Trí thức là ai? Họ đang làm gì?

* Báo Tuổi trẻ ngày 19/7/2006, bạn đọc Linh Trang viết: "Chạy... “tiến sĩ”!... ai “chạy” khỏe nhất? Trước hết là các quan chức trong ngành giáo dục và bên ngoài. Một chủ nhiệm khoa, một phó hiệu trưởng, một hiệu trưởng... có thâm niên quen biết nhiều, khi cần có cái bằng tiến sĩ đụng đâu có người giúp đó vì tình cảm cũng có nhưng chủ yếu vì mối quan hệ "có đi có lại", "cộng tác lâu dài", tôi lo cho anh thì anh lo cho tôi... Chống gian lận thi cử, trước hết các quan chức to, nhỏ trong ngành giáo dục, trong các trường đại học... không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước thực trạng này!"


Một bản tổng kết quá hay, cực chính xác với những cụm từ đích đáng: quan chức trong ngành và bên ngoài, có thâm niên, có đi có lại, lâu dài…
Nhân việc Bộ trưởng mới Nguyễn Thiện Nhân khen thầy giáo Khoa, em họ tôi, một phó hiệu trưởng PTTH ở Hải Phòng, cũng đang làm thạc sĩ, nói “xanh rờn”: Liệu có đủ sức thay máu toàn ngành không!?
Lại đọc báo thấy năm nay sẽ có thêm hàng loạt trường đại học mới, nâng cấp từ các khoa cũ hay các trường cao đẳng! Lại nhớ lại qua 30 năm “trưởng thành” của một trường bổ túc cán bộ văn hóa ngoài đê La Thành nâng thành trung cấp, rồi nâng thành cao đẳng, rồi nâng thành trường đại học và cấp cả bằng Ts., Ths. mà rùng mình!
Các cỗ máy sản xuất ra trí thức ở nước ta là như vậy và sản xuất như vậy. Đã có những thống kê, cảnh báo về chất lượng đáng báo động của đào tạo nhưng Quốc hội và Chính phủ có nghe thấy không và nếu có nghe rồi thì cũng chưa làm gì để thay đổi mà vẫn cứ đà cũ tiến lên, tiếp tục chế ra những sản phẩm kém. Nêu đích danh thì phải gọi là “làm hàng giả“. Dân ta phải dùng trí thức giả đã mấy thập niên. Thế nên tất nhiên sẽ là rất chính xác khi Phạm Duy Hiển viết trên Tia Sáng số 14.20/7/2006: “…tác động của KHCN đến kinh tế đời sống thì quá ít, chủ yếu chưa có đội ngũ chuyên nghiệp, thậm chí đang có xu hướng thoái hóa”. Ông còn nêu ra con số 50.000 người làm R&D ở ta, gấp 5-6 lần Thái Lan, cao hơn cả Thụy Điển (46.000) lần Singapore (18.000) mà kết quả là 0 trường ĐH thuộc top 500 và 0 nhà khoa học thường được trích dẫn nhất.
Rõ ràng đây không phải chỉ là chuyện làm việc kém mà là tham nhũng chính hiệu vì ta đã chi tiền thuế của dân để làm ra các con số 0. Nếu tính tác hại thì còn phải nêu số âm vì nếu dùng thuốc giả thì không chỉ tốn tiền mà còn sinh bệnh. Tại sao cấm làm hàng giả, thuốc giả mà lại cứ sản xuất ra trí thức giả?
Mặt kia của tờ giấy là những chính sách như: “Trọng dụng nhân tài, trí thức! Tôn vinh thành tích đào tạo 100% khá giỏi! Đón các thủ khoa ở Văn Miếu thờ Khổng Tử! “Chuẩn hóa cán bộ “ở khắp mọi ngành, mọi cấp bằng văn bằng… (trong khi tỷ lệ xin được việc làm của người mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở các công ty tư nhân và nước ngoài  là quá thấp!). Như vậy ta không chỉ làm hàng giả mà còn khuyến khích, thậm chí bắt buộc dùng hàng giả.
Tôi đã nhiều lần kiến nghị đình chỉ việc đào tạo trên đại học ở VN  (nhất là ở các môn KHXH&NV và nghệ thuật!) cũng như đình chỉ làm tượng đài ở VN tới khi ta xác định lại được chất lượng của các thứ sản phẩm này. Nhiều nhà khoa học cũng đã đề nghị thi lại, xét lại các hàm, vị Gs,Ts,Th.s. Lý do quá đơn giản vì các tượng đài của ta không phải tượng đài, không phải nghệ thuật, chẳng ích lợi gì cho dân, cho nước mà chỉ sinh tham nhũng lãng phí. Với đào tạo sau đại học cũng hệt như vậy! Nhưng tôi lại tự hỏi hàng chục năm nay mình được mời góp ý với TW, với Bộ, với Viện khoa học giáo dục… còn chẳng “ăn ai” thì mấy bài báo ì xèo của các bạn trẻ trên báo hàng ngày sẽ tác dụng tới đâu?
Làm thế nào để “thay máu toàn ngành”  như cô em gái tôi “thách” tân Bộ trưởng? Và tôi kính trọng ý kiến của GS Hoàng Tụy khi ông nói về lỗi hệ thống! Nếu không sửa các lỗi hệ thống này thì ta không thể có trí thức đúng là trí thức. Câu hỏi trí thức là ai? Ai là trí thức? Hiện không thể trả lời được ở nước ta. Và câu hỏi Họ đang làm gì?  cũng sẽ rất khó trả lời.
Một vĩ thanh nhỏ: Không ai tự nhận dân tộc mình là lười và dốt. Người nước ngoài lại càng tuyệt đối không dám nói thế mà lúc nào cũng phải nói dân tộc bạn là thông minh và cần cù! Như vậy nhận thức về người Việt thông minh, chăm chỉ chỉ là khẩu hiệu động viên và ít cơ sở để tự hào hay dùng làm cơ sở, xuất phát điểm cho việc đào tạo trí thức. Món “bánh vẽ” này các bậc phụ huynh và “phụ mẫu” của dân đã dùng quá lâu và cũng cần được cảnh tỉnh bằng cách nhìn thẳng vào những kết quả thực tế đáng buồn trong sáng tạo và cống hiến của “trí thức” ta. Nhiều người đề nghị trong giai đoạn quật khởi của Việt Nam, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… cần làm cho  mỗi người Việt nhìn thấy “Người Việt xấu xí” để quyết tâm vươn lên; mà có lẽ trước hết trí thức phải làm gương, nhìn cho rõ “Người trí thức Việt xấu xí” để mà tiến lên và đưa dân đưa nước tiến lên.
Cho tôi được xin lỗi các vị trí thức chân chính mà tôi kính nể khi nói thật và gay gắt về trí thức và đào tạo trí thức ở ta hiện nay.


Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)