Trên đường đi tới

Phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật giải phóng con người khỏi bao nhiêu cực nhọc, khó khăn, không ai không biết và chắc chắn không ai phản đối. Đấy là tất yếu. Mà hàng chục tỷ người trên thế giới gắng sức làm việc hằng ngày cũng chỉ vì thế. Song hình như ai cũng lại biết rằng giữa những cái đó với cái ta gọi là hạnh phúc còn có một điều gì đó khác nữa. Điều gì vậy?


Đã lâu, có lần tôi đi xem một bộ phim, hình như của Ba Lan, đã quên mất tên, cả cốt truyện cũng không còn nhớ gì, chỉ nhớ có cảnh đâu vào đầu thế kỷ 19, một cậu thanh niên du học Paris, trở về Varsovie bằng xe lửa, mẹ ra đón ở ga, hai mẹ con đi về nhà trên chiếc xe ngựa lóc cóc, đêm đầy tuyết, nhà rất xa, đi mãi, đi mãi… Hôm ấy, tôi nhớ không hiểu vì sao tôi bỗng nảy ra ý nghĩ lẩn thẩn: bây giờ thì chẳng còn ai phải đi từ Paris về Varsovie trên chiếc tàu lửa rùa bò như vậy nữa, bay vù một cái vài tiếng đã tới, và người mẹ ắt sẽ ra đón con trên một chiếc ô tô đời mới, thoáng cái đã về đến nhà, bất chấp mưa với tuyết. Thậm chí cả trường hợp cậu con trai không học Paris, mà tận Cali, Boston hay Montréal…

Nhưng giữa hai cái thời điểm cách nhau đến gần hai thế kỷ ấy, liệu con người trên trái đất này có trở

 Câu hỏi về hạnh phúc, nói cách khác, gắn với câu hỏi về phát triển. Có hạnh phúc, nhưng đừng lạc hậu. Tiến bộ, mà vẫn giữ được sự yên tĩnh tâm hồn và sự ấm áp của nhân tình.

nên hạnh phúc hơn không? Bà mẹ và đứa con hôm nay có hạnh phúc hơn hai mẹ con ngày xưa ấy?… Và bao nhiêu điều khác nữa vẫn diễn ra hằng ngày quanh ta. Xưa, một bức thư đi từ Thăng Long vào Thuận Hóa mất vài ba tháng là thường; không ai thấy chậm, cũng chẳng hề sốt ruột. Bà Huyện Thanh Quan vào Kinh thăm chồng lững thững dừng bước ưu tư trên Đèo Ngang, chỉ “nhớ nước đau lòng”, nào có nghĩ gì đến thời gian… Bây giờ, gửi EMS, chậm quá 24 tiếng, bưu điện đã có thể bị khách hàng kiện rồi. Cảm giác về thời gian đã thay đổi biết bao, và con người thì sống ngày càng dễ sốt ruột hơn, cũng dễ nóng tính hơn. Sự bình tâm, kiên nhẫn, tĩnh tại trong tâm hồn dường như ngày càng giảm đi rất nhiều… Tôi cũng thường vào các tiệm Internet, bây giờ thành phố nào cũng nhan nhản, mắc ADSL hẳn hoi, thấy đông nhất là trẻ con chơi game, còn các bà các chị thì trò chuyện với người thân ở bên Mỹ, đủ các thứ chuyện trên trời dưới đất, trong nhà ngoài ngõ, cứ như các bà đang ngồi trước hè tán gẫu với nhau vậy; có bữa tôi nghe trộm bà ngồi ở máy bên cạnh, sau hàng giờ tâm sự với con, bảo: Thôi, con đi ngủ đi, khuya rồi, bên đó bây giờ là 12 giờ đêm rồi mà. “Bên đó” là New York, còn tôi với bà thì đang ngồi quán Internet ở Đà Nẵng, đúng 12 giờ trưa… Vậy đó, tiện nghi, sự rút ngắn khoảng cách, sự tăng lên vùn vụt của tốc độ… là những dấu hiệu rõ rệt nhất của thời đại. Tức những cái ta gọi là sự tiến bộ. Tất cả những cái ấy có làm cho con người hạnh phúc hơn không? Câu hỏi vớ vẩn, vậy mà cứ trở đi trở lại, không dứt. Và hình như cũng không dễ trả lời. Bởi thế nào là hạnh phúc? Xưa nay nào đã có ai dám nói một tiếng khẳng định cuối cùng!

