Tôn giáo và khoa học đều cần thiết trong cuộc sống

Vừa rồi Tạp chí Tia Sáng có đăng bài trao đổi về sự cần thiết của khoa học và tôn giáo trong cuộc sống của hai tác giả Dương Quốc Việt “Ánh sáng của Đức tin” và Nguyễn Trịnh Đôn “Phân biệt rạch ròi đức tin với giáo dục và khoa học”, tôi xin đóng góp thêm một góc nhìn của mình về vấn đề này.

Trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ khoa học là gì và tôn giáo là gì. Khoa học tập trung vào nghiên cứu thế giới vật chất ở bên ngoài với mục đích hiểu được thế giới này và để phục vụ đời sống của con người. Tôn giáo tập trung vào nghiên cứu thế giới tinh thần ở bên trong với mục đích hiểu được thế giới này và giúp mang lại hạnh phúc, yêu thương, và bình yên cho con người.

Cách tiếp cận của khoa học là dùng số liệu và thực nghiệm để chứng minh cho những giả thuyết đến từ trí tưởng tượng ban đầu của con người. Khoa học không tin vào những gì mà chưa có bằng chứng thực nghiệm. Cách tiếp cận của tôn giáo là đến từ sự trải nghiệm của mỗi cá nhân và xây dựng nên niềm tin từ những trải nghiệm này. Tôn giáo không cần số liệu để chứng minh cho niềm tin vì nó là trải nghiệm nằm ở bên trong của mỗi cá nhân con người.

Khoa học đã giúp cho con người hiểu được sâu rộng thế giới vật chất ở bên ngoài. Tuy nhiên những kiến thức khoa học mà chúng ta đang có vẫn còn vô cùng nhỏ bé và hạn chế so với những gì chúng ta chưa biết về thế giới này. Do vậy những khám phá khoa học sẽ tiếp tục được thấy trong tương lai. Với thế giới vật chất bên ngoài, khi một khám phá nào đó được phát hiện ra thì mọi người sẽ đều có thể tiếp cận và chia sẻ được khám phá khoa học này.

Ngược lại, tôn giáo là sự khám phá về thế giới nội tâm của từng cá nhân con người. Vì nó là những khám phá, nhận biết, và trở thành niềm tin ở bên trong của mỗi cá nhân, tôn giáo rất khó có thể chia sẻ và hiểu được từ những người ở bên ngoài. Khám phá khoa học có thể hiểu và chia sẻ dễ dàng cho mọi người xung quanh vì chúng là những gì có thể nhìn thấy và cân đong đo đếm được, còn niềm tin tôn giáo thì rất khó có thể chia sẻ vì chúng là vô hình.

Khi một người khám phá và hiểu biết về thế giới nội tâm bên trong của mình, người đó sẽ phát triển được ý thức làm chủ bản thân. Người đó sẽ hiểu và làm chủ được những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Người đó sẽ hiểu được những giá trị và niềm tin của bản thân. Người đó sẽ hiểu được mối quan hệ của mình với thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài. Khi một người hiểu được chính mình, người đó sẽ có một cuộc sống cân bằng, hòa hợp, yêu thương, và hạnh phúc với chính mình và thế giới xung quanh. Đây chính là những trải nghiệm của Đức Phật, của Chúa Jesus, và của những hiền nhân khác trong lịch sử, và họ muốn chia sẻ và truyền bá những điều này với tất cả mọi người. Và đây chính là tôn giáo và là mục đích cuối cùng của tôn giáo.

Như vậy cả khoa học và tôn giáo đều cần thiết và không thể thiếu trong đời sống của con người. Khoa học giúp con người hiểu và làm giàu thế giới vật chất của mình. Tôn giáo giúp con người hiểu và làm giàu thế giới tinh thần của mình. Cuộc tranh luận giữa khoa học và tôn giáo chính là cuộc tranh luận giữa vật chất và ý thức – cái nào quyết định cái nào và cái nào cần thiết hơn cái nào. Tôn giáo và khoa học tồn tại song song và tác động lên lẫn nhau cũng giống như vật chất và ý thức. Vật chất quyết định ý thức và ý thức quay trở lại quyết định và thay đổi vật chất. Tôn giáo là khởi đầu của khoa học và khoa học quay trở lại tác động lên tôn giáo. Các trường đại học lâu đời và nổi tiếng trên thế giới hiện đang là trung tâm của khoa học đều có nguồn gốc bắt đầu từ nhà thờ và tôn giáo. Các nghiên cứu khoa học quay trở lại giúp chứng minh để ủng hộ hay bác bỏ những niềm tin tôn giáo. Đây là hai mặt dường như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương hỗ mật thiết và không thể tách rời nhau.

Những nghiên cứu gần đây về Thiền trong Đạo Phật là một ví dụ liên quan đến mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học. Thiền là phương pháp giúp cho con người khám phá và thấu hiểu thế giới nội tâm của mình. Những nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng thiền có rất nhiều công dụng hữu ích giúp cho con người sống cân bằng, hạnh phúc, và bình yên. Rất nhiều công ty và các trường đại học hàng đầu thế giới đã và đang đưa những nghiên cứu và thực hành về thiền vào trong tổ chức của mình. 

Có một ví dụ khác về khoa học là hiện tượng rối lượng tử (Quantum Entanglement). Đây là một hiệu ứng trong vật lý lượng tử mà hai hạt vật chất ở cách xa nhau nhưng có một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Trạng thái của một hạt vật chất sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức tới trạng thái của hạt kia thông qua hiện tượng liên đới lượng tử này. Trong tôn giáo, đây là một niềm tin đã được biết đến từ rất lâu: Một chiếc lá rung có thể lay động đến một ngôi sao, hay một lời nguyện cầu có thể vọng vang đến hàng ngàn ngôi sao trong vũ trụ.   

Nhà bác học Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng về mối quan hệ này: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khoa học què quặt. Tôn giáo mà thiếu khoa học thì tôn giáo mù lòa.” Cả tôn giáo và khoa học đều cần thiết và không thể thiếu trong cuộc sống, và giáo dục cần phải giúp con người học và hiểu được cả hai. 

* GS. TS Vinh Q. Nguyen, Đại học Coe College, bang Iowa, Mỹ

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)