Tính chuyên nghiệp với đạo đức và nhân cách

Nói đơn giản thì chuyên nghiệp là tinh thông về nghề nghiệp, và người chuyên nghiệp là người nắm vững các nguyên tắc pháp lý - qui ước xã hội, hệ thống sản xuất, quy trình tác nghiệp, kỹ thuật thao tác v.v của nghề nghiệp mà y theo đuổi và có thể sống chủ yếu bằng nghề ấy.

Trong thực tế, hệ thống sản xuất xã hội phát triển trên cơ sở tái sản xuất xã hội và kết quả các giá trị thặng dư mà nó tạo ra, nên nó được tích lũy chủ yếu từ kết quả hoạt động của những người chuyên nghiệp. Giá trị thặng dư mới là nguồn lực phát triển vĩnh cửu, nên những người chuyên nghiệp với tư cách là lực lượng có hiệu suất hoạt động cao nhất với chi phí thời gian và vật chất ít nhất luôn là những người có vai trò tích cực khách quan trong sự phát triển hệ thống sản xuất xã hội. Tuy nhiên điều không kém phần quan trọng là trong quá trình tạo ra các giá trị thặng dư ấy, họ còn có những đóng góp tích cực khác. Một giáo viên giỏi luôn khiến học sinh nỗ lực, một bác sỹ giỏi luôn làm bệnh nhân yên lòng, một công nhân giỏi luôn được đồng nghiệp tin cậy, một diễn viên giỏi luôn được công chúng ái mộ, nên những người chuyên nghiệp còn là những người góp phần làm giàu vốn xã hội (social capital), khái niệm này được Laurence Prusak và Don Cohen định nghĩa như sau: “Vốn xã hội bao gồm phần lớn sự hợp tác xây dựng giữa những con người với nhau: sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có khả năng thực hiện được.” (How to invest in social capital, 2011). Sự tác động qua lại giữa tính chuyên nghiệp với đạo đức và nhân cách hình thành trên cơ sở những đóng góp tích cực nói trên.

Dĩ nhiên, trong các hoạt động sản xuất xã hội mà đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất tinh thần, không bao giờ những người chuyên nghiệp giải quyết được tất cả các vấn đề, thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của xã hội, nên sự hình thành lực lượng không chuyên nghiệp ở đây là điều tất yếu. Trong một số trường hợp, những người không chuyên nghiệp cũng có thể có đóng góp nổi bật hay to lớn hơn cả những người chuyên nghiệp, nhưng không phải vì thế mà sự khác biệt giữa hai bên bị mất đi. Kiếm sống bằng nghề nghiệp của mình, những người chuyên nghiệp không thể mà cũng không dám thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, phải không ngừng học hỏi và phấn đấu để tiến xa hơn trong nghề nghiệp; ý thức này ở những người không chuyên nghiệp thường không mạnh mẽ và liên tục vì đơn giản là họ không sống bằng nghề ấy việc ấy. Rõ ràng ý thức về tính chuyên nghiệp là chỉ báo quan trọng nhất về khả năng chuyên nghiệp hóa của một cá nhân, và vì đạo đức không gì khác hơn là sự thể hiện “các nhu cầu từ bên trong” của chủ thể hành vi, nên ý thức ấy cũng là nấc thang vững chắc đầu tiên cho cá nhân tiến tới một hệ giá trị đạo đức đích thực. Theo thời gian, khi hoạt động nghề nghiệp đã thẩm thấu vào nhiều chiều nhiều tầng của hoạt động sống, ý thức ấy sẽ phát triển thành nhân cách của những người chuyên nghiệp. Trong cuộc sống có hiện tượng nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực hay nghề nghiệp rất khác nhau, có tính cách hay phong cách rất khác nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng về nhân cách, đó chính vì họ đã được qui đồng về cái mẫu số chung nhân cách chuyên nghiệp này, hoàn toàn thống nhất với nhau ở mục tiêu hoạt động vì sự phát triển của nền sản xuất xã hội.

Bản thân sự chuyên nghiệp còn là một phẩm chất mang tính hệ giá trị, nên nó cũng có những mối liên hệ với nhân cách rất đáng quan tâm.

 

Tuy nhiên, nhìn vào đa số những người lao động ở Việt Nam hiện nay, nhất là những người lao động trí óc, có thể thấy quá trình từ kỹ năng đến ý thức rồi nhân cách chuyên nghiệp nói chung vẫn chưa diễn ra một cách thông suốt, đồng thời càng chưa phải là tất yếu và phổ biến. Nhiều người đã nói tới thực trạng suy thoái về đạo đức và nhân cách của đội ngũ lao động, coi đó là nguyên nhân của nguy cơ (thật ra đã không còn là nguy cơ) tụt hậu của kinh tế xã hội trong đất nước với hệ thống các hiện tượng gian lận, vi phạm đạo đức trong thi cử, hoạt động khoa học và công nghệ, sáng tạo nghệ thuật hay bớt xén cẩu thả trong sản xuất kinh doanh v.v. Nhìn từ phương diện tính chuyên nghiệp, tình hình ấy phản ảnh tình trạng thiếu thốn về kỹ năng chuyên nghiệp, hời hợt trong ý thức chuyên nghiệp và thờ ơ với nhân cách chuyên nghiệp. Nhưng nếu trở lại với thực trạng giáo dục và đào tạo lao động, sử dụng và đề bạt cán bộ ở Việt Nam nhiều năm nay thì đó là điều có thể lý giải được. Rất nhiều Cử nhân, Thạc sĩ hiện nay không tìm được việc làm chủ yếu vì không biết làm việc; không ít cán bộ công chức chỉ biết nói lý thuyết chính trị chứ không có kiến thức chuyên môn… là những bằng chứng về sự suy thoái của nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu và xu thế của nền sản xuất xã hội thì hệ quả tất yếu là sự xuống cấp về đạo đức và nhân cách trên phạm vi rộng. Một bộ phận lao động ở Việt Nam tuy không thất nghiệp nhưng đã trở thành lực lượng ăn bám, nên nền sản xuất xã hội càng mở rộng theo đường hướng này thì vốn xã hội cạn kiệt càng nhanh.

Tất nhiên không phải người chuyên nghiệp lúc nào cũng thành công, nhưng trong những trường hợp ngược lại, thái độ đối với những sai lầm hay tai nạn nghề nghiệp cũng là một thước đo về tính chuyên nghiệp của họ. Vụ bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông khiến dư luận xôn xao năm vừa qua là bằng chứng. Người bác sỹ này đã rủi ro gây thiệt hại cho bệnh nhân rồi xử sự không đúng, điều đáng tiếc ấy cho thấy một rủi ro khác của nhiều trí thức Việt Nam hiện nay, đó là không được nhà trường, đồng nghiệp và xã hội dạy cách xử sự đúng với nhân cách của những người chuyên nghiệp, ở đó sự tôn nghiêm của nghề nghiệp và chức trách luôn được đặt trên lợi ích và danh tiếng cá nhân.

***

Dòng chảy tự nhiên nhất trong lịch sử loài người là nền sản xuất xã hội. Nền sản xuất ấy không những phải tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cần thiết cho sự tồn tại trước mắt mà còn phải tích lũy những khả năng phát triển mới. Cho nên một trong những giải pháp căn cơ mà cấp bách của việc phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam hiện nay chính là việc nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực, vì như thế mới có thể giải quyết nhiều nan đề kinh tế và xã hội, văn hóa và lối sống hiện nay một cách triệt để đồng thời đưa Việt Nam bước vào quỹ đạo toàn cầu hóa một cách vững chắc và tự nhiên.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)