Tòa án độc lập và các cơ chế hiến định cần có

Toà án độc lập giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm quyền bởi lập pháp và hành pháp. Nhưng toà án chỉ có thể thực hiện tốt vai trò này khi Hiến pháp bảo vệ tòa án bằng cách minh định các bảo đảm và sự độc lập cần thiết, để toà án có thể đối trọng với các ngành khác trong chính quyền và bảo vệ các quyền con người một cách hữu hiệu.

Toà án là cơ chế quan trọng để bảo đảm việc thực thi Hiến Pháp

Một quốc gia có thể có một bản hiến pháp với những lời lẽ thật hoa mỹ mà không có tác dụng gì trong thực tế, nếu không có cơ chế thi hành bản Hiến pháp đó. Mọi chính quyền – ngay cả các chính quyền tốt và dân chủ – đôi khi cũng vi phạm hiến pháp. Đặc biệt, quyền con người rất dễ bị tổn thương, bởi vì cả lập pháp lẫn hành pháp đều có lợi khi vi phạm quyền của một cá nhân nào đó. Lập pháp hay hành pháp vi phạm quyền con người có thể do thiếu hiểu biết (họ không ý thức được họ đang vi phạm quyền) hoặc vì lo sợ (trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, khi sự lo âu hoảng hốt dâng cao), hoặc chỉ vì họ cho rằng có những mục tiêu quan trọng hơn là quyền con người (như lợi ích của chính họ hay nguyện vọng của các cử tri của họ). Trong các trường hợp như vậy, hiến pháp cần minh định một cơ quan độc lập có quyền và trách nhiệm thực thi hiến pháp, trong đó có việc thực thi các điều khoản nhân quyền. Tòa án có thể không phải là cơ chế thi hành hiến pháp duy nhất (và thực sự, có thêm các cơ chế khác như văn phòng kiểm tra đặc biệt, tương tự như mô hình Ombudsman của Đan Mạch, là một ý kiến hay). Nhưng toà án là một cơ quan bảo hiến quan trọng. 

Toà án phải độc lập với mọi ngành khác trong chính quyền

Toà án phải giữ vai trò giám sát thường xuyên và xông pha trong thực thi hiến pháp: Toà án phải “canh giữ” Hiến pháp khỏi những lạm dụng bởi chính quyền. Để hoàn thành vai trò đó một cách hữu hiệu, toà án phải độc lập với mọi ngành khác trong chính quyền. Nếu thẩm phán chịu sự chi phối của quyền hành pháp hoặc lập pháp – ví dụ như có thể bị Chủ tịch nước tuỳ nghi bãi nhiệm, hoặc bị trừ lương bởi quyết định của ngành Lập pháp – thì họ sẽ  không thể đương đầu kháng cự những vi phạm Hiến pháp của các cơ quan đó. Chỉ khi nào ngành Tòa án được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng và kiểm soát bởi các ngành khác trong chính quyền, Tòa án mới có thể trở thành cơ quan bảo vệ Hiến pháp hữu hiệu.

Tòa án cần một số cơ chế bảo vệ đặc biệt

Để thật sự độc lập với các ngành khác của chính quyền, toà án và các thẩm phán cần một số cơ chế bảo vệ đặc biệt.

1. Các thẩm phán phải được bổ nhiệm qua một thủ tục hạn chế việc các chính trị gia có thể cài những người thân cận, như bạn bè hoặc thân hữu hoặc cử tri, vào tòa án. Mục đích là để đảm bảo các thẩm phán được bổ nhiệm do trình độ và khả năng, cũng như do tinh thần trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của họ. Để đạt được điều này, một trong những cách tốt nhất là đề ra thủ tục bổ nhiệm trong đó nghiệp đoàn độc lập của giới luật sư, hay luật sư đoàn, chịu trách nhiệm đưa ra một danh sách các ứng viên cho các vị trí thẩm phán. Các nghiệp đoàn này tất nhiên phải độc lập với chính quyền. Chỉ khi nào có sự độc lập đó, họ mới có thể có động lực kiến tạo và giữ gìn các tiêu chuẩn khắt khe về khả năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, để có thể nâng cao uy tín cho ngành nghề của họ. Các ứng viên vào vị trí thẩm phán phải là những người có uy tín trong ngành luật vì sự hiểu biết và khả năng phán xét của họ. Khi có vị trí thẩm phán nào cần bổ nhiệm, ngành hành pháp phải chọn một trong các ứng viên trong danh sách đó. Ngoài ra, một hội đồng các thẩm phán đương nhiệm cũng có thể tự lập ra một danh sách các ứng viên tương tự cho các vị trí thẩm phán cần bổ nhiệm trong tương lai.

