Trả lời câu hỏi: Trí thức là gì? (Tiếp theo và hết)

Vì nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát, nên về mặt hình thức, người trí thức thường có xu hướng đứng về phía đại chúng. Tuy nhiên, đây không nhất thiết phải là điều luôn luôn đúng. Xét về bản chất, người trí thức sẽ đứng về phía những giá trị phổ quát, bất kể nó đang ở phía bên này hay bên kia.

Trí thức là gì?

Như vậy, đến đây đã có đủ cơ sở để trả lời câu hỏi “Trí thức là gì?”, như sau: Trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Từ cách hiểu về trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ và quảng bá những giá trị phổ quát của con người, có thể suy ra, và sau đó là kiểm chứng, những phẩm tính của người trí thức. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà các phẩm tính này thể hiện ra dưới dạng khác nhau, nhưng có thể liệt kê một vài trong số đó: Yêu tự do, yêu chân lý, yêu mến cái đẹp, tư duy độc lập, trung thực, sáng tạo, lương thiện, không thoả hiệp với cái xấu và cái ác…

Những phẩm tính này sẽ được bộ lộ ra thông qua hành động của họ, ở mức cơ bản nhất là lựa chọn và thái độ. Do đó, xã hội nhận biết một cá nhân có phải là trí thức hay không, trước hết thông qua lựa chọn và thái độ của cá nhân này, sau đó là trong chuỗi hành động của anh ta và hệ quả của nó đối với xã hội.

Như vậy, người trí thức với tư cách là một sản phẩm đặc thù của xã hội, xuất lộ khi xem xét dưới góc nhìn của xã hội đối với cá nhân, phải là người có lựa chọn và thái độ rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, ở mức độ đủ tường minh để xã hội nhận biết được. Xã hội càng loạn lạc thì lựa chọn và thái độ càng phải rõ ràng, hầu cho đại chúng có thể nhận ra được mà hướng theo. Chính qua lựa chọn và thái đội của mình, người trí thức khẳng định cơ sở tồn tại của mình, và qua đó là được xã hội thừa nhận từ xã hội như một hệ quả. Nói cách khác, cơ sở tồn tại của người trí thức nằm ở mối tương quan của anh ta với xã hội, chứ không phải trong đời sống cá nhân. Vai trò của người trí thức, vì thế, cũng nằm ở vai trò xã hội của anh ta. Thiếu vai trò xã hội này, người trí thức sẽ suy biến thành một nhà chuyên môn thuần túy.

Do đặc tính trừu tượng của những giá trị phổ quát, nên những người nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá chúng thường là người lao động trí óc. Điều này gây ra một cảm nhận rằng trí thức là người lao động trí óc. Tuy nhiên, qua những phân tích ở trên, có thể thấy nhận định này là phiến diện. Lý do là nó đã chỉ tập trung vào một đặc điểm nhận dạng, mà không chỉ ra được đặc trưng cơ bản nhất của người trí thức, và đặc biệt, không xét người trí thức trong tương quan của họ đối với xã hội.

Do sự phân công lao động, những người lao động trí óc thường phải là người được đào tạo, tức người có học, định lượng chủ yếu thông qua bằng cấp. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, trí thức là người có học, hoặc cụ thể hơn là người đã tốt nghiệp đại học. Định nghĩa này còn phiến diện hơn cả định nghĩa trí thức là người lao động trí óc, nhất là khi việc học đại học đang ngày càng trở thành phổ cập.

Cũng vì nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát, nên về mặt hình thức, người trí thức thường có xu hướng đứng về phía đại chúng. Tuy nhiên, đây không nhất thiết phải là điều luôn luôn đúng. Xét về bản chất, người trí thức sẽ đứng về phía những giá trị phổ quát, bất kể nó đang ở phía bên này hay bên kia.

