Tọa đàm về Kỷ nguyên Park Chung Hee

Buổi tọa đàm về vai trò của Park Chung Hee, một nhà lãnh đạo mang rất nhiều tiếng xấu nhưng đồng thời cũng sở hữu những phẩm chất quí báu, đối với quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả Hàn Quốc và Việt Nam.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân dịp cuốn sách “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” của hai tác giả Kim Byung-Kook và Erza F. Vogel ra mắt bản tiếng Việt. Đây là cuốn sách làm sáng tỏ cách Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế mạnh mẽ với một nền dân chủ sôi động dưới chế độ độc tài kéo dài trong 18 năm của kỷ nguyên Park Chung Hee.

Tại tọa đàm, TS Jae Hoon Rhee, Giáo sư Trường Nghiên cứu lãnh đạo Park Chung Hee và Saemaul kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp cao Hàn Quốc; ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc VICC kiêm Chủ tịch HĐQT Alpha Books sẽ cùng nhau phân tích trường hợp của Nam Triều Tiên (Hàn Quốc hiện tại) giai đoạn những năm 1960, vì sao từ một quốc gia vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt với dân số thưa thớt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee lại có thể trở thành một cường quốc, một con hổ Châu Á với hàng loạt các doanh nghiệp đẳng cấp toàn cầu, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và công nghiệp hóa nhanh chóng.

Park Chung Hee là tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ: từ tháng 12 năm 1963 đến khi bị ám sát vào ngày 26 tháng 10 năm 1979. Tên tuổi Park Chung Hee gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Park Chung Hee, Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước, mà đã vươn lên trở thành một nền kinh tế công nghiệp mạnh mẽ, một trong những con hổ của châu Á. 

Park Chung Hee là một nhân vật gây ra nhiều tranh cãi ngay tại chính đất nước Hàn Quốc cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Với tham vọng quyền lực to lớn, ông quyết tâm xây dựng một nền chính trị độc tài, phản dân chủ, nhiều đồng chí bị ông phản bội, “chia để trị” là một trong những biện pháp được ông ưa dùng. Nhưng đồng thời, ông cũng sở hữu những phẩm chất quí báu của một nhà lãnh đạo như kiên định với mục tiêu bảo vệ đất nước, quyết tâm đổi mới xây dựng tổ quốc hùng mạnh, đề cao tinh thần độc lập dân tộc và chống tham nhũng, có óc sáng tạo, sẵn sàng đổi mới tư duy.

Ông nhận thức rằng không thể phát triển công nghiệp nếu không đạt được sự ổn định về chính trị, bởi vậy bất chấp việc bị chỉ trích, lên án là chính phủ độc tài, Park Chung Hee vẫn cương quyết thực hiện đường lối “Trước là công nghiệp hóa, sau là dân chủ hóa”. Kết quả là sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đồng thời hoàn thành hai mục tiêu công nghiệp hóa và dân chủ hóa.

Thông tin chi tiết:

Đơn vị tổ chức:
Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam VICC; Alpha Books; Tổ chức phi chính phủ Crestcom; Trường đào tạo kỹ năng lãnh đạo và quản lý trực quan; Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN.

Thời gian
: từ 9h – 12h, thứ Năm ngày 12/11/2015.

Địa điểm: Phòng Hội thảo 3C, nhà B, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

   

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)