Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde vẫn được tín nhiệm sau khi ra tòa

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde không phải chịu án phạt nào và vẫn giữ được vị trí của mình, bất chấp cáo buộc liên quan đến việc bà đã sơ suất với một khoản chi của Chính phủ trong thời gian làm Bộ trưởng Tài chính Pháp năm 2008.

Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde. Nguồn: Cliff Owen – AP

Chỉ vài giờ sau khi hội đồng thẩm phán ở Paris ra phán quyết không có hình phạt hay án tù nào cho bà Lagarde hôm thứ Hai vừa qua, Ban điều hành đại diện cho 189 nước thành viên của IMF tái khẳng định họ hoàn toàn tin tưởng vào bà.

Bà Lagrade không có mặt tại Paris khi tòa công bố phán quyết cuối cùng. Từ trụ sở của IMF ở Washington, bà nói với các phóng viên rằng bà sẽ không kháng cáo quyết định này sau khi quyết liệt chống lại cáo buộc đối với bà kể từ khi nhận chức lãnh đạo IMF vào năm 2011.

“Tôi đã bị kết tội tắc trách, nhưng không có án tù, án phạt nào, và cũng không bị ghi vào hồ sơ hình sự. Tôi không hài lòng với điều đó, nhưng có những thời điểm một người phải dừng lại, sang một trang mới, tiếp tục làm việc với những người đã đặt niềm tin vào tôi”, bà nói.

Trong phán quyết đưa ra hôm thứ Hai, các thẩm phán không phát hiện ra sự sơ suất trong quyết định của bà Lagarde khi tìm cách dàn xếp vụ kiện của ông Bernard Tapie bên ngoài tòa án, nhưng họ nói rằng việc bà không phản đối quyết định bồi thường khoảng 400 triệu euro cho ông Tapie là sơ suất, dẫn đến việc sử dụng sai công quỹ.

Thẩm phán phụ trách vụ án, ông Martine Ract Madoux, giải thích việc không có án tù nào bằng cách viện dẫn trách nhiệm nặng nề của bà Lagarde trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đang ở cao trào tại thời điểm bồi thường [cho ông Tapie], cũng như uy tín quốc tế rất lớn của bà. Cáo buộc đối với bà Lagarde có thể khiến bà phải chịu nhiều nhất một năm tù.

Bà Lagarde, 60 tuổi, phát biểu tại phiên tòa diễn ra tuần trước rằng bà đã hành động trung thực và vì lợi ích công.

Bà cũng nói bà đã chấp thuận phán quyết của trọng tài trung gian hòa giải – đi ngược lại tư vấn của một số viên chức Bộ Tài chính Pháp – nhằm chấm dứt trận chiến pháp lí tốn kém kéo dài 15 năm giữa chính phủ và ông Tapie, cũng là người ủng hộ tổng thống khi đó là ông Nicolas Sarkozy.

Năm 1993, ông Tapie đòi chính phủ Pháp bồi thường 1 tỷ euro, sau khi bán cổ phần của ông trong công ty thể thao Adidas cho Credit Lyonnais, một ngân hàng nhà nước.

Ông cáo buộc Credit Lyonnais lừa ông vì sau đó ngân hàng đã bán lại cổ phiếu đó với giá cao hơn nhiều.

Do vụ kiện ở tòa án bị bế tắc, hai bên đã đồng ý với một thỏa thuận riêng, trong đó ông Tapie nhận bồi thường 403 triệu euro bao gồm cả lãi suất và thiệt hại.

Tuy nhiên, vào năm 2015, một thẩm phán cho rằng quyết định của trọng tài trung gian hòa giải là vô căn cứ do có sự gian lận và yêu cầu ông Tapie hoàn lại 403 triệu euro cùng với lãi suất.

Song ông Tapie đã được bảo hộ phá sản và vẫn chưa hoàn lại tiền.

Đây là vụ kiện thứ năm được xét xử bởi tòa án đặc biệt của Pháp, lập ra từ năm 1993 để xử các vị bộ trưởng trong chính phủ. Tòa án có 15 thẩm phán, trong đó 12 người là nghị sĩ, chưa bao giờ ra án tù nào nặng cả.

Vũ Thanh Nhàn dịch

Nguồn:
http://uk.reuters.com/article/uk-france-lagarde-idUKKBN1481HO?il=0
 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)