Cũng cần lưu ý rằng trí thức không phải là một nhãn mác vĩnh cửu, một khi đã được dán lên một cá nhân nào đó thì mãi mãi không thay đổi. Đời sống của mỗi cá nhân là tổng hợp của vô vàn hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động mang tính bản năng, nên không hẳn lúc nào cũng có các giá trị phổ quát ở trong đó. Cho nên, sẽ rõ ràng hơn nếu nhìn nhận rằng, người trí thức có những phẩm tính đặc trưng, và những phẩm tính này sẽ bộc lộ ra ở những thời điểm cần thiết, chứ không nhất thiết phải đóng khung một hình mẫu cứng nhắc. Ngay cả khi một người đã được thừa nhận là trí thức, thì cũng không có gì đảm bảo rằng anh ta sẽ không bị tha hóa dưới tác động của lòng tham và sự u mê. Sự tha hóa này có thể được hiểu là việc người trí thức buông bỏ tự do nội tại và những giá trị phổ quát để hùa theo cường quyền, hùa theo cái ác và cái xấu, nhằm trục lợi cá nhân. Trong trường hợp này, anh ta không còn là trí thức, dù vẫn còn đầy đủ chức danh, bằng cấp, hay sự thừa nhận chính thức của các cơ quan công quyền.

Ngược lại, có những người ban đầu chỉ là nhà chuyên môn thuần túy, nhưng sau đó ý thức được vai trò xã hội của mình, ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ và quảng bá những giá trị phổ quát,  nên dần chuyển hóa thành người trí thức.Vì thế, trí thức là một khái niệm động, chứ không phải là một nhãn mác vĩnh cửu. Người trí thức do đó, cũng luôn cần phải tự soi mình.

Vì tự do và các giá trị phổ quát đều thuộc về nhận thức cá nhân, hoạt động chủ yếu trong đời sống tinh thần của cá nhân đó, nên sự tha hóa của trí thức rất khó nhận biết, nhất là khi đã được khéo léo ngụy trang bởi bằng cấp, chức danh, truyền thông đại chúng… Vì thế, trí thức chân chính bao giờ cũng rất ít, chỉ được nhận biết trước hết bởi cá nhân họ, sau đó là sự thừa nhận của xã hội thông qua hành vi của họ, mà trước hết là ở lựa chọn và thái độ của họ đối với các vấn đề xã hội.

Sự đánh tráo các giá trị phổ quát, hoặc ngụy tạo cho những giá trị phổ quát ảo bằng tuyên truyền và các mỹ từ, nhằm trục lợi cá nhân hoặc  bảo vệ lợi ích phe nhóm, cũng thường xảy ra trong lịch sử, nhất là ở những nơi dân trí còn chưa được mở mang đúng mức. Trong trường hợp này, tất yếu sẽ xuất hiện những kẻ, thậm chí là nhóm lớn, ngụy trí thức. Đây chính là những kẻ đạo đức giả, kẻ thù tự nhiên của trí thức chân chính.

Phân biệt được đâu là trí thức chân chính, đâu là ngụy trí thức, nếu chỉ căn cứ trên lời nói và sự phô diễn, thì thường rất khó khăn. Nhưng nếu nhìn vào hành vi của họ, từ động cơ thực hiện, phương tiện sử dụng và mục đích hướng tới, và đặc biệt là hậu quả của các hành vi này với đối với xã hội trên diện rộng, thì những ngụy trí thức này sẽ hiện nguyên hình là kẻ đạo đức giả hoặc “lưu manh giả danh trí thức”.

Vai trò xã hội của trí thức

Nếu chỉ xét mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, trí thức chính là người bị chèn ép nhiều nhất vì có khả năng nhất trong việc chỉ ra những yếu kém của xã hội. Tuy nhiên, người trí thức có những vũ khí mà xã hội không thể tước đoạt, đó là tự do nội tại và những giá trị phổ quát. Người trí thức sẽ dùng chính vũ khí này để thực hiện sứ mệnh của mình, qua đó khẳng định sự tồn tại của mình, đối với xã hội. Vậy sứ mệnh của trí thức, hay vai trò xã hội của trí thức, là gì?

