nước và nghệ thuật dưỡng sinh đặc sắc của dân tộc; Đăk Lăk, Tây Nguyên là Thủ phủ cà phê toàn cầu,… Đây đều là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, chúng ta cần quy hoạch và đầu tư công nghệ toàn diện để năng cao giá trị gia tăng, thổi vào sản phẩm các giá trị văn hóa có sức hấp dẫn toàn cầu, nâng thành nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật dưỡng sinh đáp ứng được nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Sáng kiến thứ 5 là: “Chiến lược biển – xanh dương”. Với vai trò quan trọng về môi sinh, lương thực, năng lượng, du lịch,… biển và đại dương sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tương lai, cũng như sẽ giúp nâng cao ý thức và quốc lực để ứng phó với các xung đột hiện có trong khu vực. Cần đứng trên lập trường và lợi ích của cộng đồng ASEAN để cùng phát triển chiến lược này. Theo đó, cần có nhận thức quốc tế hóa và khu vực hóa biển Đông là biển chung của ASEAN, gọi tên là biển ASEAN và trên vùng biển chung đó sẽ tiến hành các hoạt động của kinh tế biển bền vững: khai thách thủy hải sản bền vững và giá trị cao, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học và sinh thái biển, du lịch và giáo dục biển, khai thác tài nguyên bền vững, bảo vệ hòa bình và an ninh cho sự phát triển của khu vực và thế giới,…
Sáng kiến thứ 6 là: “Chiến lược xanh lục”. Là việc quy hoạch và tạo ra các vành đai xanh liên quốc gia trong khu vực để bảo vệ đa dạng sinh học của rừng, tạo ra các khu bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học, các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hài hòa và bền vững, làm nền tảng để phát triển công nghệ dưỡng sinh và y học cổ truyền Việt Nam, bảo vệ tài nguyên nước, xác lập lợi thế trong thị trường giao dịch các-bon toàn cầu. Khi mà biển đổi khí hậu đang ngày càng trở thành thách thức lớn đối với nhân loại, thì các sáng kiến xanh dương và xanh lục vừa cần thiết cho chính Việt Nam, vừa là ngọn cờ để Việt Nam có thể thu hút được các nguồn lực tiến bộ hàng đầu thế giới cùng quy tụu và phục vụ các mục tiêu không chỉ của riêng Việt Nam. Miền núi phía Bắc, dãy Trường Sơn, và hạ lưu Sông Mê Kong là các khu vực cần thiết phải quy hoạch và phát triển thành các đặc khu xanh lục.
Sáng kiến thứ 7 là: “Chiến lược kinh tế văn hóa hòa bình, văn minh hài hòa” Kinh tế văn hóa là kinh tế phát triển dựa trên các lợi thế và văn hóa và ngược lại cũng làm tăng cường ảnh hưởng về văn hóa. Xét một cách tổng thể, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay, chiến lược quốc gia thích hợp của Việt Nam là ưu tiên phát triển theo quyền lực mềm. Mà văn hóa là cốt lõi của quyền lực mềm.
Chúng ta có một truyền thống lâu đời của nền văn minh lúa nước với giá trị cốt lõi là tính hài hòa, chúng ta có một lịch sử đầu tranh lâu đời để bảo vệ và gìn giữ hòa bình, đó đều là các giá trị mà thế giới hiện nay cần nêu cao. Chúng ta có thể quy hoạch vùng đất bom đạn Quảng Bình, Quảng Trị trở thành một Thành phố biểu tượng hòa bình của thế giới, ở nơi đó sẽ có Học viện hòa bình và đưa ra nghị trình cho Diễn đàn hòa bình và cổ vũ cho diễn trình hài hòa hóa của thế giới. Sẽ không có một chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia nào hiệu quả hơn dự án này, và về thực chất chính hòa bình và phát triển hài hòa, bền vững là mục tiêu và cam kết của Việt Nam.
Sáng kiến thứ 8 là sự tổng hợp các sáng kiến nêu trên để biến Việt Nam trở thành một cường quốc về du lịch, trở thành điểm đến tiến bộ của thế giới toàn cầu hóa theo xu hướng hài hòa hơn, thân thiện hơn, bền vững hơn. Khi đó đây sẽ là “một Việt Nam của thế giới”, vì thế giới, là địa bàn hình mẫu cho phát triển bền vững mà cả thế giới cùng đến để đầu tư, chia sẻ lợi ích, cùng gìn giữ và bảo vệ các giá trị.
Các sáng kiến nêu trên không biệt lập và tách rời với nhau, mà hỗ trợ và tương tác với nhau, có trong nhau để cùng phục vụ mục tiêu của Việt Nam. Cần nhận thấy, phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp chế biến đại trà không nằm trong các trọng tâm kinh tế mà Việt Nam cần trọng tâm hóa để tạo nên đột phá. Trong năng lực giới hạn của mình, tôi và tập đoàn Trung Nguyên sẽ cố gắng và nỗ lực thực hiện tốt nhất những gì có thể trong phạm vi của những sáng kiến nêu trên. Sự hỗ trợ của những người có trách nhiệm và sự ủng hộ của cộng đồng vì một niềm tin chung, mục tiêu chung, giá trị chung, tương lai chung trước những cơ hội và thách thức chung là điều kiện cần nhưng cũng là điều kiện đủ để chúng ta có thể cùng làm cho đất nước đột phá và phát triển bền vững trong thế giới mới hiện nay.