Ngày nay khi nói đến phát triển, trên thế giới là vậy mà ở ta cũng vậy, bao giờ người ta cũng nói phải “phát triển bền vững”. Thế nào là phát triển bền vững? Hẳn có bao nhiêu tiêu chí và điều kiện, về chiến lược, về chính sách, về cơ cấu kinh tế và xã hội, về mức sống, lối sống v.v… Song hình như cũng có thể có một cách nói vắn tắt: phát triển làm sao đó mà con người vẫn có được hạnh phúc. Vẫn giữ được sự bình tâm thanh thản giữa vũ trụ và nhân quần này. Không lạnh lẽo và cô đơn đi, không lạnh lẽo và cô đơn hơn. Bởi, hình như ngày nay càng rõ rệt hơn bao giờ hết, sự phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật vừa đẩy nhân loại đi tới vùn vụt đến chóng mặt, đầy hứa hẹn huy hoàng, vừa đe dọa trầm trọng, thậm chí đến cả sự tồn tại của con người như một giống loài.

Chúng ta đã sống và phát triển như thế nào đó để cho trái đất bị ô nhiễm đến mức ngày nay phải sợ cả những đàn chim di cư tuyệt vời hằng năm từng đàn lớn bay rợp ngang trời từ phương Bắc giá lạnh về phương Nam nóng ấm: rất có thể chúng mang theo cúm gia cầm! Những người Việt Nam thuộc thế hệ tôi chắc đều còn nhớ bộ phim thật đẹp của điện ảnh Xô viết xưa “Đàn sếu bay qua”… Bây giờ người ta đang tính kế hoạch tiêu diệt những đàn sếu như vậy đấy, khi mùa đông, cũng là mùa dịch cúm tới. Biết đâu, có thể lắm, thế giới đến một ngày nào đó không còn chim nữa! … 

***

Franois Jullien, nhà triết học và Trung Quốc học người Pháp, suốt nhiều chục năm qua chuyên đi vào một đề tài thú vị, ông tiến hành một nghiên cứu so sánh giữa triết học phương Tây (mà ngọn nguồn là Hy Lạp [cổ]) với minh triết phương Đông (theo ông tiêu biểu là Trung Hoa [cổ]). Một trong những phát hiện quan trọng của ông: hóa ra không có những phạm trù phổ quát một cách tức thì trong các nền văn hoá khác nhau. Một trong những cái đó, chẳng hạn, chính là phạm trù Hạnh phúc. Hóa ra Hạnh phúc cũng chỉ là một phạm trù tinh thần của phương Tây. Trung Quốc có quan niệm Phước, nhưng giữa Hạnh phúc và Phước rất khác nhau. Trong khái niệm Hạnh phúc vẫn nặng khá nhiều ý tưởng về một sự chinh phục, chủ động, chiếm lấy, đoạt lấy. Còn Phước là cái ta may mắn bắt gặp được trong cuộc đời, do biết sống thuận theo “cái vốn vậy” (“de par soi-même ainsi”) của đất trời, được Trời “cho”. Một bên chủ động, thậm chí tấn công, chiếm đoạt; một bên thuận theo, để cho cái Hiển nhiên cứ thế tự nó đến. Trong tác phẩm “Bàn về tính hiệu quả”, ông đã lấy nhiều ví dụ từ chiến tranh Việt Nam chống Mỹ, cách đánh của Việt Nam mà ông cho là rất tiêu biểu cho tư duy phương Đông về tính hiệu quả, làm thế nào để đạt cho được hiệu quả cao nhất trong mọi việc ở đời. Trong khi quan niệm quân sự phương Tây, theo ông, chủ trương đối đầu trực tiếp, chiến thắng cuối cùng bao giờ cũng phải là kết quả của một trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt căn bản lực lượng đối phương, thì cách đánh của Việt Nam hầu như ngược lại, tìm cách tác động không phải vào đối tượng trực diện tức thì mà vào “thượng nguồn” của nó, khi nó mới manh nha, còn “mềm”, lần theo nó từng bước, “dắt dẫn” cho nó tự đi theo dòng chảy tự nhiên, và cuối cùng kết thúc chiến tranh không phải bằng việc đối phương bị tiêu diệt lớn mà “tự nó” sụp đổ. Một cách đi khôn ngoan, đỡ tốn sức hơn nhiều… Hàng nghìn năm qua phương Đông đã đi như vậy, một cách minh triết. Một lối đi không phải tranh chấp, giành giật với tự nhiên, mà hòa hợp tối đa với tự nhiên, tự đánh chìm mình đi trong tự nhiên. Trong bốn cái “Vô” của Khổng Tử, có cái “Vô ngã”. Tự để biến mất cái “Tôi” đi. Và “Phước” rồi tự nó sẽ đến. Người có “phước” nhất là người đã hòa được với tự nhiên đến tan biến hoàn toàn. Hay quá, phải không?