2. Các thẩm phán, một khi đã được bổ nhiệm, phải được bảo đảm nhiệm kỳ làm việc lâu dài. Nhiệm kỳ này có thể là suốt đời hoặc một thời gian nhất định nào đó, nhưng thời gian đó phải đủ dài (từ 10 đến 20 năm có thể là một lựa chọn) để các thẩm phán có thể trau dồi kỹ năng chuyên môn mà không phải lo âu về việc làm trong tương lai trong khoảng thời gian đủ dài đó. Nhiệm kỳ của họ cũng có thể được tính theo tuổi của thẩm phán, ví dụ, nhiệm kỳ của một thẩm phán có thể kéo dài đến tuổi 70. Điều quan trọng là vị trí thẩm phán được bảo đảm trong một khoảng thời gian cụ thể và đủ dài, để các thẩm phán yên tâm làm việc. Thêm vào đó, Hiến Pháp cần bảo đảm rằng một khi đã được bổ nhiệm, một thẩm phán không bị bãi nhiệm trước khi nhiệm kỳ kết thúc, trừ khi có bằng chứng thẩm phán đó đã có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Tiêu chuẩn và thủ tục bãi nhiệm cũng phải được quy định rõ ràng trong Hiến pháp (ví dụ, ai quyết định tiêu chuẩn bãi nhiệm đã hội đủ: tòa án cấp cao hơn hay ngành lập pháp?). Mục đích là để công việc của thẩm phán được bảo đảm ổn định trong thời gian tại chức, và thẩm phán không thể bị mất việc trừ phi có những sai phạm nghiêm trọng. Có như vậy các thẩm phán mới có thể đưa ra các phán quyết mà không sợ bị buộc cách chức vì các phán quyết đó.

3. Lương của thẩm phán trong thời gian tại chức cũng phải được bảo đảm. Lập pháp hay hành pháp chỉ được quyền thay đổi mức lương dành cho thẩm phán với hai điều kiện: (1) các thay đổi, nếu có, sẽ được áp dụng đồng bộ (tức là chúng được áp dụng cho tất cả các thẩm phán cùng cấp, chứ không chỉ riêng cho cá nhân nào); và (2) các thay đổi không được hồi tố (tức là chúng chỉ áp dụng cho những thẩm phán được bổ nhiệm sau đó vào các vị trí liên quan, chứ không áp dụng cho những thẩm phán đang tại vị). Đây là hình thức bảo vệ các thẩm phán, để các cơ quan chính trị không thể trả thù cá nhân một thẩm phán vì một phán quyết họ không thích, bằng cách cắt giảm lương của thẩm phán đó.

4. Ngành Tòa án cần nắm quyền kiểm soát các công việc hành chính nội bộ của ngành mình. Các công việc điều hành nội bộ có thể gồm có việc cử các thẩm phán nào xét xử vụ án nào, số tiền dành cho quản trị ngành được chi tiêu như thế nào, nhân viên hành chính được tuyển dụng hay sa thải ra sao, v.v. Nếu bên lập pháp hoặc hành pháp có thể can dự vào những vấn đề điều hành chi tiết như vậy, họ có thể gây nhiều khó khăn cho các thẩm phán mà họ không ưa. Qua sự can dự hành chính đó, họ cũng có thể gây ảnh hưởng lên các phán quyết của thẩm phán thông qua việc điều khiển nhân sự và phân bổ công việc của toà án. Ví dụ, các thẩm phán thường tuyển dụng phụ tá pháp lý. Nếu hành pháp có thể quyết định ai sẽ được tuyển vào các vị trí phụ tá để giúp trong việc nghiên cứu pháp lý và soạn thảo phán quyết, họ có thể chọn những người tìm cách thúc đẩy nghị trình lập pháp (thay vì đề cao án lệ và công lý trong từng vụ án cụ thể), và có thể gây ảnh hưởng lên kết quả phán xử của các vụ án.  Chỉ khi toàn quyền điều hành các công việc nội bộ, tòa án mới có thể thực sự độc lập với các ngành khác trong chính quyền.

Trần Duy NguyênNguyễn Thị Hường (dịch)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)