Dưới góc độ chuyên môn, trí thức chính là người tìm kiếm và sáng tạo ra những tri thức mới, và sau đó là truyền bá và sử dụng những tri thức này để nâng cao đời sống của xã hội, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chiếm lĩnh được tri thức, người trí thức có sức mạnh, và do đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Sự đóng góp của người trí thức đối với xã hội, trước hết nằm ở khía cạnh này.

Tuy nhiên, những tìm kiếm và sáng tạo tri thức cần phải dựa trên những giá trị phổ quát, hướng đến việc thúc đẩy, hoặc ít nhất là vô hại, sự phát triển của xã hội. Nếu một sáng tạo hoặc tìm kiếm tri thức mục đích của nó là nhằm thống trị hay hủy diệt con người, hoặc hủy hoại những thành tựu văn hóa của con người, thì người sáng tạo ra tri thức đó không thể được gọi là trí thức, mà là tội phạm hoặc kẻ khủng bố. Trong các cuộc chạy đua vũ trang trên thực tế, đặc biệt là trong các nghiên cứu liên quan đến vũ khí hóa học, sinh học, nguyên tử, rất khó phân định đâu là sự tìm kiếm tri thức nhằm thống trị và đâu là để tự vệ. Đó chính là lý do vì sao các hoạt động tìm kiếm và sáng tạo tri thức cần phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các tiêu chuẩn đạo đức, cả ở mức chuyên biệt và phổ quát. Nếu không, dưới sự thúc giục của lòng tham và nhu cầu quyền lực, sẽ có những tội ác nhân danh sự tìm kiếm tri thức mà kẻ thực hiện chúng là những tội phạm giả danh trí thức. Trong những trường hợp đặc biệt này, lương tri và đạo đức cần phải được đặt cao hơn tri thức, mà ví dụ điển hình là việc nhiều nhà khoa học đồng thanh yêu cầu dừng sử dụng năng lượng nguyên tử làm vũ khí hủy diệt, dù trước đó họ có đóng góp trong việc khám phá ra thứ năng lượng này.

Bên cạnh việc tìm kiếm, sáng tạo và truyền bá tri thức, do lợi thế về am hiểu chuyên môn, trí thức cần là người lên tiếng cảnh báo những nguy cơ và hiểm họa đến từ tự nhiên và xã hội. Những hiểm họa đến từ tự nhiên có thể được cảnh báo nhờ máy móc thiết bị, nhưng hiểm họa đến từ xã hội thì không thể. Do đó, việc có chính kiến, và gióng lên hồi chuông cảnh báo công luận trước những hiểm họa , đặc biệt là hiểm họa nhân tạo, là vai trò của trí thức.

Đây là sự cảnh báo nhân danh những giá trị phổ quát, chứ không phải là nhân danh cá nhân người trí thức. Vì thế, sự cảnh báo thường có tính độc lập và khách quan tương đối. Sức mạnh của cảnh báo, đặc biệt là những cảnh bảo xã hội, phụ thuộc chủ yếu vào bộ giá trị phổ quát mà nó dựa vào, chứ không phải ở vị trí xã hội của người đưa ra cảnh báo hoặc số người tham dự. Chính nhờ vai trò cảnh báo này mà người trí thức thường được coi là lương tri của xã hội.

Sự cảnh báo, nếu chỉ giới hạn vào các hiểm họa nhân tạo có thể xảy đến từ các chính sách thiếu cơ sở của nhà cầm quyền, thì thường được hiểu như là sự phản biện chính sách, hay phản biện xã hội khi mở rộng ra các lĩnh vực khác. Sự phản biện này chỉ xuất hiện khi một chính sách đã hoặc sắp hình thành, nên có phạm vi tác động nhỏ hơn sự cảnh báo. Vì thế, phản biện không thể thay thế được cảnh báo.