Song lại cũng có điều không đơn giản: chính vì đối đầu, tấn công trực tiếp vào đối tượng, “xé rách tự

 Cách đặt vấn đề của người Nhật không phải là hiện đại nhưng vẫn dân tộc, không có nhưng nào cả, mà là hiện đại hóa dân tộc, yêu cầu sống còn, thế thôi. Kết quả, họ đã thịnh vượng vào những nước hàng đầu thế giới, và cũng rất đặc sắc và độc đáo dân tộc ít ai bằng.
nhiên” ra bằng một phiến diện cố tình, bắt đầu công kích vào tự nhiên từ một điểm và tạm thời bỏ qua tất cả những chỗ khác đi đã (điều minh triết Trung Hoa hết sức phản đối), mà tư duy phương Tây đã làm bật ra được cá nhân, điều mà phương Đông “khôn ngoan” né tránh đã để cho chìm nghỉm mãi trong “cái tự nó vốn vậy” phẳng lì vô tận và vô vọng. Không làm bật ra, không giải phóng được năng lượng tự do của cá nhân thì không thể đi đến cách mạng khoa học. Trung Hoa cổ đã từng là nơi khám phá ra sớm nhất thuốc súng, la bàn, nghề in…, nhưng không sao chuyển sang được cuộc cách mạng khoa học như phương Tây từng có vào thế kỷ 16, chính là vì vậy. Chính sự khôn ngoan của minh triết cũng đồng thời tạo ra sự trì trệ của phương Đông. Và quá trình hiện đại hoá của các nước phương Đông suốt mấy thế kỷ qua để đuổi kịp “thế giới” về thực chất cũng chính là quá trình Âu hóa, phương Tây hóa. Vậy đó, ở đời là thế, được cái này thì mất cái khác, chẳng thể nào toàn vẹn. Hình như ngày nay chúng ta đang chứng kiến hai xu hướng ngược chiều thú vị: phương Tây hùng mạnh về khoa học kỹ thuật, mà con người lại “lạnh lẽo và cô đơn”, đang tìm đến sự tĩnh tại tâm hồn phương Đông từng có, trong khi phương Đông thì đang ra sức đuổi cho kịp khoa học kỹ thuật phương Tây, dù biết trong cuộc chạy đua tất tưởi đó ắt phải trả bằng những hy sinh giá trị không thể tránh.

Câu hỏi về hạnh phúc, nói cách khác, gắn với câu hỏi về phát triển. Có hạnh phúc, nhưng đừng lạc hậu. Tiến bộ, mà vẫn giữ được sự yên tĩnh tâm hồn và sự ấm áp của nhân tình. Một mâu thuẫn tất yếu chăng? Và phải chăng thế kỷ mới là thế kỷ của sự kết hợp Đông Tây ấy, trong đó dĩ nhiên mỗi bên có mất một ít. Hình như vấn đề là mất và được, cái nào nhiều hơn, cơ bản hơn? Có thể “hội nhập” mà chúng ta thường nói với rất nhiều băn khoăn, cả lo lắng, là như vậy chăng?

***

“Hội nhập”, nói cho cùng, cũng chẳng là chuyện mới. Sống, nói theo cách nào đó, cũng tức là “hội nhập”, bởi sống là trao đổi chất, một vật sống được phân biệt với một vật không sống ở chỗ nó có trao đổi chất, có hội nhập với môi trường chung quanh nó hay không. Biệt lập là chết, đã chết. Song người ta cũng thường nói, đến mức đã thành khẩu hiệu, “hội nhập, vâng, nhưng đừng đánh mất mình”, “tiếp thu có chọn lọc”, “hiện đại hoá nhưng phải luôn giữ vững bản sắc”…, hàm chứa nhiều lo lắng.

Tôi thường hay nghĩ đến hai ví dụ, hai kinh nghiệm, một nhỏ, một lớn: Hội An và Nhật Bản.

Gần đây người ta thường nói nhiều đến Hội An, được coi như một nơi đã giữ gìn rất tốt “bản sắc”

 Tư duy phương Đông rất coi trọng vấn đề cơ hội, mà họ gọi là “Thời”.

