Trên hết và chủ yếu là Nhà nước

Năm 2020 Việt Nam cần đến 47 triệu tấn lúa cho trên 100 triệu dân chứ chưa nói xuất khẩu. Trong khi năm 2010 sản xuất mới được 40 triệu tấn lúa và xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo. Do vậy việc bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam trong những thập kỷ 30- 40 sắp đến cũng trở thành vấn đề quan trọng có tính sống còn. Bài viết này thử lạm bàn về bài toán an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng, chủ yếu là cho vùng trọng điểm lúa số một cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông dân Việt Nam nói chung, nông dân ĐBSCL nói riêng là những người sản xuất theo truyền thống tuyệt vời. Từ sau đổi mới – hội nhập, họ cũng là người tiên tiến không thua ai. Họ biết tự học hỏi mày mò để sản xuất ra giống cây – con, chế tạo máy hút bùn – đào đất, máy gặt – đập – suốt lúa từ thô sơ đến máy liên hợp … và cả làm “Thần đèn” dời nhà, dời cả nhà chùa, nhà thờ v.v…Vậy mà như vô tình có lúc ta đi hỏi họ: “Nên trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai”! Đành rằng họ có ơn lớn trong sự nghiệp đổi mới, cứu đất nước thoát khỏi thời khủng hoảng đen tối những năm giữa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Nhưng họ không thể giải bài toán này. Vì đó là trách nhiệm tự nhiên của “Ba nhà” ở giới thượng tầng. Đó là: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà khoa học. Trong đó trước nhất, trên hết và chủ yếu là Nhà nước:

– Nhà nước phải xác định lại qui hoạch và bảo vệ qui hoạch vùng sản xuất lúa quốc gia. Phải sống chết mà giữ cho được diện tích đó, ít nhất trong 50 năm. Chuyển mục đích từ 01 đến 05 ha phải do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT duyệt và chịu trách nhiệm trước cả nước. Hạn trên đó phải do Thủ tướng duyệt. Các tỉnh trong vùng, làm qui hoạch sử dụng đất không được làm theo “tư cách  quốc gia”, nghĩa là như cả nước, ai có gì mình có nấy như: Cảng sông biển, sân bay, sân golf, khu công nghiệp, nhất là công nghiệp đóng tàu, công nghiệp ô nhiễm như nhà máy giấy, thuộc da, dệt nhuộm, tái chế phế liệu v.v… là không được đem về đây.

– Vùng sản xuất phải được qui hoạch lũ trong điều kiện nước biển dâng và tần suất ngập lụt thiên tai (như hiện nay). Quản lý sản xuất phải theo qui hoạch, không để tự phát. Không bảo đảm thì kiên quyết không sản xuất lúa trong mùa nước mà chuyển sang nuôi hoặc trồng cây con khác phù hợp.

– Mỗi trường ĐH, Viện nghiên cứu trong vùng, thậm chí cả nước cần được giao nhiệm vụ, đề tài có liên quan đến vùng trọng điểm lúa. Mỗi kết quả nghiên cứu hay sáng kiến được áp dụng làm lợi, kể cả của nông dân đều phải được công nhận, trả công và bảo vệ bản quyền. Không cần khen thưởng cho oai. Phải có cơ quan, người cầm cân nảy mực cụ thể được giao nhiệm vụ này.

– Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải hội đủ điều kiện. Không cấp phép cho “công ty giỏ xách” xuất khẩu gạo mà không có kho, không có hợp tác với nông dân. Có thể tham khảo mô hình Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang đang làm. Vừa sử dụng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp ra trường ngày càng nhiều, đem chất xám về nông thôn, không chỉ có “cùng nông dân ra đồng” làm lúa mà còn xây dựng nông thôn mới. Vừa bảo đảm đầu vào sản xuất cho nông dân (kỹ thuật, vật tư, giống…), vừa bảo đảm đầu ra (tiêu thụ lúa) thuận tiện và có văn hóa cho nông dân. Hiện nay Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đang “lọc“ lại từ trên hai trăm công ty kinh doanh xuất khẩu gạo, chọn những công ty có năng lực thật sự. Về điểm này, ta cần tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan. Phải khẳng định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo để giúp họ chứ không ai khác. Nhưng họ phải là hạt nhân thật sự chứ không phải là ký sinh, chụp giựt. Nông dân giỏi mà chưa giàu là vì “Nhạc trưởng” chưa có gậy chỉ huy đúng nhịp và thành phần doanh nghiệp ăn theo lúa gạo quá đông!

– An ninh lương thực là Nhà nước lo, không để cho nông dân lo như hiện nay. Khi giá lúa tăng thì Chính phủ sợ dân nghèo không đong gạo nổi nên kiềm giá. Nhưng kiềm giá cho 20% dân nghèo và ngưỡng nghèo thì 80% còn lại hưởng lợi là không công bằng. Thái Lan hiện giờ họ còn phát tem phiếu gạo cho người nghèo để Chính phủ bù giá. Ta từng làm rồi sao nay lại bỏ. Năm Liên Xô sụp đổ, tôi đến một nước tư bản rất giàu, họ còn độc quyền quản lý gạo, muối, đường ăn do các công ty quốc doanh và HTX thu mua giá thế giới, thậm chí cao hơn và bán lẻ bằng hoặc dưới giá thành có bù lỗ. Vậy là sao?

– Cuối cùng và cũng là trên hết là chiến lược quản trị quốc gia. Trong đó vấn đề giáo dục – dạy nghề đi đôi với khôi phục VỐN môi trường thiên nhiên và VỐN môi trường xã hội – VỐN CON NGƯỜI. Bởi muốn khôi phục, bảo vệ môi trường thiên nhiên thì dân phải không thiếu đói mới không làm thuê cho lâm tặc phá rừng, đào bới quặng, săn bắn thú… Dân có học, có nghề, có việc làm là điều kiện tiên quyết để có VỐN NGƯỜI. Dạy nghề nông thôn phải tách bạch với dạy nghề của Khuyến nông. Không tách ra thì không chuyển dịch lao động được. Không thể dạy đan rổ rá, lợp lờ hay dạy làm ruộng nuôi heo mà gọi là dạy nghề để chuyển dịch kinh tế. Bởi đơn giản là nếu làm nông dân thì các nghề ấy cha truyền con nối có gì mà phải dạy.

Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực thuộc phạm trù nông nghiệp, nhưng giải quyết các mâu thuẫn để phát triển bền vững lại thuộc phạm trù chính trị – xã hội. Vốn tự nhiên (tài nguyên trên mặt và dưới lòng đất) ta không còn nhiều và đang bị khai thác vô độ, vốn xã hội đang bị vơi nhanh, vốn thời gian cũng không còn rộng rãi như thời vàng son đổi mới đã qua – 25 năm! Bài toán khí hậu và an ninh lương thực phải được giải đồng bộ đồng thời với xử lý và khắc phục những vấn đề nêu trên.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)