Trí thức trong xã hội

Gần đây, tôi đọc lại một bài viết của Noam Chomsky, Trách nhiệm của giới trí thức, đăng ở Mỹ từ năm 1967. Chomsky, người có tiếng nói gay gắt phản đối cuộc chiến Việt Nam, đồng thời cũng phê phán giới trí thức, những ai ngả theo Nhà Trắng và dùng ảnh hưởng của họ để bao biện cho những tội ác xảy ra ở Việt Nam.


Chúng ta cần đào tạo những con người trưởng thành có trách nhiệm và năng lực, những người biết dùng óc phê phán để có thể đề xuất những ý tưởng có tính xây dựng, khả thi, và tiến bộ thay vì đưa ra những chỉ trích vô trách nhiệm, vô ích, và cực đoan. Ảnh: Những thanh niên tiêu biểu của Việt Nam trên Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản lần thứ 42 (SSEAYP 2015).

Bài viết của ông khiến tôi nhớ tới Phong trào Tự do Ngôn luận, từng bùng nổ ở Đại học Berkeley năm 1964 – mà tôi trực tiếp chứng kiến khi đang hoàn thành luận án tiến sỹ của mình – cùng các phong trào Phản chiến và Quyền Công dân diễn ra sau đó. Tôi nhớ đến Martin Luther King với tuyên bố năm 1967: Nếu tâm hồn Mỹ có bị đầu độc hoàn toàn thì trong bản khám liệm tử thi phải có đoạn viết “Việt Nam”; và Bertrand Russell, người viết Tội ác Chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời là chủ tịch tòa án lương tâm Stockholm.

Đọc lại bài viết của ông cũng nhắc cho tôi thấy sự mong manh của giới trí thức. Khi tôi còn ở Berkeley, có vài giáo sư trẻ, bao gồm cả Gef Chew, người nổi tiếng thời đó với lý thuyết “bootstrap” về các hạt cơ bản, khi chuyển đến làm việc ở trường này đã bị buộc phải ký một bản Non-communist Loyalty Oath (Tuyên thệ Trung thành Chống Cộng sản). Để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, các học giả trường Berkeley đã phản đối sự áp đặt này và hậu quả là khoảng ba mươi người bị đuổi việc. Tuy nhiên, trên khắp nước Mỹ, đa số trí thức đã chấp nhận ký bản tuyên thệ. Ellen Schrecker, trong bài viết về chủ nghĩa McCarthy, ghi lại những vụ việc minh họa rất sống động tình trạng này:

“Cuối thập kỷ 1950, một nhóm nghiên cứu sinh Đại học Chicago mong muốn có một máy pha cà phê tự động lắp đặt ngay bên ngoài Khoa Vật lý để thuận tiện cho những người phải làm việc khuya. Họ truyền nhau và ký vào một bản kiến nghị tới Ban Quản lý Tòa nhà và sân bãi. Tuy nhiên các đồng nghiệp khác từ chối ký vào bản kiến nghị vì sợ nếu đứng tên chung thì sẽ dính líu tới những nghiên cứu sinh bị coi là cấp tiến này. Vụ việc trên không phải là trường hợp đơn nhất và là một thí dụ minh họa cho tâm lý kiêng kị mà ngay từ thời đó người ta đã thấy đây chính là hậu quả tai hại nhất gây ra bởi phong trào tố Cộng. Những người cẩn trọng thường né tránh các hoạt động chính trị bởi lo ngại bản thân mình sẽ gặp rắc rối. Giới trí thức thất vọng chứng kiến tầng lớp trung lưu Mỹ trở thành một đám đông thuần phục. Một thế hệ sinh viên câm lặng trong các trường đại học, trong khi các thầy giáo của họ không dám giảng dạy bất kỳ nội dung nào bị coi là gây tranh cãi.”

Nhưng may mắn là vẫn có vô vàn những tấm gương trí thức mà ảnh hưởng của họ đóng góp cho sự tiến bộ. Chúng ta nhớ đến Voltaire, Rousseau và các triết gia Lumières, những người bày tỏ khát vọng của nhân dân Pháp và truyền cảm hứng cho Cách mạng 1789; Phan Châu Trinh, người thầy của nhóm Ngũ Long mà một trong số đó chính là Bác Hồ, với những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ và những quyền phổ quát trong giai đoạn 1908 tới 1925. Chúng ta còn nhớ rất nhiều những ví dụ khác.