Mùa Xuân này, vấn đề Thời lại một lần nữa đặt ra với chúng ta. Một lần nữa đòi hỏi ở chúng ta một quyết đoán lớn, kịp thời, không quá chần chừ, rất có thể cho cả trăm năm sau của đất nước.
riêng của mình, thành đạt hiện nay về văn hoá và du lịch chính vì nét đặc sắc đó, thậm chí chừng nào đó đã có thể tạo thành cái gọi là “hiện tượng văn hóa Hội An”… Nhưng thử nghĩ xem nếu quả thật có hiện tượng đó thì nó đã được tạo nên bằng cách nào? Hội An là nơi hội nhập sớm nhất, nhiều nhất, mở nhất, triệt để nhất của nước ta từ cách đây ba hay bốn thế kỷ. Đấy là nơi đầu tiên ở nước ta tiếp xúc với phương Tây. Mở đến mức cho phép thành lập một “thành phố” Nhật và một “thành phố” Hoa gần như tự trị ngay trên đất của mình. Và nói cho cùng thì văn hóa Hội An là văn hóa gì? Chính là sự tổng hợp của văn hoá bên trong (kể cả văn hóa Chăm mà người Việt tiếp thu khi đi vào Nam) với tất cả những văn hoá đến từ bên ngoài Tây, Tàu, Nhật, không từ chối, không kỳ thị với bất cứ ảnh hưởng nào hết, và hầu như cũng chẳng có “cảnh giác”, đề phòng, rào cản nào cả. Hoặc cũng có thể nói cách khác, nếu văn hoá là một thứ bản lĩnh, thì bản lĩnh của Hội An chính là không sợ bất cứ sự du nhập nào cả, bản lĩnh của Hội An chính là một sự đa văn hoá rất dễ và nhẹ, bình tĩnh và tự tin. Tức Hội An, cách đây mấy thế kỷ đã hội nhập mà không quá lo lắng sẽ đánh mất mình, để có thể hội nhập được một cách thật chủ động, đàng hoàng, nên cuối cùng đã giữ được mình nhiều nhất, tốt nhất, như lịch sử đã và cả hôm nay đang chứng minh.

Người Nhật cũng thường rất thích đến Hội An, chắc vì nhiều kỷ niệm lịch sử gắn bó ở đấy, nhưng cũng có thể không chỉ có thế. Có thể họ gặp ở Hội An một điều gì đó từng gần gũi với họ trong thái độ và kinh nghiệm hội nhập. Cách đây mấy thế kỷ, họ đã Âu hóa thật quyết liệt và triệt để, mà hình như hồi bấy giờ họ không lo lắng và cũng chẳng nói gì mấy đến “chọn lọc”, “cảnh giác”, “giữ mình”. Họ ra sức học phương Tây đến cùng, thậm chí, như có người nói, đã từng bỏ cả một thế hệ chỉ đi học và “bắt chước” để về làm ngay đã, từ đó rồi mới tính tiếp đến chuyện “độc lập, sáng tạo”. Có lẽ cách đặt vấn đề của họ không phải là hiện đại nhưng vẫn dân tộc, không có nhưng nào cả, mà là hiện đại hóa dân tộc, yêu cầu sống còn, thế thôi. Kết quả, họ đã thịnh vượng vào những nước hàng đầu thế giới, và cũng rất đặc sắc và độc đáo dân tộc ít ai bằng.

Hai ví dụ có thể giúp ta suy nghĩ trên đường đi tới hôm nay chăng?   

***

Tôi rất thích một câu của Engels: “Lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp là lịch sử mà mỗi bước tiến là một bước lùi tương đối”. Không có sự đi tới nào không có mất mát, song dẫu sao vẫn là đi tới. Nếu ngày nay mất mát có nhiều hơn, ấy là vì những bước đi tới cũng lớn hơn. Hạnh phúc, vậy đó, là một khái niệm rất tương đối. Phải đánh đổi. Và hình như kinh nghiệm lịch sử cho thấy ai dám đánh đổi thì sẽ được nhiều hơn là mất. Ngập ngừng, rụt rè, “cảnh giác” nhiều quá, lắm khi lại dẫn đến đánh mất mình.

Bởi còn có vấn đề cơ hội.

Tư duy phương Đông rất coi trọng vấn đề cơ hội, mà họ gọi là “Thời”.

Mùa Xuân này, vấn đề Thời lại một lần nữa đặt ra với chúng ta. Một lần nữa đòi hỏi ở chúng ta một quyết đoán lớn, kịp thời, không quá chần chừ, rất có thể cho cả trăm năm sau của đất nước. 

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)