Bên cạnh hai vai trò đã nêu trên, trí thức cũng chính là người định chuẩn trong xã hội, sao cho xã hội được lành mạnh, vận hành hiệu quả, phát triển bền vững. Sự định chuẩn này cũng cần phải dựa trên cơ sở là những giá trị phổ quát, chứ không phải là những kiến thức chuyên biệt hay ý muốn của bất cứ cá nhân hoặc nhóm người nào. Chỉ khi nào việc định chuẩn dựa được trên những giá trị phổ quát, đã được kiểm chứng ở nhiều nơi trong suốt chiều dài lịch sử, thì mới có thể giảm thiểu được những sai sót và ấu trĩ về nhận thức gây ra. Ngược lại, nếu sự định chuẩn này chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của một vài cá nhân, hoặc tri thức chuyên môn của một nhóm người, thì khả năng gặp phải sai sót do sự ấu trĩ, thiển cận, hạn hẹp tầm nhìn, là rất lớn.

Việc định chuẩn này không phải là đưa ra một giải pháp cụ thể, do đó không thể đòi hỏi trí thức phải đưa ra giải pháp cho từng vấn đề riêng biệt. Đưa ra giải pháp là công việc của các nhà chuyên môn, còn ban hành chính sách là công việc của các chính trị gia. Người trí thức chỉ dùng các giá trị phổ quát, như Chân, Thiện, Mỹ, Tự do, Bình đẳng, Dân chủ, Nhân quyền… để định chuẩn cho mọi hoạt động của xã hội, bất kể đó là các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục v.v.

Các giá trị phổ quát là kết tinh của các kinh nghiệm hoạt động của con người trong suốt chiều dài lịch sử, nên mang trong mình tính kế thừa, cả trong thời gian lẫn không gian. Vì thế, nếu sử dụng các giá trị phổ quát làm cơ sở cho việc định chuẩn cho xã hội thì sẽ tránh được những đổ vỡ, xáo trộn do sự mâu thuẫn và va đập giữa các thang giá trị của các thế hệ và các nền văn hóa khác nhau. Nếu sự định chuẩn này đặt cơ sở trên các giá trị mới chưa được kiểm chứng, hình thành nên do sự mò mẫm hoặc ý muốn chủ quan với mong muốn tạo ra những nhảy vọt lớn, hay những ảo tưởng thiếu cơ sở, thì việc tạo ra các đứt gãy, làm phá vỡ sự bền vững của xã hội, gây nên nhiều tai họa cho dân chúng là điều khó tránh khỏi. Cuộc cách mạng văn hóa tàn khốc ở Trung Quốc những năm 1958-1968 là minh chứng rõ rệt cho điều này.

Chính vì thế, nếu xem xét xã hội như một tiến trình liên tục, tiến lên được nhờ những đấu tranh biện chứng, cả trong nhận thức và hành động, thì các giá trị phổ quát sẽ đóng vai trò là các trung giới của các quá trình đấu tranh biện chứng này, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong mọi mặt của đời sống. Người trí thức với tư cách là người nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát, vì lẽ đó, cũng đã tự đặt mình vào vị trí trung giới của các quá trình vận động biện chứng của xã hội. Họ chính là người tạo điều kiện cho sự ra đời và nâng đỡ cái mới tiến bộ, và loại bỏ cái cũ đã lạc hậu, giúp cho xã hội đổi mới và phát triển không ngừng.

Thay lời kết

Trí thức là một sản phẩm đặc biệt của xã hội. Sự xuất hiện của người trí thức gắn liền với việc hình thành xã hội. Do đó, ý nghĩa của khái niệm trí thức, và sâu xa hơn là vai trò của người trí thức, chỉ có thể được hiểu đầy đủ khi đặt vào mối liên hệ với xã hội. Chính nhờ việc đặt vào mối liên hệ này, những đặc trưng của người trí thức mới được xuất lộ. Trong số những đặc trưng này, quan trọng nhất là tìm kiếm, sáng tạo và truyền bá tri thức – gọi là đặc trưng tri thức; cảnh báo các hiểm họa cho xã hộ – gọi là đặc trưng cảnh báo; và định chuẩn cho xã hội – gọi là đặc trưng định chuẩn. Tất cả các hoạt động liên quan đến ba đặc trưng này của người trí thức đều phải dựa trên những giá trị phổ quát mà họ nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá.