Chúng ta ca ngợi di sản của những vị vua và hoàng đế bảo vệ cho trí thức và nghệ sỹ, đồng thời vùi xuống bùn nhơ tên tuổi những bạo chúa đàn áp họ. Chúng ta còn nhớ Goebbels, năm 1933, khi hắn chúc mừng các sinh viên đã đốt những cuốn sách “không thuần Đức và vô đạo đức” trong các trường đại học: “kỷ nguyên của chủ nghĩa trí thức Do Thái được bốc thơm đến đây là chấm dứt. Chiến thắng của cách mạng Đức đã mở cửa cho con đường của nước Đức”; Pol Pot với sự đàn áp có tính hệ thống, trong hai năm 1976 và 1977, đối với 1.500 trí thức, những người trở về từ nước ngoài để phụng sự Tổ quốc; Stalin, từ cuộc Đại Thanh trừng và những vụ án ở Moscow năm 1936, tới Đêm của những Nhà thơ bị giết hại năm 1952, đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ những trí thức Do Thái bị đàn áp có tính hệ thống; Franco, dưới sự bảo trợ của Tòa thánh Công giáo, tiến hành từ Khủng bố Trắng, ám sát hàng loạt trí thức, trong đó có Federico Garcia Lorca, và trục xuất 15.000 người Cộng hòa, bao gồm nhiều trí thức như Jorge Semprún; các trại tập trung của Đức đến Mao Trạch Đông với Cách mạng Văn hóa và Phong trào Trăm hoa đua nở. 

Để bày tỏ rằng việc nói về vai trò và trách nhiệm của trí thức trong xã hội là một chủ đề dễ trở nên nhạy cảm, chệch khỏi khuôn khổ định hướng chính trị của các chính quyền hoặc làm mếch lòng ai đó. Tuy nhiên, cần phải có cách để bàn về chủ đề này một cách duy lý, khách quan, tránh sa vào cảm tính một cách không cần thiết, với mục đích duy nhất là chỉ ra những điều cần làm để giúp đất nước tiến bộ.

Chúng ta phải tin rằng giới trí thức không phải là mối nguy hại đối với thể chế, nhưng cũng không phải là những nhân viên răm rắp làm theo chỉ đạo bên trên; họ không phải là những kẻ kiêu ngạo, thích hưởng thụ các đặc ân quá phận, nhưng cũng không phải là đối tượng để các nhà cầm quyền xem thường hoặc sách nhiễu. Chúng ta phải tin rằng trí thức là những công dân có tinh thần trách nhiệm, người có bổn phận trước quốc gia khi được trao cơ hội để phát triển tới một trình độ cao về học thuật, sẵn sàng trở thành tấm gương về năng lực, trí tuệ và đạo đức. Họ cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng theo cách nào đó giống như các già làng, những người được lựa chọn bởi “phẩm giá, uy tín, sự trung thực và tầm nhìn xa trông rộng, cùng với những tri thức, sự hiểu biết và ý thức hướng tới công lý”. Chúng ta phải tin rằng tri thức chính là cội nguồn của năng lực và sự thông thái, thay vì là công cụ cho quyền lực; là động lực thúc đẩy văn hóa thay vì những giá trị vật chất, và phụng sự cho cộng đồng thay vì cho lợi ích cá nhân.
***
Giáo dục đại học và đào tạo đóng một vai trò trọng yếu trong việc đào tạo ra những công dân có tinh thần trách nhiệm, xóa tan mọi nỗi sợ hãi đè nén người trí thức như Ellen Schrecker từng nhắc nhở: Một thế hệ sinh viên câm lặng trong các trường đại học, trong khi các thầy giáo của họ không dám giảng dạy bất kỳ nội dung nào bị coi là gây tranh cãi. Chúng ta cần phát triển tư duy phê phán trong sinh viên, thay vì bắt các em học thuộc lòng những luận điểm mà bản thân các em không thực sự hiểu đầy đủ.

Câu chuyện này rất liên quan đến cuộc tranh luận về việc giáo dục nên phục vụ đại chúng hay cho một nhóm tinh hoa. Ở Việt Nam, do sự chi phối của lịch sử và chính trị, đã có nhiều cuộc tranh luận về quan điểm giáo dục. Hậu quả là một thời gian rất dài, giáo dục phục vụ đại chúng được coi trọng trong khi giáo dục phục vụ nhóm tinh hoa bị xem nhẹ.

Đến nay tôi cho rằng rõ ràng Việt Nam cần chuyển đổi điểm cân bằng (hay có lẽ là điểm bất cân bằng) trong giáo dục, theo xu hướng thiên hơn về nhóm tinh hoa. Qua một trường hợp như Quốc học Huế, trước đây vốn dành cho con em hoàng tộc và các gia đình danh giá, nơi đào tạo ra những cựu học sinh như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Diệu, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Việt v.v, phải chăng chúng ta nên ghi nhận rằng chủ trương đào tạo tinh hoa thời đó đã có sự đóng góp đáng kể cho Cách mạng? Còn cái được gọi là các lứa cử nhân tài năng ở các trường đại học Việt Nam ngày nay có lẽ còn rất xa mới đạt được mục tiêu tương tự như vậy. 

Đối với hoạt động nghiên cứu cũng có thể áp dụng cùng một tư duy như vậy. Để nền khoa học tiến bộ, cần hình thành một số ít những trung tâm xuất sắc, được cẩn trọng lựa chọn căn cứ theo nội dung, giá trị và những cam kết của nhà nghiên cứu. Thay vì nâng cấp đồng loạt các cơ sở nghiên cứu trong cùng một ngày, chúng ta chỉ có thể dành sự ưu đãi về điều kiện vật chất cho một số ít những đơn vị thực sự xứng đáng; thành công của họ sẽ là hạt giống đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của quốc gia cũng như thế giới.