Có thể biểu diễn ba đặc trưng này và mối quan hệ giữa chúng trên một hình tam giác, tạm gọi là tam giác đặc trưng, như sau:

 
Tùy theo năng lực cá nhân và tính cách mà mỗi người trí thức có một tam giác đặc trưng, với kích thước và hình dạng khác nhau. Kích thước của tam giác đặc trưng phụ thuộc trước hết vào tài năng cá nhân của người trí thức, sau đó là độ lớn của chiều kích các giá trị phổ quát mà người trí thức theo đuổi. Còn hình dạng của tam giác đặc trưng phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp của người trí thức trên ba phương diện “Tri thức – Định chuẩn – Cảnh báo” đối với xã hội. Các tỷ lệ này gia giảm tùy theo đặc thù , ưu tiên công việc và cá tính của mỗi người, nhưng không được biến mất hoàn toàn. Nếu không, tam giác đặc trưng sẽ suy biến thành một đoạn thẳng hoặc điểm.  Trong trường hợp suy biến thành đoạn thẳng, người trí thức sẽ không còn là một điển hình mẫu mực. Còn trong trường hợp suy biến thành điểm, người trí thức bị suy thoái thành nhà chuyên môn thuần túy nếu chỉ tập trung vào tri thức, hoặc kẻ quấy rối nếu chỉ tập trung vào cảnh báo, hoặc kẻ đạo đức giả nếu chỉ tập trung vào định chuẩn.

Cũng qua tam giác đặc trưng này, thấy rằng: các giá trị phổ quát đóng vai trò trung tâm trong đời sống tinh thần, là bảng giá trị và vũ khí tối hậu của người trí thức. Buông bỏ chúng, người trí thức không chỉ trắng tay, mà còn xóa bỏ luôn các đặc trưng nhận dạng của mình, do đó xóa bỏ sự tồn tại của mình dưới góc nhìn xã hội.

Ở đỉnh thứ nhất của tam giác đặc trưng, thông qua việc chiếm giữ tri thức chuyên môn, người trí thức sẽ có được sức mạnh của sự hiểu biết, tư duy độc lập, sự sáng tạo, tức sức mạnh của lý tính. Với vai trò này, người trí thức được coi như bộ não của xã hội.

Ở đỉnh thứ hai của tam giác đặc trưng, thông qua việc cảnh báo những hiểm họa có thể xảy đến, đặt biệt là các hiểm họa nhân tạo do xã hội tạo ra, vai trò xã hội của trí thức được xuất lộ. Thông thường, sự cảnh báo này thường liên quan đến việc bảo vệ sự lành mạnh của xã hội, lên án sự chà đạp của cường quyền lên nhân tính, sự đồng cảm với những người kém may mắn, người thấp cổ bé họng, người đang chịu áp bức bất công, nên ở vai trò này, người trí thức thường được coi là lương tâm của xã hội.

Ở đỉnh thứ ba của tam giác đặc trưng, thông qua việc sử dụng những giá trị phổ quát để định chuẩn cho xã hội, người trí thức đã tự đặt mình vị trí gương mẫu cho đại chúng. Việc sử dụng những giá trị phổ quát như những trung giới của các quá trình đấu tranh biện chứng, hầu tạo ra sự đổi mới và phát triển của xã hội, ngưới trí thức đã tự đặt mình vào vị trí trung giới của sự phát triển. Vì thế, ở vai trò này, người trí thức được coi là người dẫn dắt sự phát triển của xã hội.

Cả ba vai trò này của người trí thức đều chỉ xuất lộ và phát huy tác dụng khi xét người trí thức trong mối quan hệ với xã hội. Chính ở trong mối quan hệ này, người trí thức tìm được cơ sở tồn tại của mình.

Tác giả