Quan điểm phản đối chủ nghĩa tinh hoa chủ yếu là về vấn đề phân tầng xã hội. Một thực tế đáng buồn là trong mọi thể chế, con em các gia đình khá giả và được giáo dục chu đáo thường có nhiều cơ hội vào đại học hơn so với con em những gia đình ít điều kiện. Học phí quá cao và ít học bổng cho sinh viên nghèo là một thực trạng ở các trường đại học Việt Nam. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là đảm bảo sự liêm chính trong việc tuyển chọn sinh viên đầu vào, tuyệt đối không chấp nhận sự nể nang riêng tư, óc bè phái, hay tệ tham nhũng. Đây là một công cuộc mà Việt Nam còn đang phải nỗ lực, và phải tiếp tục duy trì.

Các bậc ông bà, cha mẹ của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay trước đây từng trải qua những năm tháng khó khăn. Trong chiến tranh và đói kém, bát cơm thường được coi trọng hơn sách vở. Không có gì lạ khi thế hệ đi trước mong con em mình được hưởng các điều kiện vật chất mà họ từng thiếu thốn. Nhưng nhiều năm đã trôi qua. Đã đến lúc tôn vinh các giá trị trí tuệ, đạo đức, văn hóa hơn các giá trị vật chất. Đã đến lúc những con em ưu tú trong thế hệ trẻ vươn đến tri thức và sự xuất sắc. Họ phải được trao cơ hội phụng sự đất nước và tự hào với những gì mình đóng góp cho sự phát triển của nó. Họ phải được trao một tầm nhìn về tương lai, và được ý thức về bổn phận trên vai mình, rằng trách nhiệm của họ là khiến ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay.

Điều đó đòi hỏi một sự thay đổi trong hệ thống hiện hành. Cần một bầu không khí tin tưởng thay cho sự ngờ vực. Thế hệ trẻ phải được dũng cảm nói lên quan điểm riêng của mình và thế hệ cha anh phải khuyến khích điều ấy với một tinh thần tích cực và xây dựng. Chuyện ấy không hề gây nguy hại cho thể chế, mà sẽ giúp tạo bước đột phá trong công cuộc phát triển đất nước.

Chúng ta cần đào tạo những con người trưởng thành có trách nhiệm và năng lực, những người biết dùng óc phê phán để có thể đề xuất những ý tưởng có tính xây dựng, khả thi, và tiến bộ thay vì đưa ra những chỉ trích vô trách nhiệm, vô ích, và cực đoan. Thật dễ để nhìn ra điều gì cần thay đổi; thực sự thực hiện những thay đổi cần thiết mới là thách thức khó khăn. Cái chúng ta cần là giải pháp chứ không phải những chẩn đoán.

Chúng ta không nên e sợ việc đào tạo nên những con người tinh hoa. Tri thức và năng lực sẽ không bao giờ làm hại sự phát triển của đất nước, mà hoàn toàn ngược lại. Những ai am hiểu lịch sử biết rằng kể từ Pericles và Khổng Tử, trong gần hai mươi lăm thế kỷ, chúng ta đấu tranh cho một thứ công lý hoàn hảo mà đến nay hầu như không mấy thay đổi, và không may là khoảng cách tới cái đích ấy cũng không rút ngắn hơn là mấy. Những ai am hiểu khoa học biết rằng chúng ta càng học thì càng thấy còn nhiều điều cần phải học. Tuy nhiên, vì tác nhân nào đó mà con người vẫn tiếp tục đấu tranh và tiếp tục học hỏi. Có lẽ đó chính là sự thông thái, sự không chấp nhận những học thuyết và giáo điều, niềm tin vào một thế giới tốt đẹp hơn, niềm khao khát muốn học cách chung sống, để thấu hiểu nhau hơn, để tôn trọng nhân phẩm hơn tất thảy. Chúng ta không nên e sợ việc đào tạo nên những người trí thức.

Trong suốt tám thế kỷ, giới tinh hoa Việt Nam từng được tuyển chọn dựa trên thành tựu thi cử. Chính xác hơn là từ năm 1075 khi vua Lý Nhân Tông tổ chức kỳ thi Nho học đầu tiên, tới năm 1919 khi chính quyền thuộc địa Pháp chấm dứt các kỳ thi này. Tôi không muốn nói rằng chúng ta nên áp dụng nguyên trạng thông lệ cũ bởi rõ ràng đó sẽ là một sự thụt lùi cả về xã hội và văn hóa, tuy nhiên người Việt nên tự hào với ý nghĩa của di sản cũ, một truyền thống tôn trọng trí tuệ và các giá trị đạo đức. Chúng ta nên quan tâm đến việc duy trì sự tôn trọng ấy, và trong trường hợp thiết thì hãy khôi phục nó.

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)